Tuesday, May 3, 2011

TƯỞNG NIỆM CỐ GIÁO SƯ VIỆN TRƯỞNG NGUYỄN VĂN BÔNG (GS.Lê Công Truyền)


GS.Lê Công Truyền
7/11/2009

(Phát biểu nhân ngày giổ Giáo sư Nguyễn Văn Bông ngày 7/11/09)

GS.Lê Công Truyền Vừa là sinh viên Ban Cao Học Công Pháp 2 tại Trường Luật (1964), vừa là nhơn viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1968), tôi có nhiều dịp diện kiến và hầu chuyện với Giáo sư Thạc sĩ Nguyễn Văn Bông (THẦY). Nhơn ngày giổ lần thứ 39 của THẦY, tôi xin hồi tưởng những kỷ niệm, lòng ưu ái của THẦY và những điều tôi được học hỏi nơi THẦY để viết mấy giòng sau đây, thay cho những nén tâm hương kính dâng hương linh THẦY. Nhơn dịp này, tôi cũng xin cảm tạ phu nhơn của THẦY, sau Lễ 49 ngày, đã nhờ ông tài xế Nguyễn Văn Bẫm đem cho tôi bộ veste màu nâu nâu mà bà bảo rằng THẦY thích bộ đó nhứt. Thật rất tiếc, khi chạy giặc tôi không đem theo, chỉ mặc một lần đi dự đám cưới, một lần công du Mả Lai Á năm 1973 và một lần công du Hoa Kỳ từ ngày 13-03 đến ngày 10-04-1975!

1. Du Học Pháp Quốc

Cuối năm 1960, một vị Thầy của tôi tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trước năm 1958 là GS Nguyễn Như Cương sang Paris để bảo vệ luận án Tiến Sĩ Kinh Tế. Ông đã ở đó khoảng 8 tháng. Trong thời gian này, ông đã gặp và kết thâm tình với THẦY cho đến ngày THẦY qua đời. Một phần những điều tôi biết về THẦY do ông chia xẻ; một phần lớn do tư cách sinh viên Trường Luật và nhơn viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.THẦY đậu Tiến Sĩ Công Pháp (Droit Public) năm 1960 và Thạc Sĩ Quốc Tế Công Pháp (Droit International Public) năm 1962. Mặc dầu bận học, bận phụ trách khảo cứu tại Luật Khoa Đại Học Đường Sorbonne, THẦY vẫn giữ nhiệm vụ Chủ Tịch Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam tại Paris. Cùng với THẦY trong Ban Chấp Hành còn có ông Nguyễn Thành Nhã (đang hoàn thành luận án Tiến Sĩ Kinh Tế), hai ông Trần Minh Châm và Tạ Ngọc Châu (đều tốt nghiệp Tiến Sĩ Chánh Trị Học). Thời bấy giờ, cộng sản cũng thiết lập một Tổng Hội và một quán ăn riêng nhằm chống đối phía Quốc Gia và tuyên truyền cho chế độ độc tài toàn trị của cộng sản Hà Nội. Do đó, trách vụ của THẦY có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc đối đầu với bọn cộng sản nói chung, bọn sinh viên cộng sản nói riêng. Thời đó, bọn điệp báo, quân báo, “đầu gấu” lềnh khênh trong sứ quán Hà Nội tại Paris và Kinh đô Ánh sáng không phải là nơi an lành cho người Quốc Gia. Vì vậy, câu nói “Ở nơi không nguy hiểm, người ta dễ trở nên can đảmhoàn toàn không đúng đối với Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam và nhứt là đối với THẦY.
Trong quyển Hồi ký “Khơi Giòng Kỷ Niệm” trang 135-136, Giáo sư Tiến sĩ Kinh Tế Nguyễn Như Cương - định cư năm 1981 và tạ thế năm 2009 tại Aachen, Cộng Hòa Liên Bang Đức - đã viết về THẦY: “…Ngày ngày hoặc tôi đi học bên Viện Kinh Tế Nhân Bản với anh Nho, hoặc xách cập đến Thư viện Đại HọcLuật Khoa kiếm tham khảo thêm tác phẩm của các giáo sư Pháp, nhưng cũng chẳng cần thiết lắm. Do vậy, chừng 1-2 tiếng, hai “hảo hán” Bông, Nhân (1) đã xong giờ luyện thi Thạc sĩ đến Thư viện gặp tôi, có khi cùng đi với các anh Nhã, Châm, Châu thành một nhóm kéo đến quán ăn sinh viên ăn trưa, rồi tạt xuống quán cà phê ngồi thảo luận, chuyện trò. Trong các buổi này, tôi được biết nhiều về thân thế của anh Bông, thật là vượt bực xuất sắc. Anh là con một gia đình thanh bạch quê ở Gò Công. Thuở nhỏ, cố gắng học xong Tiểu học, lên Sài Gòn tự lực mưu sinh và tự học Trung học, tới khi đậu Tú tài lại may mắn xin được học bổng du học Paris, cực nhọc, vất vả cho tới năm 1960 đậu xong Tiến sĩ Công luật và được nhận vào làm Phụ Khảo Luật Khoa Đại học, mới có đồng lương tương đối khá, nhưng anh phải tiết kiệm, dành dụm để có phương tiện trở về Việt Nam sau khi thi Thạc Sĩ. Anh cũng cho biết tin vui là đã đính hôn với một thiếu nữ con nhà gia thế hiện học ở Luân Đôn có tên thật đẹp: ‘Mây Mùa Thu’ (Thu Vân)”. (Nguyên phu nhơn của THẦY, Bà Jackie Bông, cho biết: THẦY không được học bổng. Nếu có học bổng thì THẦY không phải đi làm việc cực khổ đến nỗi phải mang bịnh nặng. Khi qua Paris, THẦY phải học école secondaire, đậu Tú tài bên đó chớ không phải ở Việt Nam).
Tết năm Nhâm Ngọ (2002), tôi điện thoại chúc tết GS Nguyễn Như Cương như mọi năm. Trong câu chuyện gần một giờ đồng hồ, ông và tôi đã nhắc lại những kỷ niệm hồi còn ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ông cũng kể tôi nghe chuyện ông bảo vệ luận án Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Sorbonne: “Sau khi tôi trình bày xong, Ban Giám Khảo vào trong thảo luận; khi ra, Giáo sư Leduc (Chủ khảo) mừng tôi được chấm đậu Luật Khoa Tiến Sĩ hạng Bình (Mention bien)Anh Bông tỏ vẻ tiếc tôi không hiểu qui tắc trình luận án là mình cứ xin nhận lỗi thiếu sót khi bị Giám Khảo phê bình, có cải cũng cải sơ sơ, trái lại tôi phản luận quá hăng say, nên dù Chủ Khảo quí mến cũng mất ‘ưu hạng’ (Mention très bien). Tôi nhận lỗi ‘méo mó nghề nghiệp’. Ngồi ghế sinh viên trình luận văn mà cứ như ngồi ghế giáo sư diễn giảng… Giáo sư Cương có nhắc việc THẦY chọn đề tài “Vấn Đề Đối Lập Trong Thể Chế Dân Chủ” để khai khóa niên học 1963-1964 tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Giáo sư đã nói một câu tôi còn nhớ đại khái như sau: Anh rất can đảm khi chọn một bài khai khóa với một đề tài như vậy; nếu anh không bị bọn khủng bố ám hại, anh sẽ tiến xa, anh là một người trầm tỉnh, nghe nhiều, nói ít khi đối thoại ngay cả vớí người chí thân và nhất là có tinh thần vị tha thật cao.

2. Giáo Sư Thực Thụ Luật Khoa Đại Học Đường Sài Gòn
Sau khi đậu xong Tiến Sĩ Công Pháp năm 1960 và hoàn tất cuộc thi tuyển Thạc Sĩ năm 1962, THẦY hồi hương vào đầu năm 1963. THẦY cho biết lúc bấy giờ, vị hôn thê của THẤY còn tiếp tục du học tại thủ đô Anh Quốc và người duợng rể của THẦY bận công tác nên không có ai đón THẦY tại phi trường Tân Sơn Nhứt ngoài GS Nguyễn Như Cương.
Vài tháng sau, THẦY được Viện Đại Học Sài Gòn mời làm Giáo sư tại Luật Khoa Đại Học Đường. Lúc bấy giờ GS Lê Văn Thận đang giữ trách vụ Tổng thư ký Viện Đại Học đã nhanh chóng làm thủ tục để THẦY nhập ngạch Giáo sư Thạc sĩ thực thụ (Professeur Agrégé titulaire).
Lần đầu tiên tôi được hân hạnh gặp THẦY vào một chiều mưa, khoảng tháng 4, 5 năm 1963. Lúc bấy giờ, đang ngồi làm việc trong văn phòng tại Trại Cửu Long - Thị Nghè, tôi được một anh quân cảnh vào cho biết: “Có một vị giáo sư hỏi có Thiếu úy ở đây không?” (2). Tôi đi ra thì gặp THẦY. Tôi mời THẦY vào phòng trực. Ngồi nói chuyện một lúc, THẦY hỏi tôi biết nhà ông Sáu Khuê ở trong căn cứ này không. THẦY cho biết Ông Sáu Khuê là Dượng rể của THẦY. Tôi quen biết và gặp bác Sáu nhiều lần, nhưng không biết nhà. Bác Sáu, Trung úy Cơ khí thuộc Hải quân Công xưởng, có nhà trong Trại Cửu Long. Tôi xin THẦY ngồi đợi. Tôi về Phòng, hỏi có anh em nào biết nhà Trung úy Khuê không. Có một anh Trung sĩ biết. Vì Trời vẫn còn mưa và cư xá Hải quân ở khá sâu trong Trại nên tôi đến xin Đại úy Trưởng Phòng Tư Nguyễn Văn Vinh cho phép tài xế lái Jeep chở THẦY và anh Trung sĩ đến nhà Trung úy Khuê. Cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trường Luật Sàigòn có bốn vị Giáo sư Thạc sĩ: GS Vũ Văn Mẫu (Tư pháp còn gọi là Tư luật), GS Vũ Quốc Thúc, GS Nguyễn Cao Hách (Kinh tế học) và GS Nguyễn Văn Bông (Công pháp còn gọi là Công luật) mà GS Tiến Sĩ Lê Đình Chân gọi một cách trìu mến là Đại Giáo sư mỗi khi tôi đến để giáo sư hướng dẫn việc soạn thảo luận án do ông bảo trợ (3). Ngoài bốn vị Đại Giáo sư, Trường Luật còn có GS Chuẩn Thạc sĩ Vũ Quốc Thông, quý vị Giáo sư Tiến sĩ Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Tấn Thành, Lưu Văn Bình, Nguyễn Độ và một số giáo sư tiến sĩ khác mà tôi không được thọ giáo.
Đầu niên học 1963-1964, được Hội Đồng Giáo sư Trường Luật cử khai khóa, THẦY đã chọn đề tài Vấn Đề Đối Lập Trong Chính Thể Dân Chủ. Thời bấy giờ, đề tài này có vẻ như bị cấm kỵ nên dư luận rất chú ý và hoan nghinh. Phải chăng vì bài khai khóa gây xôn xao trong dư luận quần chúng nên ít lâu sau, chính ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã phải chấp nhận ý niệm “Đối Lập Xây Dựng”? Đang học chứng chỉ Cao Học Công Pháp 2 niên học 1961-1962, tôi được gọi tái ngũ vào Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (năm 1966 được nâng lên cấp Sư Đoàn). Trong thời gian này, đi hành quân và cấm trại 100% liên tu bất tận nên tôi phải bỏ dở việc học. Mãi đến niên học 1964-1965, tôi mới học lại chứng chỉ nói trên. Môn chánh của chứng chỉ này là “Droit International Public Approfondi” do THẦY giảng dạy bằng Pháp ngữ. Tôi được Thiếu Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Khang và Đại Tá Tham Mưu Trưởng Bùi Thế Lân cho phép đi trể mỗi ngày thứ 3 trong tuần để có thể tham dự giảng khóa của THẦY từ 7 đến 9 giờ sáng (về sau hai vị vinh thăng Trung Tuớng và Thiếu Tướng). Mỗi sinh viên phải nộp cho THẦY một luận văn bẳng Pháp văn hay Anh văn do sinh viên tự chọn đề tài, nhưng phài liên hệ đến môn học chánh. Tôi chọn “La Neutralité du Laos” và được chấm đậu chứng chỉ Cao học 2.

3. Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
Sau cuộc binh biến ngày 01/11/1963, THẦY được Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên Phó Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bổ nhiệm giữ trách vụ Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành tọa lạc tại số 10 đại lộ Trần Quốc Toản.
Một buổi trưa khoảng tháng 3 năm 1968 (Mậu thân), THẦY và anh Du Kim Long ghé Tòa Đô Chánh rủ tôi đi ăn trưa với hai ông tại tiệm Phạm Thị Trước, đường Lê Lợi. Tới tuần café, THẦY bảo tôi: “Tôi thấy Truyền nên xin trở về Học Viện để có thời giờ làm luận án chớ ở Tòa Đô Chánh thì làm sao mà soạn luận án cho được”. (4)
Sau khi Y sĩ Đại tá Đô Trưởng Văn Văn Của bị thương tại trường Phước Đức (Chợ Lớn) trong một vụ “trực thăng xạ kích lầm” trong trận Tổng công kích Tết Mậu thân đợt 1, tôi đệ đơn xin trở về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nhiệm sở nơi tôi làm việc khi được gọi tái ngũ (1962), rồi biệt phái sang Tòa Đô Chánh (1965) và giải ngũ năm 1966. Khoảng vài tuần sau, tôi nhận được nghị định thuyên chuyển về nơi tôi xin. Khi tôi vào chào từ giả ông, Đại tá Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiểu (sau vinh thăng Chuẩn Tướng) không cho đi. Ông bảo: “Anh ở lại đây làm việc, không đi đâu hết. Tôi sẽ để anh đi dạy như khi anh làm việc với Bác sĩ Của. Từ từ, tôi sẽ sắp xếp sau”. Lúc đó, tùy phái vào trình có ông dân biểu Hồ Ngọc Cứ muốn gặp ông Đô trưởng. Tôi xin phép cáo lui. Vài ngày sau lại vào xin ông cho đi về Học Viện để có cơ hội học thêm. Ông bảo: “Thôi ông ơi! Thời buổi giặc giả mà còn học hành cái gì nữa. Ở lại đây làm việc với người ta”. Tôi đành đi ra để rồi vài ngày hôm sau vào trình xin ông cho đi. Ông lại không chấp thuận. Tôi thấy lòng tốt của ông và tự thấy mình hơi “chướng” nên đành nghĩ cách “mở đường” để về “quê xưa” mà không làm ông phật lòng. Tôi bèn thưa: “Xin cám ơn ông Đô Trưởng, tôi đã có nghị định thuyên chuyển về HọcViện. Nếu Tổng Nha Công vụ thu hồi nghị định, tôi sẽ ở lại”. Ông bảo: “Không có gì khó. Chiều mai, tôi đi họp trên Phủ Thủ Tướng sẽ xin ông Tổng Trưởng cho thu hồi nghị định thuyên chuyển anh”. Ngay sau khi ra khỏi văn phòng ông, tôi vội chạy về Học viện “cầu cứu” với THẦY. Tôi thuật mọi việc. Sau khi nghe tôi trình bày, THẦY liền gọi điện thoại ngay cho ông Tổng Trưởng Phủ Thủ Tướng xin ông chỉ thị Tòa Đô Chánh cho tôi về nhận việc khẩn tại HọcViện (5). Sáng hôm sau, đang ngồi đọc báo tại Sở Hành Chánh Nhơn Viên, tôi được anh tùy phái đến mời gặp ông Đô Trưởng. Ông nói: “Tôi định tái phối trí nhơn sự nên lưu giữ anh. Nhưng mình không có duyên làm việc với nhau. Tôi định chiều nay đi họp sẽ xin Ông Tổng Trưởng cho thu hồi nghị định thuyên chuyển anh về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Nhưng tôi vừa nhận được công văn Phủ Thủ Tướng yêu cầu tôi để anh về Học Viện gấp. Anh về bên đó làm việc với anh Bông cũng tốt. Anh ấy là một người con chí hiếu, có chí, có tài, có đức, trọng điều nhơn nghĩa, trước sao sau vậy. Nhưng trên hết, tôi ngưởng phục lập trường quốc gia vững chắc của anh ấy, sống ở Paris mười mấy năm, gần hang ổ của bọn CS Hà Nội mà không bị tụi nó lôi cuốn. Thôi, chúc anh may mắn, lúc nào rảnh rang sang bên nầy chơi”.
Mãi đến đầu tháng 5 năm 1973, tôi gặp lại ông để tặng ông quyển luận án. Vì luận án liên quan đến nền hành chánh và chế độ địa phương phân quyền của Đô Thành, nên ông đặt mua 50 quyển để phát cho các Phường, Quận, Phòng, Sở Tòa Đô Chánh. Ông qua đời vào tháng 11 năm 1996 tại San Jose. Truớc đó độ một tháng, ông điện thoại cho biết ông sẽ tổ chức một đại hội cựu nhơn viên Đô Thành và mời tôi qua tham dự. Độ một tuần sau, tôi nhận được các tài liệu liên quan đến đại hội và sau đó vài ba tuần nhận hung tin ông qua đời.
Khi tôi về Học Viện, THẦY cử tôi làm Chi Vụ Phó Chi Vụ Tu Nghiệp. Đầu năm 1970, THẦY chỉ định tôi thay thế GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Tương làm Chi Vụ Trưởng vì GS Tương quá bận rộn tại Công Ty Điện Lực.
Trong thời gian làm việc tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, tôi có làm hai việc riêng cho THẦY:
- Với sự chỉ dẫn của THẦY, tôi nghiên cứu và viết một bài, đăng trong Nguyệt San Cấp Tiến. Bài viết liên quan đến vấn đề Qui Chế Công Chức và Các Sinh Hoạt Chánh Trị!
- Một lần, tôi lên xin phép THẦY nghĩ một tuần để đi Huế; THẦY trao cho một dịch phẩm chưa phát hành của Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân,(nguyêntác:“Les Grandes Oeuvres Politiques” của Jean Jacques Chevallier). THẦY bảo: “Lúc này tôi quá bận nên không có thời giờ viết bài giới thiệu quyển sách cho dịch giả. Chừng nào về, Truyền viết một bài để tôi làm ‘Lời Tựa’ cho dịch phẩm”. THẦY phác họa những ý chánh. Mấy ngày ở Huế, sau giờ dạy học, tôi dựa vào các ý đó để viết “Lời Tựa” và trình THẦY khi về Sài Gòn.

4. Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến
Vào cuối tháng 10 năm 1968, THẦY cùng Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy và các chiến hữu của hai vị thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, đối lập với chánh quyền. Dư luận lúc bấy giờ cho rằng với trách vụ Viện Trưởng, THẦY có thể phát triển Phong Trào một cách nhanh chóng. Điều này hoàn toàn không đúng. THẦY không hề và chẳng bao giờ dùng danh vị Viện Trưởng để kết nạp đoàn viên. Xin dẫn chứng:
a) Trong Hồi ký dẫn trên GS Nguyễn Như Cương viết nơi trang 155: “Tôi thấy anh rất ý tứ, rất nguyên tắc, coi việc hoạt động chính trị đảng phái là chuyện riêng tư, nên với tôi cũng như các đồng sự khác, anh không bao giờ đề cập đến Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, chỉ để ý đến phần điều hành công vụ mà thôi”.
Thật vậy, mặc dầu rất bận rộn với các sinh hoạt chánh trị, THẦY vẫn không hề xao lảng trong công vụ: ngoài việc giảng dạy tại Trường Luật và Học Vỉện Quốc Gia Hành Chánh, bảo trợ và hướng dẫn sinh viên soạn luận án tiến sĩ, THẦY đã để nhiều thời giờ và tâm sức trong việc cải tổ học trình Ban Đốc sự, lập Ban Tham sự, Ban Cao học, Trung Tâm Tu Nghiệp Quốc Gia (6), thay đổi tiêu chuẩn trong việc gởi cựu sinh viên các khóa sang Hoa kỳ học Master và Ph.D để phát triển Ban Giảng huấn của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh v..v. Ngoài ra, THẦY còn là Cố Vấn Tối Cao Pháp Viện, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam.
b) Một buổi sáng, khoảng năm 1969, một vị giáo sư, sau giờ dạy, đến Chi vụ Tu nghiệp nơi tôi làm việc (7) cho tôi một tác phẩm của ông và ngỏ ý muốn tôi gia nhập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Tôi thưa: “Thưa anh, bây giờ tôi đang soạn luận án do Giáo sư Viện Trưởng bảo trợ nên không có nhiều thời giờ để sinh hoạt. Tôi sẽ bàn với anh sau khi bảo vệ luận án xong”. Ngày hôm sau, tôi lên văn phòng Viện Trưởng để trình THẦY dàn bài luận án. THẦY hỏi: “Chừng nào Truyền có thể hoàn tất luận án?” Tôi: “Thưa Giáo sư, chắc phải ít nhứt hai năm”. THẦY bảo: “Làm gì mà lâu vậy! Nghỉ dạy các nơi xa đi. Cố gắng hoàn tất càng sớm càng tốt”. Nhơn thấy THẦY vui, tôi hỏi: “Thưa Giáo sư, Giáo sư thấy tôi có nên gia nhập Phong Trào không?” THẦY bảo: “Chưa gấp, cố gắng hoàn tất luận án trước đả. Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là một đoàn thể đối lập thực sự và xây dựng chớ không phải ‘đối lập lom khom’ như người ta xuyên tạc. Truyền có thể được cấp học bổng đi du học hoặc được cử giữ một trách vụ nào đó và sẽ bị Đặng Văn Quang bác nếu ông ta biết Truyền là đoàn viên Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Xong luận án, Truyền sẽ gia nhập ngạch giáo sư. Ở đây làm việc với tôi. Khi nào tôi đi nơi khác, Truyền cùng đi làm với tôi”.Thật là nghịch lý khi hỏi vấn đề này với vị Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn PTQGCT!Tuy không phải là đoàn viên PTQGCT, tôi và anh Triệu Huỳnh Võ - một đồng môn tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh - đều được THẦY kêu đi với THẦY tham dự các đại hội của Phong Trào. Không nhớ rõ là cuối năm 1968 hay đầu năm 1969, chúng tôi đi với THẦY tham dự đại hội tại làng Khánh Hậu, một xã nằm sát ranh giới giữa hai tỉnh Long An và Hậu Nghĩa. Đại hội được tổ chức trên một cánh đồng sau mùa gặt. Nếu tôi hiểu không sai thì đây là đại hội bầu Ban Chấp Hành của Phong Trào. Kết quả đầu phiếu trong đêm đó: GS Nguyễn Văn Bông hơn GS Nguyễn Ngọc Huy một phiếu. Như vậy, THẦY được bầu vào trách vụ Chủ Tịch và GS Nguyễn Ngọc Huy, Tổng Thơ Ký của Phong Trào.
Mỗi lần có đoàn viên về công tác tại các Bộ, THẦY đều đãi cơm tối tại nhà đường Phan Thanh Giản, THẦY đều gọi tôi đến dự. Có một ngày Thứ 6, THẦY cho mời tôi lên văn phòng: Bảy giờ tối mai, Truyền đến nhà dùng cơm”. Tôi tưởng như mọi lần, nên đến sớm với y phục làm việc. Vào nhà, thấy bàn ăn rất tươm tất, chứng tỏ bữa ăn là một bữa tiệc theo lối Tây phương và THẦY mặc âu phục. Tôi vội xin phép cáo lui vì ăn mặc quá “bê bối”. THẦY bảo: Ở lại chơi. Không sao đâu”. Nói xong, THẦY vào trong lấy cho tôi một cái cravate. Bữa tiệc có khoảng trên 10 người. Tôi không nhớ có bao nhiêu người ngoại quốc, bao nhiêu người Việt Nam. Đại Gíáo sư Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu là người duy nhứt tôi còn nhớ trong bữa tiệc tối hôm đó. Một chuyện khá buồn cười: Không hiểu sao tôi lại nghĩ bà ngồi bên tay phải tôi là người ngoại quốc nên buột miệng hỏi làm quen: “Where are you from?” Bà trả lời: “I am from Bình Dương”. Tôi thẹn đỏ mặt. Nhờ nước da mặt bánh mật của tôi nên bà không thấy tôi đỏ mặt. Nếu thấy, có lẻ bà sẽ ngạc nhiên: “Tại sao ông nầy đỏ mặt khi mình cho biết mình ở Bình Dương?”

5. Vụ Mưu Sát Tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
Về vụ mưu sát Giáo sư Viện Trưởng vào tháng 8 năm 1968, có nhiều tác giả viết không đúng sự thật. Bọn khủng bố không đặt chiếc cặp đựng chất nổ trong văn phòng Viện Trưởng mà đặt trong phòng họp Hội đồng Giáo sư, ngay sau bàn viết của Viện Trưởng, phía bên kia tường ngăn hai phòng. Phòng họp Hội đồng Giáo sư không bao giờ được đóng và khóa cửa. Trongthongtin.brinkster.net”, bài “Những người giết GS Nguyễn Văn Bông bây giờ ở đâu?”, tác giả Khánh Dung cho biết: “Nhà báo Nam Thi của tờ Thanh Niên xác nhận hai người chịu trách nhiệm về vụ mưu sát luật sư Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành; vũ khí xử dụng là một trái nổ C4 nặng 4kg đựng trong một chiếc cặp học sinh”. Chỉ cần một tên nào đó vào đặt bom còn hai tên Cảnh và Hoành có thể chỉ làm nhiệm vụ thiết kế và cung cấp trái nổ. “Chịu trách nhiệm” không hẳn là hai tên này vào Học Viện để đặt bom. Như vậy trong vụ mưu sát có ba hung thủ nhận chỉ thị từ bọn sát nhơn cấp trên của chúng. Trái nổ C4 là một loại mìn chống tăng MK6HEAA (high explosive anti-armor). Nam thi đã viết sai: “GS Bông may mắn thoát chết trong vụ này do vừa đi sang một phòng khác lúc mìn phát nổ”. Sai vì khi “mìn phát nổ”, Giáo sư Viện Trưởng đang ngồi làm việc trong văn phòng. Khi nghe tiếng nổ, từ Chi vụ Tu nghiệp tôi phóng lên lầu, nhiều người chạy xuống trong số có Giáo sư Phó Viện Trưởng Nghiêm Đằng và ông Trần Ngọc Lan, thơ ký Văn phòng Viện Trưởng. Lên đến nơi, thấy khói bốc ra dữ dội từ văn phòng Viện Trưởng. Tôi cùng một anh sinh viên xông vào: Sức công phá của trái mìn tạo một khoản trống lớn hơn cái nia trên bức tường sau lưng THẦY. Sức ép do tiếng nổ tạo ra đã đẩy ghế ngồi có bánh xe và cả thân người của THẦY vào gầm bàn; nhờ đó THẦY thoát hiểm, chỉ bị xây xát đôi chút và ngất đi. Tôi cùng anh sinh viên dìu THẦY xuống lầu và tôi đưa THẦY đến bịnh viện Grall của người Pháp trên chiếc Falcon đen của Viện trưởng. Sau khi được các bác sĩ Pháp khám và chích thuốc, THẦY hồi tỉnh: “Cám ơn Truyền. Có anh em nào bị gì không? Câu hỏi ngắn gọn đầy tình người làm tôi xúc động vì mặc dầu chỉ bị xây xát bên ngoài nhưng có thể sức công phá của trái mìn ảnh hưởng nặng đến nội tạng của THẦY, thế mà việc đầu tiền THẦY nghĩ đến là tình trạng của nhơn viên và sinh viên của THẦY. Gỏ máy đến đây, tôi chợt nhớ đến vụ thương xá Tax ở Sài Gòn bị cháy lớn cách nay khá lâu: Khi được báo có hỏa hoạn lớn tại thương xá Tax, Trưởng ban Văn hóa thành Hồ lúc bấy giờ là Trương Mỹ Hoa - về sau có lúc làm Phó Chủ tịch nước VC - đến nơi, câu đầu tiên y thị hỏi: “Mấy tủ nữ trang của tôi trong thương xá có bị hề hấn gì không? So sánh câu hỏi của vị Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và câu hỏi của viên Trưởng ban Văn hóa Thành Hồ, chúng ta thấy rõ sự khác biệt sâu xa giữa người Quốc gia và người Cộng sản: vị tha và vị kỷ!
Nếu tôi nhớ không lầm thì sau đó phu nhơn của THẦY đưa THẦY đi Paris dưỡng bịnh vì bà chị của bà làm y tá lâu năm bên Pháp nên chăm sóc THẦY tại tư gia trong một thời gian ngắn.
Sau khi hoàn toàn bình phục, THẦY trở lại làm việc. Vì văn phòng Viện Trưởng chưa sửa xong nên phòng làm việc của THẦY tạm đặt tại một phòng chưa được xử dụng. Phòng này ở cánh phía tây Học Viện, gần cầu thang và ngay trên phòng của tôi ở tầng dưới. Một buổi sáng, THẦY cho mời tôi lên gặp THẦY. Tuởng có công việc THẦY chỉ thị để làm. Nhưng không phải. THẦY hỏi: Hôm trước tôi với anh Du Kim Long đến Tòa Đô Chánh rủ Truyền đi ăn trưa. Tôi có khuyên Truyền nên nghỉ làm việc ở đó, trở về Học Viện để có thời giờ làm luận án với tôi. Sao chưa thấy Truyền nói gì với tôi về chuyện đó?” Tôi trình THẦY: “Thưa giáo sư, lúc này bận đi dạy nhiều nơi như Đà Lạt, Huế, Cần Thơ và các lớp tu nghiệp cũng như các lớp Năng Lực Hành chánh ở đây nên có nghĩ đến chuyện làm luận án nhưng không có thời giờ để xúc tiến”. THẦY bảo: “Vấn đề đi dạy là phụ, làm luận án mới là chánh, nghỉ dạy các nơi xa đi để có thời giờ làm luận án. Xong luận án, nhập ngạch giáo sư, mặc sức đi dạy. Mà Truyền đã nghĩ đến đề tài luận án chưa? Tôi: “Dạ thưa chưa!” THẦY gợi ý: “Truyền làm Phó Đô Trưởng mấy năm, nắm vững những vấn đề của Đô thành. Nên chọn một đề tài liên quan đến Đô thành, vừa dễ tìm tài liệu, vừa có thể phỏng vấn các giới chức liên hệ, vừa đề nghị cải tiến nền hành chánh Thủ Đô. Bằng cấp Tiến sĩ chỉ khởi điểm chứ không phải kết thúc. Điều quan trọng là những gì mình nghiên cứu, sưu tầm, viết và làm sau đó. Do vậy, không cần chọn một đề tài cao sâu, xa lạ với kinh nghiệm của mình.”.
Sau đó THẦY hỏi tôi nghĩ gì về việc bọn khủng bố mưu sát THẦY hôm tháng trước. Tôi: “Thưa Giáo sư, một phần mình thiếu cảnh giác, không khóa cửa phòng họp sau khi họp xong. Một phần có thể mình bị nội tuyến. Tuy nhiên, mình không thay đổi quá khứ được. Cần nghĩ đến tương lai. Chắc Giáo sư còn nhớ người Pháp có câu: Jamais un sans deux, jamais deux sans trois’. Bởi lẻ đó, xin đề nghị Giáo sư chỉ thị ông Chánh sự vụ Sở Hành Chánh cho khóa cửa phòng họp mỗi khi họp xong và nhứt là Giáo sư cần tránh tạo thói quen trong giờ giấc và lộ trình đi từ nhà đến Học Viện và ngược lại. Giáo sư không nên đi làm theo giờ hành chánh. Mỗi tuần nên ở nhà một ngày nào đó. Hầu hết các nạn nhơn của bọn khủng bố đều lâm nạn vì thói quen của mình. Trước khi hành động, bọn khủng bố đều điều nghiên thói quen do ‘đối tượng’ của chúng tạo ra.” THẦY có vẻ chú ý những đều tôi vừa trình bày: “Tôi đi Pháp từ năm 1949 đến năm 1962 nên không biết nhiều về hoạt động của Việt Minh tại Sài Gòn trong thời gian đó. Chỉ theo dõi những vấn đề quan trọng qua báo chí. Truyền còn nhớ những vụ ám sát tại Sài gòn trong thời gian đó khong ?Tôi: “Thưa, tôi còn nhớ vài ba trường hợp. Trường hợp Tư Hoạch, một thuộc cấp của ông Dương Văn Dương tục gọi Ba Dương (8); sáng nào khoảng 4, 5 giờ, ông ta cũng ra một tiệm nước ở Xóm Củi uống café, ngồi tại bàn đó, ghế đó và cuối cùng bị Việt Minh bắn gục tại bàn đó. Trường hợp Thầy Thuốc Tâm, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nhà ông ở góc đông nam Rue de l’Inspection và đường Paulin Vial, Bà Chiễu; mỗi sáng, khoảng 5 giờ, ông đều ra thấp nhang và cúng nước tại Bàn Thông Thiên trước nhà; một sáng nọ ông bị Việt Minh bắn chết tại Bàn Thông Thiên. Ông Hương cả Nicolas làng Bình Hòa Gia định bị Việt Minh ám sát tại Rue de L’Abattoir, Bà Chiểu (9). Trường hợp cựu Khâm Sai Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Quần Chúng, bị Việt Minh ám sát tại đường Cây Mai vào một buổi chiều khi ông từ tòa soạn về nhà. Ngoài ra, có những vụ ám sát xảy ra sau khi Giáo sư về nước: Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến Trần Văn Văn, ký giả Tiến sĩ Kinh Tế Từ Chung (Báo Chính Luận), Bác sĩ GS Trần Anh, ông Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Lê Minh Trí. Tất cả các vụ ám sát nói trên thành công vì bọn khủng bố đã nắm vững thói quen của các nạn nhơn”. THẦY nói: “Cám ơn Truyền. Tôi sẽ lưu tâm về những điều Truyền vừa đề nghị”.
Đầu năm 1970, Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO: Food and Agriculture Organization) thuộc Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc hội thảo về “Executives Development” tại Bangkok và mời Học Viện Quốc Hành Chánh tham dự. THẦY cử tôi đi. Đây là một cuộc hội thảo quốc tế. Các hội thảo viên phải soạn bài thuyết trình bằng Pháp văn hoặc Anh văn, gởi đến ban tổ chức trước hai tuần để họ dịch từ Anh ngữ sang Pháp ngữ hoặc ngược lại. Bài thuyết trình bằng Pháp văn của tôi: “La Formation des Cadres Dirigeants au Vietnam”. Khi viết xong, tôi trình THẦY duyệt trước khi cho đánh máy và gởi đi.

6. Vụ Ám Sát Tại ngả tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản
Ngày thứ tư, 10 tháng 11 năm 1971, tôi lái xe về nhà. Gần tới ngã ba Trần Quốc Toản - Cao Thắng, tôi nghe một tiếng nổ kinh hồn. Đến ngã ba nhìn sang tay phải, tôi thấy khói bốc lên dữ dội và đồng bào tựu tập thật đông nơi ngã tư Phan Thanh Giản - Cao Thắng. Tôi không biết việc gì xảy ra tại đó. Về tới nhà, nhà tôi cho biết chị đồng nghiệp Tố Ái có nhà gần ngã tư vừa điện thoại cho biết: “Giáo sư Bông bị ám sát bằng chất nổ, đã tử nạn, nghe nói thi hài của Giáo sư được chở đến bệnh viện Đô Thành.” Tôi cảm thấy như trời long đất lở, vội chạy ra bịnh viện. Cảnh sát không cho vào. Mải đến chiều mới vào được. Nhìn thấy linh hài của THẦY, không sao cầm được nước mắt.
Vụ ám sát này đã xác nhận lời nói của tác giả người Nga Maxime Gorki: “Le plus actíf est le plus cruel”. Đối với CS, đảng viên nào hoạt động tích cực nhứt phải là kẻ tàn bạo nhứt. Tích cực nhứt sẽ “được đảng cưng nhứt” và muốn tỏ ra tích cực nhứt phải “thi đua tàn bạo”. Đó là trường hợp Sáu Hoàng Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Văn Trấn, La văn Liếm. Sau 30/04/1975, có những tên VC tranh nhau khoe mình là kẻ thiết kế hoặc tham dự ám sát Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Bông để cho người ta nghĩ rằng “mình đang được đảng cưng nhứt”: các tên VC Đỗ Hữu Cảnh, Trần Văn Hoành, Vũ Quang Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Tuấn Anh và vài tên khác nữa. Nhiều tác giả đã viết về vụ ám sát với những chi tiết không đúng lắm. Có người dựng đứng những chuyện tầm phào chỉ có trong não của họ mà thôi. Lại có những nguồn tin với những chi tiết mâu thuẩn lẫn nhau.

6.1. Các tên sát thủ và bọn đồng lỏa
a) Trong bài “Những người giết GS Nguyễn Văn Bông bây giờ ở đâu?”, tác giả Khánh Dung cho biết người điều khiển vụ ám sát là Vũ Quang Hùng, thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4; người ném cặp đựng trái nổ là Lê Văn Châu, trung úy VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4; người cung cấp 6 trái lựu đạn MK6 là Nguyễn Hữu Thái. Làm thế nào một trung úy tâm lý chiến như tên Thái mà lại có 6 trái MK6? Ai cho hắn? Hắn bịa? Sáu trái lựu đạn thường cũng khó bỏ vào một cái cặp huống chi 6 trái MK6, mỗi trái nặng 4kg (xin xem phần trên về vụ mưu sát).
b) Trong bài “Nhờ Luật Sư Bào Chữa Tôi Thoát Án Tử Hình” đăng trong tờ Pháp Luật Thành Hồ, số xuân 2001, tên VC Vũ Quang Hùng viết là cùng bị bắt với hắn, ngoài tên Châu còn có Thiếu úy BĐQ Phan Thanh Huân, “theo cáo trạng”, là người cung cấp lựu đạn để hắn cấu tạo thành mìn. Như vậy Thái và Huân, tên nào cấp lựu đạn cho tên Hùng? Hoặc có một tên nào khác do tên Hùng bịa ra khi hắn viết: “Tôi nhấn mạnh ‘theo cáo trạng’, vì trên thực tế chuyện cung cấp vũ khí khá ly kỳ”. Có gì gọi là “ly kỳ”? Ban An ninh T4 hoặc bọn Đặc công Thành ủy Sài Gòn đã cung cấp chất nổ cho tên Hùng (Xin xem điểm c. dưới đây.). Bọn sát nhơn gồm có: Hùng, Châu, Thái, Huân và tên VC nằm vùng được bố trí giả làm thợ sửa xe đạp, xe Honda đem bày biện đồ nghề nơi lề đường tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản (Trần Thanh, “Ai đã giết giáo sư Nguyễn Văn Bông?”).
c) Trong bài “Di sản của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Bông”, TS Hoàng Xuân Hào viết theo lời kể của một cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, anh bạn này cũng chỉ nghe tên “cán bộ gái” tán dóc: “…Bà (Nguyễn Tuấn Anh) tiết lộ bà là người chỉ huy đội truyền tin giữa Cục R và ban Đặc công Thành ủy Sài Gòn trong việc đặt kế hoạch và thi hành vụ ám sát TS Nguyễn Văn Bông. Một sư đoàn công binh được giao phó để dự tính việc ám sát và giao kế hoạch bí mật này cho bà để đưa lên Cục R duyệt xét….” Ban An ninh T4, Ban Đặc công Thành ủy Sài Gòn trốn ở xó nào mà phải dùng đến cả một Sư đoàn Công binh trong vụ ám sát? Đúng là tên “cán bộ gái” này khoe mẽ!

6.2. Cách bọn khủng bố quăng trái nổ
a) Trong hồi kỷ dẫn trên, nơi cước chú 61 trang 159, GS Nguyễn Như Cương viết: “Năm 1978, một người bạn cho tôi biết, tình cờ giải khát tại quán nước trên đường thông ngang Trần Quốc Toản và Phan Thanh Giản, gần chỗ anh Bông bị hạ sát, có 4 tên VC đương ăn nhậu, một tên khoe chính hắn đẩy quả đạn pháo vào đường cách xe anh Bông chừng 3m nên mìn nổ đúng khi xe trờ tới. Nếu quăng kiểu đó, trái mìn chưa kịp nổ, đồng bào chung quanh đã nắm đầu hắn ngay. Vả lại, nếu tài xế thấy ai ném vật gì trước đầu xe, do phản xạ, anh sẽ thắng gấp và trái mìn sẽ nổ trước đầu xe. Tên vô lại này bịa! Đúng là một tên VC!
b) Trong bài viết dẫn trên, Khánh Dung ghi nhận: “Xe vừa ngừng, một thanh niên chạy đến gần và ném xuống gầm xe của GS Bông một chiếc cặp trong đựng mìn chống chiến xa MK6…” Như thế thì loại mìn này là loại chúng dùng để mưu sát THẦY tại Học Viện. Không hiểu Khánh Dung lấy tài liệu này ở đâu. Nhưng cách ném trái nổ thì có lý. Khánh Dung cũng viết đúng: GS Bông và người cận vệ của ông thiệt mạng.
c) Trong bài viết “Ai đã giết giáo sư Nguyễn Văn Bông?” Ông Trần Thanh viết theo lời kể của tên Vũ Quang Hùng trong tạp chí “Đứng Dậy” (1976) của LM Chân Tính: “Tên Hùng và một tên nữa được ban An ninh T4 cấp cho một chiếc xe Honda 90, súng K54 và chất nổ…Tên Hùng ngồi đằng sau xe Honda 90 ném trái bom xuống gầm xe của GS Bông rồi bọn chúng phóng xe bỏ chạy…Xe giáo sư Bông có một xe cảnh sát đi theo hộ tống…”. Tên Hùng bịa chuyện: Không có xe cảnh sát hộ tống; ngồi đằng sau xe Honda không có thế để ném trái bom xuống gầm xe. Bọn An ninh T4 cấp cho tên Hùng K54 để làm gì? Để tự vệ? Khẩu K54 không có lợi cho bọn sát nhơn mà còn dễ làm lộ tông tích của chúng. Sau hành động sát nhơn, chúng chạy trối chết thì cần gì phải tự vệ!

6.3. Tổ Chức Bảo Vệ và ngày định mệnh của THẦY.
Sau vụ mưu sát THẦY tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sở Bảo Vệ Yếu Nhân thuộc Tổng Nha CSQG đã cho nhơn viên bảo vệ THẦY. Toán bảo vệ gồm có năm người: anh Nguyễn Văn Út, thuộc ngành cảnh sát đặc biệt của Ty CS Quận 3 và bốn người, thuộc Sở Bảo Vệ Yếu Nhân: hai anh Phát và Phước (không nhớ họ), hai anh Liên Tú Thanh và Nguyễn Thanh Sương. Bốn anh này luân phiên chở nhau trên xe Honda chạy theo xe Falcon đen của THẦY. Anh Nguyễn Văn Út luôn luôn ngồi phía trước với tài xế. Không hề có xe cảnh sát chạy theo sau hộ tống. Thường nhựt là như vậy.
Trưa thứ tư, 10 tháng 11 năm 1971, THẦY có hẹn với ông Tổng Giám Đốc Công ty Điện lực nên tài xế lái từ đường Cao Thắng ra đường Hồng Thập Tự để đi Chợ Quán. Hôm đó là phiên của hai anh Sương và Thanh. Vì bận việc tại Alliance Francaise nên phu nhơn của THẦY nhờ anh Sương đi đón cháu trai lớn của THẦY học ở trường Lê Quý Đôn. Còn anh Thanh bị cảm nên xin phép THẦY cho anh vào ngồi trong xe, giữa tài xế và anh Nguyễn Văn Út thay vì cởi Honda chạy theo sau. Khi trái mìn phát nổ, hai cửa trưóc bung ra, đẩy anh tài xế và anh Nguyễn Văn Út xuống đường. THẦY và anh Thanh kẹt trong xe khi xe bốc cháy nên tử nạn. LS Lâm Lễ Trinh viết trong bài “Mở Lại Hồ Sơ Ba Vụ Án: Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Bá” (cothommagazine.com): “…Nhưng lối một năm sau, ngày 10.11.1971, Gs Bông không thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong vụ mưu sát thứ hai, mặc dù ông được toán an ninh bảo vệ khá chặt chẽ. Kẻ ám sát thảy một trái bom dưới sườn xe của Gs Bông, làm xe nổ tung và gây thiệt mạng cho ông Bông, người tài xế và ba vệ sĩ”. Chỉ có một anh cảnh sát đặc biệt ngồi trong xe và hai anh hạ sĩ quan cảnh sát chở nhau bằng xe Honda chạy theo sau. Hơn nữa, ngày hôm đó chỉ có hai anh cảnh sát ngồi trong xe, không có hai anh cởi Honda chạy theo như thường lệ thì được “bảo vệ khá chặt chẽ” cái nổi gì! Mặt khác, vô tình LS Lâm Lễ Trinh đã thay mặt tử thần cho anh tài xế và thêm hai anh vệ sĩ nữa chết theo GS Bông!

6.4. Góp Gió “góp chút ý kiến” về cái chết của GS Nguyễn Văn Bông
Lúc 11:32 pm, Chủ Nhựt 14/09/2008, tờ Góp Gíó đã phóng lên mạng lưới toàn cầu một điện thư “Về cái chết của GS Nguyễn Văn Bông”. Fénélon, trong Télémaque, đã viết Écoutez tout le monde. Mais croyez peu de gens”. Do đó, tôi đã đọc kỷ điện thư và không hề tin “chút ý kiến ” của Góp Gió, không phải vì tôi bị Fénélon “đầu độc”, mà vì lắm điều viết trong điện thư liên quan đến những điều tôi biết 100%. Vả lại, “ý kiến” không phải là sự kiện khách quan, chẳng nên dùng để kết luận và khẳng định. Xin trích nguyên văn từng câu để nhận xét:
a) “Viên tài xế của GS Bông nguyên là Cảnh sát thuộc Sở Bảo Vệ Yếu Nhân biệt phái qua lái cho GS Bông vừa là tài xế, vừa là Cận Vệ”. Hoàn toàn sai! Anh NguyễnVăn Bẫm, cựu quân nhân, là tài xế cơ hữu của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh chớ không do Sở Bảo Vệ Yếu Nhân biệt phái sang. Anh vẫn tiếp tục lái xe cho hai Giáo sư Viện trưởng đến ngày 30/04/1975.
b) “Vào sáng ngày 10-11-1971, đột nhiên tên tài xế này xin GS Bông được nghỉ vì có chuyện nhà.” Hoàn toàn sai! Như tôi biết và đã viết bên trên, do anh tài xế kể lại: “khi trái mìn phát nổ, hai cửa trưóc bung ra, đẩy anh tài xế và anh Nguyễn Văn Út văng xuống đường”. Như vậy, anh tài xế nào bị đẩy xuống đường và anh tài xế nào “được nghỉ vì có chuyện nhà”?
c) “GS Bông đồng ý và ông tự lái xe một mình.” Hoàn toàn sai! Không có chuyện anh tài xế “xin nghĩ vì có chuyện nhàthì làm sao “GS Bông đồng ý và ông tự lái xe một mình”?
d) “Sức nổ dồn về phía trước, khiến băng ghế sau ép người GS bẹp dí vào tay lái”. Hoàn toàn sai! Anh tài xế Nguyễn Văn Bẫm bị đẩy văng xuống đường. Giáo sư ngồi băng sau. Góp Gió bèn đội xác GS đặt vào tay lái và dùng hai tay ép linh hài của GS “bẹp dí vào tay lái”!
e) “Nếu là mìn VC ném dưới gầm xe thì xác GS Bông sẽ bị tung lên, và dưới mặt đường sẽ tạo ra một lổ thủng lớn. Đằng này, mặt đường vẫn bằng phẳng”. Hoàn toàn sai! Lúc đó, Góp Gió ở căn cứ Hải Quân Sài Gòn hay Vũng Tàu mà biết xác GS bị tung hay không bị tung lên và mặt đường vẫn bằng phẳng? Hỏi nhơn viên Phòng Kiều Lộ Tòa Đô Chánh sẽ biết “mặt đường có bằng phẳng không”!
f) “Việc tên tài xế là nghi can quan trọng nhứt lại không bị bắt điều tra đủ trả lời các nghi vấn”. Góp Gió bịa chuyện ghi ở hai điểm b) và c) để đi đến điểm này. Tài xế Nguyễn Văn Bẫm may mắng bị đẩy văng xuống đường nên không bị chết cháy thì làm sao lại là nghi can quan trọng?
Khi viết, xin Góp Gió nhớ câu “Bán cú phi ngôn tổn hại bình sanh chi đức”. Chỉ nữa câu nói bậy cũng đã làm tổn thương cái đức của mình rồi huống chi trong một điện thư ngắn mà Góp Gió đã viết đến năm “câu nói bậy”!

6.5. Số phận của các tên sát nhơn
a) Theo tác giả Khánh Dung dẫn trên, “Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Vũ quang Hùng và Lê Văn Châu được đưa ra bưng để tránh mũi dùi điều tra của chính quyền và họ chỉ trở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lê Văn Châu về làm việc ở Báo Tuổi Trẻ còn Vũ Quang Hùng được đưa về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3, nhưng sau đó không lâu, Hùng nhảy sang lãnh vực báo chí”. Có thể tên này bị cho ra rìa vì “đảng” nghĩ rằng “thưởng công sát nhơn” của nó bằng cách cho nó làm “quận trưởng” trong vài ba tháng như thế là quá đủ, cần có chỗ trống cho các “đồng chí” từ ngoài Bắc vào cai trị “bọn ngụy dân” Miền Nam. Còn số phận tên Châu bên Báo Tuổi Trẻ cũng không mấy sáng sủa sau khi viên Tổng biên tập bị cách chức vì “tội tiết lộ bí mật quốc gia: Bác Hồ có vợ”!
b) Tác giả Trần Thanh và Khánh Dung đều viết: “Sau vụ ám sát, hai tên khủng bố đã được ban an ninh T4 đưa ra ngoài chiến khu trốn thoát. Sau năm 1975, tên Hùng theo chân đoàn quân ‘giải phóng’ vào Sài Gòn. Hắn được VC cho làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận ba, thành Hồ. Và hắn đã viết hồi ký, kể lại chiến công ‘vẻ vang’ của mình!”
c) Trong bài báo dẫn trên, Vũ Quang Hùng kể: hắn và Lê Văn Châu bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận và lãnh bản án chung thân và chẳng bao lâu bị đưa ra Côn Đảo, nhưng chỉ hơn một năm sau chúng được tự do kể từ ngày 30-04-1975. Không thấy tên sát nhơn Vũ Quang Hùng đề cập phần thưởng mà “đảng” ban cho “chiến công vẻ vang” của hắn.
Đọc đến đây chắc có người tự hỏi: “Hùng và Châu nào bị đày đi Côn Đảo” và “Hùng và Châu nào được ban an ninh T4 đưa ra chiến khu”? Dĩ nhiên, hồi ký của tên Vũ quang Hùng phải đúng vì không ai biết hắn hơn hắn.
Dù bọn sát nhơn bị đày ra Côn Đảo hay được rước vào mật khu hoặc thoát khỏi “Luật Đời”, chúng cũng phải đền tội theo “Luật Trời” như tên Nguyễn Văn Nhung đã thảm sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu vì chúng đã hạ sát một người hiền lương, vị tha, yêu nước, thương dân:
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
“Cao phi viễn tẫu giả nan tàng
Nếu chúng chưa đền tội là vì:
“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo
“Nhược hoàn bất báo thờì thần vị đáo
Nếu Trời không trừng phạt chúng thì con cháu chúng sẽ thay chúng trả món nợ máu vì:
“Phụ trái, tử hoàn. Tử trái phụ bất can”. Đó là “Luật Đời” mà cũng là “Luật Trời”.

Nén tâm hương sắp tàn, xin kính dâng hương linh THẦY hai câu trong Văn Tế Chiến sĩ Trận Vong của Quan Tổng Trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, triều vua Gia Long:
Cho hay sinh là ký mà tử là qui.
Mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”
và tám câu thơ rút từ bài “Chí Làm Trai” của Cụ Nguyễn Công Trứ:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ ?
Cũng có lúc mưa dồn, sóng vổ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi, lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ. (10)

Cước Chú:

1) GS Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Lê Đình Nho và Nguyễn Khắc Nhân
2) Khi ngồi nói chuyện tại phòng trực, THẦY kể: Trước khi về nước, THẦY báo cho ông Sáu Khuê biết nên ông cho người rước thân mẫu của THẦY lên ở nhà ông; hôm nay THẦY đến thăm Bà và gia đình ông Sáu cùng vài người bà con sau mười mấy năm xa cách. Vì THẦY không biết nhà ông Sáu trong Trại Cửu Long nên THẦY hỏi GS Nguyễn Như Cương có quen biết ai trong Trại không. Giáo sư cho biết tôi được tái ngũ hồi đầu năm 1962 và hiện tùng sự tại đó.
3) Sau khi tôi được thuyên chuyển về Học Viện, THẦY nhận bảo trợ luận án của tôi. Tôi chỉ kịp nộp dàn bài và trình THẦY phần Dẫn Nhập thì THẦY lâm nạn. Sau đó mấy tháng, tôi đến xin GS Lê Đình Chân bảo trợ. Giáo sư vui vẻ nhận lời. Mãi đến ngày 21-04-1973 tôi mới bảo vệ luận án tại Trường Luật.
4) Anh Du Kim Long, cố vấn Tòa Đại sứ VNCH tại Mả Lai Á thời ông Trần Kim Phượng làm Đại sứ, là bạn của THẦY khi du học bên Pháp. Tôi quen biết anh nhơn chuyến công du Mả Lai Á lần đầu (1967)
5) Trong Nội các của Cụ Trần Văn Hương (sau Tết Mậu Thân), ông Huỳnh Văn Đạo giữ chức vụ Tổng trưởng Phủ Thủ Tướng chớ không phải Bộ Trưởng như trong nh ững Nội các trước).
6) Sau khi THẦY qua đời, Trung Tâm được cải danh thành Viện Tu Nghiệp Quốc Gia trực thuộc Phủ Thủ Tướng và sau năm 1973 trực thuộc Phủ Tổng Ủy Công Vụ
7) Học Viện có 4 Chi Vụ: Giảng Huấn, Thực Tập, Tu Nghiệp và Nghiên Cứu Sưu Tầm.
8) Tư Hoạch là thuộc cấp của Đệ Nhứt Thủ Lãnh Bình Xuyên Dương Văn Dương tức Ba Dương. Khi Pháp đổ bộ tái chiếm Miền Nam, BX là một trong những lực lượng đánh Pháp rất lâu trước cái gọi là “Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến”(19/12/1946). BX đã làm cho các đơn vị viễn chinh Pháp kinh tâm tán đởm trên lộ trình Sài Gòn - Bà rịa. Trước thế quá mạnh của Pháp, BX rút về Bến Tre, vừa đánh Tây, vừa đánh VM. Tại đây, Ba Dương bị một thuộc hạ, do Tướng CS Nguyễn Bình mua chuộc, bắn lén sau ót. Sau khi Chánh phủ Quốc Gia được thành lập, Bảy Viễn kéo quân về hợp tác. Sau năm 1954, khi nói đến BX, người ta chỉ biết có Bảy Viễn. Không ai biết hoặc còn nhớ đến thủ lãnh Dương văn Dương tức Ba Dương!
9) Rue de l’Inspection, tục gọi đường Hàng Thị, đổi thành đại lộ Bạch Đằng; đường Paulin Vial, tục gọi đường Thầy Bài, đổi thành đường Võ Trường Toản; Rue de l’Abattoir, tục gọi đường Lò heo, không nhớ tên mới. Không biết sau 30/04/75, VC dùng tên bọn sát nhơn nào để đặt lại tên các con đường nói trên: các tên Vũ quang Hùng, Lê văn Châu, Nguyễn Hữu Thái, Phan thanh Huân, Đỗ Hữu Cảnh, Trần Văn Hoành hay Nguyễn Tuấn Anh?
10) Hai câu đầu Cụ Nguyễn Công Trứ rút từ bài Chính Khí Ca của Văn Thiên Tường thời Mạt Tống để nhập đề đoạn thơ nêu trên.

GS.Lê CôngTruyền

.
.
.

No comments: