Luật sư Nguyễn Kim Phượng
Friday, 29 April 2011 13:50
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời,
Mẹ hiền ru những câu xa vời
A à ơi tiếng ru muôn đời….”
Những lời nhạc đậm nét mở đầu cho bài hát tiếng nước tôi của nhạc sĩ Phạm Duy. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói mà hàng triệu triệu người VN lắng nghe trên làn sóng phát thanh, trên vô tuyến truyền hình. Họ thuộc từng chữ như mang một sứ mệnh trong lòng về một quê hương, về một tình mẹ và một tình dân tộc tha thiết. Cái khát khao tự do như một tiếng nói thiêng liêng vang vọng khắp nơi khiến chúng ta phải chọn phần đất này làm quê hương thứ hai. Nói chung ta đang cảm nhận làn gío Tự Do.
Tự Do là gì? Tự Do nói theo tiếng anh là FREEDOM
Theo định nghĩa của cuốn từ điển nổi tiếng Webster thì Tự Do có nghĩa là chất lượng (quality) hay trạng thái được thả lỏng, state of being free.
Một định nghĩa khác thì nói như vậy, Tự Do là một trạng thái không bị từ chối, nô lệ hay còn gọi là ràng buộc, hay có thể nói một cách đặc biệt trong từng trường hợp một như sau:
Tự Do cá tính là khả năng của một người có thể làm một việc dưới sự kiểm soát của chính mình, có thể là một quyết định hay là một lựa chọn.
Tự Do chính trị là sự vắng mặt của những sự gián đoạn bởi những việc làm bắt buộc hay việc bao đồng của một người ngoại bang.
Tự Do kinh tế thường được định nghĩa là sự tự do phát triển, đánh đổi hay tiêu thụ những món hàng hay dịch vụ mà không phải dùng đến sức mạnh, gian dối hay trộm cắp.
Vậy thì Tự Do bắt đầu từ đâu?
Hiến pháp của Hoa Kỳ là một điều luật tối cao trên mọi điều luật được đặt ra, nó là nền tảng và nguyên nhân của mọi đều luật dưới sự tồn tại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và những bộ phận của mọi văn phòng liên bang của chính phủ Hoa Kỳ. Nó là một khuôn hình cho một tổ chức của chính phủ và sự liên hệ mật thiết giữa những văn phòng liên bang, tiểu bang, mỗi người công dân và cho tất cả mọi người ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Lời mở đầu của hiến pháp Hoa Kỳ cũng có hai chữ Tự Do, nhưng điều luật được đặt ra để bảo vệ những quyền tối thiểu mà một người phái có ở Hoa Kỳ cũng có hai chữ Tự Do và hiến chương đầu tiên của bộ luật về nhân quyền là hiến chương mang hai chữ Tự Do.
Tự Do tôn giáo, Tự Do ngôn luận, Tự Do báo chí, Tự Do hội họp và Tự Do đệ đơn.
Chỉ vì hai chữ Tự Do mà chúng ta đã được nghe, thấy và cảm nhận bao nhiêu cuộc chiến đã xảy ra, từ thế chiến thứ nhất, đến thế chiến thứ hai, từ cuộc chiến dân sự trên đất nước Hoa Kỳ, đến cuộc chiến dân sự Trung cộng 1946, và những cuộc chiến tranh lạnh, The Cold War. Chỉ vì hai chữ Tự Do mà biết bao nhiêu người đã bỏ mình hy sinh trong những cuộc chiến tranh vô hạn định.
Nhưng tôi nghĩ một cuộc chiến mà tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đã ghi sâu vào tâm trạng và để lại một nét đậm trong tâm tư của chúng ta đó là cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam.
Sau khi quốc gia An Nam phải chống trả với bao nhiêu trận đánh để đổi lấy hai chữ Tự Do từ phía Trung Quốc, chúng ta lại phải chống trả mãnh liệt để lấy hai chữ Tự Do dưới sự nô lệ của chính quyền Tây Dương, đến năm 1954 thì Nam Bắc chia đôi, quân đội Tây Dương phải bắt buộc rời khỏi VN sau khi hiệp định Geneva kết thúc, rồi Tự Do, những tranh chấp trong nứơc liên tục xảy ra để rồi những người muốn lên cầm quyền đều mang hai chữ Tự Do ra để dụ dỗ, để đấu tranh, dành lấy sức mạnh để làm bá chủ thiên hạ.
Những cuộc đụng độ khét tiếng vang trời đã để lại những dấu vết lịch sử trong cuộc chiến Nam Bắc tranh nhau. Tết Mậu Thân 1968, trận đánh An Lộc, trận đánh Khe Sanh, Dakto. Bao nhiêu anh hùng vô danh đã ngã gục, bao nhiêu người vợ vừa mới cưới chưa một lần được hưởng hai chữ hạnh phúc yêu nhau đã phải mang tang khóc chồng, những đứa con chưa được vang tiếng khóc chào đời đã phải vắng bóng cha. Anh em phải chia lìa nhau vì thất lạc trên đường di tản.
Chiến tranh là gì mà chúng ta phải chịu bao đau khổ triền miên trong cuộc sống. Từ chiến tranh nội địa, đến chiến tranh trong tâm hồn, cuộc sống quá ngắn ngủi để chúng ta phải chịu đựng sự tù đày trong tư tưởng, tù đày trong cuộc sống và tự do, chúng ta mất đi ý nghĩa của hai chữ tự do, chúng ta mất đi sự an bình trong cuộc sống, mất đi sự tự do để sống.
Khi lịch sử sang trang ngày 30 tháng 4, 1975, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người đã phải bỏ tất cả để đi tìm Tự do, bao nhiêu câu chuyện thương tâm xảy ra trên biển cả, những chuyến tàu bị hải tặc cướp bóc, những thiếu nữ bị vi phạm tiết hạnh, bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, những trẻ sơ sinh chào đời trong tủi nhục, mặc dù đã 36 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn không bao giờ quên những câu chuyện thương tâm như vợ phải đi thăm chồng trong lao tù nơi đèo heo hút gió, mẹ phải dành dụm buôn bán tất tưởi để có một số tiền mua một chỗ trong ghe cho tương lai của các con. Cha mẹ phải chịu đựng bao nhiêu khổ cực để các con có cơ hội tìm đường vượt biển, tìm tự do cho tương lai. Các con cũng vì cha mẹ mà cố gắng bương chải để kiếm sống cho tương lai chính mình, để có thể mang gia đình đến bến bờ Tự Do, những người trong quân đội VNCH đã phải chịu đựng những nhục nhã, tù đày, bạo hành của những người chiếm đóng miền nam VN.
Những người chiếm đóng miền Nam Việt Nam là những người đã hấp thụ một chế độ cộng sản, theo định nghĩa thì cộng sản là một giả thuyết hay một hệ thống của một tổ chức xã hội dựa trên sự giữ lấy tài sản của mọi người làm của chung, thế thì từ ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghĩa là gì? Công dân Việt Nam ngày hôm nay có thực sự được tự do trong cuộc sống, độc lập trong tư tưởng, và hạnh phúc trong mỗi gia đình hay không? Hay là ngày hôm nay, tự do là những sự kiềm chế trong tiếng nói, trong hành động khi dân chúng muốn phát biểu ý kiến. Độc lập là những cuộc truy tố, tù đày khi dân chúng không tuân theo những điều luật vô lý. Hạnh phúc là những cuộc buôn người xảy ra trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nhất là những cuộc mua bán trẻ em để làm nô lệ cho dân ngoại. Chính phủ phải là những người có học thức, được hấp thụ những kinh nghiệm nơi xứ người để phát triển sự tự do cho quốc gia, để điều khiển một quốc gia độc lập, và để mang lại hạnh phúc cho dân chúng.Nhưng VN ngày hôm nay có thực sự được Tự do, Độc lập và Hạnh phúc như hàng tít lớn đang để trên mỗi tờ giấy phát hành từ chính phủ VN hiện tại hay không?
Chúng ta, những người đã bỏ nước ra đi cũng chỉ vì hai chữ Tự Do. 30 tháng 4, 1975, mẹ tôi bảo tôi đi ra đường để xem chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó mặc dầu vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nhưng vì tính xông xáo, tôi đã không do dự lái chiếc xe Honda về phía phi trường Tân Sơn Nhất để tham khảo tình hình. Một mình lái chiếc xe Honda giữa đường phố vắng người, phần nào cũng làm cho tôi lo lắng.
Ông bà cụ thân sinh ra tôi đã được hưởng sự gông cùm của chế độ cộng sản, sự thiếu thốn của trận đói năm Ất Dậu 1945. Cho nên dưới bất cứ một giá nào, thì chúng tôi cũng phải ra đi để đổi lấy hai chữ Tự Do. Tôi vẫn không bao giờ có thể quên cái cảnh mà mẹ tôi sau khi đẩy chúng tôi lên chiếc tàu định mệnh, đã phải vội vàng leo lên đàng sau con tàu, đến lúc biết ra thì chúng tôi đang ở phía trước con tàu, còn mẹ của chúng tôi đã leo ra phía ngoài tàu và mon men từng bước một để đến với chúng tôi, chỉ một sơ hở nhỏ nhoi là chúng tôi không còn thấy mẹ.
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trên những quốc gia thực hành hai chữ tự do, chúng ta đang được tự do ngôn luận, tự do đi nhà thờ, đi chùa đó là tự do tôn giáo, bao nhiêu đài phát thanh bằng tiếng Việt Nam, bao nhiêu đài truyền hình tải đi những tin tức, những dữ kiện cần biết, cả trăm tờ báo VN phát hành đều đặn để loan tin đến cộng đồng VN, để chúng ta thu thập được những tin tức cấp thời, đó là tự do báo chí, nguyện vọng cho tự do tôn giáo, để những cuộc bắt bớ và những cuộc xâm chiếm lãnh thổ tạo nên những cuộc bạo động gây bao nhiêu tổn thương cho dân chúng VN được chấm dứt. Những người VN tha hương mong mỏi có được một ngày trở về trên quê hương VN với hai chữ tự do, mong mỏi cho tự do nhân quyền trở về trên đất nước VN, mong mỏi cho tự do tôn giáo được thực hành nơi chúng ta sinh ra và lớn lên.
Nếu chúng ta những người mong mỏi mang lại cho quê hương VN hai chữ tự do, để tự do nhân quyền được phát triển, tư do ngôn luận được phát biểu, tự do tôn giáo được thực hành, tự do hội họp không bị giải tán thì chúng ta phải làm gì? Phải chăng chúng ta cần phải trao dồi kiến thức, chúng ta cần phải hướng dẫn con em chúng ta phát triển trên con đừơng học vấn, chúng ta cần phải đấu tranh với trí óc, với những kinh nghiệm sẵn có. Dùng những sự chịu đựng, những tủi nhục chúng ta đã phải gánh chịu, những kiềm chế mà chúng ta đã bị đày đọa, những đói khổ mà chúng ta đã phải đương đầu trên con đường di tản, để giúp sức cho con cháu đạt được nơi xứ người. Cộng đồng chúng ta hiện đang thừa hưởng và gặt hái những kết quả từ công khó của thế hệ trước, ngày hôm nay cộng đồng chúng ta có những tài nhân trong ngành Kinh tế - Kỹ thuật - Chính trị - Luật pháp, kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư, và còn rất nhiều nhân tài ở mỗi lãnh vực mà tôi không thể nói hết ở đây, nhưng chúng ta làm sao có thể chuyển những tài năng sức lực mà chúng ta đang có, đang hưởng thụ nơi quê người về quê hương yêu dấu, để rồi một ngày nào đó, chúng ta và con em chúng ta có cơ hội được phục vụ, được mang những tài năng, sức mạnh , kinh nghiệm, để giúp cho quê hương VN có TỰ DO thực sự. Để làm được việc này,chúng ta phải nhấn mạnh cho thế hệ tương lai của VN biết, các con là những người VN, các con mang dòng máu hào hùng của Lê - Lý - Nguyễn - Trần, của cha anh chúng con đã ngã gục trên quê hương yêu dấu để bảo vệ tự do của chúng con. Bảo vệ tự do của nước VN. Chúng con là những người con của mẹ VN, quê hương mẹ VN có những con sông dài xinh xắn, có những thửa ruộng xanh bát ngát, có những thác nước thiên nhiên chảy vào trong tâm hồn mỗi người và mỗi khi các con nghĩ đến quê hương yêu dấu của các con, thì các con phải mạnh bạo và đứng lên nói rằng, con là người VN.
Chúng ta cần gieo vào suy nghĩ trong cuộc sống của con em chúng ta những ước vọng mà chúng ta chưa đạt được, ước vọng mà một ngày nào đó, con em của chúng ta đã hấp thụ được những kiến thức, những kỹ năng của một quốc gia đứng đầu thế giới và dùng những kinh nghiệm, tài năng, học thức và trí óc để mang về cho quê hương VN sự tự do mà chúng ta hằng mong mỏi.
Tôi mong và chúc cho tất cả quí vị những người đã phải trải qua hai lần di tản, những người đã phải trải qua những sự nhục nhằn, đánh đập, kiềm chế, đói khổ, tù đày, những tưởng không còn thấy ngày mai, có một cuộc sống tự do, thật sự được thanh thản trong cuộc sống, vì khi chúng ta vẫn còn hận thù trong tâm tư, thì chúng ta không có sự tự do trong cuộc đời.
Tôi thường đi vào biệt thự cuối cùng ở Oakhill, San Jose để thăm viếng ông bà cụ thân sinh ra tôi, và từ đó tôi đã khám phá ra được là người VN chúng ta đã có mặt ở San Jose không phải chỉ từ sau 1975, mà chúng ta đã có mặt trên mảnh đất này từ trước năm 1900, hơn cả 100 năm trước, thêm vào đó, tôi đã có dịp đọc được những hàng chữ ghi trên một tấm bia mộ của một người cha để lại những lời nhắn nhủ các con sau khi ông ra đi, lời nhắn có những câu sau đây:
"Con nhớ quê hương đời thảm sầu, nhọc nhằn cuộc sống tựa thân trâu”. Ông còn nói, ở xứ người con cố gắng trao dồi học vấn và khi về VN nhớ xây lại tình người, dựng nước non.
Tôi mong rằng, người cha kính yêu này đã ra đi trong tự do và không suy tư khi ông còn sống trên cõi đời.
Thật vậy, xây lại tình người dựng nước non là ước vọng của tất cả mọi người, làm sao chúng ta có thể xây lại tình người khi tình người đã bị rạn nứt bởi vì tự do không còn nữa, làm sao chúng ta dựng lại nước non nếu chúng ta không có sự tự do đi lại, tự do phát biểu ý kiến, tự do phát triển kinh tế, tự do phát huy tài năng kỹ nghệ. Đã 36 năm trôi qua, không ai có thể nói với chúng ta rằng: Tại sao quí vị cứ mãi hận thù. Tôi nghĩ không ai có quyền nói với quí vị câu hỏi này, những người đã phải chịu quá nhiều đau khổ, mất mát từ sau năm 1975, nhưng tôi mong rằng, với những kinh nghiệm trong cuộc sống, quí vị có thể quên đi một phần nào những đau thương, mất mát và để rồi quí vị tìm lại được hai chữ tự do vì đó chính là ước vọng quí vị đã mong mỏi khi quí vị đặt chân lên mảnh đất Hoa Kỳ để được hưởng không khí tự do, nhưng hơn thế nữa tôi mong rằng, quí vị sẽ tìm được sự tự do trong tâm hồm để cuộc sống quí vị được thảnh thơi trong trí óc, để cuộc sống của quí vị thú vị hơn trong những ngày cuối đời và sự hận thù sẽ không còn nữa.
Và khi quí vị có cơ hội trở về quê hương yêu dấu nơi quí vị đã được hưởng những làn gío tự do, được nói lên hai chữ tự do, sống trên mảnh đất thật sự được tự do, nói lên những câu chuyện mà quí vị đã cảm nhận được từ hai chữ tự do đó, nơi quí vị đang sống với những quyền hiến pháp đầu tiên cho tự do của con người. Sự tự do này đã được đánh đổi bởi bao nhiêu anh linh của những người xây dựng lên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, không phải tự nhiên mà có, mà chính những sự tranh giành lãnh thổ, cải tổ kinh tế, cải cách di trú và còn nhiều vấn đề mà những người lập quốc đã phải hy sinh sự tự do của chính họ để đổi lấy hai chữ tự do cho chúng ta được hưởng thụ ngày hôm nay.
Và tôi mong rằng tiếng nói VN mãi vang vọng nơi xứ người, vang vọng nhưng không bạo động, để đánh thức những nguyện vọng mà chúng ta hằng đeo đuổi cho một VN thật sự thanh bình, độc lập, hạnh phúc và tự do nhân quyền được thể hiện.
Để kết thúc bài viết này tôi xin mượn một đoạn viết của đại văn hào thi sĩ John Steinbeck đã viết, ông Steinbeck là một nhà văn viết rất nhiều những tác phẩm để đời, ông đã thăm viếng nước VN 5 lần trong khi ông còn sống, và ông cũng đã được giải Nobel về văn chương. Ông viết như vậy:
"Trong thời gian xa xưa nào đó, đã có một cuộc chiến, nhưng đã lâu lắm rồi, và đã không còn gì để nói tới, những cuộc chiến mà ngay cả con người, những người đã tham dự cuộc chiến đó, đã quên đi vì những cuộc chiến khác đã làm cho nó không còn được nhớ đến."
Quá khứ đã là một chuyện buồn, nếu chúng ta tiếp tục hoài niệm để quên đi hiện tại mà không cố gắng gieo mầm cho con cháu chúng ta bước vào ngưỡng cửa vinh quang là một điều thiếu sót. Và đã 36 năm rồi, một chặng đường dài để chúng ta suy ngẫm.
Luật sư Nguyễn Kim Phượng
.
.
.
No comments:
Post a Comment