Monday, May 23, 2011

TRUNG QUỐC TRONG CƠN SỐT DOTCOM (Ngô Minh Trí)



23/05/2011

Với ưu thế là một thị trường lớn cùng những hỗ trợ của chính phủ, các công ty hoạt động trên internet (dotcom) của Trung Quốc đang ngày càng phát triển. Nhưng người ta cũng nghi ngờ vào sự phát triển quá nóng này có bền lâu hay không.

Từng bước độc chiếm thị trường nội địa

Bằng các quy định về điều kiện hoạt động, ví dụ như bắt buộc sử dụng bộ lọc nội dung theo yêu cầu của chính quyền, hay chính quyền ra lệnh chặn vì một lý do nào đó, Trung Quốc đã từng bước làm cho các công ty dotcom của Mỹ dần dần rút lui khỏi thị trường nội địa.
Các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mà các đại gia Hoa Kỳ bỏ lại. Khi Facebook bị chặn tại Trung Quốc thì các “bản sao” nội địa của họ là Renren và Kai Xin Wang đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí mà Facebook có được. Mới đây, Renren thông báo rằng nó đã có đến 117 triệu thành viên đăng ký sử dụng. Tương tự như thế, Youku và Tudou cũng đã thay thế Youtube, và Youku đang xếp thứ 8 và Tudou đang xếp thứ 10 trong số những trang mạng phổ biến nhất tại Trung Quốc theo xếp hạng của Alexa. Sau khi, WordPress, Blogger, Twitter “ra đi” thì có ngay Tianya, Sina thay thế. Rồi Bababian Clone cũng đã trở thành bản copy thay thế Flickr tại Trung Quốc. Thị trường hấp dẫn của Google đã có Baidu, Sina, Sohu.
Một trong số ít các công ty dotcom danh tiếng của Mỹ còn trụ lại được tại Trung Quốc là Yahoo, bởi Yahoo đã chọn phương thức đầu tư vào một đại gia dotcom của Trung Quốc là Alibaba để trở thành liên doanh do Alibaba điều hành để khai thác thị trường, mặc dù Yahoo là cổ đông lớn nhất với 43% cổ phần. Thế nhưng, “mối lương duyên” Yahoo – Alibaba có thể sắp đi đến hồi kết khi hai bên đang tranh luận gay gắt về việc Alibaba đã chuyển nhượng công ty con Alipay, một hệ thống thanh toán trực tuyến tương tự Paypal của Ebay, cho tổng giám đốc điều hành Alibaba là Jack Ma. Yahoo cho rằng Alibaba đã thực hiện việc chuyển nhượng mà không thông qua hội đồng quản trị, Alibaba thì cho rằng mình đã thông báo. Đúng sai thế nào chưa rõ nhưng Yahoo đã thiệt hại nặng khi cổ phiếu công ty này giảm giá đến 11%, mất hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ trị giá thị trường khi kết thúc phiên giao dịch hôm thứ sáu (13.05.2011), bởi phần lớn kinh doanh của Yahoo đang dựa vào thị trường châu Á và Trung Quốc đóng vai trò then chốt.
Sự rạn nứt của Yahoo và Alibaba có thể trở thành bước khởi điểm cho việc đổ bể của liên doanh này khi Alibaba đã tỏ ý muốn mua lại cổ phần của Yahoo ở Alibaba trong thời gian gần đây. Có thể, Alibaba cảm thấy không còn cần đến vai trò của Yahoo nữa vì nay Alibaba đã quá lớn mạnh, giá trị thị trường của Alibaba lên đến 26 tỷ đôla Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao. Nếu điều đó xảy ra, các công ty dotcom của Mỹ xem như chẳng còn gì đáng kể trên thị trường Trung Quốc. Khi đó, các công ty dotcom Trung Quốc xem như đã độc chiếm thị trường nội địa, bởi áp lực cạnh tranh với các công ty dotcom nước ngoài hầu như chỉ đến từ các công ty của Mỹ.

Cơn sốt mới

Ngày 04.05.2011 vừa qua, Renren, một phiên bản Facebook của Trung Quốc, đã chứng tỏ cho thấy các công ty dotcom Trung Quốc đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn khi nó huy động được 743 triệu đôla Mỹ trong lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán New York. Trong ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu của Renren đã tăng giá đến 29%, một mức tăng rất ấn tượng.
Thành công của Renren có thể không là gì khi so với việc Alibaba đã thực hiện IPO được 1,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2007 để trở thành công ty dotcom có giá trị IPO lớn nhất kể từ sau khi Google thực hiện IPO vào năm 2004. Tuy nhiên, đồng hành cùng Renren còn có nhiều công ty dotcom khác của Mỹ cũng đang có kế hoạch IPO đầy tham vọng, và thị trường chứng khoán Mỹ nằm trong đích ngắm của họ, nên China Daily đã hào hứng cho rằng “các doanh nghiệp hoạt động trên mạng của Trung Quốc đang tấp nập IPO trên thị trường Hoa Kỳ”.
Theo China Daily, NetQin Mobile Inc, một nhà sản xuất phần mềm bảo mật cho điện thoại di động của Trung Quốc, cũng đã nối tiếp thành công của Renren sau đúng một ngày. Tiếp đến, Jiayuan.com, một dịch vụ hẹn hò trực tuyến, hay Phoenix New Media có các trang ifeng.com, 3g.ifeng.com, v.ifeng.com, rồi Taomee Inc chủ sở hữu của trang www.61.com, và công ty Xunlei, công ty Youku.com Inc… cũng sẽ thực hiện IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ. China Daily dẫn lời Qiu Yanying, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn đầu tư TX, rằng: “Renren rõ ràng là ngôi sao sáng trong đợt IPO này của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ”.
Danh sách các công ty dotcom Trung Quốc muốn thực hiện IPO sẽ còn dài ra trong thời gian sắp tới. Wall Street Journal đã dẫn lời chuyên gia Neil Shen cho biết có khoảng 15 đến 20 công ty dotcom của Mỹ có kế hoạch thực hiện IPO với giá trị từ một tỷ đô la Mỹ trở lên trong thời gian tới. Neil Shen là đồng sáng lập viên của quỹ đầu tư Sequoia Capital China và là một người có nhiều kinh nghiệm về các công ty dotcom Trung Quốc, từng thành công với công ty kinh doanh du lịch qua mạng tại Trung Quốc là Ctrip.com, công ty này cũng đã niêm yết trên sàn Nasdaq, Hoa Kỳ.

Bong bóng dotcom thứ hai?

Thế nhưng, sự phát triển quá nóng của các công ty dotcom Trung Quốc đang đặt ra vấn đề liệu chăng đang có một bong bóng dotcom thứ hai sau cuộc đổ bể của các công ty dotcom Mỹ vào năm 2000. Zhang Chaoyang, chủ tịch cổng thông tin lớn của Trung Quốc có niêm yết trên sàn chứng khoán New York là Sohu.com, nhận xét với China Daily rằng: “Các công ty Mỹ đã thổi vào bong bóng dotcom cách đây 10 năm, giờ đến các công ty Trung Quốc”.
Trong thực tế, cơn sốt IPO của các công ty Trung Quốc cũng đã không kéo dài quá lâu. Giá cổ phiếu của Renren sau khi tăng đến 29% đạt 18,1 đô la Mỹ vào ngày 05.05.2011 thì đã liên tục giảm và giá chỉ còn chưa đến 13 đô la Mỹ vào ngày 17.05.2011, tức thấp hơn cả mức giá 14 đô la Mỹ trong ngày thực hiện IPO. Tương tự như thế, giá cổ phiếu của NetQin đã nhanh chóng giảm từ mức 11,5 đô la Mỹ trong ngày IPO xuống còn 9,3 đô la Mỹ sau đó vài ngày.
Một số phân tích cho rằng giới đầu tư cũng như các công ty dotcom Trung Quốc đã kỳ vọng quá mức. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện IPO của Renren đã kỳ vọng rằng Renren sẽ đạt được giá trị bốn tỷ đô la Mỹ, tức gấp 67 lần so với doanh thu ròng 76,5 triệu đô la Mỹ mà công ty này có được trong năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với Facebook chỉ là 25 lần khi Facebook được kỳ vọng sẽ thực hiện được IPO khoảng 50 tỷ đô la Mỹ và doanh thu trong năm 2010 của Facebook là 2 tỷ đô la Mỹ. Không riêng gì Renren mà các công ty khác của Trung Quốc đều đặt tỷ lệ này khá cao, Baidu và Sina đều có tỷ lệ khoảng 50. Ngoài ra, kết quả kinh doanh hiện tại của các công ty dotcom Trung Quốc vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Renren vẫn còn lỗ 64,1 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 dù doanh thu đã tăng thành 76,5 triệu đô la Mỹ từ mức 46,7 triệu đô la Mỹ của năm 2009 và 13,8 triệu đô la Mỹ năm 2008. Neil Shen cho rằng so với các công ty dotcom của Mỹ thì các công ty dotcom Trung Quốc thường mất nhiều thời gian hơn để có lợi nhuận.
Chính vì thế, các nghi ngại về một bong bóng dotcom thứ hai bắt nguồn từ Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý.

Ngô Minh Trí
.
.
.

No comments: