Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 27/05/2011
Kể từ thập niên 1970 khi Trung Quốc tách khỏi con đường xét lại của họ, châu Á nhìn chung đã được tận hưởng một thời kỳ hòa bình và ổn định chưa từng có tiền lệ, thoát khỏi mọi xung đột lớn. Tuy nhiên, như Giáo sư Hugh White ở Đại học Quốc gia Australia trong số nhiều người khác đã chỉ ra: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (hiện nay) đang bào mòn các nền tảng của trật tự khu vực”, cái trật tự xuất phát từ sự dàn xếp được với Trung Quốc. Ông gợi ý rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của khu vực duy trì hòa bình và ổn định lâu dài. Để tránh một sự sụp đổ hệ thống, các nhà nước cần xây dựng một trật tự mới và sau đó áp dụng nó theo một cách hòa bình. Điều này có thể có hoặc không đòi hỏi phải xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mới, có tính công thức, cái mà cho đến nay vẫn có vẻ bị thoái thác. Dù có hay không thì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng đòi hỏi các nhà nước – đặc biệt những siêu cường – phải chấp nhận rằng “hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu quốc gia nào”.
Các nhà phân tích cho rằng những siêu cường đang lên thường trỗi dậy như những kẻ xét lại, hơn là như các siêu cường hiện đang tồn tại sẵn trong hệ thống quốc tế, bởi vì điều này tạo cơ hội để tái phân phối quyền lực một cách mạnh mẽ nhất từ những siêu cường hiện tại. Do đó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề đặt ra là liệu họ có tìm cách xây dựng một trật tự mới trong quan hệ đối tác hay cạnh tranh với các cường quốc khác không. Quyết định này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – tổ chức vốn dĩ không có phương cách đương đầu với một Trung Quốc xét lại và do đó phải tìm cách phát triển trật tự hiện nay theo một cách dung hợp với Trung Quốc, nhưng không để Trung Quốc trở thành bá quyền khu vực.
Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc chế độ hiện hành của họ liệu sẽ chấp nhận hay không tiền đề rằng hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ một mục tiêu quốc gia nào. Cho tới nay, Trung Quốc đã xúc tiến một số lợi ích cốt lõi mà họ “nhất thiết coi là không thể đàm phán và chắc chắn sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ”. Những lợi ích cốt lõi đó bao gồm chủ quyền của Trung Quốc, phát triển kinh tế xã hội, thống nhất lãnh thổ – liên quan tới Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể xem các yêu sách về biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND) của mình là lợi ích cốt lõi, mặc dù họ cũng ngại nói ra điều đó một cách công khai. Mặc dù Trung Quốc thường xuyên tuyên bố là họ ưu tiên hòa bình và ổn định ở khu vực ngoại vi của mình, nhưng điều này chưa bao giờ được họ thể hiện ra như là một thứ lợi ích cốt lõi.
Từ quan điểm của ASEAN, phát triển kinh tế – xã hội nên thuộc diện quan tâm đặc biệt. Khái niệm lợi ích cốt lõi cho thấy là Trung Quốc bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ điều kiện kinh tế của mình – yếu tố đảm bảo tính chính đáng của chế độ. Lợi ích cốt lõi có lẽ bao gồm cả an ninh năng lượng và hệ thống truyền thông chiến lược trong khu vực của Trung Quốc. Xét giá trị kinh tế khổng lồ của biển Nam Trung Hoa và sông Mekong, ASEAN nên lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để tịch thu tài sản kinh tế của các nước thành viên, nhằm góp phần làm chế độ thoát khỏi tình trạng bất ổn trong nước, đặc biệt vào những thời kỳ khủng hoảng quốc nội nghiêm trọng. Do đó, bất chấp các nỗ lực theo đuổi giải pháp hòa bình gần đây, biển Nam Trung Hoa vẫn bị đe dọa đặc biệt, với việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt khẳng định chủ quyền hơn qua các yêu sách của họ.
Trật tự khu vực càng căng thẳng thêm do Trung Quốc đã gia tăng đáng kể khả năng theo đuổi những hoạt động gây hấn đối xứng và bất đối xứng nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ:
Hiện đại hóa quân sự: Sau khi tăng gấp năm chi phí dành cho quốc phòng tính theo giá trị thực kể từ giữa thập niên 1990 tới nay, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội ở một tốc độ vượt xa các nước thành viên ASEAN, trong đó có việc họ triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu biển và các vũ khí tấn công tàng hình. Theo nhà phân tích Richard Bitzinger, Trung Quốc có vẻ cũng đang theo đuổi “một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực quân sự, do thông tin dẫn dắt”. Với việc phóng tầm sức mạnh hải quân và không quân vào biển Nam Trung Hoa và xa hơn nữa, hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên lợi ích về an ninh của ASEAN.
Chiến tranh thông tin: Năm 2009, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng “Trung Quốc đang xây dựng năng lực thực hiện chiến tranh trên mạng và sử dụng khả năng kỹ thuật ngày càng khá hơn của họ để thu thập thông tin tình báo Mỹ thông qua một chiến dịch tấn công máy tính tinh vi và kéo dài”. Những khả năng đó của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước thành viên ASEAN, trong đó nhiều nước thiếu nguồn lực để chống lại mối nguy này.
Phát triển sông Mekong: Trung Quốc triển khai hơn 12 con đập lớn trên dòng chính sông Mekong, và điều này, như Trung tâm Stimson đã lưu ý, “gây nguy hại đến an ninh lương thực và sinh kế, đe dọa ổn định trong nước, và gây áp lực lớn lên mối quan hệ khu vực vốn vẫn thiếu sự tin cậy lẫn nhau”. Hơn thế nữa, bằng việc kiểm soát dòng chảy thượng nguồn của dòng sông, Trung Quốc sẽ có khả năng ép buộc các nước ASEAN ở hạ nguồn sông Mekong.
Các biện pháp ấy không chỉ làm tăng khả năng gây sức ép của Trung Quốc đối với ASEAn, mà còn chầm chậm thay đổi cân bằng quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nếu trật tự khu vực yếu đi, điều này đến lượt nó lại gia tăng sự mất an ninh của các quốc gia ASEAN hiện nay – những nước đang tìm cách tự vệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng các chương trình hiện đại hóa quân đội của chính họ, và gia tăng quan hệ quân sự song phương với những nước lớn bên ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Mặc dù Đông Nam Á chắc chắn sẽ phải đối đầu với các vấn đề an ninh nội khối – đặc biệt là xung đột giữa các nước thành viên, xung đột ly khai, và các mối quan ngại về an ninh phi truyền thống – nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ sẽ là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của ASEAN trong hai thập niên tới. Nếu Trung Quốc thể hiện một ý chí chân thành muốn tăng cường minh bạch về quân sự, giải quyết các bất đồng bên ngoài lãnh thổ của họ thông qua các cơ quan đa phương (ví dụ, vấn đề biển Nam Trung Hoa thông qua ASEAN và vấn đề phát triển sông Mekong thông qua Ủy hội Sông Mekong), thắt chặt quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc về các vấn đề an ninh xuyên quốc gia (như là tội phạm xuyên quốc gia chẳng hạn), và hỗ trợ sự hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực có tính hình thức cao hơn, dựa trên công pháp quốc tế; khi đó việc chuyển dịch sang một trật tự khu vực mới có thể làm dung hợp một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, trong khi vẫn đồng thời làm giảm nguy cơ mất ổn định khu vực, và đảm bảo cho ASEAN duy trì quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bắt đầu đi một lối khác, khi đó hệ thống cân bằng quyền lực khu vực có thể sẽ thắng thế, mà các nhà phân tích cho rằng điều này có thể sẽ rất nặng nề đối với cả Trung Quốc lẫn các cường quốc khu vực khác, lại làm giảm ổn định và an ninh ở Đông Nam Á.
Trung Quốc sẽ theo con đường nào? Câu hỏi này chắc chắn phụ thuộc vào cả sự kết hợp giữa an ninh năng lượng trong nước và mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế, lẫn ý chí của Mỹ và các siêu cường khác – có hay không chấp nhận một trật tự khu vực mới nhường đáng kể quyền lực và ảnh hưởng cho Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Eddie Walsh là học giả trên cao học tại Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Johns Hopkins University, trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao (SAIS).
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment