Friday, May 27, 2011

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG : ASEAN PHẢI THẬN TRỌNG VỚI "CẠM BẪY SONG PHƯƠNG" (SGTT)


Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 27.05.2011, 08:05 (GMT+7)

SGTT.VN - Cuối tuần qua, hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) tại Jakarta, Indonesia đã kết thúc với một tuyên bố chung đề cập tới việc thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Nhân dịp này, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phó viện trưởng viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc viện Khoa học xã hội Việt Nam.

SGTT : Thưa ông, mặc dù có ý kiến khi năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam (2010) qua đi, vấn đề Biển Đông sẽ không nhắc đến nữa. Nhưng thực tế thì cả hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 và ADMM-5 mới đây tại Indonesia vẫn “tô đậm” chủ đề này trong chương trình nghị sự, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu đạt được COC. Ông có nhận định gì?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Rõ ràng ASEAN đang thể hiện sự cương quyết của mình, đó là tiến triển rất quan trọng. Điều này cho thấy các nước ASEAN đã đi tới sự đồng thuận cao trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo hướng đa phương, một diễn tiến khác với trước đây, khi một số nước có xu hướng khác nhau.

SGTT : Xin ông nói rõ hơn về sự khác biệt trong ASEAN thời gian qua là gì?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Trước đây vấn đề Biển Đông được nhìn nhận chủ yếu là tranh chấp song phương giữa các nước, Trung Quốc cũng muốn giải quyết song phương với các thành viên ASEAN, và các nước cũng lưỡng lự, như Philippines, Malaysia.
Thế nhưng gần đây ASEAN đã tỏ rõ quan điểm muốn giải quyết vấn đề đa phương, có sự tham gia của quốc tế. Vấn đề này đã được đưa ra các diễn đàn quốc tế, như là ARF, có tên trong chương trình thượng đỉnh của ASEAN và Mỹ cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Trong khuôn khổ hội nghị ASEAN hồi năm 2010 tại Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đề cập tới việc mong muốn các bên liên quan thúc đẩy việc ký kết COC ở Biển Đông.

SGTT : Tại sao Indonesia lại tỏ ra tích cực về vấn đề COC, thưa ông?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Indonesia có liên quan đến một phần trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông, vi phạm đến chủ quyền trên vùng biển của Indonesia. Nước này cũng có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh trên tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông. Đồng thời Indonesia cũng muốn làm điều gì đó để thể hiện vai trò của mình trong năm làm chủ tịch ASEAN.

SGTT : Vậy ông cho rằng diễn tiến ở Biển Đông đang theo chiều hướng nào?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Theo chiều hướng tích cực, vì việc đàm phán đa phương, và tiến tới một bộ quy tắc ứng xử COC là một nhân tố giúp các bên gìn giữ được hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực.
Cần lưu ý rằng, COC không phải là phương tiện để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, mà chỉ giúp giảm căng thẳng, là cam kết giữa các bên bảo đảm môi trường hoà bình, cùng phát triển.

SGTT : Ông có cho rằng mục tiêu đạt được COC vào năm 2012 mà hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 vừa qua đưa ra có khả thi?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Theo tôi cần có ba yếu tố, đó là sự quyết tâm của ASEAN như hiện nay, áp lực của cộng đồng quốc tế và Trung Quốc duy trì cam kết giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực. Nếu không, thì chưa chắc các nước sẽ đạt được COC theo kế hoạch. Tuy nhiên, cần lưu ý một thực tế là dù DOC đã được ký hồi năm 2002 nhưng việc thực thi không được tốt lắm, không nghiêm túc, đặc biệt là về phía Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Nếu đạt được COC thì tình hình sẽ được kiểm soát theo công ước Luật Biển, các bên sẽ tôn trọng nhau trong đối xử các vấn đề trên Biển Đông. Khi đó tình hình sẽ tốt hơn, không những các nước sẽ giảm đối đầu và mở ra mối quan hệ hợp tác mới.

SGTT : Vừa qua thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đề cập tới việc Việt Nam mong muốn hợp tác với các bên liên quan ở các vùng tranh chấp ở Biển Đông khi chưa có giải pháp lâu dài. Xin ông cho biết quan điểm của các nước ASEAN khác?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Kể cả các nước ASEAN và Trung Quốc đều muốn hợp tác ở khu vực này, điều đó cũng giúp giảm căng thẳng và tạo môi trường hoà bình, ổn định, tránh xung đột.

SGTT : Thưa ông, mới đây Indonesia thông báo hợp tác tuần tra chung trên Biển Đông với Trung Quốc, nhưng cũng khẳng định không phải là vấn đề song phương ở khu vực này. Việt Nam cũng khẳng định không có chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc khi sắp ký “Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”. Ông có ý kiến gì về việc này?
TS Nguyễn Huy Hoàng : Phải nói rằng Trung Quốc có vai trò rất lớn trong khu vực cũng như thế giới, và các nước ASEAN cũng có quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc.
Sắp tới Tổng thống Philippines sẽ tới thăm Trung Quốc, bàn về Biển Đông và các vấn đề hợp tác song phương khác. Rõ ràng quan hệ song phương của các nước ASEAN với Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới quan hệ đa phương của hiệp hội này với Trung Quốc nói chung, và ảnh hưởng tới việc ký COC.
Điều quan trọng là Việt Nam cần phải thể hiện sự cứng rắn của mình và cần kiên trì kêu gọi thúc đẩy vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương.

Việt Anh (thực hiện)
.
.
.

No comments: