Tuesday, May 10, 2011

TRUNG QUỐC PHẢI TRẢ GIÁ CHO VIỆC KHAI THÁC ĐẤT HIẾM (AFP)

04/05/2011 - 13:30
Trung Quốc, nước sản xuất tới 95% đất hiếm, loại nguyên liệu quý giá dùng trong các sản phẩm công nghệ cao cấp. Nước này đã thu được rất nhiều lợi lộc nhờ việc sản xuất. Tuy nhiên, giá Trung Quốc phải trả do sản xuất đất hiếm cũng không nhỏ.

Bác nông dân Wang Tao từng trồng ngô, khoai tây và lúa mì chỉ cách bãi phế thải đất hiếm không xa. Gần đây, những hóa chất độc hại từ bãi đất này đã rò rỉ xuống nguồn nước và làm nhiễm độc mảnh ruộng của gia đình ông.
Những người nông dân sống trong vùng bán kính 10 kilomet ở miền Bắc Trung Quốc cho biết họ bị rụng răng và bạc tóc. Các mẫu xét nghiệm cho thấy đất và nước trong khu vực chứa các chất phóng xạ gây ung thư với hàm lượng cao.
“Chúng tôi là nạn nhân. Bãi phế thải này đã làm nhiễm bẩn môi trường sống của chúng tôi”, ông Wang nói. Ông hiện đang sống gần thành phố Baotou thuộc vùng Nội Mông, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
“Ở nơi này, nếu ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm độc, cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông Wang nói, tay chỉ ra phía những cánh đồng khô cằn không còn dấu hiệu sự sống chỉ cách bãi rác vài trăm mét.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm trên thế giới – 17 nguyên tố chứa trong loại đất này được sử dụng trong quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ iPod đến tivi màn hình phẳng và ô tô điện.
2/3 lượng đất hiếm của Trung Quốc được chế biến ở vùng Baotou, cạnh sa mạc Gobi, nơi có rất nhiều khoáng sản.
Các nhóm bảo vệ môi trường từ lâu đã chỉ trích việc khai thác đất hiếm vì nó thải ra các hóa chất độc hại cũng như các chất phóng xạ thorium và uranium vào không khí, nước và đất. Các chất này có thể gây ung thư và khiến người cũng như động vật sống trong khu vực sinh con dị tật.
Với mong muốn đánh bóng danh tiếng là ‘thành phố xanh’ và thắt chặt việc khai thác kim loại, Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch làm sạch môi trường bằng cách đóng cửa các khu mỏ bất hợp pháp, đưa ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm khắc hơn và hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm.
Tuy nhiên, ông Wang và những người nông dân sống ở làng Dalahai oán trách tập đoàn Baogang, tập đoàn nhà nước lớn nhất. Tập đoàn này chế biến đất hiếm, khai thác quặng sắt và sản xuất thép và họ đã làm nhiễm độc ruộng đồng trong khu vực và hủy hoại môi trường sống.

Gió cuốn theo rác thải độc hại
Những cơn gió mạnh thổi qua bãi rác thải chứa hàng triệu tấn rác đã cuốn theo những chất phóng xạ và các chất độc hại sang các làng xung quanh.
“Hiện tượng ô nhiễm ở đây là do khu đập chứa rác”, ông Wang Er nói, đưa ngón tay đen nhẻm chỉ lên mái tóc bù xù đã bạc trắng từ cách đây 30 năm.
Cơ sơ sản xuất của tập đoàn Baogang, bao gồm các nhà máy tinh chế đất hiếm và quặng sắt, trải dài khoảng 7 kilomet, dọc theo một con đường trong khu vực. Lãnh đạo nhà máy từ chối không tiếp xúc với AFP.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, một nghiên cứu do cơ quan phụ trách vấn đề môi trường tại địa phương thực hiện năm 2006 cho thấy mức thorium, một sản phẩm phụ trong quá trình chế biến đất hiếm, trong đất ở làng Dalahai đạt mức cao 36 lần so với các khu vực khác thuộc Baotou.
“Mọi người đang phải chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng,” tờ Nhật báo Doanh nghiệp Quốc gia bằng tiếng Trung Quốc đưa tin hồi tháng 12/2010, kèm theo trích dẫn kết quả nghiên cứu chính thức: 66 dân làng này đã chết do bệnh ung thư trong khoảng thời gian từ năm 1993 – 2005 trong khi sản lượng nông nghiệp giảm mạnh.
“Không có công đoạn nào trong quy trình khai thác đất hiếm không gây hại cho môi trường,” ông Jamie Choi, người điều hành chiến dịch chống các chất độc hại của Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) tại Trung Quốc phát biểu trong một báo cáo gần đây.
Ông Choi cho rằng tác động của những quy định trừng phạt nghiêm khắc của chính phủ phụ thuộc vào việc các quy định này có được ‘thực hiện nghiêm túc’ hay không.
Cách bãi rác thải lớn vài kilomet là nhà máy chế biến đất hiếm Hong Tianyu của thành phố Baotou, một trong hàng chục nhà máy chế biến đất hiếm, sắt và than, trong một khu vực bụi bậm không có người sinh sống.
Công nhân mặc các bộ đồng phục bảo hộ lao động màu xanh phải hít hơi độc hại khi các ống sắt quay khổng lồ chế biến hàng tấn đất hiếm cung cấp cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nơi khác.
Một đốc công họ Wang cho biết nhà máy sản xuất ‘hàng ngàn tấn đất hiếm mỗi năm’ và chất thải độc hại được ống dẫn tới một bãi phế thải trong khu vực.

Đền bù cũng không đủ
Những cánh đồng xung quanh làng của ông Wang đã bị bỏ hoang trong khi người dân chờ đợi tiền đền bù từ chính phủ. Một số người đã ra đi để lại những ngôi nhà và cửa hàng trống trải dọc theo những con đường bụi bậm đã bị hỏng nát không được sửa chữa.
Chính quyền đã quyết định đền bù cho người nông dân khoảng 60 ngàn nhân dân tệ cho mỗi ‘Mu’ đất (tương đương với 8400 đô-la Úc/Mu)(1 Mu= 667 mét vuông) để họ có thể tái định cư ở một làng mới cách đó 4 kilomet. Tuy nhiên, người nông dân sẽ không còn đất canh tác và họ cho rằng khoản tiền đền bù này không đủ bù đắp những thiệt hại họ phải gánh chịu.
“Những người như chúng tôi chỉ biết trồng trọt hoặc chăn nuôi. Nếu chúng tôi không có công việc ổn định, chúng tôi sẽ thu nhập từ nguồn nào? Chúng tôi sẽ sống ra sao?,” ông Wang Tao đặt câu hỏi, gương mặt ông nhăn lại đầy vẻ lo lắng.
Theo ông Wang Guozhen, cựu Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Kỹ thuật Kim loại Trung Quốc, một cơ quan có liên hệ với chính phủ, những tổn hại đối với môi trường do việc khai thác đất hiếm tại Trung Quốc gây ra không thể phục hồi.
“Số tiền từ việc bán đất hiếm chắc chắn không đủ để giải quyết những tác hại đối với môi trường”, ông Wang nhận xét.

Hạn ngạch xuất khẩu nghiêm ngặt
Do nhu cầu tăng vọt, Trung Quốc đang giới hạn hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm đất hiếm. Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh muốn đẩy giá toàn cầu lên cao và bảo quản nguồn kim loại này cho các ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển nhanh chóng của chính nước này.
Động thái này đã dẫn đến những lời phàn nàn từ phía các nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ở nước ngoài. Mỹ và Úc đã phản ứng bằng cách phát triển hoặc tái khai thác các mỏ đất hiếm bị đóng cửa khi nguồn cung từ Trung Quốc có giá thành thấp hơn.
   .
.
.

No comments: