Friday, May 20, 2011

TỔNG THỐNG OBAMA ỦNG HỘ DÂN CHỦ CÓ CHỌN LỰA ? (Nguyễn Văn Khanh)


Nguyễn Văn Khanh
Thursday, May 19, 2011 8:28:37 PM

Bài diễn văn thật hay, được soạn thảo rất kỹ càng, tất cả các nhân viên trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia đều nhận được chỉ thị phải đọc trước và phải đọc thật kỹ, mọi sửa chữa được thông qua bởi nhiều người, từ Phó Tổng Thống Joseph Biden cho đến ông Cố Vấn Tom Donilon. Dĩ nhiên, người cuối cùng đọc và đồng ý với bản thảo vẫn là nhà lãnh đạo quốc gia.

Ðây không phải lần đầu tiên Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chuyện ở Bộ Ngoại Giao, nhưng là lần đầu tiên ông đến đây đọc bài diễn văn trước các đại diện của ngoại giao đoàn và các viên chức trong chính phủ. Bằng giọng nói trầm tĩnh và thật khéo léo, ông mở đầu bằng lời cám ơn bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, người ông bảo “phải nhờ cậy mỗi ngày” mới có thể làm tròn trách nhiệm dân chúng trao phó. Sau đó ông mới đi vào vấn đề, cho biết một vận hội mới đã đến, và cùng nhân dân Hoa Kỳ ông nắm bắt lịch sử để mở một mối quan hệ vững chắc hơn với Trung Ðông và Bắc Phi, hay đúng hơn, với thế giới Hồi Giáo.

Bài diễn văn ông đọc kéo dài đúng 45 phút đồng hồ. Một lần nữa, ông chứng tỏ cho mọi người thấy tài nói chuyện của mình. Ông hùng hồn khi nói về làn sóng đòi tự do dân chủ đang bộc phát ở Trung Ðông cũng như tại Bắc Phi, ông lộ rõ sự cứng rắn khi nói hai chính phủ Do Thái và Palestine phải tiếp tục cuộc đàm phán tìm hòa bình, đưa ra những đòi hỏi mà ông bảo rằng cả 2 chính phủ này phải chấp nhận, và dịu giọng khi nói về một tương lai khi những người thuộc mọi tôn giáo thật sự sống hòa đồng, cảm thông với nhau.

Ðiều khác biệt duy nhất: so với nhưng bài diễn văn ông đã đọc trước đây thì lần này ông nói vấp hơi nhiều. Ít nhất năm bảy lần điều này xảy ra, chứng tỏ chính ông cũng đang lo âu không biết những kế sách đưa ra sẽ được đón nhận như thế nào.

Bài diễn văn của Tổng Thống Obama chứa đựng rất nhiều ngạc nhiên đi kèm với những lời lẽ thật đanh thép. Không chỉ nói đến những nước từng nằm hay đang nằm trong danh sách thù nghịch với Hoa Kỳ như Syria và Iran, ông còn bày tỏ thái độ cứng rắn với những quốc gia đồng minh thân tín như Bahrain hay Do Thái, đòi hỏi những nước này phải góp phần xây dựng lịch sử thay vì tìm cách ngăn chận bước tiến của lịch sử.

Trước hết, ông nói đến giá trị của dân chủ và nhân quyền, nói rằng những gì ông trình bày trong bài diễn văn này “sẽ là chính sách của nước Mỹ để cổ võ đổi mới ở khắp mọi nơi trong vùng và để ủng hộ chuyển tiếp dân chủ,” xác nhận “không phải tất cả những người bạn của chúng ta trong vùng đều đáp ứng các đòi hỏi phải thay đổi”. Ông cũng nói rõ “không chỉ kẻ thù mà chính những nước đồng minh của Hoa Kỳ” đều có trách nhiệm “lắng nghe tiếng nói của người dân” và không một chính phủ nào có quyền đàn áp, sử dụng võ lực với những người bất đồng chính kiến.

Ông cũng nhắc lại những quyền căn bản mà mọi người đều được quyền hưởng, từ tự do hội họp, tự do phát biểu, tự do bày tỏ tư tưởng và tự do thu thập, trao đổi thông tin qua Internet. Ông cũng dành một phần không nhỏ để nói đến vai trò rất quan trọng của người phụ nữ trong tiến trình xây dựng quốc gia, ý muốn nói các chính quyền Trung Ðông và Bắc Phi không tôn trọng giá trị của người phụ nữ đúng mức.

Ông đưa ra thí dụ về những gì đã và đang xảy ra ở Yemen và Bahrain, nơi các chính phủ độc tài đã cai trị trong suốt hàng chục năm qua, đặc biệt tại Bahrain, nơi những người Hồi Giáo Sunni vẫn tiếp tục thống trị tập thể Hồi Giáo Shiite. Ông gọi Bahrain là “đồng minh lâu đời” của nước Mỹ, nói rõ Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh cho quốc gia đồng minh này.

Nhưng ngay sau đó, ông lên án những hành động đàn áp mà các nước đồng minh của Hoa Kỳ đã làm đối với người dân. Ông nói “bước tiến duy nhất là chính quyền và phe đối lập phải nói chuyện với nhau, nhưng cuộc thảo luận sẽ không xảy ra khi những người đối lập vẫn còn bị cầm tù,” và những người Hồi Giáo Shiite vẫn còn nhìn thấy cảnh “đền thờ của họ bị đốt phá.”

Có 2 điều đáng tiếc:
Thứ nhất, ông không nói gì tới đồng minh Ả Rập Saudi, không nhắc nhở gì đến việc lãnh đạo vương quốc dầu hỏa này đưa quân đội sang giúp Bahrain đàn áp các cuộc biểu tình chỉ vì sợ làn sóng cách mạng sẽ vượt biên giới tràn sang lãnh thổ mà họ đang cai trị.
Thứ nhì, ông lên án hành động giết dân biểu tình mà Tổng Thống Bashar Al-Assad của Syria đã làm trong những tháng vừa qua, nói rằng Washington phải quyết định áp dụng biện pháp cấm vận gắt gao vì chính phủ Syria đã vi phạm nhân quyền một cách thô bạo, nhưng chính ông lại cho Tổng Thống Al-Assad hai con đường để chọn lựa “một là đổi mới, hai là ra đi.” Ðiều này khiến người nghe phải thắc mắc, không hiểu làm sao một nhà lãnh đạo dùng súng và xe tăng giết dân lại có cơ hội để thực hiện đổi mới chính trị?

Phần dài nhất trong bài diễn văn của ông được dành để nói về việc ảnh hòa bình giữa Do Thái và Palestine, khởi đầu với lời thúc giục “không thể chần chờ được nữa” và cả thế giới đang trông chờ 2 phía có những hành động cụ thể, chứng tỏ thiện chí muốn giải quyết cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên qua.

Ðể có thể đi đến hòa bình, ông đặt ra những điều kiện cho cả 2 bên. Ðối với Irael, ông nhắc lại lời cam kết bảo vệ an ninh cho quốc gia này, nhưng buộc Tel Aviv phải đình chỉ ngay chương trình di dời dân đến những vùng đất đang chiếm đóng của người Palestine. Với Palestine, ông cho biết ước mong lập quốc chỉ trở thành sự thật nếu người Palestine công nhận sự hiện hữu của Do Thái, cũng như nước Palestine tương lai “sẽ là một nước không được điều khiển bởi quân sự.”

Ông cũng đề nghị dùng biên giới trước khi Cuộc Chiến Sáu Ngày xảy ra hồi 1967 làm biên giới phân chia hai nước, và công nhận vẫn còn một số việc người dân Do Thái và dân Palestine phải giải quyết trong tương lai, như việc phân chia thành phố Jerusalem mà hai bên đều nói là nơi sẽ đặt thủ đô, nhưng lại không nói gì tới việc Fatah và Hamas vừa bắt tay nhau để điều khiển Dải Gaza, trong khi nước Mỹ vẫn xem Hamas là một tổ chức khủng bố và ngay chính những kẻ lãnh đạo Hamas vẫn thường nói mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt Do Thái.

Ngay cả chuyện Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần nói sẽ không rút quân khỏi thung lũng Jordan đã chiếm của Palestine cũng không được ông nói tới. Ðừng quên chuyện Do Thái không rút quân khỏi các vùng tạm chiếm, tiếp tục đưa người đến định cư trên phần đất thuộc lãnh thổ của Palestine và chủ trương hiếu chiến của Hamas là những nguyên nhân khiến cuộc đàm phán hòa bình lâm vào cảnh bế tắc trong hai năm qua.

Sau khi bài diễn văn kết thúc, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ từng can dự vào những vận động tìm hòa bình cho vùng Trung Ðông là ông Elliott Abrams bảo ông Obama nói về cao trào dân chủ Trung Ðông “thì nghe được” nhưng còn giải pháp chấm dứt tranh chấp giữa Do Thái và Palestine mà ông đưa ra “thì chẳng đi đến đâu ca.”

Trong bài diễn văn, Tổng Thống Obama có đưa ra một số kế hoạch mà chính phủ Hoa Kỳ sẽ thực hiện để giúp phát triển kinh tế cho Tunisia và Ai Cập. Nghe ông nói, mọi người có cảm tưởng ông đã dàn xếp xong mọi chuyện, như Hoa Kỳ sẽ tha cho Ai Cập $1 tỉ tiền nợ – sự thật phải chờ quyết định của Quốc Hội và chuyện này có thể tới đầu năm tới mới được giải quyết, và cánh Cộng Hòa đã nói phải chờ xem kết quả bàu cử ở Ai Cập như thế nào trước khi bàn đến chuyện trợ giúp.

Ông Obama cũng nói sẽ bỏ $1 tỉ vào Quỹ Hỗ Trợ Kinh Tế (the Enterprice Fund). Sự thật: bà Ngoại Trưởng Clinton đã mất nhiều thì giờ vận động cho quỹ này nhưng không được Quốc Hội chấp thuận. Bay giờ qua đề nghị của Tổng Thống Obama, Quốc Hội có thể tái cứu xét, và cũng mất ít nhất sáu tháng mới giải quyết được.

Chuyện vui bên lề để kết thúc bài này: theo chương trình, tổng thống có mặt ở Bộ Ngoại Giao lúc 11 giờ 30, và đọc bài diễn văn lúc 11 giờ 40. Không rõ vì sao ông Obama đến trễ 23 phút, tạo cơ hội cho các nhà báo nói đùa là ông dùng giờ Trung Ðông để đọc bài diễn văn nói về Trung Ðông!!!

------------------------------

TIN LIÊN QUAN :






.
.
.

No comments: