Thursday, May 19, 2011

THẦY THUỐC VIỆT NAM NGANG TẦM THẾ GIỚI (?) - (Nguyễn Văn Tuấn)


Nguyễn Văn Tuấn
Thứ năm, 19 Tháng 5 2011 08:14

Đọc được một bài báo với tựa đề đáng mừng: thầy thuốc Việt Nam sánh ngang tầm thế giới. Nhưng dữ liệu thực tế hình như không phù hợp với niềm tin đó. Tự mình khoe khoang thì có khác gì mèo khen mèo dài đuôi.

Thật ra, bài báo có tựa đề khiêm tốn hơn là nội dung. Tựa đề là Thầy thuốc Việt Nam ngang tầm một số nước phát triển. Nhưng trong bản tin thì có một câu quan trọng, có thể làm nức lòng người: đó là câu trình độ của thầy thuốc Việt Nam có thể sánh ngang một số nước phát triển trong khu vực và thế giới.” Thế giới là nước nào? Chắc chắn bao gồm cả Somalia, Ethiopia, Lào, Campuchea, Thái Lan, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Úc, v.v. Nói thầy thuốc Việt Nam ngang hàng “thế giới có nghĩa rộng quá: có thể ngang hàng với Somalia, Campuchea, nhưng cũng có thể ngang hàng với Mĩ, có lẽ là nước có nền y học hiện đại nhất thế giới. Ngang hàng với các nước phát triển có lẽ là ý nói ngang hàng với Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện.

Người viết bài này cứ phân vân, không hiểu phóng viên (hay bác Nguyễn Minh Triết?) dựa vào đâu mà phát biểu quá tự tin như thế. Đánh giá trình độ của tập thể thầy thuốc của một nước chắc chắn không phải là chuyện dễ dàng, vì chưa ai biết phải dựa vào những tiêu chuẩn nào đđánh giá. Đọc kĩ thì thấy đó là nhận xét của bác Nguyễn Minh Triết. Bác Triết đi thăm Bệnh viện Việt Đức, và ấn tượng với những ca phẫu thuật khó, phức tạp đã được các bác sĩ bệnh viện thực hiện thành công. Từ ấn tượng đó, bác Triết cao hứng nhận định rằng Điều này chứng tỏ tay nghề, trình độ của thầy thuốc Việt Nam có thể sánh ngang một số nước phát triển trong khu vực và thế giới”. Lại thêm một độc đáo của Việt Nam nữa!

Tôi chợt nhớ đến một chuyện cũ cũng thú vị và có liên quan. Hôm đó (khoảng 4 năm trước), tôi làm chủ tọa cùng với một đồng nghiệp Thái Lan trong một hội nghị khoa học ở Sài Gòn, và trong session đó có một anh bác sĩ Việt Nam trình bày những slides rất tương phản. Vào đầu, anh trình bày slides với nhiều hình ảnh cho thấy bệnh viện hết sức bận rộn, hai ba bệnh nhân nằm cùng giường, trong các phòng bệnh rất bẩn thiểu; nhưng đến slide cuối cùng anh so sánh tỉ lệ tử vong giữa bệnh viện của anh và một bệnh viện Mĩ. Kết quả slide so sánh cho thấy bệnh viện của anh không có bệnh nhân tử vong, còn bệnh viện hoành tráng của Mĩ tỉ lệ tử vong là 8%. Ai cũng cười ồ lên, vì ai cũng biết ở Việt Nam bệnh nhân đòi về nhà chết (hay bác sĩ cho bệnh nhân về nhà chết), con số 0 tử vong vô nghĩa trong trường hợp đó. Một anh bạn Thái Lan đứng lên nói nửa đùa nửa thật rằng đó là một wonderful result (như kì tích) và chúc mừng. Tôi thì thấy đó là một câu mỉa mai, ấy thế mà anh bác sĩ phe ta vui vẻ khẳng định là không có bệnh nhân nào chết ở bệnh viện của anh! Ngây thơ làm sao!

Cũng sẽ là rất ngây thơ nếu chỉ dựa vào sự thành công của vài ca phẫu thuật để tự mình đánh giá mình ngang hàng với thế giới. Thỉnh thoảng tôi đọc báo vẫn thấy có tin cho biết bác sĩ này được mời đi đây đi đó, nhưng trong thực tế thì chẳng ai mời cả, mà chỉ là dịp đi chơi. Bất cứ nước nào cũng có vài star (sao) y khoa, nhất là sao phẫu thuật. Nhưng hãy cho là thành công, và sự hiện diện của những sao đó (cho dù là con số có lên đến 10 hay 100 đi nữa) cũng chẳng nói lên được trình độ của một quần thể thầy thuốc. Cho dù Việt Nam có đoạt nhiều huy chương trong các kì thi Olympic thì những con số đó cũng không bao giờ cho phép chúng ta nói nền giáo dục Việt Nam hơn hay ngang hàng thế giới. So sánh khách quan và công bằng nhất phải dựa vào những chỉ số quần thể và độ dao động, chứ chẳng ai dựa vào vài trường hợp cá biệt hay outlier.

Trong thực tế, chúng ta nghe nhiều đến những ca phẫu thuật thành công, nhưng chẳng ai nói đến nhiều, thậm chí rất rất nhiều, ca phẫu thuật thất bại và bệnh nhân chết. Giải phẫu xong, bệnh nhân sống hôm nay (và báo chí ca ngợi bác sĩ tận mây xanh), nhưng khi bệnh nhân chết ngày mai và chẳng có phóng viên nào viết! Cũng có trường hợp, giải phẫu xong, chất lượng cuộc sống còn tệ hơn trước khi giải phẫu, và bệnh nhân tự hỏi hay là mình đã lầm. Có thể nào xem đó là thành công chăng? Nói như thế để thấy đo lường thành công không dễ chút nào. Nói cách khác, vấn đbias trong y khoa, nhất là ở Việt Nam, có lẽ là chuyện thường ngày ở huyện.

Với chương trình giảng dạy như hiện nay, với những chương trình rất Việt Nam (như chuyên khoa I, chuyên khoa II) chẳng giống nơi nào trên thế giới, và với những nghiên cứu y khoa kém cỏi như hiện nay, tôi nghĩ rất khó mà nói trình độ thầy thuốc Việt Nam ngang hàng các nước trong vùng, chứ chưa dám so sánh với Âu Mĩ.

Nhớ có lần đi chung xe với một giáo sư ngoại khoa thần kinh người Mĩ và hai bác sĩ ngoại khoa Úc (họ sang Hà Nội giúp một bệnh viện), hai ông Úc nói với vị giáo sư Mĩ bằng tiếng Anh đại khái rằng: bà mới qua đây nên chưa biết, nên chúng tôi những người đã đến đây cả chục lần có nhiệm vụ phải cảnh báo bà. Thoạt đầu tiếp xúc với họ [tức bác sĩ VN] bà sẽ nghĩ cái gì họ cũng biết [rồi anh ta giơ tay cao lên ngang đầu], nhưng đừng tin, vì trình độ của họ như thế này [anh ta kéo tay xuống ngang chân] và họ làm rất ẩu, rất cẩu thả. Anh chàng kia ngồi bên cạnh mỉm cười gật đầu. Tôi và N ngồi phía sau nghe hết câu chuyện (vì họ nghĩ chúng tôi là Hai Lúa không biết tiếng Anh), có khi cũng "nóng mặt" muốn chen vào vài câu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì có lẽ nên nghe xem người ta nói gì. Đó là những nhận xét rất thật của họ, có thể không chính xác, nhưng ít ra nó cũng phản ảnh nhận xét của những người chuyên môn có certified đàng hoàng. Đến bệnh viện, cả họ và chúng tôi đều ngỡ ngàng: chúng tôi ngỡ ngàng vì thấy họ luôn miệng khen (nào là great, excellent, wonderful, only Vietnam could do, v.v.), và họ ngỡ ngàng vì thấy chúng tôi biết nói tiếng Anh và cũng đến từ Úc. Mấy hôm sau họ tránh đi chung xe với chúng tôi.

Thật ra, số liệu thực tế cho thấy thầy thuốc Việt Nam không hơn ai. Một cách so sánh trực tiếp nhất là xem xét tỉ lệ đỗ kì thi AMC dành cho bác sĩ ngoại quốc muốn hành nghề tại Úc. Theo tổng kết của nhiều kì thi kiến thức này, tỉ lệ bác sĩ Việt Nam đỗ vốn đã rất thấp (dưới 20%, có năm không có ai đỗ), nhưng còn thấp hơn so với các bác sĩ trong vùng. Thật vậy, tỉ lệ bác sĩ Việt Nam đỗ kì thi AMC còn thấp hơn cả bác sĩ Miến Điện. Nhiều người có lẽ ngạc nhiên với kết quả này, nhưng với chương trình dạy và học hiện nay ở các trường y Việt Nam thì bác sĩ Việt Nam khó mà có kiến thức và kĩ năng ngang hàng các nước như Thái Lan, Mã Lai, chứ chưa nói gì đến Singapore, và càng không nói đến các bác sĩ Âu Mĩ.

Đứng trên bình diện quốc gia, ngành y tế Việt Nam cũng chẳng hơn ai. Nếu thầy thuốc của chúng ta giỏi ngang tầm thế giới, hay ngang tầm các nước trong vùng, thì chúng ta kì vọng rằng sức khỏe dân số sẽ tốt hơn, hay ít ra là tương đương với, Thái Lan. Vậy, chúng ta thử so sánh vài chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe cộng đồng giữa ta và Thái Lan để xem sao (xem bảng dưới đây):

Chỉ tiêu
Việt Nam
Thái Lan
Tuổi trung bình của dân số
28.2
34.2
Tuổi thọ trung bình (nam / nữ)
72.3 / 76.2
74.4 / 77.1
Tỉ lệ tử vong (tính trên 1000 dân)
7.2
5.2
Tỉ lệ tử vong trẻ em (tính trên 1000 trẻ em mới sinh)
20.4
12.4
Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (tính trên 1000 dân số <5 tuổi)
25.0
14.0
Nguồn: Population Division of the Department of Economic and Social Affairs of the United Nations Secretariat, World Population Prospects: The 2010 Revision.

Những số liệu cho thấy chúng ta thua Thái Lan trên mọi chỉ tiêu y tế. Tỉ lệ tử vong dân số, tỉ lệ tử vong ở trẻ em Việt Nam đều cao hơn Thái Lan. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao gần gấp 2 lần so với Thái Lan. Chính vì thế mà tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thấp hơn Thái Lan khoảng 2 tuổi (nam) và 1 tuổi (nữ). Vì chết sớm nên tuổi trung bình dân số của ta thấp hơn Thái Lan đến 6 tuổi. Sáu tuổi. Nếu thầy thuốc Việt Nam có tài năng ngang hàng thế giới thì tại sao chúng ta thua một nước láng giềng như thế? Điều này nói lên rằng dữ liệu thực tế không phù hợp với nhận định quá lạc quan và chủ quan.

Thật ra, trên thế giới này, chẳng ai dám tự vỗ ngực mình và nói ta đây nhất thế giới hay ngang tầm thế giới. Cho đến nay, hoàn toàn không có bất cứ một nghiên cứu nào, không có bất cứ một so sánh nào, không có bất cứ một dữ liệu nào để phát biểu rằng bác sĩ phẫu thuật Việt Nam giỏi hơn (hiểu theo nghĩa tỉ lệ tử vong ít hơn, sai sót ít hơn) hay ngang hàng với bác sĩ phẫu thuật Âu Mĩ, hay thậm chí với bác sĩ Thái Lan, Singapore. Tôi nghĩ thay vì huyênh hoang tự xem mình hơn người hay ngang hàng người theo kiểu "mèo khen mèo dài đuôi", tốt nhất là cố gắng làm tốt, cố gắng giảm tỉ lệ tử vong, giảm sai sót, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nếu có ai chê mình dở, dốt, cũng chả sao. Chuyện hơn thua là chuyện ấu trĩ, thể hiện sự thiếu tự tin hoặc tính inferiority complex.

---------------------------------

Người Lao Động
Thứ Tư, 18/05/2011 02:30

(NLĐ) - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sáng 17-5 đã tới thăm, trò chuyện với cán bộ, y - bác sĩ và bệnh nhân của Bệnh viện (BV) Việt Đức, Hà Nội
Chủ tịch nước đã thăm hỏi, động viên một số bệnh nhân, trong đó có ông Vũ Văn T. (53 tuổi), một trong 4 người vừa được BV Việt Đức phẫu thuật ghép gan thành công từ người chết não. Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng và ấn tượng trước sự phát triển của BV trong lĩnh vực chuyên môn, nghiên cứu khoa học. Nhiều ca phẫu thuật khó, phức tạp, kỹ thuật cao đã được các chuyên gia và y - bác sĩ của BV thực hiện thành công. Điều này chứng tỏ tay nghề, trình độ của thầy thuốc Việt Nam có thể sánh ngang một số nước phát triển trong khu vực và thế giới- Chủ tịch nước nhận định.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị Bộ Y tế chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đổi mới cơ chế, chính sách y tế để ngành y tế phát triển theo kịp được thực tế cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất nhằm phát huy tài năng của các thầy thuốc Việt Nam.
D.Thu
.
.
.

No comments: