Thursday, May 19, 2011

THẢO LUẬN : CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ MỚI LIÊN QUAN ĐẾN ĐƯỜNG LƯỠI BÒ (Nghiên Cứu Biển Đông)


Nghiên Cứu Biển Đông
Thứ ba, 17 Tháng 5 2011 13:38
Công hàm của Phi-líp-pin phản đối Đường lưỡi bò và công hàm phản hồi của Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc trong tháng 4 năm 2011 liên quan đến Biển Đông đã thu hút sự quan tâm và chú ý của dư luận. NCBĐ mời các chuyên gia trong vấn đề Biển Đông tham gia tranh luận trực tuyến về cuộc chiến pháp lý mới này.

Bàn tròn tranh luận:

Cuộc chiến pháp lý mới liên quan đến Đường lưỡi bò
(Xung quanh công hàm của Phi-líp-pin phản đối Đường lưỡi bò và công hàm phản hồi của Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc trong tháng 4 năm 2011 liên quan đến Biển Đông)
Gần 2 năm sau khi Trung Quốc chính thức công bố tấm bản đồ 9 đường gián đoạn (còn được biết đến là bản đồ đường lưỡi bò) làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Phi-líp-pin mới chính thức phản ứng trước sự việc này. Trong một văn kiện đề ngày 05/04/2011 gửi đến Liên Hiệp Quốc, Manila đã bác bỏ giá trị của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn đó.
Đáp lại Phi-líp-pin, Trung Quốc cũng lập tức gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc phản bác lập trường nói trên của Phi-li-pin, đồng thời tái khẳng định yêu sách chủ quyền 'không thể chối cãi' ở Biển Đông.
Vấn đề này đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của dư luận. NCBĐ mời các chuyên gia trong vấn đề Biển Đông tham gia tranh luận trực tuyến về cuộc chiến pháp lý mới này. Tham gia thảo luận có PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Th.S. Nguyễn Thị Thanh Hà (Chuyên gia pháp lý, đang làm việc tại NewYork, Mỹ), TS. Trần Trường Thủy (Học viện Ngoại giao), anh Nguyễn Đăng Thắng (Nghiên cứu sinh Luật, Vương quốc Anh), anh Trần Văn Thùy (Nghiên cứu sinh, Khoa luật, Đại học Brussel, Bỉ), anh Vũ Hải Đăng (Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Luật, Trường Luật Môi trường biển, Đạihọc Dalhousie, Canada).

Lưu ý : Đây là những suy nghĩ ban đầu và có tính chất cá nhân, có thể sẽ thay đổi nên đề nghị chỉ tham khảo mà không trích dẫn.

I. Liên quan đến nội dung công hàm của Phi-líp-pin

NCS. Nguyễn Đăng Thắng
Tôi đọc thấy Công hàm này được giải thích trên trang Nghiên cứu Biển Đông là đưa đến 2 hệ quả: (i) ASEAN đồng loạt phản đối Đường lưỡi bò; (ii) Các đảo, đá tại Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Về hệ quả thứ hai, cá nhân tôi hiểu khác một chút: Phi-líp-pin cho rằng một số các vị trí đảo nào trong "Miền đất tự do" của mình có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (điểm 2). Cách giải thích này có vẻ cũng phù hợp với quan điểm của Phi-líp-pin trong Tuyên bố về đường cơ sở của Phi-líp-pin, theo đó quy chế đảo được áp dụng với phần quần đảo Trường Sa mà Phi-líp-pin yêu sách. Với cách giải thích như vậy (cộng với một số các thuật ngữ pháp lý phức tạp hơn cần thiết), Phi-líp-pin bác bỏ "các vùng nước liên quan" trong Công hàm của Trung Quốc bên ngoài "miền đất tự do" (điểm 3), cho rằng chỉ có Phi-líp-pin là quốc gia quần đảo ven bờ mới có thể yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hệ quả là các đảo bên ngoài "Miền đất tự do" không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lập luận này của Phi-líp-pin dường như hơi "quá" và Phi-líp-pin đã áp dụng (hay đúng hơn là lợi dụng) học thuyết "đất thống trị biển" một cách không hoàn toàn phù hợp (nếu không nói là không chính xác). Các vị trí đảo bên ngoài Miền đất tự do nếu đáp ứng tiêu chuẩn Điều 121 thì hoàn toàn có thể vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong phân định, có thể các đảo này không có giá trị đầy đủ hoặc không có giá trị khi so với bờ biển của các quốc gia khác nhưng chắc chắn không kém giá trị hơn các vị trí đảo trong Miền đất tự do của Phi-líp-pin.
Bổ sung thêm một ý nữa, bỏ qua sự chính xác về mặt pháp lý, phải thừa nhận là trong lập luận của Phi-líp-pin trong công hàm là rất thống nhất và có lô-gíc của nó.

TS. Trần Trường Thủy
Theo tôi, về điểm 2 về việc Phi-líp-pin không coi các vị trí của Trường Sa có vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa, nếu đọc kỹ công hàm của Phi-líp-pin có thể thấy:
- Điểm 1: Phi-líp-pin khẳng định chủ quyền đối với các vị trí thuộc Kalayan;
- Điểm 2: Phi-líp-pin coi vùng nuớc liền kề ("adjacent" waters) của các vị trí này thuộc Phi-líp-pin luôn theo nguyên tắc đất thống trị biển ("the land dominates the sea"), theo điều 121 UNCLOS, nhưng không chỉ rõ theo khoản 2, hay 3.
- Điểm 3: Các vùng nước, đáy biển liên quan ngoài vùng nước liền kề "adjacent" này không có cơ sở pháp lý, mà thuộc các quốc gia ven biển lục địa và quần đảo (Phi-líp-pin), theo các điều về lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa của UNCLOS.
Như vậy có hai khả năng xảy ra ở điểm 2 ở trên:
(i) khả năng thứ nhất như anh Thắng đã nêu, Phi-líp-pin vẫn coi các vị trí thuộc Kalayan có Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa, điều này dẫn đến các điểm mâu thuẫn mà anh Thắng cũng chỉ ra; ngoài ra không giải thích được điểm 3 là tại sao các vùng nước, đáy biển liên quan ngoài vùng nuớc liền kề này lại không có cơ sở pháp lý theo UNCLOS và tại sao ở điểm 3 lại phải chỉ ra từ "lãnh hải" theo điều 3,4 UNCLOS ở đây, Đường lưỡi bò không chồng lấn đến lãnh hải các nước tính từ đường cơ sở;
(ii) khả năng hai logic hơn: Phi-líp-pin coi vùng nuớc liền kề như "lãnh hải" (tương tự TQ đang dần dần coi), các vị trí của Kalayan và cả các vị trí khác thuộc Spratly có "lãnh hải", theo điều 121, khoản 3. Vùng ngoài các "lãnh hải" của Kalayaan này thuộc "lãnh hải" của các vị trí còn lại của Spratly, vùng Đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa và Thềm lục địa kéo dài từ đường cơ sở các nước. Điều này cũng thống nhất với Công hàm Phi-líp-pin phản đối báo cáo của Việt Nam ở vùng phía bắc là vùng báo cáo thềm lục địa kéo dài của Việt Nam chồng lấn với của Phi-líp-pin (Thềm lục địa kéo dài từ đường cơ sở, chứ không phải từ các vị trí của Kalayan).

Th.S. Nguyễn Thị Thanh Hà
Cám ơn anh Thắng và anh Thủy đã đưa ra những nhận xét của mình để mọi người cùng suy nghĩ. Theo như tôi hiểu khi đọc công hàm của Phi-líp-pin thì Phi-líp-pin đồng thời thể hiện lập trường nguyên tắc, đồng thời dự trù cho khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi thuộc Trường Sa. .
- Về lập trường nguyên tắc, Phi-líp-pin khẳng định: (i) chủ quyền đối với Kalayaan Islands Group (KIG); (ii) quyền đối với các vùng nước lân cận các hình thái địa chất (geological features) của KIG xuất phát từ chủ quyền lãnh thổ và căn cứ theo qui định của Công ước Luật biển 1982; (iii) quyền đối với vùng biển và thềm lục địa tiếp giáp lãnh thổ quốc gia xác định theo qui định của Công ước Luật biển 1982 (đối với Phi-líp-pin thì căn cứ vào đường cơ sở quốc gia quần đảo; đối với quốc gia ven biển lục địa thì căn cứ vào đường cơ sở của lãnh thổ lục địa; và vì thế không có cơ sở cho Trung Quốc yêu sách đưa trên đường 9 đoạn). Lập trường nguyên tắc này không có gì mới.
- Điều mà Phi-líp-pin không nói rõ ràng mà tôi cho là họ dự trù cho khả năng phải thương lượng với các nước tranh chấp khác để chia sẻ quyền sở hữu các đảo, đá, bãi nằm trong KIG, chính là cách họ lập luận trong điểm 2. Do vậy, họ không đánh đồng cách xác định vùng biển phụ cận các hình thái địa chất (features) trong quần đảo Trường Sa với cách xác định vùng biển của quốc gia quần đảo. Họ nhấn mạnh vùng biển phụ cận các hình thái địa chất trong quần đảo phải theo Công ước Luật biển, đặc biệt là điều 121 về quy chế đảo chứ không nói rõ chúng sẽ chỉ có lãnh hải, hay có thể có cả vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa riêng. Như vậy, có thể suy ra là các nước khác không thể dựa trên đòi hỏi chủ quyền đối với toàn thể quần đảo để yêu sách vùng biển theo cách khác; còn với Phi-líp-pin thì với lợi thế là một quốc gia quần đảo, khi xác định được chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi nào thì họ sẽ xác định vùng biển các hình thái địa chất đó theo Công ước Luật biển rồi gộp chung vào vùng biển quốc gia quần đảo và yêu sách các vùng biển kề cận theo quy chế quốc gia quần đảo.
Nhìn chung, trừ xung đột đương nhiên với Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo, tôi thấy cách tiếp cận của Phi-líp-pin tương đồng với cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Tôi cho rằng, đây chính là cơ sở tốt cho các nước ASEAN phối hợp triển khai nhiều việc: DOC/COC, báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý.

NCS. Vũ Hải Đăng
Cách hiểu của tôi về điểm 3 của Công hàm hơi khác với ý kiến của chị Hà, anh Thắng và anh Thủy một chút. Theo tôi, Phi-líp-pin muốn tuyên bố 3 điều sau đây: (i) Yêu sách của Trung Quốc liên quan đến các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và vùng đất dưới đáy biển (relevant waters as well as the seabed and subsoil thereof)đối với các thực thể bên ngoài Kalayaan Islands Group là không có cơ sở pháp lý; (ii) Các thực thể của Kalayaan có thể có hoặc không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (iii) cho dù các thực thể của Kalayaan có vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa hay không thì các vùng biển này vẫn nhất thiết thuộc về (necessarily belong to) Phi-líp-pin.

NCS. Trần Văn Thùy
Cám ơn các anh chị đã chia sẻ quan điểm của mình, về cơ bản, tôi đồng tình với các quan điểm. Đối với vấn đề này, tôi có mấy nhận xét sau:
1. Đây là phản ứng chính thức của Phi-líp-pin đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông nói chung và bản đồ đường 9 đoạn nói riêng. Tuy nhiên, bản chất và nội dung của công hàm này theo tôi có một giới hạn chủ định của nó khi nói đến yêu sách của Trung Quốc, đặc biệt là với yêu sách bản đồ đường 9 đoạn. Như đã nói, Phi-líp-pin vừa mới phần nào lên tiếng phản đối bản đồ đó, thể hiện ở điểm 3 của công hàm về vùng nước liên quan đáy biển và tầng đất dưới đáy Biển Đông. Cùng lúc đó, Phi-líp-pin tận dụng cơ hội tái khẳng định yêu sách của mình đối với nhóm đảo Kalayaan và các vùng nước của nó. Để hiểu rõ hơn những ẩn ý trong công hàm này, chúng ta cần phải có sự giải thích rõ ràng của tác giả công hàm.
2. Đây dường như là động thái chính trị hơn là động thái pháp lý, ý của tôi là động thái này có thể xuất phát từ ý chí chính trị, có thể mới có cách đây không lâu, do vậy, thời điểm của bước đi này có thể cần được xem xét kỹ.
3. Về kỹ thuật mà nói, như một qui tắc trong công hàm, Phi-líp-pin lẽ ra cần phải thêm vào yêu cầu công hàm được lưu truyền cho các bên liên quan bao gồm các nước thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển nắm 1982 (UNCLOS) nhưng công hàm lại không yêu cầu điều này. Điều này không biết là vô tình hay hữu ý? Thêm vào đó, nếu đem so sánh với công hàm của In-đô-nê-xi-a thì Phi-líp-pin nhắc đến cả 2 công hàm của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi người Phi-líp-pin chỉ nói rõ rằng các vùng nước liên quan, đáy biển và vùng đất dưới đáy Biển Đông nêu trong điểm 3 của công hàm không có cơ sở trong Luật pháp quốc tế, nhất là trong UNCLOS, In-đô-nê-xi-a có quan điểm rằng: bản đồ đường 9 đoạn rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế.
4. Về một trong những nhận xét trên trang Nghiên cứu Biển Đông, “Công hàm Phi-líp-pin phản đối lên Liên hợp quốc về Đường lưỡi bò của Trung Quốc: Hai hệ quả: i) ASEAN đồng loạt phản đối ĐLB; ii) Các đảo, đá tại Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”, tôi nghĩ là có thể vẫn còn quá sớm đề đi đến kết luận này. Bởi vì Bru-nây, một trong những bên liên quan vẫn còn im lặng về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc; quan điểm của Phi-líp-pin thể hiện trong công hàm nói trên không phải là đã đủ rõ ràng; và còn có nhiều điều cần phải tiếp tục làm rõ.
5. Tóm lại, dường như tất cả 4 quốc gia đã lên tiếng về bản đồ đường 9 lưỡi bò của Trung Quốc đều có xu hướng nhấn mạnh vào UNCLOS khi mà nhắc đến cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

NCS. Nguyễn Đăng Thắng
Phản hồi rất nhanh và quan điểm khác nhau của mọi người cho thấy rõ mức độ thú vị của công hàm Phi-líp-pin gửi là như thế nào. Rõ ràng chúng ta không phải người Phi-líp-pin và nếu tôi không nhầm thì mọi người cũng không học tiếng Anh ở Phi-líp-pin, thế nên việc giải thích công hàm của Phi-lí-pin theo cách khác nhau là hoàn toàn dễ hiểu vì người Phi-líp-pin vẫn nổi tiếng trong khu vực là dùng tiếng Anh phức tạp, chưa kể trong trường hợp này sự phức tạp còn được cố ý tăng lên.
Quan điểm của tôi cũng gần với quan điểm của chị Hà: (i) Thứ nhất, Kalayaan là một bộ phận của Phi-líp-pin, (ii) Thứ hai, vì KIG thuộc Phi-líp-pin, theo học thuyết đất thống trị biển thì Phi-líp-pin có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước xung quanh và bên cạnh mỗi vị trí địa lý có liên quan trong KIG như quy định của Công ước Luật Biển. Phạm vi của vùng nước bên cạnhxác định (definite) và được xác định (determinable) theo Điều 121, (iii) Thứ ba, vì vùng nước bên cạnh những vị trí địa lý có liên quan xác định và phải tuân theo các tiêu chuẩn về pháp lý và kỹ thuật, yêu sách của TQ về "các vùng nước liên quan và đáy biển của chúng" nằm bên ngoài những vị trí địa lý có liên quan và vùng nước bên ngoài của chúng không có cơ sở theo Luật pháp Quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển. Những vùng nước nằm bên ngoài này sẽ thuộc về quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo theo quy chế lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa.
Cách hiểu của anh Thủy về điểm 2 cũng đưa đến cách giải thích lô-gích về điểm 3, tuy nhiên vẫn còn điểm về các vị trí bên ngoài Kalayaan hơi khó giải thích một chút. (Về điểm này một chút nữa tôi sẽ trình bày thêm). Tuy nhiên, tôi hiểu lô-gích trong Công hàm của Phi-líp-pin hơi khác một chút: Lô-gích trong công hàm của Phi-líp-pin trước hết thể hiện ở việc Phi-líp-pin chỉ đả kích một phần đường 9 đoạn nằm bên ngoài vùng Kalayaan; vùng biển liên quan đến Kalayaan không có gì phải bàn cãi vì nó thuộc Phi-líp-pin. Yêu sách của Trung Quốc nằm bên ngoài vùng biển của Kalayaan không có cơ sở pháp lý theo Công ước Luật biển do Trung Quốc không phải là quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo ở khu vực này (mặt kia của học thuyết đất thống trị biển). Cũng vì lý do này, việc xác định vùng nước nào bên ngoài không quan trọng, chỉ cần biết vùng nước liên quan đến KIG là xác định (có nghĩa là không trùng với đường 9 đoạn của TQ).
Đúng như anh Đăng đã nói, điểm 2 không nói rõ ràng về việc các vị trí đảo của KIG có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa không? Tuy nhiên, mọi người chú ý là Phi-líp-pin dùng các khái niệm khác nhau mỗi hình thái địa chất liên quan (each relevant geological feature) và các hình thái địa chất liên quan (the relevant geological features), vùng nước liền kề (adjacent waters) và vùng nước xung quanh ( waters around) và chỉ có vùng nước liền kề ( waters "adjacent"- nhấn mạnh của Phi-líp-pin) mới là xác định (definite) và được xác định (determinable) theo điều 121. Như vậy, đường như Phi-líp-pin cũng để ngỏ khả năng có sự phân biệt giữa các vị trí và các vùng nước liên quan đến KIG. Và cuối cùng, nếu Phi-líp-pin chỉ coi các vị trí ở Trường Sa (kể cả trong KIG) chỉ có lãnh hải thì tại sao Phi-líp-pin lại phải chốt là 'phạm vi sẽ được xác định theo điều 121'?
Cũng như anh Đăng nói, Phi-líp-pin cũng rất "thông minh". "Thông minh hơn nữa" (và cái này cũng cho thấy lô-gich trong công hàm của Phi-líp-pin) đó là Phi-líp-pin tuyên bố rằng KIG là một bộ phận của Phi-líp-pin, ngụ ý là vẫn để ngỏ khả năng tính các vùng biển của Phi-líp-pin theo học thuyết đất thống trị biển từ một số vị trí trong KIG. Như chị Hà nói, theo cách này Phi-líp-pin tận dụng được vị thế của mình là quốc gia quần đảo duy nhất trong tranh chấp và lại ở gần các vị trí đảo tranh chấp nhất. Đây cũng là cái 'hơi quá' của Phi-líp-pin trong việc vận dụng học thuyết đất thống trị biển. Như cách hiểu của Phi-líp-pin thì nội tại các đảo ở Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa riêng, nhưng nếu chúng được gắn với quốc gia ven biển, trở thành một điểm trong đường cơ sở quần đảo thì lại khác. Việc này cũng sẽ cho Phi-líp-pin dư địa để sau này có thể điều chỉnh đường cơ sở quần đảo (vấn đề này thực ra khi Phi-líp-pin xây dựng dự luật về đường cơ sở mới cũng gây tranh cãi).
Cách giải thích trên về công hàm của Phi-líp-pin cũng có một lô-gich nhất định trong nội tại của nó như tôi đã nhận xét trong phần trình bày trước. Tuy nhiên, cách giải thích này cho thấy Phi-líp-pin "hơi quá" trong yêu sách ở Biển Đông: cho rằng vùng biển bên ngoài vùng biển liên quan KIG sẽ thuộc về quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo thôi. Giải thích như vậy cũng dẫn đến sự mâu thuẫn trong lập trường của Phi-líp-pin (mâu thuẫn này chỉ nảy sinh khi đi vào giải quyết thực tế) đó là một mặt Phi-líp-pin coi một số vị trí trong KIG (lưu ý là PLP dùng each relevant geological feature) có vùng liên quan (relevant waters), mặt khác lờ đi khả năng các vị trí đảo bên ngoài KIG, trong đó đặc biệt có đảo Trường Sa lớn - đảo lớn thứ 2 ở quần đảo Trường Sa - cũng có vùng nước của mình.

Th.S. Nguyễn Thị Thanh Hà
Tôi muốn nói thêm một chút về bình luận của anh Thắng trong ý kiến mới nhất, liên quan đến đoạn cuối cùng khi nói về điểm 3 trong công hàm Phi-líp-pin.
Thứ nhất, tôi không cho là Phi-líp-pin tham khi nói các vùng biển và thềm lục địa ở Biển Đông ngoài KIG chỉ thuộc về các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo liên quan theo Công ước Luật biển 1982. Tôi thấy nói thế là chính xác. Liệu còn có cách xác định nào khác? Tất nhiên là không kể cách xác định vùng biển theo lịch sử như Trung Quốc.
Hai là Phi-líp-pin có lý khi chỉ bình luận về vùng biển lân cận các hình thái địa chất thuộc KIG. Sẽ không hợp lý khi Phi-líp-pin lại bình luận cả về vùng biển lân cận các hình thái địa chất nằm ngoài KIG trong đó có Trường Sa như anh Thắng nói, vì Phi-líp-pin muốn thể hiện rõ việc xác định vùng biển lân cận các vùng lãnh thổ của quốc gia khác sẽ do các quốc gia đó đảm nhiệm. Công hàm của Phi-líp-pin là văn kiện thể hiện lập trường chính thức của Nhà nước Phi-líp-pin, vì thế nó không thể đề cập đến các vấn đề theo cách bao quát như trong một tài liệu nghiên cứu của học giả được.

NCS. Nguyễn Đăng Thắng
Cám ơn chị Hà đã phản biện lại rất nhanh và có lý. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận việc Phi-líp-pin "đòi hơi quá" không phải là việc Phi-líp-pin phân chia vùng biển ở Trường Sa cho các nước ven bờ mà là việc Phi-líp-pin "xây dựng" bờ biển của mình thế nào. Công hàm của Phi-líp-pin rõ ràng cho thấy và cũng như mọi người phân tích là để ngỏ khả năng Phi-líp-pin tận dụng vị trí địa lý thuận lợi của mình (và cũng có lúc là bất lợi nếu như vấn đề Trường Sa không được giải quyết) để vạch đường cơ sở quần đảo tối đa trong đó gộp cả vị trí các đảo trong quần đảo Trường Sa hoặc bãi Hoàng Nham. Như anh Thao đã phân tích, thực tế, nội bộ Phi-líp-pin cũng chưa thống nhất về vấn đề này khi xây dựng đường cơ sở quần đảo và giải pháp tạm thời đó là đưa KIG thành quy chế đảo (không thông qua dự luật dùng các vị trí trong KIG làm điểm cơ sở quần đảo). Chính vì lý do này, Công hàm của Phi-líp-pin vẫn "lập lờ" như vậy và để ngỏ khả năng điều chỉnh sau này. Tất nhiên, việc đưa ra một yêu sách như vậy là hoàn toàn dễ hiểu, khi đi vào đàm phán, phân định thực chất thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi, nhượng bộ.
Chị Hà cũng đã chỉ ra rất chính xác là công hàm của Phi-líp-pin thể hiện lập trường của Phi-líp-pin nên không thể thể hiện các khả năng khác. Chính vì thế tôi cũng nói là chỉ khi đi vào đàm phán thực tế thì mới thấy sự mâu thuẫn đó là một mặt Phi-líp-pin coi các vị trí trong KIG có vùng nước lân cận còn Trường Sa của ta bị lờ đi. Tạm thời hiện nay, nếu đọc riêng biệt, công hàm của Phi-líp-pin vẫn thể hiện một sự nhất quán và lô gich xuyên suốt.

Đọc phần tiếp theo "Phân tích Công hàm của Phi-líp-pin"

Nghiên cứu Biển Đông

 --------------------------


TQ cấm biển thuộc chủ quyền VN    -   RFA   2011-05-17




.
.
.

No comments: