BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN
Nguyễn Minh Ngọc
Chủ nhật, 21 Tháng 2 2010 18:23
Phân định biển Việt Nam - Campuchia là một quá trình khó khăn và lâu dài do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hai bên có lập trường rất khác biệt về đường biên giới biển. Thứ hai, việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia (cả trên bộ lẫn trên biển) phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị nội bộ của Campuchia và tình hình quan hệ giữa hai nước. Thứ ba, phía Campuchia muốn hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Việt Nam, sau đó mới tính đến việc giải quyết biên giới biển.
******
Giới thiệu
Vùng biển Việt Nam - Campuchia nằm trong vịnh Thái Lan, là phần phía Tây của biển Đông, tạo thành một vùng lõm rộng trên bờ biển phía Nam của lục địa Đông Dương, trải dài từ vĩ tuyến 5° đến 14° Bắc và từ kinh tuyến 99° đến 105° Đông và kết thúc ở phía Bắc Đông Bắc ở mũi Cà Mau tại 8°36’ Bắc - 102°21’ Đông. Vùng biển Việt Nam - Campuchia là một biển nửa kín, với diện tích khoảng 300.000km2, giới hạn bởi bờ biển của bốn nước Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Vịnh thông ra biển Đông ở phía Nam bằng một cửa duy nhất hợp bởi mũi Cà Mau và mũi Trenggranu cách nhau chừng 400km (215 hải lý). Vịnh khá dài (chừng 450 hải lý) nhưng có diện tích nhỏ, chiều rộng trung bình là 385km (208 hải lý). Ngoài ra vịnh có khoảng 200 đảo, đảo nhỏ chủ yếu tập trung vào phần phía Đông và gần bờ biển. Đó là yếu tố làm phức tạp hóa không những việc phân định ranh giới các vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia mà còn cả đối với việc phân định biển giữa một bên là Campuchia và Việt Nam với bên kia là Thái Lan.[1]
Tài nguyên thiên nhiên của vùng biển này bao gồm hai loại: một bên là tài nguyên sinh vật biển, và bên kia là tài nguyên khoáng sản chứa trong các trầm tích của thềm lục địa.
- Về tài nguyên sinh vật: Do độ sâu không lớn, nhờ có nhiệt độ và ánh sáng thích hợp, vịnh tạo nên môi trường thuận lợi cho các sinh vật sống. Thật vậy, ở độ sâu tương đối nhỏ, các loại chất dinh dưỡng được tái tạo dễ dàng hơn từ đáy biển lên bề mặt nước có ánh mặt trời, tại đây các loài thực vật nổi có thể phát triển. Điều này đã tạo điều kiện để hình thành nguồn cá biển quan trọng. Có ít nhất khoảng 100 loài cá ở đây, trong số đó có khoảng 20 loài cá có tầm quan trọng về kinh tế. Trong số các nước ven biển, Thái Lan là nước có ngành công nghiệp cá phát triển nhất. Sản lượng hàng năm của Thái Lan là 2,3 triệu tấn, đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Tuy nhiên, một bộ phận của sản lượng trên có được từ việc đánh cá trái phép trong các vùng biển của quốc gia khác. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tranh chấp với các nước láng giềng.
- Về tài nguyên khoáng sản: Theo các tư liệu của Ủy ban Kinh tế châu Á và vùng Viễn Đông của Liên Hợp Quốc thì trong những năm 1970 đã ghi nhận các điều kiện địa chất của vịnh thuận lợi cho việc tích tụ dầu lửa. Với các lớp trầm tích dày 8000m được coi là vùng có nhiều hứa hẹn về dầu. Song cho đến nay, việc thăm dò chi tiết vẫn chưa thể ước lượng rõ ràng về trữ lượng cũng như chất lượng.
Lịch sử vấn đề biên giới biển Việt Nam - Campuchia
Lịch sử thời phong kiến cho thấy cho thấy rằng tỉnh Hà Tiên, đã do một người Trung Quốc là Mạc Cửu khai phá, và ông này đã đặt tỉnh dưới quyền của An Nam vào đầu thế kỷ XVIII. Các cuộc viễn chinh của các tướng lĩnh của chúa Nguyễn cử đến tiếp ứng chính quyền Mạc Cửu chống bọn giặc cướp trong vịnh Xiêm đã dẫn đến việc sáp nhập nhiều đảo trong vùng vào đất của Triều đình. Các đảo đó phụ thuộc vào Hà Tiên khi đảo được tổ chức thành trấn (tỉnh được quân đội quản lý) từ năm 1810, sau khi chính quyền của gia đình Mạc Cửu kết thúc. Từ năm 1820, Vua Minh Mạng cho khai phá các đảo và di dân đến đó. Năm 1825, huyện Hà Tiên sáp nhập vào tỉnh An Biên cho đến năm 1832, thời điểm Hà Tiên được nâng lên thành tỉnh.[2]
Năm 1858, Pháp đánh chiếm Việt Nam, Việt Nam thua trận phải ký Hiệp ước 1874 nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Hà Tiên và các đảo thuộc tỉnh này. Trong một thời gian dài, từ thế kỷ XVIII (1715) đến tận đầu thế kỷ XX (1913), vấn đề chủ quyền các đảo trong vịnh Thái Lan đã không hề được nêu ra cho đến khi người Pháp đến, các đảo đó từ trước đã thuộc sở hữu của vương quốc An Nam và chúng được chuyển giao cho nhà cầm quyền Pháp căn cứ vào Hiệp ước Hòa bình giữa vua An Nam và nước Pháp (15/3/1874). Cuối cùng các đảo được đặt dưới quyền cai trị của Hà Tiên qua các Nghị định 25/5/2874 và 16/6/1875.
Chỉ đến khi tranh chấp xảy ra xung quanh việc xin đặc nhượng (1913) và thu thuế các ngư dân trong vùng (1936-1937) thì vấn đề quy thuộc các đảo mới được đặt ra. Để giải quyết dứt điểm vấn đề thuế khóa và tạo thuận lợi cho quản lý hành chính, Toàn quyền Đông Dương đã gửi một bức thư ngày 31/1/1939 cho Thống đốc Nam Kỳ vạch một đường kinh tuyến Bắc một góc 14°G, đường đó vòng qua Bắc đảo Phú Quốc cách các điểm nhô ra nhất của bờ phía Bắc đảo Phú Quốc 3km (trong thư không nói rõ đường đó chấm dứt ở đâu). Tất cả các đảo ở phía Bắc con đường này từ nay sẽ do Campuchia quản lý; tất cả các đảo phía Nam con đường này, kể cả toàn bộ đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục do Nam Kỳ quản lý (trong thư dùng hai từ khác nhau: đối với Campuchia là “từ nay”, còn đối với Nam Kỳ là “tiếp tục”). Bức thư nói rõ: “Đương nhiên là ở đây chỉ đề cập đến vấn đề hành chính và cảnh sát, còn vấn đề quy thuộc lãnh thổ của các đảo này hoàn toàn được bảo lưu”. Bức thư này được đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Ông này cho đăng bức thư trong Công báo Campuchia trong mục thông tư (nên về sau có người lầm lẫn gọi là thông tư Brévié), khi đăng đã có cắt câu của bức thư khẳng định việc hoàn toàn bảo lưu vấn đề quy thuộc lãnh thổ. Thống đốc Nam Kỳ đã không cho đăng bức thư Brévié trong Công báo. Vì bức thư không được đăng trong Công báo Đông Dương và Công báo Nam Kỳ, bản được đăng ở Công báo Campuchia lại không theo đúng nguyên bản nên cho đến nay cả ta và Campuchia đều chưa tìm thấy sơ đồ của đường Brévié đính kèm theo bức thư của Toàn quyền Đông Dương. Cũng vì vậy hiện nay có bốn cách thể hiện khác nhau về đường Brévié:
- Trong luận án tiến sỹ của Sarin Chhak, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia thời Sihanouk, đường Brévié được thể hiện không phải là một đường liên tục mà là một đường đứt đoạn với 4 đoạn cách nhau khá xa.
- Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn [Việt Nam Cộng hòa] khi công bố đường ranh giới tuần tiễu trên biển đã thể hiện đường Brévié chấm dứt ngay ở Đông Bắc Phú Quốc.
- Tiến sĩ Mark J. Valencia thuộc trung tâm Đông - Tây của Hoa Kỳ trong một cuốn sách xuất bản năm 1985 đã thể hiện đường Brévié theo các đoạn thẳng, cách các điểm nhô ra nhất của đảo Phú Quốc 3km. Đây cũng là cách mà Nicholas Prescott, giáo sư người Australia thể hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 1981.
- Cách thứ tư là cách vẽ của chính quyền Pol Pot khi công bố bản đồ nước Campuchia tháng 8/1977. Đây là cách thể hiện xa rời câu chữ của bức thư Brévié nhất: trong thư viết đường Brévié vòng qua Bắc đảo Phú Quốc, cách điểm nhô ra nhất của bờ Bắc đảo Phú Quốc 3km thì sơ đồ này đã thể hiện đường Brévié vòng từ phía Bắc đảo rồi trở lại về phía Đông Nam đảo theo một đường liên tục, điểm nào cũng cách bờ biển Phú Quốc 3km.
Như vậy, từ đầu thế kỷ XVIII cho đến trước năm 1939, về lịch sử và pháp lý toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chỉ từ năm 1939, Campuchia mới chính thức quản lý về mặt hành chính và cảnh sát các đảo ở phía Bắc đường Brévié. Và cho đến nay, tranh chấp biển Việt Nam – Campuchia chủ yếu xoay quanh tính pháp lý của đường Brévié trong phân định biên giới.
Ngày 7/7/1982, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa hai nước, trong đó thoả thuận “lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này” và “sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước”. Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định này đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển.
Theo TS Raoul M. Jennar, hiệp định trên cung cấp một yếu tố tích cực đối với Campuchia trong chừng mực lần đầu tiên một văn bản thừa nhận quyền sở hữu đảo Koh Wai (Poulo Wai) của Campuchia. Để bù lại, Campuchia thừa nhận giá trị của đường Brévié như đường phân chia đảo và từ bò việc yêu cầu các đảo phía Nam đường này, kể cả Koh Trãl/ Phú Quốc và Poulo Panjang (Thổ Chu). Tuy vậy, người ta cũng ghi nhận rằng, hiệp định này không cam kết hơn về tương lai của đường biên giới biên giữa hai quốc gia, đối với các cuộc đàm phán đã thông báo, hiệp định này đưa ra một cơ sở có lợi cho Việt Nam một chút. Diện tích của “vùng nước lịch sử” lớn hơn vùng thực sự tranh chấp và bao phủ của Campuchia nhiều hơn vùng nước của Việt Nam.[3]
Bản đồ các vùng chồng lấn tại Vịnh Thái lan[4]
Quan điểm của Campuchia và Việt Nam về biên giới biển
Chính quyền Campuchia trong các thời kỳ trước (từ Sihanouk, Lonnol đến Polpot), một cách trực tiếp hay gián tiếp, đều đề nghị lấy đường Brévié làm đường biên giới trên biển giữa hai nước nên các nỗ lực đàm phán không đạt được kết quả gì. Sự hình thành nước CHND Campuchia tạo ra một nhân tố thuận lợi để tiếp tục lại các cuộc đàm phán về vấn đề các đảo. Ngày 18/2/1979, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và hợp tác, trong đó có điều 4 ghi:
“Hai bên cam kết giải quyết bằng đàm phán hòa bình mọi bất đồng nếu có trong các quan hệ song phương của mình”.
Tiếp theo, Hiệp định “Vùng nước lịch sử” của CHND Campuchia và CHXHCN Việt Nam đã được ký kết ngày 7/7/1982. Theo như Hiệp định này, vấn đề chủ quyền trên các hòn đảo gần bờ trong vịnh Thái Lan coi như đã được giải quyết. Tất cả các đảo nằm về phía Bắc của đường Brévié thuộc về Campuchia và những đảo còn lại thuộc về Việt Nam. Vùng nước lịch sử sẽ được quản lý theo cơ chế “vùng nước chung”. Hai bên cam kết đảm bảo an ninh trên vùng nước này. Nhân dân địa phương được tiếp tục đánh cá truyền thống. Đường biên giới trong vùng nước lịch sử sẽ được vạch ra theo phương thức như đã thực hiện tại các vùng biển khác. Đó không là một vấn đề riêng rẽ mà là một phần thống nhất của việc phân định biển quốc gia đã được hai bên ký kết thông qua một hiệp định.
Từ cuộc đàm phán cấp chuyên viên về biên giới lãnh thổ giữa hai nước năm 1988 tới nay, phía Campuchia đã chính thức đưa ra đề nghị lấy đường Brévié làm đường biên giới trên biển giữa hai nước. Tuy vậy, các đảng phái chính trị đối lập khác ở Campuchia luôn lợi dụng vấn đề nhạy cảm về biên giới lãnh thổ để công kích đảng cầm quyền, tuyên chiến gây thù hận giữa hai dân tộc, cho rằng Việt Nam chiếm đất và các đảo của họ trong vịnh Thái Lan (kể cả đảo Phú Quốc).
Tóm lại, quan điểm của phía Campuchia về chủ quyền các đảo và các ranh giới trên biển thường phụ thuộc vào tình hình chính trị và quan hệ giữa hai nước, nhưng chủ yếu tập trung vào đường Brévié và ranh giới thềm lục địa đơn phương năm 1972 của họ, có thể điều chỉnh một đoạn liên quan đến Việt Nam. Trong đàm phán phía Campuchia vẫn còn giữ lập trường cứng về phương án phân định biên giới biển theo đường Brévié, coi đây là lập trường chính thức của lãnh đạo cao nhất Campuchia mặc dù họ không nên được cơ sở pháp lý để bảo vệ yêu sách này.
Việt Nam không chấp nhận phương án trên, khẳng định đường Brévié chưa bao giờ là một đường “biên giới hiện tại” trên biển giữa Việt Nam và Campuchia. Thực tế, từ sau ngày giải phóng đến nay, đường Brévié không tồn tại như một đường biên giới trên biển, không trong tâm trí nhà cầm quyền cũng như không tồn tại trong suy nghĩ của nhân dân hai nước. Đó chính là tính thực sự của tình hình, minh chứng cho việc áp dụng nguyên tắc Uti Possidetis cho đường Brévié, một sự hữu hiệu đã trải qua gần 60 năm nay. Hơn nữa, liệu đường Brévié có phải là “biên giới trên biển công bằng và hợp lý” nếu nó tạo thành một cái túi chiều rộng 3km gần như hoàn toàn bao lấy đảo Phú Quốc, không tính đến các lợi ích kinh tế và an ninh?[5] Một con đường, không được khẳng định cả bằng luật thời kỳ thuộc địa, cả bằng thỏa thuận điều ước lẫn sự công nhận mặc nhiên, một con đường không biết đến quyền lợi của người dân, bỏ qua hoàn cảnh thực tế thì không thể chuyển thành biên giới trên biển dưới góc độ pháp lý của Uti Possidetis de facto. Nó không có giá trị pháp lý cần thiết cho các quốc gia cùng ra đời tách ra từ một cường quốc thực dân.
Tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên tháng 6/1998 và các cuộc đàm phán của Ủy ban liên hợp, Việt Nam thể hiện rõ quan điểm của mình là cần phải phân định biên giới biển theo nguyên tắc công bằng, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển năm 1982. Việt Nam chính thức đề nghị áp dụng phương pháp phân định theo đường trung tuyến có tính tới các hoàn cảnh địa lý và các yếu tố có liên quan khác để điều chỉnh thích hợp đi tới một giải pháp phân định công bằng cho cả hai bên.
Hiện trạng tranh chấp biên giới biển Việt Nam - Campuchia
Hiện nay, quan điểm của cả hai bên về việc phân định biên giới biển Việt Nam - Campuchia còn khác xa nhau. Trên thực tế, Việt Nam đề nghị căn cứ luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế về phân định biển và hoàn cảnh cụ thể của vùng biển để phân định công bằng. Đó là việc áp dụng đường trung tuyến. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, phía Campuchia qua các thời kỳ và đặc biệt là quan điểm của nước bạn trong giai đoạn gần đây thì Campuchia vẫn kiên trì đề nghị lấy đường Brévié năm 1939 làm đường biên giới trên biển giữa hai nước. Lý do mà Việt Nam không chấp nhận đường Brévié làm đường biên giới trên biển giữa hai nước là vì cơ sở pháp lý của đường này không được quốc tế thừa nhận cũng như không đem lại sự công bằng cho cả hai bên. Bằng bức thư số 867-API ngày 31/1/1939, Toàn quyền Đông Dương là Brévié đã thông báo cho Thống đốc Nam Kỳ về quyết định của ông vạch đường gọi là đường Brévié để phân chia các quyền hạn hành chính và cảnh sát trên các đảo giữa Nam Kỳ và Campuchia. Như vậy, đường Brévié mới giải quyết các quyền hành chính cảnh sát còn vấn đề các đảo quy thuộc vào lãnh thổ nào hoàn toàn được bảo lưu. Đường Brévié không có chức năng phân chia lãnh hải giữa hai nước, vì lãnh hải là một bộ phận lãnh thổ của nước ven biển.
Yêu sách dùng đường Brévié làm đường biên giới trên biển là không có cơ sở về lịch sử, pháp lý và thực tiễn, là cách làm đi ngược lại với nguyên tắc công bằng trong phân định biển đã được pháp luật quốc tế và thực tiễn quốc tế thừa nhận.
Vì diện tích chồng lấn trong vùng biển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia là không lớn nhưng do vị trí của vùng biển, yếu tố lịch sử và nguồn lợi hải sản nên đây là vấn đề mà hai bên rất khó giải quyết. Tháng 6/1998, tại cuộc họp vòng 2 cấp chuyên viên, phía Campuchia vẫn đề nghị lấy đường Brévié làm đường biên giới biển nhưng Việt Nam không chấp nhận nên Campuchia đề nghị Việt Nam vạch đường trung tuyến trong vùng nước lịch sử để họ nghiên cứu và xem xét. Tiếp đến, tại cuộc họp vòng 1 của Ủy ban liên hợp (tháng 3/1999), Việt Nam đã đưa ra sơ đồ đường trung tuyến trong vùng nước lịch sử để hai bên lấy đường này làm cơ sở đàm phán, điều chỉnh làm đường phân định biển giữa hai nước. Tuy vậy, đến vòng 2 của cuộc họp Ủy ban liên hợp (tháng 8/1999), về phía Campuchia vẫn chưa có câu trả lời về đường trung tuyến mà ta đã vạch ra ở vòng 1. Việt Nam vẫn kiên trì giải thích rõ hơn về tính hợp lý của việc sử dụng đường trung tuyến trong phân định, coi đây là đường khởi đầu khách quan nhất để hai bên cùng bàn bạc điều chỉnh hợp lý, hy vọng đi tới một con đường phân định công bằng cho hai bên. Tuy nhiên từ đó tới nay, phía Campuchia vẫn chưa có một hành động đáng kể nào để đi tới kết quả phân định biên giới biển giữa hai nước.
Triển vọng phân định và hợp tác biển Việt Nam - Campuchia trong vịnh Thái Lan
Vịnh Thái Lan là nơi diễn ra các mâu thuẫn về vùng biển chồng lấn giữa nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Việc phân chia lãnh hải ở đây không đạt được nhiều tiến triển do một loạt nguyên nhân. Thứ nhất, những bất đồng lớn về địa chính trị đã cản trở các nước đi đến thỏa thuận. Thứ hai, khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ cai trị thực dân, vì thế sự giải thích khác biệt của các bên về những hiệp ước để lại từ thời kỳ thực dân cũng là một trở ngại. Ví dụ, Campuchia và Thái Lan luôn bất đồng về cách hiểu Hiệp định Pháp - Xiêm năm 1907 và Việt Nam - Campuchia cũng có quan điểm trái ngược về đường Brévié trong phân định biên giới biển. Thứ ba, trong vịnh Thái Lan có rất nhiều đảo và đảo nhỏ khiến cho việc phân chia lãnh hải càng khó khăn hơn. Nếu các tranh chấp biển ở châu Á thường tập trung vào vấn đề chủ quyền các đảo thì tranh chấp ở khu vực này lại xoay quanh vai trò của các đảo trong việc phân định biên giới.[6]
Chính vì công tác phân giới trong vịnh Thái Lan không hề dễ dàng nên các nước ven biển trong vùng có xu hướng chọn các thỏa thuận tạm thời, chẳng hạn như ký kết các thỏa thuận khai thác chung để giảm bớt xung đột và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khi chờ đợi một sự phân định chính thức. Ngày 21/2/1979, một bản ghi nhớ (MoU) về khai thác chung được ký kết giữa Thái Lan và Malaysia. Ngày 5/6/1992, Việt Nam và Malaysia cũng đạt được một thỏa thuận tương tự, thống nhất cùng khai thác trong một “khu vực xác định” thuộc vịnh Thái Lan. Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia ký ngày 7/7/1982 đã đặt vùng biển chồng lấn của hai nước dưới chế độ khai thác chung. Những thỏa thuận dạng này khiến cho khu vực này đi đầu châu Á và cả trên thế giới trong việc đạt được các cam kết hợp tác chung.
Tuy vịnh Thái Lan là khu vực tập trung nhiều thỏa thuận hợp tác chung song giữa các thỏa thuận này cũng có những khác biệt lớn về nội dung. Khu vực hợp tác chung Thái Lan - Malaysia và thỏa thuận về “khu vực xác định” của Việt Nam - Malaysia đều là những thỏa thuận tạm thời theo đúng tinh thần của Điều 74(3) và Điều 83(3) của Công ước Luật Biển 1982. Nếu tính đến việc một số mỏ hydrocarbon được phát hiện trong hai vùng này và các nỗ lực khai thác chung đang được triển khai thì hai thỏa thuận trên có thể xem là những bài học thành công.
Các sáng kiến về khu vực hợp tác chung đã góp phần gác lại những tranh chấp về phân định để thúc đẩy khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển, là ví dụ điển hình về những biện pháp hữu hiệu cho bài toán hợp tác quản lý tài nguyên. Sự hình thành các khu vực hợp tác chung cũng làm giảm đi những nghi ngại của hai bên xung quanh việc phải vạch một đường biên giới ràng buộc cuối cùng mà toàn bộ tài nguyên có thể lại nằm bên kia ranh giới. Tóm lại, các thỏa thuận này về cơ bản thể hiện ý chí hợp tác cùng giải quyết xung đột.
Tuy nhiên, trường hợp của Thái Lan - Malaysia là một minh chứng cụ thể về tầm quan trọng của “ý chí chính trị” trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác chung. Đây có thể xem là yếu tố quan trọng nhất để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác vì nếu thiếu đi điều này, thỏa thuận chỉ là một cách “vẽ” lại vấn đề và có khi càng làm cho nó phức tạp hơn.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thái Lan và Malaysia được ký kết năm 1979, nhưng họ phải mất đến 11 năm mới trao đổi văn kiện phê chuẩn để thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Họ còn phải tốn nhiều thời gian hơn để đi đến giai đoạn khai thác tài nguyên và hai bên hiện vẫn đang gặp khó khăn với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ ngoài khơi vào đất liền. Trong khi đó, chỉ bốn năm sau khi ký thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Malaysia, những lít dầu hỏa đã được khai thác ở mỏ Bunga Kekwa vào ngày 29/7/1997. Sự kiện này là minh chứng cho thành công rực rỡ của mô hình hợp tác chung Việt Nam - Malaysia trong vịnh Thái Lan.
Rõ ràng là thỏa thuận khai thác chung của Việt Nam - Malaysia thể hiện tính linh hoạt cao hơn mô hình của Thái Lan và Malaysia. Ủy ban Điều phối được bổ nhiệm bởi các tập đoàn dầu khí nhà nước của mỗi bên, không phải bởi chính phủ như trong mô hình Thái Lan - Malaysia. Bất kỳ tranh chấp hay bất đồng nào liên quan đến việc khai thác dầu hoặc khía cạnh kinh tế sẽ được dàn xếp giữa hai tập đoàn dầu khí, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Điều phối. Mọi quyết định của Ủy ban Điều phối phải phù hợp với tinh thần hữu nghị, thận trọng và thực tiễn của ngành dầu khí thế giới. Chỉ những tranh chấp không thể giải quyết bằng con đường hữu nghị trong Ủy ban Điều phối với được chuyển giao cho chính phủ hai nước. Vì vậy, chính phủ sẽ không can thiệp vào công việc kinh doanh. Trong khi đó, thỏa thuận của Thái Lan - Malaysia lại hình thành nên một cơ quan hợp tác chung để quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển trong vòng 50 năm (kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực). Cơ quan này đồng chủ tịch bởi một đại diện phía Thái Lan và một đại diện phía Malaysia, với số thành viên bằng nhau của mỗi bên. Chính cơ chế này đã phần nào cản trở tiến độ hợp tác của hai nước trong việc thúc đẩy khai thác chung. Như vậy, dù có cùng mục đích là hợp tác chung vì nguồn tài nguyên dầu và khí đốt và được áp dụng cho các xung đột biển trong cùng khu vực song hai mô hình khác nhau đã cho ra những kết quả rất khác nhau.
Hiệp ước về vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia lại có những đặc điểm khác biệt so với hai thỏa thuận hợp tác trên. Mục đích chính của hiệp ước này lại nghiêng về tính chính trị nhiều hơn là việc khai thác tài nguyên. Hiệp ước khẳng định chủ quyền các đảo từng bị tranh chấp trước đây và vì thế, ít nhất một cách gián tiếp, làm giảm khu vực biển chồng lấn giữa hai bên. Những điều khoản cuối cùng liên quan đến tuần tra chung, đánh bắt cá và khai thác tài nguyên có phần nào giống với các thỏa thuận hợp tác chung khác trong vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia về thực chất có nhiều chức năng hơn là chỉ phục vụ một mục đích khai thác, bao gồm việc đánh cá, khai thác tài nguyên và các hoạt động phi kinh tế khác như hợp tác tuần tra, giám sát liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược.[7]
Khả năng khai thác dầu hỏa trong vùng tranh chấp và các nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ là nhân tố thúc đẩy các quốc gia đạt được thỏa thuận hợp tác chung. Nếu thiếu sự đồng thuận giữa các bên liên quan, các công ty nước ngoài sẽ rất ngần ngại khi đầu tư vào các khu vực tranh chấp vì luật quốc tế không cho phép việc đơn phương dò tìm và khai thác ở những khu vực này. Chính vì thế, các thỏa thuận hợp tác chung là một công cụ hữu hiệu để giải quyết những rào cản pháp lý. Giá trị của thỏa thuận này nằm ở khả năng dàn xếp tranh chấp vì mục đích kinh tế. Thái Lan đã rất chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác chung với Malaysia năm 1979 vì nước này phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu dầu so với Malaysia. Tương tự như vậy, thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Malaysia cũng đạt được nhanh chóng vì cả hai bên đều quan tâm đến các mỏ hydrocarbon được phát hiện trong vùng này.
Việc biết đến sự tồn tại của các nguồn tài nguyên ở đáy biển và vùng đất dưới đáy biển đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp. Nhìn chung thì các bên càng ít biết đến sự tồn tại của các nguồn tài nguyên trong một khu vực tranh chấp nhất định thì vùng đó càng dễ đạt được thỏa thuận (đặc biệt khi nguồn lợi về dầu không nhiều). Sự khám phá ra các tầng địa chất và các mỏ mới chỉ khiến cho việc giải quyết khó khăn hơn vì các nước thường muốn giành phần lợi nhiều hơn về mình. Các thỏa thuận hợp tác chung có thể xem là một giải pháp an toàn, “không được không mất” (no gain no loss) cho những bên liên quan trong tranh chấp. Việc chia sẻ đồng đều trách nhiệm và quyền lợi được đảm bảo cho đến khi các bên thống nhất về việc phân định biên giới biển.
Trong tương lai gần, xu hướng các nước tranh chấp trong vịnh Thái Lan sẽ vẫn tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác và cụ thể hóa các hoạt động khai thác chung. Công tác phân định biên giới biển rất phức tạp và nhạy cảm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như ý chí chính trị, lợi ích quốc gia; đòi hỏi sự nhượng bộ của mỗi bên và mức độ tin cậy hợp tác tốt. Hơn nữa, khi nguồn tài nguyên trong vùng chồng lấn đã được khai thác hết, việc phân định sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia là một bộ phận trong các tranh chấp về ranh giới biển trong vịnh Thái Lan, do đó cũng không nằm ngoài xu thế chung của khu vực này. Thực tiễn cho thấy phân định biển Việt Nam - Campuchia là một quá trình khó khăn và lâu dài do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hai bên có lập trường rất khác biệt về đường biên giới biển. Phía Campuchia từ xưa đến nay vẫn luôn giữ lập trường cứng rắn về việc lấy đường Brévié làm biên giới biển giữa hai nước. Việt Nam kiên quyết không chấp nhận phương án này vì đây là giải pháp không công bằng và hợp lý, đồng thời không có cơ sở pháp lý vững chắc. Thứ hai, việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia (cả trên bộ lẫn trên biển) phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị nội bộ của Campuchia và tình hình quan hệ giữa hai nước. Thứ ba, theo những phát biểu gần đây, lãnh đạo cấp cao của phía Campuchia muốn hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Việt Nam, sau đó mới tính đến việc giải quyết biên giới biển.
Chính vì vậy, hướng xử lý tốt nhất trong quan hệ biên giới biển với Campuchia trong thời gian tới vẫn là đẩy mạnh hợp tác vì nguồn lợi kinh tế, cùng khai thác và quản lý tài nguyên trong vùng biển chồng lấn. Việt Nam có thể chủ động trong việc nêu ra các sáng kiến hợp tác với Campuchia, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu hỏa, khoáng sản. Sự gắn kết về lợi ích kinh tế sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn để nghiên cứu một phương án phân định công bằng, hợp lý hơn cho cả hai phía./.
Nguyễn Minh Ngọc, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông
[1] Xem Phạm Thị Hồng Phượng, Lịch sử vùng biển Việt Nam – Campuchia, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4(29), 2006, trang 69-76.
[2] Lê Trung Dũng, Quá trình phân định biên giới giữa Nam Bộ Việt Nam và Campuchia từ giữa thế kỷ XIX đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10-11, 2006.
[3] Xem Raoul M. Jennar (2001), Các đường biên giới của các nước Campuchia cận đại, Tập 1, trang 228.
[4] Nguyen Hong Thao, Joint Development in the Gulf of Thailand, IBRU Boundary and Security Bulletin, Autumn 1999.
[5] Điều 121 của Công ước 1982 quy định rằng: “1. Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. 2. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. 3. Những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Như vậy, điều 121 khoản 2 của Công ước 1982 thừa nhận một đảo nhỏ vẫn có thể có quyền đòi hỏi một vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa rộng hơn bản thân đảo.
[6] Nguyen Hong Thao, Joint Development in the Gulf of Thailand, IBRU Boundary and Security Bulletin, Autumn 1999.
[7] Xem Clive Schofield, Unlocking the Seabed Resources of the Gulf of Thailand, Contemporary Southeast Asia, August 2007.
.
.
.
No comments:
Post a Comment