Monday, May 16, 2011

SÁCH MỚI CỦA KISSINGER VỀ TRUNG QUỐC (BBC)

BBC
Cập nhật: 15:51 GMT - thứ hai, 16 tháng 5, 2011

Một cuốn sách mới của Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon, ông Henry Kissinger, mang tên On China (Bàn về Trung Quốc), không chỉ nói tới vai trò chủ chốt của ông mà cả của lịch sử cổ xưa và gần đây của nước này đã hình thành chính sách và thái độ của Trung Quốc đối với phương Tây ra sao.

Cuốn sách dày 586 trang, kèm ảnh minh họa do nhà xuất bản Penguin Press ấn hành mới được ra mắt người đọc.
Trong mục điểm sách đăng trên trang mạng của tờ The New York Times, Michiko Kakutani, tác giả bài điểm sách, cho biết mặc dù cuốn sách nhắc tới công lao nghiên cứu của các nhà sử học như J.D. Spencer nhưng hình ảnh một nước Trung Quốc được đưa ra bằng chính những hiểu biết trực tiếp kề cận của ông Kissinger về vài thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cũng giống như cuốn "Ngoại giao" của ông xuất bản năm 1994, cuốn sách mới là một nỗ lực ngầm ẩn của một nhân vật gây nhiều tranh cãi muốn xóa bỏ di sản của ông như Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon và cựu Ngoại trưởng Mỹ, vẫn theo Michiko Kakutani.

Khác biệt tư duy
Khi nói về cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền ông Đặng Tiểu Bình đối với những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông Kissinger nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc bối rối: "Họ không thể hiểu nổi tại sao Hoa Kỳ lại tức giận trước một sự kiện mà chẳng làm tổn thương tới quyền lợi vật chất nào Mỹ và Trung Quốc cũng chẳng đòi được phê chuẩn gì từ bên ngoài lãnh thổ nước mình".

Ông Kissinger đã có cách nhìn riêng của mình theo kiểu "một mặt thì ... nhưng mặt khác thì..." về chính phủ Trung Quốc và về sự kiện Thiên An Môn đó, "Giống như hầu hết người Mỹ tôi đã sốc trước cách thức chấm dứt cuộc biểu tình phản đối tại Thiên An Môn.
"Nhưng khác với hầu hết người Mỹ, tôi có được cơ hội quan sát nhiệm vụ khổng lồ đầy khó khăn mà ông Đặng đã phải thực hiện trong một thập niên rưỡi để nắn lại đất nước mình: đó là đưa những người cộng sản tới chỗ chấp nhận tản quyền và đổi mới, đưa một đất nước Trung Quốc truyền thống có tính cô lập tới một thế giới hiện đại và toàn cầu - một viễn cảnh mà Trung Quốc vẫn thường bác bỏ.
Và tôi đã chứng kiến những nỗ lực từng bước chắc chắn của ông để cải thiện các mối quan hệ Trung Mỹ", ông Kissinger viết.

Ông Henry Kissinger không chỉ là phái viên mật Mỹ đầu tiên tới nước Trung Quốc cộng sản ông còn tiếp tục làm công việc thương thuyết giữa hai nước với hơn 50 chuyến đi sang đất nước này trải dài trong hơn 4 thập niên, qua sự nghiệp của bảy nhà lãnh đạo ở cả Mỹ và Trung Quốc.

'Bế tắc không tránh khỏi'
Theo Max Frankel viết trên tờ New York Times về cuốn sách mới này thì "Là Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon, rồi Ngoại trưởng thời TT Nixon và Gerald Ford, và kể từ năm 1977 trên cương vị thương thuyết gia riêng, ông Kissinger đã không chùn bước trong việc quyết tâm khắc phục những gì ông xem là thái độ bất bình chính đáng của Trung Quốc đối với sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của họ và ngược lại thái độ không ưa thích của Mỹ đối với những cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc với những người bất đồng chính kiến về chính trị, tôn giáo và sắc tộc".
Nếu ưu tiên của Mỹ cho một chính quyền dân chủ được biến thành điều kiện chính tho tiến bộ trong các vấn đề khác của Trung Quốc thì ông Kissinger kết luận "bế tắc là không thể tránh khỏi."
Vẫn theo Max Frankel trích dẫn cuốn sách thì theo ông Kissinger, những người đấu tranh để truyền bá các giá trị của Mỹ xứng đáng được tôn trọng "nhưng chính sách ngoại giao phải xác định cả phương tiện và mục tiêu và nếu phương tiện được sử dụng vượt ra ngoài sự chấp nhận của khuôn khổ quốc tế hoặc của một mối quan hệ được xem là căn bản cho an ninh quốc gia thì cần phải có lựa chọn".

Cuộc chiến Việt Nam
Ông Kissinger cũng nhắc lại những dằn vặt của ông khi tại nhiệm vào những năm 70 khi ông cho rằng các cuộc biểu tình của người Mỹ trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam có thể đã khiến ông Mao Trạch Đông hiểu lầm rằng "một cuộc cách mạng thế giới thực sự" đang ở trong tầm tay.
Ông lập luận rằng việc Tổng thống Nixon bị loại bỏ trong vụ Watergate, Quốc hội Mỹ rút không ủng hộ Việt Nam, những giới hạn mới đối với quyền hạn của Tổng thống trong cuộc chiến và tình trạng "chảy máu" các bí mật tình báo, tất cả cộng lại đã làm tổn hại tới liên minh tưởng như đã có với Trung Quốc, làm cho nước Mỹ có vẻ như bất lực trước Liên Xô.
Lập luận rằng một mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là "tối quan trọng cho sự ổn định và hòa bình toàn câu", ông Kissinger cảnh báo rằng nếu cuộc chiến tranh lạnh diễn ra giữa các quốc gia thì nó "sẽ trói buộc tiến bộ của cả một thế hệ ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương" và "lan truyền các cuộc xung đột vào chính trị nội bộ của mỗi vùng vào thời điểm khi các vấn đề toàn cầu như giải trừ vũ khí hạt nhân, môi trường, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có hợp tác toàn cầu," ông Kissinger viết.
"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ," ông viết, "không nhất thiết phải - và không nên - trở thành một trò chơi triệt thoái".
.
.
.

No comments: