Sunday, May 8, 2011

PHIM TRUYỀN HÌNH "HOA PHƯỢNG TRẮNG" : MỘT SẢN PHẨM CỦA VĂN HÓA ? (Phượng Hồng)


Phượng Hồng
Chủ Nhật, 08/05/2011

Phim truyền hình đòi hỏi phải mang đến cho người xem sự mở mang trí tuệ và tâm hồn, chứ không thể biến khán giả thành cái sọt rác để chứa đựng tất cả những thứ cặn bã xấu xa nhất của xã hội. Một phim truyền hình chỉ tập trung khai thác những câu chuyện vô văn hóa xoay quanh chủ đề Tình – Tiền – Tù tội bao giờ cũng có rất đông khán giả quan tâm vì tò mò. Lợi dụng sự tò mò của số đông khán giả để trục lợi chắc chắn không phải là cách làm của những nhà làm phim có văn hóa và tri thức.
------------------------------

Gần đây, trên các trang mạng đã bắt đầu đăng tải các bài viết có liên quan đến một bộ phim truyền hình nhiều tập có nhan đề “Hoa phượng trắng” – nghe nói bộ phim gần 100 tập này sắp sửa hoàn thành và chuẩn bị ra mắt công chúng cả nước (nhất là giới học sinh, sinh viên) trên làn sóng VTV. Theo như lời giới thiệu về bộ phim trên một trang mạng, với chủ đề “Giáo dục giới tính tuổi teen”, bộ phim đề cập tới một vấn đề “rất nóng bỏng, mang tính thời sự, được rất nhiều người quan tâm bao gồm giới trẻ, các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể và Nhà nước”. Cũng theo trang mạng này, bộ phim “Hoa phượng trắng” như một “tác phẩm văn hóa” mang đầy tính nhân văn cao cả. Cho dù bộ phim chưa được công chiếu, nhưng tất cả những gì được giới thiệu trên mạng Internet đã cho thấy có rất nhiều điều mà độc giả mạng hiện tại và khán giả truyền hình trong tương lai rất đáng để suy ngẫm và bàn luận về giá trị đích thực của bộ phim. Ở đây, tác giả bài viết chỉ nêu ra một quan điểm, một cách nhìn, rằng phải chăng bộ phim “Hoa phượng trắng” giống như một sọt rác chứa đầy rác thải của một thứ văn hóa tình dục và lối sống buông thả của tuổi học trò, một trò câu khách rẻ tiền phản tác dụng “Giáo dục giới tính tuổi teen” như chính mục tiêu cao cả mà đoàn làm phim đã đề ra.

1. Nội dung phim nói gì?
Về phần giới thiệu nội dung của phim, trang mạng này giới thiệu nguyên văn các hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ được khai thác như: Vũ trường, uống rượu, thuốc lắc; Quan hệ tình dục sớm, bừa bãi; Nạo phá thai; Sống thử; Post ảnh sex, clip sex; Lén chụp ảnh của bạn thân, người yêu, hàng xóm lên mạng; Mua sắm vô độ, tiêu tiền không do mình làm ra; Sống vô cảm, khinh người nghèo; Ăn mặc theo các trào lưu kì quặc (Cosplay, Lolita, Harajuku…); Lối sống lập dị; Tự kỷ; Hành động bột phát (Tự tử, cắt tay, tự sát tập thể); Trộm cắp, lô đề, đánh bạc để lấy tiền chơi bời; Lệch lạc giới tính; Xăm, xỏ lỗ; Làm gái bao; Cứu net; Lập băng nhóm giết người, hiếp dâm tập thể; Chán học, bỏ học; Hỗn láo với thầy cô; Thế hệ tự mãn; Nghiện game; Sống trong thế giới hoang tưởng; Nhảy nhót, hiphop.
Giới thiệu về các hiện tượng tích cực chỉ vỏn vẹn có: Các em có một cuộc sống lành mạnh, học giỏi, phấn đấu vượt khó; Tự tìm kiếm cơ hội du học; Là con ngoan trong gia đình; Tham gia các hoạt động xã hội (từ thiện, tình nguyện, bảo vệ môi trường…); Kinh doanh, tự lập, biết quý trọng giá trị đồng tiền làm ra.

2. Kịch bản phim như thế nào?
Bộ phim đã xây dựng một loạt nhân vật điển hình với lối sống hết sức lệch lạc và bệnh hoạn. Mở đầu, xuyên suốt và gắn kết toàn bộ tác phẩm, bộ phim xoay quanh câu chuyện kể về một nhân vật tên là Hạnh bị xâm hại tình dục từ nhỏ, việc đó đã ám ảnh cô suốt đời khiến cô không thể đón nhận hạnh phúc bình thường như những người phụ nữ khác. Không chịu chấp nhận cái xấu, cái ác tồn tại, Hạnh đã tham gia làm việc trong một trung tâm tư vấn bảo vệ và giúp đỡ trẻ vị thành niên bị xâm hại về tình dục, có những vấn đề về giới tính. Cứ thế, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong phim chính là những câu chuyện mà Hạnh gặp phải trong quá trình làm việc.
Nhi là một cô học trò lớp 10, xinh xắn, ngây thơ, yêu Bảo Khánh là nam sinh cùng trường. Bị gia đình ngăn cản, Nhi và Bảo Khánh “lén lút yêu nhau, quan hệ tình dục với nhau, do thiếu hiểu biết nên đã có thai, nạo phá thai”.
Linh học lớp 11, có một bạn nữ là Thùy và một bạn nam là Hiếu. Thùy bị người yêu bỏ, chán ghét con trai nên lôi kéo Linh quan hệ tình dục đồng giới. Hiếu tuy học giỏi nhưng vì được nuông chiều mà cũng bị cuốn hút vào trò chơi tình dục “giả đồng giới”. Hoàng gặp và yêu Linh, nhưng do thói quen “tình dục giả đồng giới” bộc phát của Linh mà tình yêu tan vỡ.
Gia đình Hiền có bố nghiện rượu và cờ bạc, mẹ buôn ma túy bị bắt, Hiền bỏ học từ lớp 9, dòng đời xô đẩy cô phải đi bán trinh, trộm cắp, nghiện hút và cuối cùng cô phải ngồi tù.
Mai là nữ sinh có chút tài năng, tham gia đóng phim thành nổi tiếng, được giới Showbiz săn đón, Mai bị cuốn vào lối sống hào nhoáng của danh vọng, kết cục cô trở thành gái bao cho một đại gia. Khi đại gia vào tù, Mai bị bạn xấu đưa ảnh sex, phim sex lên mạng.
Minh và Nhật thuê nhà trọ sống thử như vợ chồng, ban ngày sống với nhau ở nhà trọ, tối ai về nhà nấy giấu bố mẹ. Cuộc sống vợ chồng thử do thiếu thốn tiền bạc mà nảy sinh mâu thuẫn, tình yêu bắt đầu rạn nứt và tan vỡ.
Hương là cô bé xinh đẹp, may mắn sinh ra trong gia đình giàu có và có thế lực, mẹ mất sớm nên Hương được dì ghẻ hết sức nuông chiều (?). Hương yêu một thanh niên nhà giàu, ăn chơi và đồng ý quan hệ tình dục với anh ta, bị anh ta đưa vào con đường ăn chơi sa đọa, chểnh mảng học hành. Khi phát hiện người yêu trăng hoa với nhiều người con gái khác, Hương trả thù đời bằng cách uống rượu, ăn chơi, quan hệ tình dục với nhiều người khác, cuối cùng Hương bị mắc HIV.
Thảo thích trò chuyện và kết bạn qua Net, không may Thảo bị một gã bệnh hoạn lừa, hắn thường lợi dụng Internet để lừa các cô gái nhẹ dạ cả tin. Rất may, Thảo đã được công an giải thoát kịp thời và đây là nhân vật duy nhất trong phim được cứu thoát thoát.

3. “Hoa phượng trắng” có phải là tác phẩm văn hóa?
Một tác phẩm có đầy tính nghệ thuật và văn hóa như phim truyền hình đòi hỏi phải mang đến cho người xem sự mở mang trí tuệ và tâm hồn, chứ không thể biến khán giả thành cái sọt rác để chứa đựng tất cả những thứ cặn bã xấu xa nhất của xã hội. Ở đây, bằng những thông tin giới thiệu trên trang mạng, người đọc bắt gặp đầy rẫy những câu chuyện, những tình tiết vô văn hóa về một lối sống bệnh hoạn, buông thả của giới trẻ. Những câu chuyện như vậy chẳng cần nhà biên kịch và đạo diễn phải nhọc công suy nghĩ tìm tòi, mà họ chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính gõ vào công cụ tìm kiếm Google là tất cả những thứ xấu xa ấy sẽ hiện lên nhan nhản với đầy đủ những hoàn cảnh, nội dung và kịch bản sẵn có hết sức đa dạng và phong phú. Hàng ngày, hàng giờ, bất kỳ người nào cũng có thể tìm kiếm những thông tin và những câu chuyện như vậy ở những chuyên mục phản ánh tình hình an ninh trật tự xã hội trên mọi trang mạng. Các nhà làm phim đã bê tất cả những câu chuyện bỉ ổi như vậy đưa vào phim “Hoa phượng trắng” và coi đó là một sản phẩm văn hóa đích thực (!). Sẽ chẳng sai chút nào khi nói rằng, vai trò và chức năng của nhà làm phim truyền hình “Hoa phượng trắng” không khác gì các độc giả tò mò muốn tìm kiếm những thông tin giật gân về lối sống bệnh hoạn, về những câu chuyện tình dục và hiếp dâm xảy ra hàng ngày. Và nữa, bộ phim truyền hình “Hoa phượng trắng” cũng chẳng khác gì mấy chuyên mục an ninh trật tự của các trang mạng hiện hành. Song không thể phủ nhận một điều, kiểu phim như “Hoa phượng trắng” sẽ thu hút một lượng rất đông khán giả. Vậy tại sao khán giả lại quan tâm nhiều đến một thứ văn hóa rẻ tiền và không mấy tốt đẹp như thế? Câu trả lời hết sức giản đơn, đó không phải là thị hiếu của số đông khán giả, mà do sự tò mò của khán giả là chính. Lợi dụng sự tò mò của đám đông khán giả để trục lợi cho nhà làm phim chắc chắn không bao giờ là cách làm của những người có văn hóa và học thức.

Với nội dung phim và kịch bản phim truyền hình “Hoa phượng trắng” được các trang mạng đăng tải như vậy, một câu hỏi được đặt ra là: vậy đâu là tính nhân văn, tính giáo dục, tính định hướng về văn hóa và lối sống cho giới học sinh, sinh viên? Câu trả lời thật khó và xin dành cho các nhà làm phim, các độc giả và khán giả quan tâm đến bộ phim này.
.
.
.

No comments: