Sunday, May 8, 2011

CHUYỆN CHÓ & NGƯỜI, XƯA & NAY (Mạc Việt Hồng)


Gần đây, giới thượng lưu ở các thành phố lớn trong nước có vẻ đã nhàm chán với màn khoe những chiếc xe ô tô cáu cạnh trị giá triệu đô- la như Maybach, Rolls-Royce, họ chuyển sang một thú chơi khác không kém phần sành điệu và quý phái. Đó là chơi chó.

Không phải những con chó bình thường vẫn được ôm ấp ở các nước châu Âu mà là loài siêu khuyển. Những con chó có giá triệu đô, còn gọi là chó ngao Tây Tạng. Báo chí ghi nhận rằng, con đắt giá nhất mới được chuyển nhượng ở Trung Quốc với giá quy đổi khoảng 32- 33 tỉ đồng tiền Việt, tương đương 1,6 triệu đô la và những con chó dòng này đang dần xuất hiện ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Bài viết “Loài chó triệu đô xuất hiện ở Hà Nội” trên Dân Trí hôm trung tuần tháng Tư cho ta một số khái niệm cơ bản về siêu chó này. Đây là giống chó do 2 nhà thám hiểm người Ý phát hiện ra ở một ngôi làng trên độ cao hơn 5000 m so với mực nước biển, thuộc khu tự trị Tây Tạng ở Tây Bắc Trung Quốc(1) vào thế kỉ 18. Loài chó này đã hiện hữu cách đây chừng 5.000 năm và sở hữu bộ gen cổ xưa vào loại quý hiếm nhất trên thế giới hiện nay.
Đặc điểm sinh học của loài siêu khuyển này được mô tả: “…cao ít nhất 71 cm (đối với chó đực). Nặng 64-82kg. Với phần lông ở cổ đặc trưng và thể hện được tình trạng sức khỏe của nó. Chúng có màu đen, đen -nâu, đen -vàng, xám hoặc vàng. Đuôi luôn cuộn cao trên lưng. Đầu phẳng, không có nếp nhăn, hình thế tạo lên sự cân đối và oai vệ. Ngao Tạng trưởng thành rất chậm…”

Về sự có mặt của chúng ở Việt Nam bài báo cho hay: “Thời gian gần đây, nhiều người tham gia giao thông qua góc phố Bà Triệu- Tuệ Tĩnh (Hà Nội) không khỏi giật mình khi nhìn thấy trên vỉa hè bên tay phải lù lù hai con chó lông xù to tướng. Chúng thường nằm phủ phục trước chiếc cổng đá hình vòm, dù đã bị xích, song khối người vẫn sợ vì trông to… như con sư tử”.

Giám đốc Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ xác nhận đã có một số siêu khuyển tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh…

Việc nuôi dậy những chú siêu khuyển không những vô cùng kỳ công mà còn cực kỳ tốn kém về tiền bạc. Trước hết, khi mua, nếu không muốn chó phải đi theo đường chính ngạch, bị tiêm chích nhiều loại thuốc khiến chúng mệt mỏi, người ta phải cho đi theo đường tiểu ngạch tức được những người dân hành nghề cửu vạn cõng ở trên lưng. Riêng chuyện mua nó cũng lắm công phu, có khi phải chi cho môi giới cả trăm triệu đồng.

Ăn uống của chúng, theo sự giãi bày của anh Hùng, người đang sở hữu 2 chú ngao Tây Tạng thì cũng phức tạp lắm lắm: “Ngoài sữa tươi và thức uống canxi, thuốc bổ các loại…, người nuôi phải bổ sung cho chúng thịt bò tươi bởi chó Ngao Tây Tạng vốn có nguồn gốc hoang dã. Có thịt tươi thì lông của chúng mới mượt”. Thức ăn cho một con chó không dưới 5 triệu đồng một tháng, ngoài ra thỉnh thoảng chúng phải tham dự những khóa huấn luyện, mỗi khóa giá khoảng 10 triệu đồng.

Do loài chó này xuất xứ từ vùng thảo nguyên nên không gian chật hẹp tại Hà Nội không mấy thích hợp cho chúng, vì vậy hàng ngày người ta phải dẫn chúng đi dạo và thửa riêng cho chúng những căn phòng ngủ thoáng đãng, rộng rãi. Việc chăm sóc, theo mô tả, tốn rất nhiều công sức.

Sẽ không có gì đáng nói nếu trên chính những tờ báo ấy, không lâu sau, có những bài viết kể về chuyện thiếu đói trầm trọng của khoảng 250.000 người dân ở Thanh Hóa.

Phần lớn những vùng này thuộc loại đói triền miên và đã nhận một đợt cứu trợ lương thực của chính phủ vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhưng giờ họ vẫn chẳng có gì ăn, nhiều người phải xay ngô giống ra để cầm hơi và chờ được cứu trợ tiếp.

Những vùng đói, bao gồm 7 huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân và 4 huyện miền biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Nguyên nhân được cho biết chủ yếu là do thiếu đất canh tác, hạn hán kéo dài, đất các khu vực ven biển bị nhiễm mặn nặng dẫn tới năng xuất thấp. Bài báo không thấy đề cập tới liệu thiếu đói còn có thể do ngư dân không thể đi biển đánh bắt cá do hải sản ngày càng khan hiếm, lệnh cấm đánh cá được “nước bạn” ban hành một cách ngang ngược hàng năm, các vùng đánh bắt ngày càng thu hẹp trước sự o bế của “nước lạ” và mối hiểm nguy luôn rình rập họ từ những con tầu tuần tra hung hãn?

Trong 4 huyện ven biển đang chờ cứu đói có tên Hậu Lộc, huyện mới vài năm trước đây có 9 ngư dân bị “tầu lạ” bắn chết, 7 người bị thương khi đã trèo xuống được một chiếc thuyền nhỏ hòng thoát thân và chiếc thuyền này sau đó đã hứng trọn 400 viên đạn!

Tình hình bất an như vậy đã kéo dài nhiều năm không chỉ với Thanh Hóa mà còn với ngư dân các tỉnh miền Trung làm cuộc sống của hàng trăm ngàn người rơi vào bế tắc, ngư dân bỏ biển, lên bờ kiếm nghề khác. Ở nơi cằn cỗi như Thanh Hóa, người trên bờ, bao đời làm nông còn chưa đủ ăn huống chi mấy ông chuyên nghề đánh cá phải đi cấy cày. Liệu đây có phải là một trong những lý do dẫn tới thiếu đói mà chính quyền không muốn đề cập tới?

Chuyện chó no, người đói không phải là một phát hiện gì mới mẻ. Thời trước cách mạng, đâu những năm 1929- 1930 gì đó, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã mô tả điều này trong truyện ngắn có tên “Răng con chó của nhà tư sản“. Đó là một con chó săn, nghe kể, thuộc dòng Bleu d’Auvergne, giá chừng 400- 500 quan tiền. Hình dáng “tai to, mũi lúc nào cũng ướt ướt, chân cao và to, lốm đốm, đầu vuông như chữ điền, nét ngang, nét sổ, bụng thon, mõm ngắn… hai lườn phình ra như lườn dê...”. Con chó được ‘ăn trên ngồi trốc’ ở sa lông và được nhà tư sản cưng như một đứa con hay chữ. Nó cũng được hưởng một ‘nền giáo dục’ đâu ra đấy, tức ông chủ cho ăn mới được ăn, còn không được phép thì dù có đói chảy dãi vẫn phải ngồi cách xa đĩa cơm trộn thịt.

Chính vì sự giáo dục đâu ra đấy ấy mà xảy ra một chuyện. Muốn thể hiện với khách, ông chủ đem đĩa cơm thịt ra đặt trước mặt con chó nhưng ra lệnh chó nó không được ăn. Ông cá với khách, dù không cần phải trông, con chó cũng sẽ không dám động tới đĩa thức ăn này.
Nhưng có một người ăn mày đói khát, rách rưới đang rên hừ hừ phía bên kia hàng rào. “Người ấy đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả tay. Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp“.
Rồi “hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu!”.
Cuộc tranh giành miếng ăn giữa người và chó diễn ra theo kiểu ‘một mất một còn’: “Thằng người giương hai mắt nhìn con chó, con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy”.
Kết cục ra sao, xin để Nguyễn Công Hoan kể tiếp.

Chỉ biết rằng, nếu sống lại ắt tác giả sẽ phải chấp bút tiếp phần 2 của truyện ngắn giữa người và chó, cho trọn vẹn. Vì biết đâu đó, trong số gần 250.000 người dân Thanh Hóa đang sắp chết đói kia, thế nào chẳng có người ra Hà Nội ăn xin. Và có thể, một em bé nào đó đang đứng bên hàng rào, đói run rẩy và thèm rỏ dãi khi nhìn đĩa thức ăn đầy thịt bò tươi của con chó Ngao.

Chỉ có điều khác với thời Pháp thuộc, truyện của ông chắc sẽ bị ‘cách mạng’ cấm xuất bản và bản thân ông có thể gặp đủ thức rắc rối với nhà cầm quyền.

© Đàn Chim Việt
—————————————————–
(1) Bài báo viết theo quan điểm của Cộng sản. Trên thực tế, Tây Tạng (Tibet) là khu vực có lịch sử và văn hóa độc lập bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1958.

No comments: