Tuesday, May 3, 2011

PHẠM QUỲNH và NAM PHONG TẠP CHÍ (Phan Thanh Tâm, Gió O)


Nhân dịp ở Việt Nam vừa mới phổ biến bài viết Về ngày “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại”  của vị Đại tá – Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan , chúng tôi đăng lại một tài liệu cũng liên quan đến Phạm Quỳnh trên trang nhà Gió O vào năm 2005 như là một nguồn tài liệu đối chứng dành cho bạn đọc.
---------------------------------------------------------
Phan Thanh Tâm
Gió O

Tôn trọng Sự Thật
Thực thi Công Bằng, Công Lý mới tạo được Đoàn kết.*

Dù bị Cọng sản Việt Nam (CSVN) giết bằng cuốc xẻng; thây bị vùi dập dưới mương tại một nơi hẻo lánh bên bờ sông Bồ của miền Trung vào một đêm trăng lưỡi liềm đầu thu năm 1945, nhưng danh tiếng Phạm Quỳnh vẫn không hề tuyệt tích. Nam Phong Tạp Chí, một kho tàng văn học, nghệ thuật mà ông là linh hồn, đã vượt không gian thời gian, chiếm môt vị trí đáng kể trong văn học sử, được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho giảng dạy bậc Trung Học từ thập niên 60; gần đây còn được đưa vào thế giới ảo điện toán. Viện Việt Học California đã giới thiệu công trình chuyển 210 số báo gồm 35,000 trang chữ từ 1917 đến 1934 vào bộ DVD-Rom, tại các địa điểm có đông người Việt cư ngụ. Và có vẻ không còn ngăn được gió lành phương Nam thổi về, sau nhiều thập niên bị kết tội là bồi bút, đại Việt gian phản quốc, một số tác phẩm của nhân vật này đã thấy Hà nội cho lưu hành ở Việt Nam.

Để hoàn thành dự án DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí (NPTC), hơn 50 thiện nguyện viên phần lớn thuộc giới trẻ đã phải mất sáu năm cùng nhau làm việc. Cái khó đầu tiên, ngoài chuyện tiền đâu còn phải tìm cho ra 3,500 trang thiếu hụt, hoặc phai mờ vì thời gian hay mục nát vì mối ăn. Gia đình Phạm Quỳnh đã biếu tặng Viện Việt Học trọn “gia tài” nhưng vì trải qua bao bể dâu chỉ còn giữ có 186 số. Các thư viện đại học như UCLA, UC-Berkeley, Washington (Seattle), Cornell.cũng không có đủ. Ngoài ra, còn phải kể công tác chuyển các trang vào DVD để thực hiện E-BOOK. Mỗi trang E-BOOK mất 45 phút.Tổng số 35,000 trang cần 26,250 giờ. Giáo sư Đàm Trung Pháp, một diễn giả trong buổi giới thiệu ở Houston hồi tháng 11/09 cho biết số thời gian này tương đương với lao tác của ba chuyên viên giỏi làm việc 8 giờ mỗi ngày liên tục trong 3 năm rưỡi. Trong DVD ghi gia đình Phạm Tuân-Hỹ Nguyên góp 12,000; Cô Nguyễn thị Kim Ngân 8,500; cô Nguyễn thị Mai Khôi 300 và bác sĩ Hà Nguyên Huỳnh 200 mỹ kim...

Ban thực hiện dự án gồm Nguyễn Minh Lân, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Chí Thông, Châu Hữu Hiền; các chuyên viên điện toán; các vị trong ban tìm tài liệu, ban trình bầy. Với bộ DVD-ROM tốn khoản 40,000 mỹ kim, học-thuật VN hải-ngoại đã có một đóng góp đáng kể. Nhạc-sĩ Phạm Tuân, con út nhà văn hóa, tại buổi giới thiệu ở Washington DC tháng 10/09 nói rằng, một giấc mơ của họ Phạm đã thành. Nay không còn cần phải bênh vực cho thân phụ ông nữa, vì Nam Phong là Phạm Quỳnh và Phạm Quỳnh là Nam Phong. Trước đây, Phạm Tuân trong bài ghi lại Cái Chết Đầy Oan Khiên, Bi Thảm Của Cha Tôi, đã khẳng định rằng, Phạm Quỳnh là người đầu tiên chính thức công bố Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Tân Quốc Gia Việt Nam chấm dứt 80 năm nô lệ Pháp; còn bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện năm tháng sau đó.

Bài viết của Phạm Tuân còn cho biết, Phạm Quỳnh thường tâm sự, thố lộ với người anh lớn về nỗi băn khoăn duy nhất trước hiện tình đất nước: Hồ Chí Minh là ai? (Họ Hồ lấy tên này từ 13/8/1942). Nếu như ông ta không phải là Nguyễn Ái Quốc thì hay quá, thì là đại phúc cho dân tộc ta. Năm 1922 tại thủ đô Paris, thầy tôi đã gặp và biết Nguyễn Ái Quốc tường tận lắm. Hai người đã họp mặt với nhau hai, ba lần cùng với các ông Phan văn Trường, Nguyễn thế Truyền tại căn nhà số 6 Villa des Gobelins.Thầy tôi nhận biết rõ ông này là đảng viên của Đảng Cọng Sản Pháp lúc bấy giờ. Thắc mắc ấy là một lo âu canh cánh trong lòng thầy tôi.Theo Phạm Tuân, trong thời gian Nhà Vua Bảo Đại thoái vị, Mặt trận Việt Minh lên năm chính quyền, thầy tôi đã lui về điền viên dưới mái ấm gia đình, từ nay mới thực sự được sống những ngày tương đối thảnh thơi, nhàn nhã giữa vợ con cháu chắt thân thương.

Giấu giếm tội ác

Vẫn theo Phạm Tuân, đứng trước thực tế lịch sử, cho ta thấy,”Bác và Đảng” hoàn toàn vắng mặt, khởi thủy không có một chút công lao nào trong công cuộc giành lại độc lập cho Việt Nam trực tiếp từ chế độ thực dân Pháp cả!! Tất cả mọi sự việc diễn ra sau đấy là một cuộc xung đột, thanh toán, sát hại đầy mưu mô lường gạt thâm độc giữa nội bộ chính tình Việt Nam không hơn không kém. Phạm Tuân cũng đã ghi lại cuộc tìm hài cốt thân phụ ở miền Trung tháng hai năm 1956,buổi trưa hè oi nồng lúc Phạm Quỳnh bị bắt ở Huế ngày 23/8/1945 cùng lời của các chứng nhân nói về cái đêm trăng non nạn nhân bị đánh vào đầu bằng xẻng cuốc, bị bắn bồi thêm trước khi xô xuống mương lấp chôn chung với Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân ngày 2/9/4, dưới sự chỉ huy của Hoàng Anh, Chủ Tịch Uy Ban Cách Mạng Thừa Thiên. Phạm Tuân kể lại, ông Hồ sau khi nghe Phạm Quỳnh bị cách mạng xử lý đã nói: dạo ấy tôi chưa về và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội, có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.

Bộ DVD-ROM bảo tồn các tàì liệu văn hóa nên có thêm bài viết của người con út để các thế hệ sau biết đời của nhân vật chủ chốt trong Nam Phong Tạp Chí đã kết thúc như thế nào, qua chính lời con mình kể. Đề nghị Viện Việt Học in và đính kèm khi phổ biến bộ này. Phải giữ lại chứng liệu lịch sử, vì như nhà văn Nguyễn Quốc Trụ viết, Những người Cộng sản rất khôn khéo trong việc giấu diếm những tội ác của họ. Và càng giỏi hơn, khi chối tội, khi không dám nhận ai là tác giả những tội ác đó. Khi chiến tranh chấm dứt, họ dễ dàng có được những "Viện Bảo Tàng, Nhà Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Ngụy", phần lớn hình ảnh, tài liệu là do báo chí, giới truyền thông Tây Phương cung cấp. Nhưng thật khó mà kiếm ra, và chắc là vô phương có được những hình ảnh về cảnh giết người hàng loạt, trong biến cố Mậu Thân tại Huế chẳng hạn, khi người Cộng Sản phải bỏ chạy .

Nhắc tới Phạm Tuyên, tác giả bải “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng”, Phạm Tuân nói, anh đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa anh em vẫn tốt thôi. Đúng là bi kịch Việt Nam. Vì đâu nên nỗi? Em góp công, của vào việc dựng lại sự nghiệp ông cha; anh ca ngợi họ Hồ. Bao nhiêu gia đình lâm cảnh oái ăm này? Phạm Tuyên sống theo lời dặn của Hồ Chí Minh: Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng. Hai người chị Phạm thị Giá, Phạm thị Thức nói với Phạm Tuyên như vậy sau khi hai bà gặp họ Hồ để hỏi về vụ chủ bút Nam Phong bị sát hại. Trong lời phát biểu nhân dịp Trung Tâm Văn Hóa–Ngôn Ngữ Đông Tây và nhà xuất bản Tri Thức giới thiệu bản dịch “Tiểu luận Phạm Quỳnh” bằng tiếng Pháp từ 1922 – 1932, tháng 11/07 ở Hà nội, nhạc sĩ Tuyên cho hay từ những năm cuối của thế kỷ trước đã có nhiều bài viết và sách của học giả được phổ biến. Nhưng ông nói, tôi chỉ được biết sau khi sách được phát hành, thậm chí còn được nhận cả nhuận bút.

Ngoài ra, người biên tập và giới thiệu tập tiểu luận, nhà văn Phạm Toàn, đã công nhận rằng, đọc Phạm Quỳnh cả bằng tiếng Việt cả bằng tiếng Pháp, cái ấn tượng đầu tiên sau đó còn tiếp tục đeo đuổi ta, ấy không phải khâm phục chiều sâu bác học và tầm cao ái quốc của tác giả. Ấn tượng lớn hơn nữa, còn đáng yêu hơn nhiều, còn quyến rũ ta vô cùng, ấy là lòng yêu cái đẹp của bậc chí sĩ đó. Phạm Toàn còn nhận xét, cả một đời Phạm Quỳnh, là một đời không ngừng hoạt động thực tiễn và lý thuyết để thức tỉnh và nâng cao dân trí. Những hoạt động trong phạm vi hội Khai Trí tiên đức, trong các trang báo Nam Phong, đều muốn lấy đó làm một làn gió mới của phương Nam nâng cao dân trí và đạo đức của dân tộc này. Cũng theo người biên tập bản dịch tập tiểu luận, Phạm Quỳnh là người ý thức rõ, dân nước Nam có đời sống giản dị nhưng tâm linh thì mang đầy những giá trị văn hóa. Nhà văn này còn cho rằng những lời của họ Phạm viết vẫn thấy nó đương đại với chúng ta hôm nay .

Trí tuệ uyên thâm

Phụ trách dịch “Việt Nam - Ở Giữa Giao Điểm Của Các Nền Văn Minh”, khi trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy trong báo Người Hà nội ngày 21/12/07 nhà văn Nguyễn Ngọc nói, tiểu luận tiếng Pháp của Phạm Quỳnh là một thứ văn cực kỳ sang trọng, sáng sủa. Các tiểu luận này, cùng với những trước tác bằng tiếng Việt đã đặt ra những vấn đề bao quát về dân tộc, văn hóa, về sự va chạm giữa hiện đại và quá khứ, giữa phương Đông và phương Tây.Từ đó ông tìm con đường cho sự phát triển Việt Nam. Những vấn đề ông đặt ra đến nay vẫn rất thời sự.Theo Nguyễn Ngọc, Phạm Quỳnh thuộc lớp người khổng lồ, trí tuệ uyên thâm; hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông; tự học mà chiếm lĩnh văn hóa phương Tây rất cơ bản. Nguyễn Ngọc còn cho rằng, tôi thấy rõ ràng Phạm Quỳnh là một nhân cách văn hóa lớn, một người hết sức tha thiết yêu dân tộc, ưu tư cho sự phát triển của dân tộc. Và cuốn sách phát hành hàm chứa trả lại sự công bằng.

Trong bài “Đọc Phạm Quỳnh tiểu luận”, tác giả Tâm Hiếu đã viết, sau khi đọc nó, việc cần làm gấp là mua cho con cháu mình, để qua cuốn này mà hiểu được hồn văn hóa Việt. Càng đọc ông, càng thấy gương ông sáng ra, lòng kính trọng ông mỗi ngày một tăng, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tâm Hiếu cho rằng, Phạm Quỳnh viết bằng tiếng Pháp không phải để phổ biến cho tầng lớp bình dân của xã hội Việt Nam mà để truyền, để dạy văn hóa của chúng ta cho những người Pháp đang tự coi, tự phong là mẫu quốc, là bề trên.Tác giả bài báo, đăng trong “ Khoa Học & Tổ Quốc “ tháng 1/08 còn viết, trong những người trí thức tìm đường đi cho dân tộc, có những người không mấy thành công, song đóng góp của họ cho dân tộc cho đất nước là những đóng góp đáng kể. Hơn năm trăm trang sách, với năm mươi bài tiểu luận viết cách đây đã hơn ba phần tư thế kỷ, vậy mà phần lớn những quan điểm đó vẫn còn giá trị cho ngày hôm nay.

Báo Nam Phong ngày nay quí hơn vàng. Học giả Vương Hồng Sển, trong “ Nửa Đời Còn Lại “ viết, khoảng tháng 11/1992 ở Sài gòn gửi ra, xuất bản ở hải ngoại, đã đánh giá như vậy. Cụ tự mắng mình là kẻ ngu hạng nhứt, không biết giữ sách quí, vì khi xính vính hụt tiền, cụ đã bán toàn bộ Nam Phong với giá ba chục lượng vàng. Nhà khảo cổ họ Vương, thọ 94 tuổi, còn kể lại rằng, ông đã dẫy nẫy từ chối vì sợ đụng chạm đến một người mà đảng không ưa, khi có bạn nhỏ đến nhà mời viết đề tài “Nam Phong và ông Phạm Quỳnh, đối với đồng bào trong Nam”. Tuy nhiên vì, trâu già hết sợ dao phay, nên ông nói huỵch tẹt, mặc cho sấm sét búa rìu. Khi mới phát hành năm 1917, chỉ có mấy tỉnh Mỹ tho, Vĩnh Long, Sa Đéc dân Kinh ở nhiều, biết giữ lại tờ Nam Phong. Riêng Hà Tiên, tờ báo được sùng bái nhiều vì nơi đó có trường luyện quốc văn của Đông Hồ, Mộng Tuyết.

Qua đời năm 1996, nhà văn họ Vương, trong cuốn sách nói trên còn tiết lộ rằng, cụ biết giá trị Nam Phong nhờ một buổi trò chuyện với Phan Văn Hùm, người thuộc nhóm Đệ tứ Cọng sản, về sau đã bị nhóm Đệ tam Cọng sản giết khoảng năm 1945. Cụ cho biết lúc đó mới 16,17 tuổi, học lớp nhì, khi muốn nói một trường tư có học trò, vừa dạy, vừa cho chỗ ngủ, cho cơm ăn cụ dùng chữ trường ăn cơm trong. Phan văn Hùm cười và nhỏ nhẹ sửa lại thưa anh, ký túc xá, Tây gọi pensionnat, internat. Cụ rón rén hỏi học ở đâu mà có những tiếng hay quá? Phan văn Hùm trả lời tìm mua tạp chí Nam Phong. Đây là tạp chí ra hàng tháng, khổ lớn dày 100 trang. Nội dung, ngoài bài luận thuyết thời cuộc và bài tóm tắt thờì sự, còn có hai phần: phần biên khảo, học thuật (tây hoặc hán học) và phần thi văn, tiểu thuyết. Nếu ông không bị giết chết sớm, theo cụ Sển có lẽ mình đây ắt học thêm nhiều.

Ngày Phạm Quỳnh tại Cali

Cụ Sển đã ví báo này như cây mía bị ép gần ráo chất ngọt vì bài vở trong tạp chí đều được trích dịch hay tuyển ra in thành sách; nào là Thượng Chi Văn Tập, Nam Phong Truyện Ngắn, Chủ Đích Nam Phong. Trong cuốn “Nửa Đời Còn Lại”, nhà khảo cổ Vương Hồng Sển còn cho biết nhân năm 1967 ra miền Trung giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Huế, đi viếng chùa Vạn Phước, bỗng sững sờ thấy trước mắt một ngôi mộ bằng lô dước, kiến trúc lối vòng đai chung quanh và miếu nhỏ thờ thổ thần, trời đã nhá nhem sắp tối, ngoài xa xa giăng giăng hàng núi Ngự xanh xanh và chớp chớp nước sông Hương sang sáng, tôi đứng run lập cập,nửa vì lạnh, nửa vì không mặc áo ngự hàn, ngậm ngùi thức cảnh sinh tình, ráng đọc mấy chữ bằng chữ hán “Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng Chi di thể”. Nhờ mấy chữ này, học giả họ Vương hỏi thêm mới hay nơi này là ngôi mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Theo” Việt Nam Văn Học sử Giản Ước Tân Biên” của Phạm Thế Ngũ, NPTC do chính người Pháp lập ra với mục đích phục vụ cho việc chiến thắng trong trận giặc với Đức. Phạm Quỳnh nhận lời làm tờ báo là vì muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây. Vũ Ngọc Phan trong cuốn “Nhà Văn Hiện Đại” đã nhận xét rằng quốc văn bắt đầu thịnh, bắt đầu có giọng hoa mỹ, dồi dào và chú trọng về tư tưởng là công của hai tờ tạp chí ở Bắc Hà: Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí. Vũ Ngọc Phan còn viết, Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về vấn đề gtừ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo cho đền chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh năm 1892 tại Hải Dương, thuộc một gia đình nho học, có hiệu là Thượng Chi, mồ côi mẹ lúc chín tháng, mồ côi cha lúc chín tuổi. Ông được bà nội nuôi nấng cho ăn học tại Hà nội trường Bảo Hộ. Năm 16 tuổi đậu thủ khoa bằng Cao Đẳng tiểu học. Linh mục Thanh Lãng trong “Phê bình văn học thế hệ 1932” cho biết, muốn hiểu văn học Việt Nam thời 1913 tới 1932 không gì tốt hơn cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là linh hồn. Nam Phong là tất cả văn hóa của thế hệ đó. Phạm Quỳnh du thuyết nước Pháp năm 1922. Ông có 13 người con. Cũng như nhiều gia đình VN khác, sau cuộc chiến họ sống rải rác ở Mỹ, Pháp và Việt Nam. Ông được Bảo Đại bổ nhiệm ThượngThư kiêm Ngự tiền văn phòng, rồi sau đó Thượng Thư bộ Quốc gia Giáo Dục. Năm 1945 sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9/3, lúc bấy giờ ông là Thượng Thư Bộ Lại (xem như Thủ Tướng), đã nhân danh chánh phủ Hoàng Gia, ký bản “Tuyên Bố Độc Lập” cho Việt Nam.

Để tưởng niệm và đánh giá lại sự nghiệp vị học gỉa này, bốn tờ báo ở Mỹ: Người Việt, Thế kỷ 21, Xây Dựng và Ngày Nay đã tổ chức “Ngày Phạm Quỳnh” tại tòa báo Người Việt vào 8/5/1999. Các người con và cháu của chủ bút Nam Phong cũng đã về thủ đô người tị nạn, mang theo nhiều hình ảnh và tài liệu quí giá để làm một cuộc triển lãm. Hình trường Thông ngôn, hình chụp chung với Phạm Duy Tốn, bố Phạm Duy; hình chụp lúc Phạm Quỳnh viếng Nam Kỳ năm 1918 với các ông Diệp văn Kỳ, Trần Năng Thân, Lê Đức ; hình sinh hoạt ở triều đình Huế, những phiên họp nội các do vua Bảo Đại chủ tọa, lễ tế Nam Giao. Đặc biệt là các thủ bút của cố học giả ghi lại trong thời gian ở Pháp năm 1922 như: Jeudi 13 Juillet 1922 – ăn cơm với Phan văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường; Dimanche 16 Juillet 1922 - Ở nhà, Trường, Ái Quốc, Chuyền đến chơi; cùng những trang viết còn dang dở trước khi bị bắt đi.

Nhà báo Phạm Quỳnh - Một chiến sĩ ái quốc

Trong phần hội thảo, giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Tập đã trình bày tư tưởng của Phạm Quỳnh về quân chủ lập hiến và gíáo dục trong tình hình thế giới lúc bấy giờ. Diễn giả xác quyết, ngoài việc là một học giả, họ Phạm còn là một chí sĩ, xứng đáng được sắp ngang hàng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Diễn gỉả nói, một người đã chiến đấu và đã hy sinh đời sống cho một lý tưởng, thì người ta gọi là chiến sĩ, chiến sĩ ái quốc Phạm Quỳnh. Nguyễn Phúc Bửu Tập đã dẫn chứng một tài liệu tối mật tại văn phòng Pháp Quốc Hải Ngoại Paris của Khâm xứ Trung Kỳ Haclewyn ngày 8/1/1945 gửi Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux và Tư lệnh Đại Tướng Mordant, bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hòa hoãn nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong gì làm vơi đi lòng ái quốc chí thành, bất di dịch nơi ông ta dù qua việc chúng ta đã dành cho ông ta một chức vị tối danh dự đã có.

Phát biểu trong dịp này, nhà văn Võ Phiến nói, Phạm Quỳnh thấy dân tộc ta kém khả năng biện luận, ông bắt tay vào việc chữa cái nhược điểm của tiếng Việt. Ông hô hào “đào luyện quốc văn”, “bồi bổ quốc văn”. Bồi bổ vào cho nó thật nhiều tiếng trừu tượng, biến nó thành một phương tiện tốt, đắc lực, thích hợp hơn cho loại văn luận thuyết. Trong vòng 10 năm đầu của Nam Phong, ông Phạm tính ra đã phát hành kể có hàng ngàn tiếng mới, ông đã dùng chúng vào việc biên tập, dịch thuật, việc truyền bá Đông Tây học thuật. Cũng trong phần hội thảo, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, đưa ra ý kiến cho rằng, sau khi ra trường Bảo hộ, nếu làm việc ở phủ Khâm xứ hay Toàn Quyền , Phạm Quỳnh có thể chỉ đã trở thành thầy thông, thầy ký. Nhờ làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ, môi trường ở đây đã hướng họ Phạm đi sâu vào những lãnh vực triết học,văn học, mỹ học, và văn chương kim cổ.
Người ta bảo Phạm Quỳnh là môt nhà văn, tôi thiết nghĩ ông chủ yếu là một nhà báo. Bài tham luận của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã khẳng định như vậy.Tại sao? Theo Gíáo sư Bích, Phạm Quỳnh từ khi còn là thanh niên đã hy sinh cái văn hoa, bay bướm trong lời văn để đánh đổi lấy sự khả tín, sự chính xác, một đặc tính căn bản bất khả khuyết của người làm báo, cái mà Vũ Ngọc Phan gọi là làm cho người đọc có lòng tin cậy. Giáo sư Bích còn cho biết, Phạm Quỳnh đã gây được một phong trào báo chí sôi nổi và có được sự cọng tác của nhiều người mà tên tuổi đã đi vào văn học sử như Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Đông Hồ, Tương Phố, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng. Thuyết trình viên nói, họ Phạm đã cưỡng lại cái khuynh hướng viết truyện, để chỉ làm một nhà báo, một nhà báo có lập trường, có chương trình, có viễn kiến.

Trong thiên du ký” Một Tháng Ở Nam Kỳ”, chủ bút Nam Phong viết, những người làm báo là những người theo đuổi cái nghề khua chuông gỏ mỏ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với đồng bào, mong gây lấy môt mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà, giống nhà sau này được cường mạnh vẽ vang.Theo ông, nếu cổ động được điều hay, truyền bá được lẽ phải, có ích cho nước nhà có lợi cho xã hội, đó là phần thưởng vô hình của người làm báo.Cái thưởng đó cũng đủ cao quí, đủ đền cho công phu tâm huyết của mình, những khi đêm khuya thanh vắng, một bóng, một đèn, ngồi kỳ khu cặm cụi trước tờ giấy trắng, ống mực đen mà đào gan, nạo óc đem những lời thiết thực cảnh tỉnh cho bạn đồng bào. Khi nói chuyện với ký giả Rene Rays của tờ Impartial, Phạm Quỳnh thố lộ, làm báo thực là một nghề hứng thú; ai đã làm qua, vẫn giữ như vết in trong tâm não không bao giờ phai được.

Đã lỡ mất rồi

Cũng trong tập du ký, viết cuối năm 1918, tác gỉả cho hay, khi đến Long Xuyên viếng thăm “Đại Việt Tạp Chí “, ông và ban chủ biên báo địa phương, sau khi hàn huyên hiểu rõ tôn chỉ kẻ Nam người Bắc, đã có bàn chuyện họp Nam Phong với Đại Việt làm một tạp chí chung cho cả nước.Theo nhận xét của Phạm Quỳnh, báo giới trong Nam thạnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc nhiều. Hiện nay có đến mười tờ báo bằng Quốc Ngữ. Ông viết, cứ lấy lượng mà xét thì đủ khiến Bắc kỳ, Trung Kỳ phải thẹn với Nam Kỳ, rằng về đường ngôn luận còn chậm kém xa quá. Ngoài ra, nghề làm sách ở trong Nam cũng thịnh lắm có phần thịnh hơn nghề làm báo nhiều.. Phạm Quỳnh còn cho biết, dân Nam Kỳ có tính ham đọc sách báo và không ngại bỏ tiền mua. Chữ quốc ngữ thông dụng lắm. Đàn bà con trẻ thường biết đọc biết viết cả. Chẳng bù với Bắc kỳ, Trung kỳ số người đọc thông quốc ngữ ít hơn.

Nam Phong có sáng kiến ra số Tết Mậu Ngọ (1918).Từ đó báo Việt mới hay có cái lệ là có cái quà năm mới báo Tết đón Xuân. Tết là gì? Theo Ông Tổ báo Tết: Tết là tiếng gọi mênh mông của tất cả những người con của nước Nam, trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và muôn vật, gào lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mình. Bởi Tết không chỉ là ngày lễ của người sống, nó còn là, chủ yếu là ngày lễ của những người chết. Chính trong ba ngày Tết, những người đã chết thực sự tham dự v ào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Như vậy không coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi, cũng không nên coi họ như còn sống, tin họ còn sống thật. Đúng ra, họ sống bằng ký ức chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng ta gọi là đức hiếu để, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý thức, khiến cho họ tồn tại mãi.

Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh và vài người khác năm 1922 đã cùng ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thỏa thích. Ăn no, uống say, cười cười, nói nói. Chủ bút NPTC đã kể lại như vậy trong “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký”. Huy Cận cho Phạm Tuyên hay là Hồ Chủ Tịch nói, chuyện họ Phạm bị thảm sát đã lỡ mất rồi. Tuy nhiên, sau đó CSVN vẫn quy chụp Phạm Quỳnh là Đại Việt gian. Văn phẩm ông bị cấm lưu hành, liệt ông vào diện tác gỉa có vấn đề. Hồi ký Trần Huy Liệu, thuộc phái đoàn trung ương Hà nội ra miền Trung dự lễ thoái vị của Bảo Đại ngày 30/8/45 viết, Phạm Quỳnh bị xử lý thích đáng. Địa phương bắt nhà văn hóa ngày 23/8/45; không giết liền mà thủ tiêu ngày 6/9/45, sau khi phái đoàn đến Huế. Di hài họ Phạm tới năm 1956 mới tìm thấy ở khu rừng Hắc Thú tỉnh Quảng Trị, được cải táng nằm trong chùa Vạn Phước, thật đơn sơ với tên Phạm Quỳnh, bút danh Thượng Chi. Nhưng NPTC thì như ngọn gió mát lành được khắp nơi hân hoan đón nhận.

Việc xử tử hình vị học gia không phải là một chuyện đã lỡ mất rồi như Hồ Chủ Tịch nói mà là một việc làm có tính toán, nhằm triệt hạ một đối thủ trong lúc tình hình chưa ngã ngủ.Tội chính của nạn nhân là vì uyên bác hơn và lúc bấy giờ, đối với các nước Tây phương, họ Phạm uy tín hơn họ Hồ nhiều. Để biện minh cho hành động ngu xuẫn, cuồng tín sát hại này - chữ của nhà văn Duyên Anh trong bài nói chuyện tưởng niệm Phạm Quỳnh ở Paris năm 1985 – CSVN cáo buộc ông là Việt gian.Tuy bị giết, chôn giấu, hạ nhục, nhưng tên tuổi ông không chết. Tại sao? Độc thư cứu quốc. Phạm Quỳnh đã lợi dụng một cơ quan do Pháp dựng lên để bồi bổ quốc văn và gầy dựng một tinh thần quốc gia, dựa trên cơ sở văn hóa. Theo ông, nhà văn muốn thờ nước, không có các phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn xứng đáng. Báo Nam Phong như ngọn gió Nam thổi mát lòng dân tộc, xoa dịu buồn dân gian và sẽ khiến quốc dân phú cường.

Đừng kêu qua là Việt gian

Ngoài ra, vụ giết “tên Việt gian phá hoại “ Tạ Thu Thâu, một nhà tranh đấu nổi tiếng của miền Nam, ở Quảng Ngải năm 1945, cho thấy thêm một trường hợp khác, y như vụ Phạm Quỳnh. Do đó, “đừng nghe Hồ Chí Minh nói mà hãy nhìn những gì CSVN làm”. Trong “Phan văn Hùm thân thế & sự nghiệp”, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu kể lại, khi trả lời nhà văn Daniel Gue’rin ở Paris năm 1946, họ Hồ nói, Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc tầm cỡ, chúng tôi khóc cái chết của ông. Sau 1975 Sàigòn đổi thành Hồ Chí Minh thì tên đường Tạ Thu Thâu biến mất. Trần văn Giàu, học trò Tạ thu Thâu, năm 1930 bị trục xuất về nước trên cùng một chiếc tàu với thầy; nhân qua Pháp năm 1989 gặp lại một số người quen cũ biết sự liên hệ sâu đậm này, đã hứa là, sẽ “rữa tiếng” cho bậc đàn anh; đến nay chẳng thấy động tịnh gì. Giết cứ giết nhưng đừng kêu qua là Việt gian. Ông Hồ văn Ngà cũng bị đuổi về Việt Nam từ bến Marseille ngày 24/6/30 với ông Giàu và ông Thâu, đã nói với những người giết ông như vậy.

Theo Bác sĩ Phiêu, nhà giáo nhân dân Trần văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ năm 1945, đã nhẫn tâm sát hại hầu hết những nhà ái quốc, cách mạng Nam bộ; ngoài hai người nói trên bị giết còn có: Dương văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Phan văn Hùm, Huỳnh văn Phương, Phan văn Chánh, Lê văn Vững, Diệp văn Kỳ, Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn thị Sương.. và đặc biệt ở vùng Hậu giang có nhiều hầm chôn tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài.Trong “Gọng Kìm Lịch Sử”, tác gỉả Bùì Diễm cho hay, thời gian hội nghị Fontainebleau diễn ra, cả trong Nam ngoài Bắc, đã có hàng ngàn người quốc gia gục ngã âm thầm, trong đó có những người như Trương tử Anh, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.. Hố Chí Minh nhờ được huấn luyện ở Nga và CSVN, một tổ chức có kinh nghiệm hơn các đảng phái quốc gia, nên phe cọng đã loại hết các đối thủ và làm chủ tình thế. Tác gỉả Bùi Diễm viết, việc khủng bố các phần tử quốc gia quả thực là một thủ đoạn tàn bạo và toàn diện. Lúc bấy giờ khắp nơi, ai nấy cũng đều nơm nớp sợ nạn Việt gian.

Hai chữ Việt gian có từ lúc nào? Cuốn “Lớn Lên Với Đất Nước” của Vy Khanh có chú thích của Nguyễn Long Thành Nam, một giới chức Hòa Hảo, nói rằng, chữ “Việt gian” phát sinh do CSVN học theo kinh nghiệm dưới trào Staline dùng chính sách khủng bố đẫm máu để tiêu diệt đối lập.Thành Nam viết, ai bị gán tội Việt gian thì khó thoát khỏi chết. Phần nhiều là chặt đầu, mỗ bụng để tiết kiệm đạn. Đối với dân chúng, đó là áp lực để mọi người phải tuân lệnh, trung thành với Việt Minh. Đối với lãnh tụ và cán bộ đối lập, đó là phương cách diệt trừ hậu hoạn. Sách của Vy Khanh còn ghi nguồn gốc hai chữ này của nhà báo Bùi Tín: một kiểu cách học theo đảng Cọng sản Trung Quốc; coi những kẻ hợp tác với phát xít Nhật là Hán gian; coi chính phủ Uông Tinh Vệ là Hán gian, tay sai Nhật. Về sau hai chữ Hán gian được dùng rộng rãi, cứ ai không đồng ý, phê phán đường lối của đảng đều là Hán gian cả. Từ hai chữ Hán gian mà sinh ra hai chữ Việt gian.
Dạo về Việt Nam cuối năm 2007 tôi biết nhiều hơn về cái chết của bác tôi Phan Thanh Cần hồi tháng 4/1946, vì tội Việt gian, trong khi hai người con Phan Thanh Dõng, Phan Thanh Thắng đi bộ đội. Gia đình nghe tin cả hai tử trận năm 1947 ở Tuy Hòa. Sau 1975 đồng đội hai anh về minh oan, phục hồi danh dự cho bác tôi. Ông Phan Thanh Cần làm việc ở Phan Thiết ngang với chức phó quận cho Nam triều mãi tới thời Nhật, rất được lòng dân điạ phương; có một người con nuôi Phan Thanh Cáp, lúc bấy giờ là Tỉnh Uỷ. Can thiệp cho cha nuôi không được, năm 1948 anh Cáp bỏ đảng trốn đi tu ở Cam bốt, mất năm 1959. Bác tôi có một cháu nội Phan Thanh Minh, sĩ quan VNCH thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, mất tích ở Qui nhơn trong một trận đánh tháng 4/1975. Cha bị gán là Việt gian, hai con bộ đội, cháu thuộc quân lực VNCH đều bị chết, nhưng không biết rõ ngày tháng và nơi chốn. Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa ngoại lai Mác Lê vào Việt Nam đã gây bao tang thương cho dất nước và dân tộc. Bác tôi chẳc chẳng cần sự phục hồi của kẻ thống trị; với bàn tay vấy máu, CSVN không có tư cách để làm chuyện này.

Việc chuyển toàn bộ các số NPTC vào DVD-ROM làm nhớ vụ sát hại Phạm Quỳnh, không để đi vào quên lãng và còn nhắc mọi người, hãy nhìn lại lịch sử để thẩm định những sai lẩm đã lỡ mất rồi của CSVN. Chỉ có tôn trọng Sự Thật; thực thi Công Bằng, Công Lý mới tạo được Đoàn Kết. Quy chụp Việt gian, học tập cải tạo, cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, kinh tế mới, đánh tư sản mại bản, bao cấp cơ chế, độc tài đảng trị, Hoàng sa Trường sa, phân biệt đối xử trong giáo dục - công ăn việc làm, độc quyền thông tin…và nhất là khi cướp được miền Nam, gọi là giải phóng đã - như học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong “Hồi ký” - tạo cái không khí giữa thực dân và dân bị trị; coi dân miền Nam này, coi đồng bào của họ như bọn da trắng coi dân da đen, là những lỗi lầm to lớn, nếu không nói là tội ác mà CSVN phải thành thật sám hối, đền bù và xin lỗi như Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt ngày 7 tháng 12 năm 1970, nhân khi thăm Ba lan đã đến quỳ trước tượng đài Warsaw Ghetto Uprising, tưởng niệm các nạn nhân bị Đức Quốc xã giết hại hồi đệ nhị thế chiến./.

ảnh của bao Der Spiegel

Phan Thanh Tâm
1/10 Saint Paul

**Phần chữ nghiêng là những câu trích dẫn từ nhiều tác giả

**Cám ơn Hoàng Hỹ Nguyên tức bà Phạm Tuân đã gửỉ cho bài dưới đây, của người con út chủ bút Nam Phong Tạp Chí:

Cái chết của Cụ Phạm Quỳnh
Đôi nét tổng-quát về cuộc đời cùng cái chết đầy oan-khiên, bi-thảm của người mà giới văn-học nước nhà thường biết đến: " Phạm-Quỳnh", nguyên chủ-nhiệm báo Nam-Phong .Mới thoáng đây, sống ở Mỹ, xa quê-hương đã 30 năm rồi , 1975-2005. Thời-gian qua mau quá !! Cũng bằng thời-gian này, nơi quê nhà trước kia ( 1945-1975 ) đã xày ra biết bao biến-cố thê-lương, trọng-đại. Nào là Cách-mạng, nào là chiến-tranh, loan-lạc, nào là tản-cư, di-cư rồi di-tản...

Tôi nay đã gần 70 . Đời tôi chẳng có gì đáng dám đem nói ra , nếu không phải là 2 kỷ-niệm đau buồn thê-thiết luôn khắc sâu, ám-ảnh trong đáy hồn tôi .Nay được hỏi tới, tôi xin chân-thành, mạo-muội thuật lại đôi nét tổng-quát về cuộc đời cùng cái chết đầy oan-khiên, bi-thảm của cha tôi người mà giới văn-học nước nhà thường biết đến: Phạm-Quỳnh, nguyên chủ-nhiệm báo Nam-Phong xuất-bản tại đất Bắc-Hà, Hà-Nội trên 7 thập-niên về trước, thuộc thế-kỷ 20 vừa tàn.

Ngày 9/3/1945, sau khi quân-đội Nhật-Bản lật đổ chế-độ bảo-hộ Pháp trên giải đất Việt-Nam, thì ở địa-vị Thượng-Thư Bộ-Lại triều-đình Huế Thầy tôi (1) (Ô. Phạm-Quỳnh) chính-thức công-bố bản " Tuyên-ngôn Độc-Lập" của tân Quốc-gia Việt-Nam, chấm dứt 80 năm bị nô-lệ Pháp. Liền kế đó, ý-thức rõ về việc chuyển-biến thời-thế, và để mở đầu cho một kỷ-nguyên chính-trị hoàn-toàn mới-mẻ, trong sáng cho nước nhà, Thầy tôi đệ-trình lên nhà Vua Bảo-Đại một kế-sách thích-hợp nhất, theo với chiều-hướng lịch-sử (như ở thập-niên 20-30, dưới thời cực-thịnh cuả chính-quyền Bảo-hộ Pháp, trên mặt báo Nam-Phong, Thầy tôi đã kiên-quyết mà uyển-chuyển đề-nghị một giải-pháp "Quân-chủ Lập-Hiến" cho Việt-Nam ! ) rồi Người xin rút lui khỏi chính-trường, dành quyền quyết-định tối-cao của Nhà Vua Bảo-Đại trong việc chọn-lựa nhà Sử-gia Trần-Trọng-Kim làm thủ-tướng thành-lập tân Chính-Phủ.

Tuy-nhiên, để được ghi lại một bằng-chứng trung-thực trong giai-đoạn lịch-sử tranh tối, tranh sáng, đầy sóng gió 1945, khi chế-độ thuộc-địa Pháp cáo-chung, tôi xin nhấn mạnh đến điểm này: Bản Tuyên-Ngôn Độc-Lập của Thượng-Thư Bộ Lại Phạm-Quỳnh đã xuất-hiện trước Tuyên-Ngôn Độc-Lập cuả Ông Hồ-Chí-Minh (lãnh-tụ Mặt Trận Việt-Minh, tức đảng Cộng-Sản VN) đọc tại Công-Trường Ba-Đình Hà-nội 5 tháng sau đó , Mùa Thu 1945 !!! Điều này, đứng trước thực-tế Lịch-sử, cho ta thấy rằng "Bác và Đảng" hoàn-toàn vắng mặt, khởi-thuỷ không có một chút công-lao nào trong công-cuộc giành lại nền độc-lập cho Việt-Nam trực-tiếp từ chế-độ thực-dân Pháp cả !! ( Tất cả mọi sự việc diễn ra sau đấy, đưa-đẩy Ông Hồ-Chí-Minh và Đảng Cộng-Sản cướp chính-quyền chỉ có nghĩa là một cuộc xung-đột, thanh-toán, sát-hại, đầy mưu-mô lường gạt thâm-độc giữa nội-bộ chính-tình Việt-Nam không hơn, không kém. "Nội-bộ" ở đây, xin hiểu là giữa Mặt-Trận Việt-Minh CS với các đảng-phái "Quốc-gia" hồi ấy !!

Trong thời-gian Nhà Vua Bảo-Đại thoái-vị, Mặt Trận Việt-Minh lên nắm chính-quyền thì Thầy tôi đã lui về điền-viên dưới mái ấm gia-đình, từ nay mới thực sự được sống những ngày tương-đối thảnh-thơi, nhàn-nhã giữa vợ con cháu chắt thân-thương. Theo lời các anh chị lớn của tôi trong nhà kể lại, hằng ngày Thầy tôi khăn áo chỉnh-tề, khoan-thai uống trà, ngâm thơ và bắt tay viết những trang hồi-ký về cuộc chính-biến ngày 3 tháng 9 năm 1945, Nhật hạ Pháp ở Việt-Nam và trên toàn cõi Đông-Dương. Người có cái vui hồn-nhiên là thấy được bóng Độc-Lập đã hiện về trên Giang-sơn đất Việt. Giấc mộng ấy ấp-ủ từ thuở còn trong tuổi thanh-niên đến khi bước vào đời, dốc tất cả tâm-trí, tâm hồn tìm một giải-pháp, một con đường cứu nguy cho dân-tộc sao cho thích-ứng nhất.tránh được tối-đa sự đàn-áp, tàn-sát người đồng-chủng VN đến từ bàn tay thực-dân Pháp trong thời cực-thịnh ở đầu thế-kỷ 20.
Thầy tôi cô-đơn, cô-độc, gánh chịu biết bao miệng tiếng người đời, một mình lầm-lũi trên đoạn đường chính-trị bạc-bẽo dài vô-tận ấy, đến độ có lúc phải âm-thầm thốt lên với chính lòng mình :"Tôi đã chọn con đường của tôi ,Tôi là một con người của buổi giao-thời , và tôi sẽ không bao giờ được cảm-thông...".

Trong những ngày nhàn-hạ ngắn-ngủi kể trên, Thầy tôi thường tâm-sự, thổ-lộ với một hai người anh lớn của tôi về nỗi băn-khoăn duy-nhất trước hiện-tình đất nước, là Thầy tôi vẫn chưa biết ông Hồ-Chí-Minh đích-thực là ai ?, "nếu như ông ta không phải là Nguyễn Ái-Quốc thì hay quá, thì thật là đại-phúc cho dân-tộc !" (vì từ năm 1922, tại thủ-đô Paris, Thầy tôi đã gặp và biết Nguyễn-Ái-Quốc tường-tận lắm. Hai người đã họp mặt với nhau 2, 3 lần cùng với các ông Phan-văn-Trường, Nguyễn-thế-Truyền tại căn nhà số 6 Villa des Gobelins. Thầy tôi nhận biết rõ ông này là đảng-viên của Đảng Cộng-Sản Pháp lúc bấy giờ...Thắc-mắc ấy là một lo-âu canh-cánh trong lòng Thầy tôi .

Mùa hè năm ấy nóng và oi-bức lắm. Lâu lâu mới có một luồng gió nồm thổi. ... Tôi (9 tuổi) và em tôi cùng hai cháu con chị Lãng đang chơi ở ngoài sân, dưới gốc cây soài thì vào khoảng 1 hoặc 2 giờ trưa, một chiếc xe hơi màu đen, loại du-lịch, 4 cửa, có bửng phiá 2 bên, hiệu Celtaquatre Renault , chở 6 người có súng, tông cửa sắt đột-nhập vào nhà, chúng tôi hoảng sợ, đứa thì khóc, đứa thì chạy kêu la ầm-ỹ, phá tan sự im lặng ngột-ngạt của buổi trưa hè nóng bức....

Khi đã vào trong, toán người võ-trang ào ra bao vây, chặn mọi ngõ ra, vào, họ kiếm và hỏi đích-danh Thầy tôi và anh Bích ....Chúng tôi sợ và rất ngạc-nhiên vì chưa bao giờ nghe thấy ai gọi Thầy tôi bằng tên thật một cách hỗn-sược như vậy! Họ chỉ tìm thấy Thầy tôi thôi....Anh Bích không ở chung với Thầy Me tôi (anh được Vua Bảo-Đại cho anh và vợ con vào ở trong thành-nội ..) Họ "mời" và Thầy tôi sẵn-sàng đi ngay!.Thầy điềm-đạm, thong-thả theo toán người võ-trang ra xe , Thầy không quay lại nhìn những người thân-thương và cũng không nhắn-nhủ một lời nào ... Me tôi không ra tiễn đưa Thầy, (sau này tôi mới biết rằng Me tôi đã ngất xỉu khi thấy toán người lạ có súng ống đến lôi kéo, bắt Thầy tôi đi). Trước diễn-biến quá đột-ngột này, chúng tôi chứng-kiến, bất-lực...Chị Hoàn chạy theo níu áo, đưa thuốc ( trị đau bao-tử ) cho Thầy tôi vì biết Thầy luôn luôn cần thuốc mỗi khi lên cơn đau dạ dầy.. Thầy tôi chỉ vắn-tắt có câu : "Chiều nay Thầy về..."

Anh Lãng ( tức Nguyễn-tiến-Lãng, anh rể tôi ) thấy vậy ra hỏi sự việc thì bị bắt luôn... Sau khi bắt Thầy tôi đi, tất cả các phòng-ốc đều bị niêm-phong, cả đại gia-đình chúng tôi bị dồn vào 3 phòng nhỏ...mọi di-chuyển ra, vào dều bị lục xét, tra hỏi. Mấy người anh khác của tôi, sau khi tham-dự biểu-tình về, bị lục-soát, gạn hỏi...Anh Khuê uất-ức quá, chạy thẳng vào nhà đập cửa kính (cửa đã bị niêm-phong) tìm mấy khẩu súng đi săn của anh Bích...chính mắt tôi thấy cánh tay phải của anh bị mảnh kiếng cứa cắt, máu chảy ròng-ròng. Sau này có dịp hỏi lại anh, anh bảo, “nếu tìm được súng thì không chắc gì anh em chúng mình còn gặp nhau được đến ngày hôm nay.”

Thời-gian trôi qua, tôi không nhớ là bao lâu, 1 tháng, 2 tháng? gia-đình chúng tôi sống trong cảnh bị giam lỏng như vậy...mọi sự ra vào đều có người theo rõi, canh chừng, nhất là mấy chị tôi, mỗi lần xin ra ngoài đi chợ đều bị lục-soát, trêu ghẹo với đủ mọi cử-chỉ, ngôn-từ hạ-cấp. Riêng đối với lũ trẻ chúng tôi thì họ dễ-dãi hơn..chúng tôi được chạy chơi ngoài sân như thường lệ...tôi còn được mấy anh (hướng-đạo, bạn của các anh tôi) có nhiệm-vụ canh gác, đùa rỡn và dạy hát những bài hùng-ca...tôi còn nhớ một câu của một bài hát mà tôi không biết tên.. .bài hát nói về các chiến-sĩ anh-hùng vào Nam kháng-chiến : "Một ra đi là không trở về !..", lũ trẻ chúng tôi nghêu-ngao hát suốt ngày.. nhưng cứ mỗi lần các chị nghe thấy đều mắng và cấm không cho hát vì là một câu hát "õgở", đem điềm xấu cho người đi xa ..(!)

Đêm nào chúng tôi cũng tụng kinh niệm Phật cầu cho Thầy tôi sớm được bình-an trở về..những đêm trăng sao, nhìn lên trời, Me tôi bảo hễ thấy sao đổi ngôi thì phải khấn cầu xin chóng được gặp Thầy.. .chúng tôi tin như vậy. Thời-gian lặng-lẽ trôi qua, vẫn không có tin-tức gì về Thầy.. nghe nói Thầy bị giải ra Hà-nội.....cả gia-đình chúng tôi xin được phép rời nhà, ra Bắc..Ở Hà-nội được ít lâu, một hôm chúng tôi nghe trẻ bán báo rao tin có 3 đại việt-gian "đã bị Cách-mạng xử-lý".

Bán tín bán nghi, 2 chị Bình, chị Hỷ cậy nhờ ông Vũ-đình Huỳnh (lúc bấy giờ là cận-vệ của ông Hồ) giới-thiệu đến diện-kiến và trình việc Thầy tôi với ông Hồ. Ông Hồ bảo: "Dạo ấy tôi chưa về (!), và trong thời-kỳ khởi-nghĩa quá vội, có thể có nhiều sai-sót đáng tiếc !!" Thầy tôi đã vĩnh-viễn ra đi !!!, mối hận ám-ảnh tôi, suốt đời tôi không sao quên được .. Thầy tôi (học-giả Phạm-Quỳnh) cùng Cụ Ngô-Đình-Khôi (bào-huynh cùa Tổng-Thống Ngô-đình-Diệm) và người con trai là Ngô-Đình-Huân bị Việt-Minh thảm-sát cùng ngày, cùng giờ và bị chôn vùi cùng một huyệt vào mùa Thu năm 1945.

Năm 1948, anh Bích tôi, lúc bấy giờ làm bí-thư cho Quốc-Trưởng Bảo-Đại đã dò hỏi được nơi Thầy tôi bị giết và bị chôn nhưng không thực-hiện được việc tìm kiếm, phần vì địa-điểm là một nơi xa-xôi, hẻo-lánh, hiểm-trở, lại là một vùng xôi đậu thiếu an-ninh, phần vì nghe lời khuyên can của những người am-hiểu tình-hình không nên mạo-hiểm vì rất có thể đây là một cái bẫy do Việt-minh Cộng-sản giăng ra để bắt và tiêu-diệt những người có liên-hệ với các nạn-nhân do họ sát-hại, một hình-thức "nhổ cỏ phải nhổ cho sạch rễ" vậy.

Thời-gian tàn-nhẫn lạnh-lùng trôi.. . cho mãi đến năm 1956, dưới chế-độ VNCH, Miền Nam Việt-Nam trong tay Tổng-Thống Ngô-đình-Diệm, bỗng một hôm gia-đình chúng tôi được thông-báo hãy chuẩn-bị sẵn-sàng để đi nhận lãnh hài-cốt Thầy tôi ! Một nỗi vui mừng khôn tả, đồng-thời một nỗi xúc-động vô-biên tràn ngập trong lòng anh chị em chúng tôi. Lập-tức, chúng tôi đi tìm những tin-tức chính-xác hơn.

Được sự giới-thiệu của ông Hoàng-Hùng ( Bộ-trưởng Bộ Kiến-Thiết ) và ông Võ-Văn-Hải ( Chánh Văn-phòng Phủ Tổng-thống), chúng tôi tìm đến gặp ông Võ-Như-Nguyện. Được biết Ông Võ-Như-Nguyện (Nguyên Tỉnh-Trưởng Bình-Định) cùng ông Hoàng-Ngọc-Trợ (Quận-Trưởng quận Phong-Điền, Thừa-Thiên ) là những người được Tổng-Thống Diệm trao cho việc tìm kiếm. Việc tìm kiếm hài-cốt không đơn-giản mà là một công-tác lớn-lao, đòi hỏi thời-gian, nhân-lực, phương-tiện và an-ninh tuyệt-đối. Ngày 5 tháng 2 năm 1956 ( cận Tết), tôi và chị Hảo tôi đi Huế để cùng vớI một phái-đoàn của Chính-phủ tìm và nhận hài-cốt các nạn-nhân.

Chi-tiết cho biết Thầy tôi, Cụ Ngô-Đình-Khôi và ông Huân bị giam, nhốt trong một lò ép và nấu dầu tràm (một loại dầu khuynh-diệp) của bác-sĩ Viên-Đệ ở Cổ-Bi, địa-điểm cách làng Văn-Xá 5 cây số về phía Tây. Làng Văn-Xá lại cách thành phố Huế 15 cây số về phiá Bắc, trên đường Huế đi Quảng-Trị.. ..

Dân làng được lệnh mỗi ngày phải bới cơm nước cho các nạn-nhân ăn, nhưng sau 3,4 ngày thì được lệnh ngưng.. họ to nhỏ bàn-tán rằng các người bị giam đã bị đem đi giết vào một đêm trăng Lưỡ i liềm. Lời khai của người có phận-sự canh gác tại nhà ép dầu nói rằng đêm hôm ấy (đầu tháng tám ta, trăng lưỡi liềm), vào khoảng 11 giờ có người đến gõ cửa, đương-sự hỏi "Ai đấy ? Thì có tiếng trả lời " Tôi, Hoàng-Anh, chủ-tịch Uỷ-ban Cách-mạng Thừa-Thiên, mở cửa ngay ! Hoàng-Anh vào, ra lệnh đưa 3 người bị giam ra, bảo cho ăn cơm...(cơm nguội và ít mắm cá khô) .... 3 người không nuốt được, xin ít nước mưa để chan làm canh..

Nói chuyện dăm ba câu thi Hoàng-Anh quát, bắt phải im, sau đó ra lệnh trói tay 3 người lại rồi đưa xuống đò. Nhân-chứng, người chèo đò kể thêm: đò đi quanh đi quất trên con sông Bồ, đến gần 1 giờ sáng thì được lệnh táp vào bờ... Hoàng-Anh ra lệnh lên bờ, đến gần 2 bụi tre, cùng với toán du-kích ra tay hạ-sát 3 nạn-nhân.. Nhân-chứng, người chèo đò, không được lên bờ nên không mục-kích vụ thảm-sát, chỉ nghe được tiếng thét giọng Bắc: "Quân sát-nhân!" và sau đó nghe mấy phát súng chát-chúa trong đêm khuya.

Một nhân-chứng khác, khai rằng vì nấp trong bụi cây gần đấy nên thấy được thảm-cảnh: Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn.. Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát.. .ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu .. Cả 3 thi-hài bị xô xuống mương rồi vội-vàng lấp đất. Chi-tiết cho biết thi-thể của Thầy tôi ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Cụ Khôi và ông Huân nằm đè lên, đầu hướng về phiá sông. Thật "nghịch đời", lúc sinh-thời, Thầy tôi và Cụ Khôi vì khác chính-kiến nên đã trở thành thù-nghịch, thề "không đội trời chung", thế mà khi thác lại nằm chung một hố !!! Chúng tôi ( tôi và chị Hảo ) phải ở lại Huế lâu hơn dự-định, vì, như đã tả ở phần trên, địa-điểm là một nơi xa-xôi, khó đi lại nên cơ-quan chính-phủ phải huy-động công-binh khai-quang, ủi đất, làm đường, bắc cầu cho xe hơi đi...(trên 15 cây số!), ngoài ra còn phải điều-động binh-sĩ đến giữ an-ninh quanh vùng... nói tóm lại là cả một công-trình nan-giải mà chỉ có một chính-quyền mới thực-hiện được mà thôi..

Chúng tôi rất cảm-kích và biết ơn Tổng-Thống Diệm. Không có lệnh cuả Tổng-thống thì tất cả gia-tộc huyết-thống chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được hài-cốt của người Cha kính quý để đem về mai-táng, làm tròn bổn-phận thiêng-liêng của những kẻ làm con.Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả-sử như Thầy tôi không bị chôn-vùi cùng huyệt với Cụ Khôi và ông Huân, những người thân-thuộc của Tổng thống thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không ? Suốt ngày 8 tháng 2 năm 1956, đào, xới đất, kết-quả chỉ bới lên được một bộ hài-cốt mà bộ hài-cốt này lại không thuộc về một trong 3 người.. mọi người đều thất-vọng, lại lo rằng sau 11 năm, trải qua bao mùa bão lụt, các di-hài có thể bị nước lũ cuốn trôi đi chăng ?

Mãi đến chiều hôm sau (9-2-56), cận Tết, dưới trời mưa lâm-râm, bỗng xuất-hiện một cụ già đi ngang qua, cụ hỏi toán dò tìm:" Đã tìm thấy các Cụ chưa ?, đào mương nào, mương cũ hay mương mới ?. Thì ra có 2 mương.. .Cụ già nói tiếp:" Cách đây 11 năm, tại đây tôi có đào một cái mương để dẫn nước từ sông lên ruộng.., ngày hôm sau ra tát nước thì thấy mương bị lấp, du-kích trong làng cấm không cho tới gần... vài năm sau có người đến thầu mấy thửa ruộng của tôi ,cũng đào mương thì bị khuyến-cáo không được đào thẳng mà phải đào chếch sang một bên.
Đây là mương "mới", chỗ tìm ra hài-cốt độc-nhất nói trên... Toán công-binh tiếp-tục đào sâu hơn, với chu-vi rộng lớn hơn thì quả-nhiên tìm được 3 hài-cốt ở vị-thế đúng như những chi-tiết thâu lượm được .Điểm đặc-biệt là gần đến hài-cốt, màu đất trở nên xậm hơn, do có thể vì thịt xương rữa nát ra (?), để tránh không đụng đến xương, đám người có phận-sự ngưng sử-dụng cuốc, xẻng mà chỉ dùng đũa cả ( đũa bằng tre ,lớn và dài) khơi đất ra từng mảng và sau cùng lộ ra rõ-rệt 3 bộ hài-cốt nằm chồng-chất lên nhau.

Hài-cốt cuả Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt kính cận.. Hài-cốt của Cụ Khôi và ông Huân thì ngắn và nhỏ bé, thân-nhân bên họ Ngô nhận ra được 2 chiếc răng vàng và chiếc thắt lưng to bản (quân-phục Nhật) của ông Huân. Ban tổ-chức rất chu-đáo, họ đã chuẩn-bị sẵn 3 cái tĩnh (quan-tài nhỏ bằng sành), vải liệm trắng, đỏ, 3 chậu tráng men lớn chứa đầy alcool 90o để rửa xương.Việc thử-nghiệm, rửa hài-cốt và tẩm-liệm kéo dài đến khi trời tối.

Tại làng Văn-Xá, quan-tài Cụ Khôi va ông Huân được quàn dưới một chiếc lều vải lớn, có thể chứa cả trăm người, có đèn điện thắp sáng choang, vòng hoa phúng-điếu bày la-liệt, lính mặc lễ-phục túc-trực hai bên, các bộ-trưởng, thứ-trưởng âu-phục trắng cravate đen, các đại-biểu, cán-bộ đủ mọi cấp ra, vào tấp-nập... tiếng cầu kinh của giáo-chúng thập-phương vang rền suốt đêm.. được biết ngày hôm sau 2 quan-tài sẽ được di-chuyển về Hiền-Sĩ, tại đây một nhà thờ lớn đã được dựng lên để cử-hành tang-lễ trọng-thể theo nghi-thức quốc-táng, có đông người tham-dự và sau mồng ba Tết mới đưa về Phú-Cam chôn cất .

Trong khi đó, trên một ngọn đồi thấp, cách đấy không xa, trong một chiếc lều nhà binh nhỏ bé , dưới ánh sáng mờ-ảo của mấy ngọn nến, hai chị em chúng tôi cùng cụ bà Ưng-Trình (thông-gia với gia-đình họ Phạm chúng tôi) thay phiên thắp nhang bên linh-cữu Thầy tôi. Chúng tôi có mời một thượng-tọa trụ-trì tại một ngôi chùa nhỏ trong làng đến làm lễ cầu siêu, bên chính-quyền có cử một đại-diện đến phúng-điếu và phân-ưu, sau đó cắt-cử 2 quân-nhân mặc lễ-phục nghiêm-chỉnh đến túc-trực bên quan-tài. Như đã nói trên, ban tổ-chức có cung-cấp 3 tĩnh bằng sành để đựng hài-cốt.. .cả 3 có nắp in hình thánh-giá cuả Công-giáo nên chị tôi đã tế-nhị từ-chối để chỉ dùng cái tĩnh đã mua sẵn, dành riêng cho đệ-tử nhà Phật với chữ "vạn" in trên nắp.

Quá tủi thân trước sự khác biệt, lòng ngậm-ngùi thê-thiết, chị em chúng tôi quyết-định thuê đò chở quan-tài Thầy tôi về Huế ngay đêm hôm ấy .. .8 giờ sáng hôm sau thì đến chùa Vạn-Phước, Thượng-Tọa Trụ-trì đã chờ sẵn .Sau nghi-thức đơn-giản, đúng 9 giờ thì hạ huyệt. Một số đông bạn học cũ của các anh chị tôi tại hai trường Khải-Định và Đồng-Khánh đến tiễn đưa và chia buồn.

Thời-gian dài kế tiếp sau đấy người dân Saigon được thấy một con đường lớn, rộng từ phi-cảng Tân-Sơn-Nhất vào trung-tâm thủ-đô mang tên đại-lộ Ngô-đình-Khôi.. rồi đến mãi thời Đệ-Nhị Cộng-Hoà của Tổng-Thống Thiệu "nghe nói" tên Thầy tôi đã được đặt cho một con đường nhỏ, gần đường Triệu-Đà trong Chợ-Lớn.. .Chị tôi và tôi lân-la đi tìm nhưng chẳng thấy tăm hơi!! Tất cả chỉ là một " dự-tính", một lời đồn mà thôi .. .
Ôi ! thế-thái nhân-tình !!

*Chú-thích : Anh chị em chúng tôi gọi cha bằng "Thầy", gọi mẹ bằng "Me", Thầy Me thương quí các con, thường gọi nựng các con khi còn nhỏ là "Em", lâu ngày thành nếp xưng-hô độc-đáo của riêng gia-đình...

PHẠM-TUÂN – 2005
© gio-o.com 2010

------------------------------

Đọc thêm về Phạm Quỳnh trên Blog Phạm Tôn :



.
.
.

No comments: