Friday, May 13, 2011

PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG – TÀI NĂNG ÂM NHẠC LỚN [2/4] (Du Tử Lê)


Wednesday, April 27, 2011 5:13:58 PM
Tôi vẫn nghĩ, đời sống mỗi cá nhân giống như một căn nhà, được xây bằng những viên gạch bất toàn.

Từ trái qua: Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Ðình Chương, Tạ Tỵ. (Hình: Tác giả cung cấp)

Bất toàn tinh thần hay bất toàn thể chất? Bất toàn ở giai đoạn đầu đời, trung niên hay cuối đời? Bất toàn với những cuộc tình, những ước mơ không đạt được...? Tất cả, với tôi đều là bất toàn, một trong những yếu tính mà, làm người dường không ai tránh được!
Riêng với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, một trong những bức tường ngôi nhà đời sống cá nhân của ông, không được hình thành bằng những viên gạch bất toàn! Oan nghiệt thay, nó được xây dựng bằng những viên gạch thảm kịch trớ trêu. Ðịnh mệnh. Thứ định mệnh tai quái thường dành cho những bậc tài hoa. Như thể đó là tổng số tiền lời tính trên phân lời quá cao mà, cá nhân đó mặc nhiên phải trả cho phần tư hữu mang tên tài hoa hơn người của họ.
Tôi dùng hai chữ “mặc nhiên” bởi tôi cho rằng, họ Phạm không hề muốn “vay,” càng không có chủ tâm chiếm hữu một sản nghiệp tinh thần đồ sộ, mang tên âm nhạc!
Tôi vẫn nghĩ, Phạm Ðình Chương đến với âm nhạc, tự nhiên như sự có mặt của ông trong cuộc đời này.
Ở tuổi mười tám tuổi, với lồng ngực thanh niên, náo nức nhựa sống, khi ông hối hả ghi xuống những dòng nhạc đầu tiên của ca khúc “Ra đi khi trời vừa sáng” - Cũng như ở tuổi mới chớm ngoài sáu mươi, khi ông mệt mỏi, buồn bã đứng lên - Ðặt cây bút xuống - Lặng lẽ rời khỏi chiếc dương cầm của mình đặt ở phòng khách, ngôi nhà chung cư đường số 23rd, Westmninster - Lúc ông mỉm cười chia tay nốt nhạc cuối cùng của ca khúc “Quê hương là người đó”(4) - Ðể từ đó, nó bắt đầu sự sống trên đôi chân chính nó - Trước, sau tôi không nghĩ, ông tự nguyện ký giấy vay bất cứ một khoản tiền lớn, nhỏ nào với định mệnh.
Nhưng, định mệnh vẫn tìm ông, để đòi. Nhưng, cay nghiệt vẫn tìm ông để phô diễn tính đố kỵ muôn đời của nó. Ðó là những ngày tháng cuối thập niên (19)50.
Ðó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.
Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.
“Thăng Long”’ bị chôn sống sau địa chấn.
Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Ðình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.
Ðó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.
Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star,” thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Ðình Chương đã lột xác thành kẻ khác.
Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.
Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc,” một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:
“Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng... Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười...”
Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, họ Phạm đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa hồn thương đau” hay “Người đi qua đời tôi,” “Khi cuộc tình đã chết”... Như một phản ứng tức khắc với phần số.
Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc!
Nếu tính từ 1960 tới 1966 thì đó là thời gian họ Phạm viết được một số ca khúc, đến nay vẫn còn được nhiều người yêu thích, như “Mộng dưới hoa” (thơ Ðinh Hùng), “Buồn đêm mưa” (thơ Huy Cận); “Mầu kỷ niệm” (ý thơ Nguyên Sa,); “Mắt buồn” (thơ Lưu Trọng Lư) hay “Mưa Saigon mưa Hà Nội” (viết chung với Hoàng Anh Tuấn), “Xóm đêm” (nhạc và lời Phạm Ðình Chương)...
Sau đấy, ở hai năm kế tiếp là hai ca khúc, họ Phạm phổ hai đoạn thơ trong một bài thơ dài, nhan đề “Bài ngợi ca tình yêu” của Thanh Tâm Tuyền. Hai đoạn thơ trở thành ca khúc đó, là “Bài ngợi ca tình yêu” và “Ðêm mầu hồng.” Ông bị chú:
“Vừa viết xong (ca khúc “Ðêm mầu hồng”) thì anh em mời cộng tác mở một phòng trà ca nhạc trên đường Tự Do Saigon. Bèn lấy tên bài ca đặt thành phòng trà này.” Ðó là năm 1968. (05)
Còn những ca khúc như “Người đi qua đời tôi” (thơ Trần dạ Từ) và “Khi cuộc tình đã chết” (thơ Du Tử Lê) đều được họ Phạm soạn thành ca khúc năm 1969. Và, một năm sau, tức năm 1970, mới là “Nửa hồn thương đau” (nhạc và lời của Phạm Ðình Chương).
Trong tuyển tập “Mộng Dưới Hoa,” trang 14, tác giả ghi:
“Viết xong (Nửa hồn thương đau) năm 1970, tại Ðêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất. Ðoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Ðá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến.” (06)
Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa hồn thương đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Ðình Chương cho biết:
“Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim ‘Chân trời tím’, Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần ‘coda’ tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc... Nghĩ thời hạn ‘nộp bài’ còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Ðêm mầu hồng’ đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã ‘bấm máy’. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau’, thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là... ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến...”
Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên (19)50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán... Mà trái lại.
Như khi ông phổ nhạc bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư - Với tựa mới là “Mắt buồn” thì, ca từ “nặng” nhất trong ca khúc này, cũng chỉ là “Ðôi mắt em lặng buồn / nhìn nhau mà lệ ứa / một ngày một cách xa / một ngày một cách xa...” Hoặc tin tưởng (hy vọng) một cuộc sống bớt “đìu hiu” trong những ngày “sống thêm,” như: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm / ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm / mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm / đẹp kiếp sống thêm / màn đêm tịch liêu / xa nghe ai thoáng ru câu mến trìu / nghe không gian tiếng yêu thương nhiều / hứa cho đời thôi đìu hiu.” (Trích “Xóm đêm”)
Ngay với ca khúc tựa đề “Người đi qua đời tôi” thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”
Hoặc ca khúc có nhan đề khá “dữ dằn” là “Khi cuộc tình đã chết” thì họ Phạm cũng chỉ chọn những câu thơ “nặng nề” nhất là: “Khi cuộc tình đã chết / còn mắt nào cho nguôi / đời đã đành chia đôi...” Phản ảnh tinh thần chấp nhận, không than oán. Không trách cứ.
Ngay ca khúc “Nửa hồn thương đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình- với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? / Anh ở đâu? / Em ở đâu?” (Lời hoàn toàn của Phạm Ðình Chương.)
Tuyệt nhiên, người ta không thể tìm thấy trong ca từ của ông, những gào thét kiểu “Giết người đi! Giết người đi! / Giết người trong mộng đã bội thề / Giết người đi! Giết người đi! / Giết người quên tình nghĩa phu thê...” như ca khúc “giết người trong mộng,” thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Phạm Duy.
Những ca từ nêu trên, đã cho thấy, đã phản ảnh trung thực tính nhân ái, lòng bao dung, độ lượng của họ Phạm.
Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.

Du Tử Lê
(Tiếp kỳ tới, Thứ Năm ngày 5 tháng 5-2011: “Thơ phổ nhạc và, tính lương thiện của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương”)

Chú thích:
(4) “Quê hương là người đó,” thơ Du Tử Lê. Xem thêm tuyển tập “Mộng Dưới Hoa - 20 bài thơ phổ của Phạm Ðình Chương,” do Vincent & Company ấn hành tại California, USA, 1990. Tới ngày mất, người ta thấy trên nắp chiếc dương cầm của họ Phạm, một số sáng tác ở dạng dang dở.
(5) Sđd, trang 18.
(6) Sđd.
.
.
.

No comments: