Người dịch: Đại Phúc
Đăng bởi anhbasam on 28/05/2011
Việt Nam và Philippin đang đẩy nhanh tiến độ các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt ở các vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà Trung Quốc tuyên bố là của họ, châm ngòi cho đụng độ mới ở một trong những hành lang tàu thuyền qua lại tấp nập nhất thế giới này.
Đối tác của doanh nghiệp nhà nước PetroVietnam là công ty Talisman Energy Inc. (TLM) đang nhắm vào mục tiêu sang năm tới thì bắt đầu khoan tại một lô tách riêng mà Trung Quốc đã cấp cho một địch thủ Hoa Kỳ và đã đem tầu chiến bảo vệ. Ricky Carandang, phát ngôn viên của tổng thống Benigno Aquino, nói rằng Philippin đang có kế hoạch khai thác tại một khu vực của vùng biển nơi các tầu tuần tiễu của Trung Quốc đã quấy rối một tầu tuần tra (của Philippin) hồi tháng Ba.
Các nước láng giềng của Trung Quốc, nước có sức mạnh quân sự lớn nhất châu Á, đều thấy mình được khích lệ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố khẳng định quyền lợi của họ tại vùng biển này hồi năm ngoái, theo lời James A. Lyons Jr., cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dường của Hoa Kỳ. Việc giá dầu thô tăng lên gần 100 USD một thùng cũng thúc đẩy Việt Nam và Philippin tiếp tục khai thác dầu mỏ cần thiết cho việc đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của mình lên ít nhất 7% năm nay.
“Trong tình cảnh kinh tế của Philippin và Việt Nam, việc khai thác dầu mỏ và khí đốt có ý nghĩa lớn về kinh tế,” lời Lyons, người chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dường từ năm 1985 đén năm 1987 và bây giờ là chủ tịch công ty Lion Associates LLC, một công ty tư vấn kinh doanh có trụ sở ở Warrenton, Virgina. “Hai nước này lệ thuộc vào Hoa Kỳ để có cái dù an ninh che trùm cực rộng.”
Cắt dây cáp
Việt Nam phản kháng Trung Quốc về một vụ việc mới xảy ra hôm qua, nói rằng có ba tàu biển Trung Quốc đã cắt các đường dây cáp quan sát của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, vẫn gọi là PetroVietnam. Cuộc đụng độ xảy ra ngay tại lô 148, cách bờ biển tỉnh Phú Yên 120 hải lý, Bộ Ngoại giao tại Hà Nội cho biết trong một tuyên bố được gửi đi bằng đường fax. Lô 148 này Trung Quốc cũng bảo là của họ.
Trung Quốc khẳng định “chủ quyền không bàn cãi” đối với phần lớn Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), trong đó có những bãi dầu mỏ và khí đốt nằm cách bờ biển nước họ xa hơn ba lần so với khoảng cách tính đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Hoa tại Bắc Kinh nói hôm 12 tháng Năm rằng việc khai thác tại vùng biển thuộc quyền pháp lý của Trung Quốc là vi phạm “độc lập và quyền lợi của Trung Hoa và là điều phi pháp”.
Những cuộc tranh chấp vùng biển có thể được đem ra thảo luận tại cuộc Hội thảo hằng năm ở Singapore bắt đầu từ ngày 3 tháng Sáu, tại đó sẽ có bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Tại cuộc họp này năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã nói rằng Hoa Kỳ chống lại những lối “đe dọa” các công ty đang hoạt động trên biển.
Philippin ngày 5 tháng Tư đã phản kháng lên LHQ về vụ tấm bản đồ Trung Hoa đưa ra các yêu sách lãnh thổ một cách “vô căn cứ chiểu theo luật pháp quốc tế.” Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Brunei cũng có những đòi hỏi lãnh thổ gối lên vùng mà Trung Hoa đang đòi.
“Giấy phép chính thức”
Talisman, công ty dầu mỏ lớn thứ ba của Canada tính theo giá trị thị trường sẽ bắt đầu khoan thăm dò ở vùng nằm cách đảo Hải Nam phía Nam bờ biển Trung Hoa của Trung Quốc khoảng 1.000 kilomet (625 dặm), dẫn theo thông tin tài liệu được doanh nghiệp này đưa ra trên trang Web của họ tháng này sau khi họ thực hiện một chương trình nghiên cứu địa chấn. Công ty đóng trụ sở tại Calgary này là đối tác của Tập đoàn PetroVietnam đóng tại Hà Nội.
“Chúng tôi đã có các giấy phép mà chúng tôi tin là chính thức,” John Manzoni, Tổng Giám đốc điều hành của công ty Talisman nói trong cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng Năm. Công ty này có kế hoạch giữ tiến độ công trình “theo nhịp điệu bình thường.”
Các lô 133 và 134 của Talisman nằm cách Việt Nam khoảng 300 kilomet, được Trung Quốc gọi là lô WAB-21 – nơi vào năm 1992 họ đã đem cấp cho Tập đoàn Crestone Energy Corp., nay nằm trong tay tập đoàn Harvest Natural Resources Inc. (HNR) đóng tại Houston.
Trung Quốc “đã chỉ ra rằng họ hết sức quan tâm tới các lô này và hẳn là họ sẽ can thiệp theo cách nào đó,” Giám đốc điều hành của hãng Harvest là James Edmiston trong cuộc phỏng vấn tháng Tám đã nói thế để trả lời câu hỏi về giấy phép cấp cho công ty Talisman.
Ra lệnh phải lui
Tập đoàn Exxon Mobil Corp. (XOM) có kế hoạch khoan giếng thăm dò ngoài khơi của Việt Nam trong năm nay, Mark W. Albers, phó chủ tịch tập đoàn nói với các nhà phân tích tại cuộc họp ngày 9 tháng Ba. Công ty Irving đóng tại Texas đang triển khai công việc tại lô 119, ngày 31 tháng Ba, TTXVN của nhà nước Việt Nam cho biết, và không nói rõ họ lấy tin từ đâu. Một phần của lô này nằm trong vùng lãnh hải Trung Quốc đang đòi chủ quyền.
Các chi tiết về các chương trình thăm dò được giữ bí mật, phát ngôn nhân của hãng Exxon Mobil là Patrick McGinn nói qua e-mail như vậy.
Tháng Ba, hai tầu tuần tra của Trung Quốc đã ra lệnh cho một tàu nghiên cứu địa chấn cho công ty Forum Energy (FEP) [của Anh hoạt động tại Philippin] phải rời xa khỏi khu vực gần các vùng biển đang tranh chấp cách khoảng 250 kilomet phía Tây đảo Palawan của Philippin, trung tướng Philippin Juancho Sabban khi đó cho biết ngay. Phía Trung Hoa đã rút lui khỏi khu vực này sau khi hai máy bay quân sự được triển khai, ông nói.
Khu vực ký hợp đồng với công ty Forum Energy đóng tại Chertsey, Anh Quốc hoạt động ở vùng biển Trung Hoa, Việt Nam và Philippin đã đồng ý cùng thăm dò trong một cuộc dàn xếp bất thành vào năm 2008. Phần lớn sở hữu thuộc về tập đoàn Philex Mining Corp. (PX) đóng tại Manila, công ty Forum có kế hoạch khoan đào các giếng ở đây, họ tuyên bố như vậy vào ngày 15 tháng Ba.
Khu vực mà người Philippin có kế hoạch khai thác là phần “hết sức quan trọng” của ông tổng thống Aquino để cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ, phát ngôn nhân Carandang nói qua điện thoại ngày 16 tháng Năm.
‘Không bị bắt nạt’
Các nhà làm chính sách Mỹ đã thúc đẩy Hoa Kỳ là nước có các hiệp ước quốc phòng với Philippin và Thái Lan và là nước bảo đảm an ninh cho Đài Loan để làm đối trọng với Trung Quốc. Hơn một nửa thương thuyền thế giới, tính theo trọng lượng chuyên chở hằng năm, đi qua Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), theo số liệu của GlobalSecurity.org, một nhóm nghiên cứu ở Alexandria, Virginia.
Tháng Mười, tại cuộc họp khu vực ở Hà Nội, Bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố (Hoa Kỳ có) “quyền lợi quốc gia trong chế độ tự do giao thương và thương mại hợp pháp không bị ngăn trở” tại các vùng biển.
Tuyên bố này khiến các quốc gia Đông Nam châu Á “thêm chút tự tin”, đó là lời Michael Green, cựu chuyên gia về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và nay làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington. “Điều đó đã khiến cho ai đó tuyên bố ‘chúng tôi’ không còn bị bắt nạt nữa.”
Dự trữ của Trung Quốc bị co lại
Hải quân Hoa Kỳ đã tuần tra vùng biển châu Á và Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Trong mười năm qua, Trung Quốc đã gia tăng lực lượng, sản xuất tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và đang đóng tàu sân bay, báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hồi tháng Tám.
Theo tin tức của cơ quan Quản trị Thông tin Năng lượng (Energy Information Administration) của Hoa Kỳ, trong những cuộc đụng độ nhỏ hồi năm 1988 tranh giành quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã giết hơn 70 binh sĩ Việt Nam và đánh đắm nhiều tầu chiến. Năm 1994, tầu chiến Trung Quốc được cử đến để chặn việc Việt Nam khoan thăm dò dầu mỏ.
Các nghiên cứu về Trung Quốc do cơ quan năng lượng quốc tế EIA tiến hành gợi ra rằng mức dự trữ dầu mỏ của Trung Hoa trên vùng biển cao nhất là gấp 14 lần và khí đốt là 10 lần so với ước tính của công ty BP. Dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc tụt khoảng 40 phần trăm kể từ năm 2001 do chỗ kinh tế phát triển trung bình mỗi năm 10,5 phần trăm, theo con số thu được của hãng tin Bloomberg.
Nhu cầu khí đốt trong nước của Việt Nam dự tính sẽ tăng gấp ba vào năm 2025, đó là con số ước tính của Ngân Hàng Thế giới (World Bank). Philippin có kế hoạch gia tăng dự trữ các chất từ “dầu mỏ” lên 40 phần trăm trong vòng hai thập niên tới để giảm việc hoàn toàn dựa vào dầu mỏ và vào nhập khẩu, cơ quan kế hoạch năng lượng nước này cho biết.
“Quyết định chính trị khó khăn”
Giải quyết khó khăn lúng túng khi bắt tay vào việc có thể cần đến chiến thuật thương lượng, lời Marshall Mays, giám đốc công ty Emerging Alpha ở Hồng Kông. Trung Quốc và các nước láng giềng dường như đang thu được kết quả trong “hành động dựa trên giả định thương thuyết chia nhau thu nhập”, ông nói.
Tổ chức ASEAN gồm 10 thành viên đã có tiến bộ nhỏ trong việc thương lượng đề ra Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc có từ năm 2002.
“Bằng cách đồng lòng với nhau cùng khai thác, thì ngay lập tức cũng có nghĩa là thừa nhận tính chính đáng của những đòi hỏi lãnh thổ của các quốc gia khác,” lời giáo sư Ralf Emmers trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore. “Đây là một quyết định về chính trị hết sức khó khăn.”
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment