Tuesday, May 17, 2011

NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VÓI TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG TỪ 2007 ĐẾN NAY


Đỗ Thanh Hải & Nguyễn Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông
Thứ hai, 16 Tháng 5 2011 00:00

Bài viết của hai tác giả Đỗ Thanh Hải & Nguyễn Thùy Linh*, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông đánh giá những thay đổi về chính sách của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông từ năm 2007 đến nay, giải mã những căng thẳng ở khu vực Biển Đông nhìn từ khía cạnh chính sách và động thái của Trung Quốc.

Tháng 11/2002, tại Phnôm Pênh, các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, mở ra hy vọng mới về khả năng quản lý xung đột, thúc đẩy hợp tác, và sự hình thành cơ sở chính trị pháp lý mới nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Tuyên bố này về cơ bản giúp xoa dịu căng thẳng giữa các quốc gia liên quan sau tranh chấp Vành Khăn, góp phần ổn định tình hình Biển Đông trong suốt bốn năm sau đó. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2007 đến nay, tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng và nóng bỏng hơn với một số va chạm xảy ra liên quan đến xác lập và bảo vệ chủ quyền, khai thác và bảo tồn tài nguyên biển cùng những tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn ngoại giao khu vực. Đỉnh cao là việc vấn đề Biển Đông được đưa ra tại Hội nghị ARF 17 (Hà Nội), trong đó 11 trong tổng số 28 nước tham dự hội nghị thể hiện quan ngại về những diễn biến mới ở Biển Đông, đặc biệt là thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt từ phía Trung Quốc. Việc tranh chấp Biển Đông được đưa ra thảo luận tại ARF là một sự kiện mang tính lịch sử của Diễn đàn này.
Là quốc gia mạnh nhất trong số các bên tranh chấp, hành vi của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất, quyết định “nhiệt độ” của tranh chấp này, và từ giai đoạn 2007-2008 các động thái của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Vậy Trung Quốc đã có những điều chỉnh gì trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông thời gian vừa qua và liệu đó có phải là nguyên nhân chính tạo ra những căng thẳng ở vùng biển này? Hành động của Trung Quốc bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy chiến lược và chính sách hay chỉ là những phản ứng nhất thời đối với hành động của các quốc gia khác và những chuyển biến trong môi trường chiến lược? Các quốc gia khác nhìn nhận và phản ứng thế nào với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua? Bài viết này sẽ tìm cách giải mã những căng thẳng ở khu vực Biển Đông nhìn từ khía cạnh chính sách và động thái của Trung Quốc.

Nhìn lại hành động của Trung Quốc tại Biển Đông từ năm 2007 đến nay

Từ đầu năm 2007 đến giữa năm 2010, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông, phê phán hành vi của các quốc gia khác cùng với việc nhấn mạnh thái độ kiềm chế và hành vi tự vệ của Trung Quốc. Tiếp theo Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp (1992),[1] Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998),[2] Trung Quốc đi thêm một bước nhằm thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp. Ngày 3/7/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).[3] Hành động này dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (tháng 6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa).
Trên thực địa, trong các nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát, Trung Quốc liên tục ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác bất chấp các hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Thứ nhất, Trung Quốc tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù các dự án đó nằm trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Từ giữa năm 2007, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối và gây sức ép về dự án xây dựng đường ống khí đốt do tập đoàn BP của Anh thực hiện. Tháng 6/2007, trước áp lực của Trung Quốc, BP đã phải quyết định ngừng một dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam (lô 5.2 nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km).[4] Tháng 7/2008, giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ liên tiếp phản đối Exxon Mobil và công khai đe dọa trả đũa công việc kinh doanh của công ty này ở Trung Quốc đại lục nếu công ty hợp tác với Petro Vietnam trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.[5] Trong khi đó, ngày 24/11/2008, theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90-116 hải lý. Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.[6]

Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào mùa đánh bắt cao điểm. Trong năm 2009 và 2010, Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt trong ba tháng, từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Tám, mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam. Trong một sự vụ nghiêm trọng, tàu hải quân Trung Quốc ngày 9/7/2007 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350km. Trong nhiều trường hợp, tàu ngư chính và tuần duyên của Trung Quốc cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tàu cá của Việt Nam.[7] Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt.[8] Ngư dân Phi-lip-pin và Ma-lai-xi-a cũng chịu chung các tình cảnh tương tự.[9]
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ năm 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn,các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Gary Li, một chuyên gia về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc thực sự nhằm tạo ra quyền cai quản trên thực tế [de facto jurisdiction], và tiền lệ lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền.[10]
Quan chức Trung Quốc tuyên bố mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, có ba điểm đáng chú ý trong lệnh cấm đánh bắt hàng năm của Trung Quốc. Một là, lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà các nước khác bác bỏ, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác. Hai là, thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không tham khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác. Ba là, Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước. Lyle Goldstein, một nhà nghiên cứu của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, chỉ ra đó là cách Trung Quốc sử dụng các tàu dân sự để phát huy sức mạnh mềm, nhưng cũng nhằm củng cố các yêu sách về lãnh thổ biển rộng lớn của Trung Quốc. Giáo sư Carlyle A. Thayer thì cho rằng “việc sử dụng các tàu tuần ngư là một chiến thuật tuyệt vời bởi chúng không phải là tàu chiến, chúng được sơn với màu trắng chứ không phải màu xám, nhưng chắc chắn, chúng được trang bị tận răng”.[11] Vấn đề ở đây là những hành động như vậy hoàn toàn đi ngược lại những cam kết của Trung Quốc được ghi trong Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông năm 2002.

Thứ ba, không chỉ hăm dọa, xua đuổi và bắt bớ tàu bè của các quốc gia khác, Trung Quốc còn công khai xác định phạm vi ảnh hưởng. Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo ngày 18/12/2008 tại Washington, đã đề cập đến ý định của Trung Quốc chia Thái Bình Dương làm hai, theo đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ giới hạn sự hiện diện của mình về phía Đông Hawaii và Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm soát từ phía Tây đảo Haiwaii.[12] Tháng 3/2009, một số tàu của Trung Quốc đã đụng độ với tàu khảo sát Impeccable của Hải quân Mỹ tại vùng biển cách đảo Hải Nam 75 dặm. Trong tháng 6/2009, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị kéo theo sau tàu khu trục Hải quân Mỹ. Phản ứng của Mỹ tỏ ra khá ôn hòa khi tuyên bố vụ va chạm là do vô ý. Nhưng phía Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sau sự kiện tàu Impeccable rằng các tàu Mỹ cần phải xin phép trước khi đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Ngày 26/8/2010, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, chính quyền Trung Quốc thông báo họ đã sử dụng tàu lặn nhỏ có người lái cắm cờ tại đáy Biển Đông ở độ sâu 3.759m.[13] Dù phía Trung Quốc không nói rõ vị trí cắm cờ của tàu ở đâu và nó có vào vùng biển tranh chấp hay không, hành động mập mờ đó của Trung Quốc dường như ngụ ý biểu dương sự tiến bộ của Hải quân Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển. Các nước liên quan không thể không nghi ngại của về động thái đó của Trung Quốc.

Thứ tư, để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2008, một vệ tinh thương mại phát hiện Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Trong số ra ngày 15/04/2008, tạp chí Jane's Intelligence Review của Anh đã phân tích các tấm ảnh vệ tinh nói trên trong bài viết mang tựa đề “Tiết lộ bí mật về Tam Á, căn cứ hải quân nguyên tử mới của Trung Quốc”. Theo chuyên gia phân tích Richard D. Fisher Junior, tác giả bài báo, thì Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tàu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân. Tháng 12/2007, Hải quân Trung Quốc đã đưa chiếc tàu ngầm nguyên tử 094 đầu tiên của họ về căn cứ này. Hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác có khả năng tung lực lượng tác chiến đi xa cũng có thể đặt bản doanh tại Tam Á.[14]

Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, tương quan lực lượng quân sự ở vùng Biển Đông và Thái Bình Dương có khả năng thay đổi một khi công trình được Bắc Kinh hoàn tất. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Ma-lắc-ca và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng mở rộng sân bay ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, củng cố căn cứ quân sự ở Bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa với hệ thống ra-đa cảnh báo sớm, duy trì sự hiện diện liên tục tại Bãi đá ngầm Vành Khăn ngoài khơi bờ biển phía Tây của Phi-lip-pin.[15] Cũng cần phải nói thêm, không chỉ có Trung Quốc, các quốc gia khác trong tranh chấp cũng có các hành động củng cố sự chiếm giữ của họ.

Điều đáng nói hơn, khi căn cứ hải quân Tam Á hoàn tất, cục diện chiến lược sẽ có những chuyển biến quan trọng vì cơ sở này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc vươn xuống Biển Đông và vươn ra Thái Bình Dương. Một phần căn cứ xây ngầm dưới lòng đất gây khó khăn cho việc theo dõi. Tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc sẽ có điều kiện tuần tra và tấn công từ những vị trí khó phát hiện sâu dưới lòng biển ngoài khơi Hải Nam nếu Bắc Kinh phát triển được năng lực tác chiến cần thiết. Hiện thời, người ta chưa rõ là bao nhiêu trong số năm chiếc tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc sẽ đặt bản doanh tại Tam Á. Các hoạt động xây dựng hiện nay chứng tỏ rằng Tam Á sẽ trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu với nhiều tác động trên cán cân lực lượng trong khu vực. Trung Quốc có thể lưu trữ tại đấy một phần đáng kể các loại tên lửa răn đe hạt nhân phóng đi từ tàu ngầm.[16]

Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Hỏa tiễn thứ hai của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[17]

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục phản đối yêu sách của các quốc gia khác cùng với các nỗ lực nhằm đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp. Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các nước đăng ký đường ranh giới ngoài của thềm lục địa. Ngày 6/5/2009, Ma-lai-xi-a và Việt Nam nộp bản đề xuất chung và ngay ngày hôm sau, Việt Nam nộp một tuyên bố riêng.[18] Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối nhưng không nộp văn bản công khai. Theo quy định của Ủy ban Ranh giới thì những yêu cầu bị phản đối sẽ không thể được xem xét. Trung Quốc đã tư liệu hóa những yêu sách biển của mình bằng việc đính kèm một bản đồ vẽ “đường đứt khúc chín đoạn” (hay đường lưỡi bò) tạo thành một chữ U bao vây toàn bộ Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai yêu sách này và điều đáng nói là không có một bản đồ nào được đính kèm với những tuyên bố quan trọng như Tuyên bố về Lãnh hải (1958), Tuyên bố về Lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải (1992), Tuyên bố về Đường cơ sở để xác định lãnh hải, và Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa (1998) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[19]

Trung Quốc tiếp tục kiên định lập trường giải quyết tranh chấp với từng nước ASEAN và không muốn các nước chia sẻ thông tin về các cuộc đàm phán liên quan tới Biển Đông giữa từng nước với Trung Quốc.[20] Trung Quốc đã sử dụng khái niệm “quyền lợi cốt lõi” liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng. Trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, quan chức Bắc Kinh tuyên bố với quan chức Mỹ rằng họ coi Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi” của họ, một động thái càng làm tăng những mối lo ngại về động cơ của Trung Quốc sau những diễn biến gần đây nhất.

Tại Hội nghị ARF Hà Nội tháng 7/2010, dường như bất ngờ trước việc Ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích thiết thực ở Biển Đông,[21] Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có những lời lẽ mạnh mẽ nhằm phản đối sự can dự của các cường quốc bên ngoài và cho rằng đối thoại song phương là phương thức hiệu quả duy nhất để giải quyết tranh chấp. Sau diễn đàn ARF 17 tại Hà Nội, trong một thông cáo đăng trên mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: “Nếu Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương, sẽ chỉ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và giải pháp sẽ khó khăn hơn... Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp”. Bên cạnh đó, báo chí Trung Quốc có một chiến dịch phê phán mạnh mẽ Việt Nam và Mỹ “thông đồng” với mục tiêu quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, nhiều tờ báo còn cho rằng Việt Nam tìm cách liên minh với Mỹ để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.[22] Theo giới phân tích, thái độ sẵn sàng can dự của Hoa Kỳ, kèm theo với chủ trương quốc tế hóa và đa phương hóa hồ sơ Biển Đông đã đi ngược lại với chủ trương muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương của Trung Quốc nhằm dễ bề gây sức ép lên các nước nhỏ và yếu hơn mình, tránh được sự nhòm ngó của quốc tế.[23]


Đỗ Thanh Hải & Nguyễn Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông


* Mọi quan điểm nêu trong bài viết là của riêng các tác giả.
[1] Luật này quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
[2] Luật này một lần nữa chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”.
[3] “Việt Nam lên tiếng về Trường Sa”, BBC Tiếng Việt, ngày 07/12/2007, tại địa chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/12/071203_viet_china_spratlys.shtml
[4] “BP ngừng thăm dò ở Trường Sa”, BBC Tiếng Việt, ngày 14/06/2007, tại địa chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070614_bp_china.shtml
[5] Greg Torode, “Tussle for Oil in the South China Sea”, South China Morning Post, 20 July 2008.
[6] “Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát đảo Tri Tôn”, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05/08/2010, xem tại: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=127115.
[7] “Hanoi protests China fishing ban”, BBC, June 8, 2009, xem tại: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8089654.stm; “Controversial Chinese Ban affects more Vietnamese Fishing Vessels”, Thanh Nien News 5/6/2009, “Fishmen Intimidated and Harrassed by Chinese Patrol Boats”, Thanh Nien News, 8/6/2009.
[8] Xem: “Phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam”, Tuổi trẻ, 15/12/2009, tại http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/353329/Phan-doi-Trung-Quoc-bat-giu-ngu-dan-VN.html, “Trung Quốc lại bắt giữ ngư dân Việt Nam”, BBC Việt ngữ, ngày 28/3/2010, xem tại: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100328_viet_fishermen.shtml, và “Ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc bắt giữ”, Vnexpress, ngày 7/5/2010, xem tại:
[9] Greg Torode, “China ban on fishing as tension runs high”, South China Morning Post, 16/5/2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_ban_on_fishing_SCMP.htm
[10] Greg Torode, tlđd.
[11] Greg Torode, tlđd.
[12] Linh Huơng, “Hải quân Trung Quốc và dự tính chia đôi Thái Bình Dương”, Tuần Vietnamnet, ngày 28/2/2009, xem tại:
[13] “Trung Quốc cắm cờ ở dưới đáy Biển Đông”, Thanh Niên, ngày 28/8/2010, xem tại:
[14] “Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông”, RFI, ngày 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[15] Carlyle A. Thayer, “The United States and Chinese Assertiveness in the South China Sea”, Security Challenge, Vol. 6, No. 2, 2010, tr. 73.
[16] “Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông”, RFI, 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[17] Minnie Chan and Greg Torode, “PLA opens Guangdong missile base; South China Sea in range”, South China Morning Post, August 7, 2010 Saturday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/pla_opens_guangdong_missile_base.htm.
[19] Carlyle A.Thayer, “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông : Hệ lụy đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực” trong Đặng Đình Quý (Chủ biên), Biển Đông : Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2010, tr. 160.
[20] “Foreign Minister warns South China Sea issue”,
[21] Ngày 23/7/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực ARF tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã tuyên bố rằng “Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông”. Lo ngại về tác hại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin, Ngoại trưởng Mỹ xác định việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ”.
[22] “Giới phân tích Bắc Kinh coi tập trận Mỹ-Việt là chống lại Trung Quốc”, RFI, ngày 12/8/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100812-gioi-phan-tich-bac-kinh-coi-tap-tran-my-viet-la-chong-lai-trung-quoc, ngày 19/9/2010.
[23] “Trung Quốc chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”, RFI, ngày 25/7/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100725-trung-quoc-chong-viec-quoc-te-hoa-tranh-chap-bien-dong, ngày 19/9/2010.

---------------------------

Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông  -  Nguyễn Thị Thanh Hà, Chuyên viên LHQ và Nguyễn Đăng Thắng, NCS Vương quốc Anh:  (Nghiên cứu BĐ).

( Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4 )   (Nghiên cứu BĐ).
.
.
.

No comments: