Tuesday, May 17, 2011

HÀNG KHÔNG MẪU HẠM TRUNG QUỐC "KHÔNG NHƯ MONG ĐỢI" (BBC)


BBC
Cập nhật: 11:29 GMT - thứ ba, 17 tháng 5, 2011

Trung Quốc là nước châu Á thứ ba và nước thứ 10 trên thế giới có tàu sân bay khi hàng không mẫu hạm Varyag được hoàn tất.
Tuy nhiên, như tác giả Oliver Chou phân tích trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng Chủ nhật vừa qua, hàng không mẫu hạm đầu tiên này có thể khiến những người nóng lòng trông đợi thất vọng.
Tin cho hay rằng tàu sân bay cải biến từ chiến hạm Varyag mà Ukraina lắp đặt từ thời Xô viết sẽ được chuyển giao cho Giải phóng quân Trung Quốc nhằm ngày 01/10/2012.
Chiếc tàu nặng 66.000 tấn sẽ là "món quà đặc biệt" nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, và cũng nhân Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào dịp đó.
Có trong tay hàng không mẫu hạm, hải quân Trung Quốc hy vọng sẽ từ phòng thủ bờ biển chuyển sang hoạt động xa bờ. Hiện trong số các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, chỉ có Trung Quốc là chưa có tàu sân bay.
Người ta ví việc khánh thành tàu Varyag với việc Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử năm 1964, mà dư luận Trung Quốc lúc đó nói đã giảm hẳn nguy cơ tấn công hạt nhân từ Hoa Kỳ đối với nước này.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì tuyên bố rằng "giấc mơ 70 năm của Trung Quốc sắp trở thành hiện thực".

Chủ đề nóng trên internet

Từ khi các tấm ảnh chụp hình tàu Varyag đang thiết kế lại được tung lên mạng internet hồi đầu tháng trước, nó đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong lĩnh vực quân sự.
Trên mạng internet người ta cũng lưu truyền các bức ảnh chiến đấu cơ J-15, một phiên bản của máy bay Sukhoi SU-33 của Nga, mà tàu Varyag có thể mang trên khoang tới 50 chiếc.
Nói về tàu Varyag, cộng đồng mạng Trung Quốc chia thành hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất tỏ ra mong mỏi hàng không mẫu hạm này được khai trương càng sớm càng tốt, "dù chưa xong cũng được".
Ý kiến thứ hai tỏ ra dè dặt hơn.
Chuẩn đô đốc Doãn Trác viết trên một diễn đàn của tờ Nhân dân Nhật báo:"Tàu Varyag chưa bao giờ được mang ra sử dụng và chúng ta nhận nó khi đã hoàn tất tới 70% thiết kế ban đầu".
"Có thể nói nó chẳng phải lừa, mà cũng không phải ngựa... một dạng như con la vậy."
Theo ông Doãn, khi mang vào vận hành tàu Varyag sẽ chở cả chiến đấu cơ lẫn trực thăng săn tàu ngầm, có quá nhiều công hiệu nhưng không có gì thật tốt và chạy bằng nhiên liệu thường chứ không phải năng lượng nguyên tử.
Nhận xét của ông Doãn Trác lập tức bị phản bác. Một người viết trên cùng diễn đàn: "Ông Doãn không nên quá chỉ trích đối với hàng không mẫu hạm Varyag. Đối với chúng ta, đó đã là bước tiến từ không tới có".
"Tàu này có thể không sánh được với tàu sân bay nguyên tử của Mỹ, nhưng so với tàu Charles de Gaulle của Pháp thì đâu có kém cạnh gì và có thể trở thành nỗi kinh sợ của lũ du thủ du thực."

Giá trị thực

Các chuyên gia cũng không đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của tàu Varyag đối với an ninh khu vực và cán cân quyền lực tại đây.
Có người, như ông Andrei Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review đặt tại Canada, cho rằng nếu như người Trung Quốc có thể cải tạo tàu Varyag trong thời gian 5 năm thì điều đó chứng tỏ công nghệ đóng tàu của Trung Quốc đã khá phát triển.
"Nếu có ngân sách, thì việc thiết kế và lắp đặt tàu sân bay hoàn toàn của Trung Quốc trong tương lai chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn nhiều."
Theo ông Chang, chi phí dành cho việc lắp hàng không mẫu hạm không được phản ánh trong ngân sách quốc phòng hàng năm mà thuộc dạng "ngân quỹ ngầm".
Hải quân Trung Quốc dành 4,49 tỷ USD để mua trang thiết bị trong năm 2010, nhưng việc cải tạo nâng cậ́p tàu Varyag có thể lên tới 5 tỷ USD.
Để tự lắp đặt một hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, chi phí vào khoảng 5 tỷ Nhân dân tệ, tức khoảng 1/7 chi phí cải tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có thêm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay mà nếu không có chiếc Varyag trong tay, họ sẽ khó lòng có được.
Mã Đỉnh Thịnh, một bình luận viên về các chủ đề quân sự có uy tín ở Hong Kong, tỏ ra hoài nghi về giá trị của hàng không mẫu hạm Varyag.
Theo ông, chiếc tàu này không có khả năng tác chiến, không có tàu dẫn đường và cũng chẳng có bến đỗ ngoài khơi.
"Trong khi Hoa Kỳ có đội ngũ tàu ngầm tới 60 chiếc để bảo vệ các hàng không mẫu hạm, Trung Quốc chỉ có hai hay ba chiếc."
Ông Mã nói: "Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới có sử dụng tàu sân bay tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Liệu Nhật có lo sợ trước chiếc tàu cấp ba của Nga hay không?"
"Đài Loan thì có thể sẽ sợ. Nhưng đối với Đài Loan thì lại không cần thiết vì đã có hệ thống hỏa tiễn qua eo biển rồi và thêm tàu sân bay sẽ chỉ đẩy Đài Loan thêm gần Nhật Bản."
"Liệu Bắc Kinh có muốn điều này hay không?"
Chuyên gia Mã Đỉnh Thịnh cũng nói các nước như Việt Nam hay Philippines cũng không vì thế mà rút khỏi các đảo và bãi cạn mà họ đã chiếm cứ trong Biển Đông.
Ông nêu ra giả thuyết là dự án tàu Varyag chỉ là cách thức để quân đội Trung Quốc có thể tìm kiếm ngân sách lớn hơn từ chính phủ vì các nhà lãnh đạo dân sự sẽ không thể cưỡng lại được trước ánh hào quang của một công trình như vậy.
"Một khi tàu Varyag được khánh thành, thì trong 10 tới 20 năm nữa sẽ còn tiếp tục có các yêu sách nữa."

Giấc mộng 40 năm

1970: TQ nghiên cứu tiền khả thi việc lắp tàu sân bay
1980: Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ thăm hàng không mẫu hạm Kitty Hawk của Mỹ
1985: TQ mua tàu sân bay Melbourne mà Úc thôi sử dụng
1988: TQ và Việt Nam giao tranh tại Trường Sa
1994: TQ mua tàu Minsk của Nga, nay trưng bày tại Thâm Quyến
1998: TQ mua tàu Varyag của Ukraina
2004: TQ quyết định cải tạo nâng cấp Varyag

.
.
.

No comments: