10/05/2011 - 14:47
Vào ngày 9/5 vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu đối thoại chiến lược và kinh tế vòng 3 kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington. Hoa Kỳ đã gay gắt chỉ trích Trung Quốc về vấn đề vi phạm nhân quyền.
Đây là cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về một loạt các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, nhân quyền và giao lưu thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc được Tổng thống Barrack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào quyết định sau cuộc gặp tại Hội nghị Cấp cao nhóm G20 vào tháng 1/2009.
Về phía Trung Quốc có Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Uỷ viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc còn phía Mỹ có Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, cùng chủ trì cuộc đối thoại kéo dài trong hai ngày từ 9-10/5.
Đây cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của các quan chức quân sự cấp cao từ cả hai phía.
Phóng viên Đài Úc Liam Cochrane đã có cuộc phỏng vấn ông Glenn Somerville - phóng viên của Hãng Thông tấn Reuters xoay quanh mục đích và các vấn đề nổi bật trong cuộc đối thoại Trung-Mỹ lần này.
PV: Xin ông cho biết mục đích của cuộc đối thoại lần này?
Ông Glenn Somerville: “Mục đích ban đầu là tìm cách giải quyết những vấn đề gây tranh cãi giữa hai cường quốc kinh tế, Trung Quốc và Mỹ. Sau đó, Tổng thống Obama đã đề nghị mở rộng các chủ đề đối thoại sang lĩnh vực chính sách ngoại giao thay vì chỉ giới hạn về kinh tế. Đây cũng chính là cơ hội cho hai nước ngồi xuống cùng thương lượng và giải quyết ổn thỏa các vấn đề trước khi chúng vượt tầm kiểm soát”.
PV: Hiện nay có nhiều quan ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc khi chính quyền nước này liên tục thực hiện các vụ trấn áp những nhà hoạt độngnhân quyền. Chủ đề này có được đưa ra thảo luận tại cuộc đối thoại lần này không, thưa ông?
Ông Glenn Somerville: "Đây chính là vấn đề bị Mỹ chỉ trích gay gắt nhất và là điều gây bất ngờ nhất khi theo dõi cuộc đối thoại lần này. Đặc biệt khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu rằng “Chúng tôi kịch liệt phản đối về vấn đề nhân quyền” ngay khi mở màn cuộc đối thoại và câu nói đó được lăp lại lúc đại biểu của đoàn Trung Quốc gặp gỡ Tống thống Obama”.
PV: Tin cho hay Phó thủ tướng Trung Quốc cùng chủ trì đối thoại với Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner. Vậy đã có những bước tiến trong lĩnh vực kinh tế hay chưa ?
Ông Glenn Somerville: “Trong cuộc đối thoại vừa rồi, cả Trung Quốc và Mỹ có vẻ rất thận trọng trong lĩnh vực này. Chưa bên nào đưa ra một lời khẳng định hay tuyên bố chính thức nào về vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua như tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đô-la Mỹ và cả hai bên đều muốn cho thấy nó hiện vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát. Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Timothy có vẻ không gây nhiều áp lực lắm với Trung Quốc đại diện Trung Quốc cũng cho biết đây không phải là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong quan hệ hai nước”.
PV: Thưa ông, hiện đã có thông tin gì về cuộc đối thoại của các quan chức quân sự cấp cao?
Ông Glenn Somerville: “Đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo quân sự cấp cao có mặt trong cuộc đối thoại song phương này. Vào ngày mai (ngày 10/5 theo giờ địa phương) thì các lãnh đạo quân sự mới chính thức bắt đầu chương trình làm việc nên hiện giờ, chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì về nội dung đối thoại của họ. Cuộc đối thoại kinh tế dần được mở rộng và bao gồm cả lĩnh vực quân sự cho thấy nỗ lực của cường quốc kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề gây tranh cãi nhằm ngăn chặn chúng vượt ngoài tầm kiểm soát”.
-----------------------------------
Tú Anh - RFI
Thứ ba 10 Tháng Năm 2011
Đối thoại kinh tế và chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lần thứ ba khai mạc vào ngày thứ hai 09/05/2011 tại Washington. Mục tiêu là để giải quyết những bất đồng hoặc ít ra làm giảm bớt những xung khắc trong quan hệ song phương.
Hồ sơ nhân quyền vẫn tiếp tục là mối bất hòa sâu đậm giữa hai nước. Hoa Kỳ kêu gọi lãnh đạo Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền vì trấn áp tiếng nói phản kháng chỉ làm tổn hại cho chính Trung Quốc.
Trong các cuộc tiếp xúc riêng với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và « cố vấn » ngoại giao Đới Bình Quốc dẫn đầu, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc cần phải cải thiện nhân quyền vì bóp nghẹt quyền cơ bản này của con người chỉ làm tổn thương cho chính Trung Quốc.
Trong ba tháng qua, từ khi Cách mạng Hoa Lài diễn ra tại Trung Đông, ở Trung Quốc hàng loạt luật sư, nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, blogger, bị quản thúc, bị truy tố ra tòa hoặc bị « mất tích » một cách bí ẩn. Hàng trăm tín đồ Tin Lành kẻ bị bắt giam, người bị sách nhiễu.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ là người tuyên bố gay gắt nhất. Ông nói với phái đoàn Trung Quốc là Hoa Kỳ rất quan ngại về tình trạng trấn áp nhân quyền nghiêm trọng nhất từ nhiều năm nay đang diễn ra tại Trung Quốc. Hoa Kỳ vẫn mong có sự hợp tác giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới « nhưng không ngần ngại phê phán chính sách của Bắc Kinh » vì « quan hệ giữa hai nước không thể xây dựng trên một cơ sở giả dối ».
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết :
"Nếu Washington và Bắc Kinh đồng ý với nhau là cùng làm việc chung để phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu thì cũng có một vấn đề tiếp tục phân cách hai bên một cách sâu rộng.
Dù trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng hay trong buổi họp với Ngoại trưởng Hillary Clinton ở bộ Ngoại giao, phái đoàn Trung Quốc bị phê bình mạnh mẽ vì thái độ thiếu tôn trọng nhân quyền.
Khi tiếp Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và cố vấn về chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Đới Bình Quốc, Tổng thống Mỹ cho biết mối quan ngại về nhân quyền và nhấn mạnh là ông ủng hộ quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng, quyền được tiếp cận thông tin và tự do sinh hoạt chính trị.
Trước đó, phái đoàn Trung Quốc cũng phải lắng nghe thông điệp tương tự từ Ngoại trưởng Mỹ. Bà Hillary Clinton nhấn mạnh : Hoa Kỳ có thông tin nhiều người ở Trung Quốc kể cả luật sư, văn sĩ, nghệ sĩ và các thành phần khác đã bị giam hoặc mất tích. Và chúng tôi cũng biết là theo dòng lịch sử, những xã hội nào biết tôn trọng nhân quyền là xã hội sẽ thành công và trở thành thịnh vượng và ổn định hơn.
Phản ứng lại, cố vấn Đới Bình Quốc mời người Mỹ đến Trung Quốc để nhận xét tận mắt những thành quả gặt hái được trong nhiều lãnh vực khác nhau, và ông nhấn mạnh, trong đó có lãnh vực nhân quyền".
Vào lúc Mỹ -Trung đối thoại thì tại Thẩm Khuyến, Trung Quốc, nhóm Luật sư bảo vệ nhân quyền gọi tắc là CHRLCG kêu gọi chính phủ Mỹ can thiệp. Tổ chức tranh đấu này công bố một danh sách các luật sư bị mất tích.
Giới luật sư thường gặp khó khăn khi hành nghề, bảo vệ thân chủ trong các vụ khiếu kiện. Trong những tháng qua, bản thân giới luật sư bị cản trở sách nhiễu một cách có hệ thống. Để chuẩn bị « Thế vận hội Đại học » vào tháng 8, chính quyền Thẩm Khuyến đã đe dọa : Trong vòng năm tháng tới đây, mọi hành động phản kháng kể cả kiến nghị đều bị xem là phạm tội « hình sự ».
Thật ra , không phải tất cả những người trong chính quyền Trung Quốc đều là những kẻ vô tâm. Bản thân Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần, và gần đây nhất trong diễn văn đọc tại Quốc hội hồi đầu tháng ba, ông nhận định là phải cải cách dân chủ vì « lòng dân đã oán hận » chế độ.
Một nhân vật khác là Trung tướng Lý Á Châu, Giám đốc Học Viện Quốc Phòng đề xướng Trung Quốc phải đi theo mô hình Hoa Kỳ nếu Đảng muốn tồn tại.
Tuy nhiên, theo giới ly khai Trung Quốc, ngày nào mà Mao Trạch Đông, kẻ gây ra những cuộc tắm máu tại Trung Quốc từ « Cách mạng Văn hóa » đến « Đại nhảy vọt » vẫn còn được xem là thần tượng thì ngày đó khó có cơ may dân chủ.
Quan điểm cải cách cho dù do đương kim Thủ tướng đề xuất cũng không được công bố rộng rãi. Niềm hy vọng kinh tế phát triển đưa đến tự do đang bị những thế lực thủ cựu ngăn chận.
Chủ trương quay về quá khứ « văn hóa đỏ » của Bạc Hy Lai, thị trưởng Trùng Khánh đang được quảng bá. Tại địa phương này, trường học, xí nghiệp, đài phát thanh , truyền hình đều phải học tập và phát các bài hát ca ngợi họ Mao.
.
.
.
No comments:
Post a Comment