Saturday, May 7, 2011

NHÂN CÁI CHẾT CỦA BIN LADEN, VÀI SUY NGHĨ VỀ HOA KỲ (Lê Mạnh Hùng)


Lê Mạnh Hùng
Friday, May 6, 2011

Tôi đến thăm hai tòa nhà chọc trời World Trade Center tại New York lần đầu tiên vào năm 1995. Ðứng dưới chân hai cái tháp khổng lồ này là người ta cảm thấy toàn bộ sức mạnh của Mỹ đối với thế giới vào cuối thế kỷ thứ 20 nhất là đối với một người vừa mới rời khỏi Việt Nam chưa được bao lâu như tôi.

Giống như mọi biểu tượng vĩ đại khác của một đế quốc, hai cái tháp sừng sững của World Trade Center là biểu tượng của một thời gian và không gian nhất định, của một nước luôn luôn tự hào về sự phong phú mà Thượng Ðế dành cho mình cũng như về tầm mức to lớn hầu như không thể tưởng tượng được của tham vọng mình.

Những người làm việc trong hai tòa nhà này, có lẽ hầu như chính họ cũng không biết, đang sống trong một giai đoạn lịch sử hiếm hoi. Ðó là nước Mỹ trong thời kỳ hưng phấn nhất của những năm 1990 với hệ thống tư bản tài chánh đang tiến tới cực điểm trong ảnh hưởng của nó đối với thế giới trong lúc người dân và chính quyền đều cảm thấy con đường mình đi không những không ai có thể cưỡng lại mà còn hợp với đạo đức nữa.

Nhưng khi lịch sử lật sang một trang khác, như nó đã xảy ra trong một ngày cách nay gần một thập niên, nó đã có sức mạnh không những đập tan những ảo tưởng mà còn tác động thẳng đến tâm lý từng cá nhân một nữa.

Ngày 9 tháng 11 năm 2001 tôi đang ở Bangkok. Và cũng như hầu hết tất cả những người khác tôi theo dõi một cách xúc động những gì xảy ra tại Manhattan vào lúc đó. Tuy rằng không có mặt tại chỗ nhưng nhìn vào những con người trong màn hình ta có thể cảm thấy rõ một cảm giác hoàn toàn bất lực trước một sự kiện không ai có thể tưởng tượng được trước. Mọi ý thức về sức mạnh, về khả năng có thể ảnh hưởng đến diễn biến của sự vật đều đã tan biến. Chỉ còn cố gắng để tồn tại là trên tất cả mọi chuyện. Ðối với đoàn người lầm lũi cuốc bộ trên các cây cầu để ra khỏi Manhattan, mọi suy nghĩ về công ăn việc làm đưa họ vào trong thành phố trước đó mấy tiếng đồng hồ nay không còn nữa, chỉ còn gia đình và làm sao an toàn trở về.

Mấy tháng sau, tôi sang Mỹ làm việc tại Washington DC. Và tại đây tôi có thể cảm thấy một sự thay đổi so với trước đó chỉ mấy tháng. Hổ thẹn, hoài nghi, bất lực, sự sụp đổ của hai cái tháp World Trade Center đã mang lại một giai đoạn lịch sử mới lạ cho nước Hoa Kỳ. Cố nhiên một hành động thù nghịch không thể nào làm thay đổi được chiều đi của lịch sử, nhưng nó rõ ràng là có sức mạnh để làm ảnh hưởng đến tâm lý của một nước.

Nhưng kích động chẳng bao lâu dẫn đến hành động. Như một con sư tử bị thương, nước Mỹ đã vung ra với tất cả sức mạnh của mình, đầu tiên tại Afghanistan, sau đó tại Iraq. Lời cảnh cáo mà ông Ronald Reagan đưa ra với những kẻ khủng bố cách đó trên một phần tư thế kỷ - “You can run but you can't hide” - có vẻ hứa hẹn một phán quyết công lý mau lẹ và không thể tránh được, thực hiện bằng họng súng.

Nhưng những thất bại sau đó đã khiến cho người ta có một cảm giác hoàn toàn xa lạ với người Mỹ: thiếu khả năng. Siêu cường độc nhất còn lại của thế giới, nước bỏ xa những nước khác về kỹ thuật đã không thể nào kiếm ra được một tên khủng bố cũng như thuần phục một quốc gia lạc hậu như Afghanistan.

Nhưng mọi chuyện còn trở nên tệ hại hơn nữa. Sự ủng hộ và đồng tình của thế giới đối với nỗi đau khổ của Mỹ chẳng bao lâu đã chuyển sang chống đối gay gắt khi Hoa Kỳ bung ra trả đũa. Sự lên án nhiều khi sai lầm này đã khiến cho nhiều người Mỹ cảm thấy đau đớn, tổn thương và tức giận.

Sự âu lo về vị thế của mình trên thế giới vào lúc mà nước Mỹ phải vật lộn với một sự suy thoái tương đối khó thể giải quyết được qua một sự kiện đơn độc. Nhưng đôi khi chỉ cần một câu chuyện đơn giản, hào hùng với những hình ảnh rõ rệt có thể là một phương thuốc thánh đối với một quốc gia đang thiếu thốn những câu chuyện lạc quan.

Và điều đó đã xảy ra. Một cuộc hành quân bí mật vào đêm tối với trực thăng bay là là trên mặt đất để tránh bị radar phát hiện, do một toán biệt kích nhảy thẳng xuống một pháo đài được phòng thủ kỹ càng của địch đã cung ứng câu chuyện hào hùng mà nước Mỹ thèm khát.

Ðặc biệt hình ảnh sâu đậm của một cuộc hành quân bằng trực thăng đã gợi lại ký ức của những sự kiện tương tự trong lịch sử cận đại của nước Mỹ. Từ cố gắng thất bại của Tổng Thống Jimmy Carter trong cuộc hành quân giải cứu con tin tại Iran năm 1980 cho đến vụ trực thăng Blackhawk bị bắn hạ trong trận chiến tại Mogadishu, những vụ này không có gì làm cho người Mỹ tự hào cả. Sự kiện xảy ra tại Somalia ít nhất cũng còn có thể kể lại được như là một hành động hào hùng, nhưng đó là một sự kiện hoàn toàn không Mỹ chút nào: hào hùng trong chiến bại. Và người ta chỉ còn tìm một sự tin tưởng qua phim ảnh với những người hùng như Jack Ryan của Tom Clancy, quét sạch những mâu thuẫn đạo đức của một thế giới hiện thực để tìm ra một sự trong sáng đạo đức qua hành động mau lẹ và quyết định.

Khi ông Reagan đưa ra lời cảnh cáo nổi tiếng của ông đối với khủng bố, thực sự là ông chỉ đưa ra một lời hứa hẹn với các đồng bào của ông. Và bây giờ khi nước Mỹ ăn mừng cái chết của ông Osama bin Laden, có vẻ như là, ít nhất trong một đôi phút một sự hổ thẹn quốc gia đã được rửa sạch. Cuối cùng ông Reagan đã được chứng minh rằng lời cảnh cáo của ông là đúng, và nước Mỹ có thể tạm gạt bỏ ra ngoài những e sợ về suy thoái và những cuộc tranh cãi bè phái - ít nhất là trong một thời gian.
.
.
.

No comments: