Luật sư Nguyễn Lệnh
8/05/2011
Cách đây khoảng một tuần lễ, ông Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời kháng chiến chống Pháp, được phía quân lính Pháp coi là “Con hùm xám đường số 4” và phía cán bộ và chiến sĩ Việt Nam thân mật gọi là “Đệ tứ quốc lộ đại vương”, đến gặp chúng tôi nhờ đăng lá thư ông gửi lên các vị lãnh đạo Nhà nước CHXHCN Việt Nam xin khôi phục lại sinh hoạt Hướng đạo vốn là một tổ chức quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng trong thanh thiếu niên nhiều nước, cũng đã phát triển nhanh chóng ở khắp các miền Bắc Trung Nam Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám cho mãi đến sau này, và từng góp phần rèn luyện không ít thế hệ tuổi trẻ chúng ta trở thành những con người sống vui, sống đẹp, có lý tưởng gắn bó hợp quần, có tinh thần bền bỉ vượt khó, cũng như biết giữ vững đạo đức và nâng cao thể chất của mình để đối phó với mọi bất trắc trong cuộc sống. Lá thư của ông Đạng Văn Việt gửi đi từ ngày 1-3-2011 nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.
Tiếp theo lá thư trên, hôm nay BVN lại nhận được bài viết của LS Nguyễn Lệnh cũng bàn bạc xoay quanh chủ đề này. Nhận thấy đây là những đề xuất tâm huyết của hai thành viên kỳ cựu trong Hội Hướng đạo ngày trước, chúng tôi xin đăng cùng lúc cả hai để bạn đọc xa gần xem xét.
Bauxite Việt Nam
------------------------
Đơn xin phép cho tiếp tục phục hồi “chơi” hướng đạo - Đặng Văn Việt
--------------------------
Giải trình vì sao chưa tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam
Luật sư Nguyễn Lệnh
Kính thưa các huynh trưởng Hướng đạo VN,
Là một cựu Hướng đạo sinh và là một Luật sư nên khi được các huynh trưởng Hướng đạo tham vấn về Nghị định của Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đối với việc xin tái lập Hội Hướng đạo VN, tôi đã tìm hiểu bước đầu và trả lời qua bài viết “Vì sao chưa tái lập Hội HĐVN ?” (8/2010). Tuy nhiên, tự bản thân tôi cũng cảm thấy những gì mình đã trình bày trong bài viết đó là chưa được đầy đủ nên tôi đã tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về quá trình phát triển của phong trào Hướng đạo VN, các khía cạnh pháp lý và các hiện tượng xung quanh hoạt động của phong trào, những khó khăn từ bên ngoài và sự khác biệt, xung đột trong nội bộ của phong trào v.v. Trong mỗi bước tìm hiểu thêm đó tôi đã ghi nhận và trình bày góc nhìn của mình qua 5 bài viết kế tiếp để gởi đến các huynh trưởng HĐVN xem với mong muốn có được sự chia sẻ, đồng cảm với những điều mà các Hướng đạo sinh VN đều quan tâm.
Vì có những hạn chế về mặt tư liệu cũng như do bản thân đã ngưng sinh hoạt Hướng đạo quá lâu nên tôi gặp ít nhiều khó khăn trong khi tìm hiểu những việc đã bị khuất lấp. Tôi cũng gặp phải sự nghi kỵ dành cho khi cùng lúc tiếp xúc các huynh trưởng HĐ có quan điểm đối nghịch nhau để hiểu thêm những tồn tại trong thực tế. Do đó, khi đọc lại những gì mình viết tự tôi cũng tìm thấy có những thiếu sót nhất định trong việc trình bày những vấn đề phức tạp của HĐVN. Nhưng có điều đáng mừng là qua các bài viết của tôi liên quan đến Hội HĐVN, bên cạnh số ít những góp ý chân tình về sự thiếu sót, tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyến khích, động viên của các huynh trưởng HĐVN từ nhiều nơi về nội dung các bài viết đó. Tôi đã được may mắn gặp gỡ, trao đổi với hầu hết các huynh trưởng lãnh đạo các nhóm có các khuynh hướng khác nhau trong phong trào HĐVN hiện nay để tìm hiểu, chia sẻ những suy nghĩ, những quan điểm khác nhau hoặc giống nhau về các vấn đề liên quan đến Hướng đạo VN. Nhờ đó mà tôi đã có thể tổng hợp những điều tìm hiểu được qua nghiên cứu tư liệu cùng với qua tiếp xúc, trao đổi với các huynh trưởng HĐ để có thể rút ra được những kết luận, đánh giá về các vấn đề của Hội HĐVN hiện nay một cách tương đối đầy đủ, khách quan. Vì vậy, hôm nay tôi muốn trình bày với các huynh trưởng HĐVN những nhận xét có tính tổng kết và cô đọng của tôi về câu hỏi được đặt tựa trong bài viết đầu tiên “Vì sao chưa tái lập Hội HĐVN ?” dưới hình thức một lá thư trực tiếp gởi các huynh trưởng và có nội dung của một sự giải trình nặng về tính pháp lý cho câu hỏi đặt ra.
Thưa các huynh trưởng:
Nói về lịch sử của Hướng đạo thế giới và lịch sử Hướng đạo VN thì hẳn các huynh trưởng đều đã hiểu rõ. Vì vậy, tôi xin được lấy cột mốc lịch sử khi mà Hội HĐVN lần đầu tiên được thành lập do sự thống nhất ba hội Hướng đạo Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ vào năm 1946, có quy trình (điều lệ) được Bộ Nội vụ phê duyệt và được công nhận bởi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới thành lập sau khi giành được độc lập, được Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh nhận làm Danh dự Hội trưởng Hội HĐVN ngày 31/5/1946. Xin nhấn mạnh rằng Hội HĐVN là một tổ chức xã hội dân sự, là Hội Hướng đạo VN duy nhất lúc bấy giờ, chưa có Hội HĐVN thứ 2 nào khác theo qui định của pháp luật VN và theo Hiến chương của Tổ chức thế giới Phong trào Hướng đạo (viết tắt là WOSM). Khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, nước Việt Nam bị chia cắt làm 2 miền Nam, Bắc với 2 phần lãnh thổ, dân cư và chính quyền riêng theo đúng công pháp quốc tế. Từ đó hình thành “2 quốc gia Việt Nam” có chính thể riêng và hệ thống pháp luật riêng trong các quan hệ đối nội lẫn đối ngoại.
Hội HĐVN là một tổ chức dân sự xã hội thiện nguyện có mục đích là giáo dục bổ sung cho các thanh, thiếu niên bằng các hình thức và phương pháp Hướng đạo để các em làm tròn bổn phận của một công dân đối với quốc gia, Tổ quốc VN, có tinh thần dấn thân phục vụ và xây dựng cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là Hội HĐVN “không hoạt động và cổ động về mặt chính trị” như đã qui định tại Điều thứ 1 của bản quy trình năm 1946. Hội HĐVN cũng đã chịu chung vận mệnh như đất nước khi bị chia cắt thành 2 Hội HĐVN ở 2 miền, 2 quốc gia VN từ sau năm 1954. Hội HĐVN ở miền Nam gia nhập vào WOSM năm 1957 do hội đủ các yêu cầu về tư cách hội viên được qui định trong Hiến chương năm 1922 của WOSM. Tính đến ngày 31/12/1974, Hội HĐVN ở miền Nam có tổng số đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo hiểm là 14.432 người, trong đó có 2.204 huynh trưởng. Còn Hội HĐVN ở miền Bắc tuy có số lượng đoàn sinh và huynh trưởng ít hơn, vẫn hoạt động bình thường nhưng không gia nhập vào WOSM mặc dù có đầy đủ các điều kiện một hội viên của WOSM tương tự như Hội HĐVN ở miền Nam. Về các qui định pháp luật liên quan tới Hội HĐVN thì có thể viện dẫn Hiến pháp 1946, tại Điều 10 đã qui định rõ là : “Công dân Việt Nam có quyền… Tự do tổ chức và hội họp…”. Rồi đến ngày 20/5/1957, Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Luật số 102-SL/L-004 qui định quyền lập hội như sau: “Nay ban bố luật qui định quyền lập hội đã được Quốc hội biểu quyết trong khóa họp thứ VI như sau: LUẬT QUY ĐỊNH QUYỀN LẬP HỘI. Điều 1. Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta. Điều 2. Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội. Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác”. Tại Điều 12 Luật số 102-SL/L-004 có qui định rằng: “Chính phủ qui định những chi tiết thi hành luật này”. Nhưng phải mất đến 46 năm, mãi đến năm 2003 Chính phủ mới ban hành văn bản qui định những chi tiết thi hành Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 bằng Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Trong khi chưa có văn bản của Chính phủ qui định những chi tiết thi hành Luật số 102-SL/L-004 thì Hội HĐVN ở miền Bắc được mời tham dự Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (HLHTNVN) ở Hà Nội ngày 9/4/1957 và chính thức tham gia vào HLHTNVN với tư cách là thành viên tập thể theo như qui định tại điều lệ của HLHTNVN – Điều lệ của HLHTNVN qui định có 2 loại hội viên: cá nhân và thành viên tập thể. Vì vậy, Hội HĐVN ở miền Bắc khi tham gia và trở thành thành viên tập thể của HLHTNVN vào ngày 9/4/1957 thì Hội HĐVN ở miền Bắc vẫn không mất đi tư cách pháp nhân của hội. Chính vì thế mà đến ngày Đại hội toàn quốc HLHTNVN Lần thứ 2, ngày 18/12/1961, đoàn Đại biểu Hội HĐVN ở miền Bắc vẫn tiếp tục được mời tham dự với tư cách là một thành viên tập thể, một Hội HĐVN có tư cách pháp nhân độc lập. Trong thời gian từ năm 1954 đến 1975, tư cách pháp lý của Hội HĐVN ở miền Bắc vẫn thể hiện bình thường trong các văn bản của Hội có đóng dấu riêng, ví dụ như lá thư vẫn còn lưu giữ của Bộ Tổng ủy viên Hội HĐVN ở miền Bắc gởi cho các anh chị huynh trưởng và các bạn Tráng, Thiếu, Ấu Hướng đạo sinh Trung, Nam Bộ ngày 5/2/1965. Trong suốt thời gian 21 năm (1954-1975) đất nước VN bị Hiệp định Genève chia cắt làm 2 miền thì 2 Hội HĐVN ở 2 miền đất nước cũng luôn thể hiện sự khao khát, mong đợi có ngày hợp nhất như xưa.
Sau khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, các huynh trưởng và đoàn sinh HĐVN ở khắp cả nước đều chào mừng, gặp gỡ và cùng nhau lập Ban liên lạc rồi Ban vận động, làm đơn xin tái lập một Hội HĐVN thống nhất như trước năm 1954. Nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả gì vì không có câu trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhiều lời suy đoán của các huynh trưởng HĐVN được đưa ra để giải thích về sự im lặng từ phía Nhà nước trước việc xin tái lập một Hội HĐVN thống nhất nhưng trong các lý do đó, lý do Chính phủ chưa ban hành văn bản qui định chi tiết thi hành Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 được xem là hợp lý nhất. Và rồi niềm vui đã đến với các huynh trưởng và đoàn sinh HĐVN khi Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ, căn cứ vào Luật số 102-SL/L-004, ban hành qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Tuy nhiên, trong khi các huynh trưởng HĐVN đang xúc tiến các thủ tục để xin thành lập Hội HĐVN thì bất ngờ biết được có Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến các địa phương nhằm ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Nhiều nhóm Hướng đạo đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập nhưng đều không nhận được câu trả lời. Rồi đến ngày 20/5/2008 lại có Thông báo tiếp theo số 157-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lại chủ trương của Thông báo 143 và chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết cho các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể v.v. nhằm thực hiện chủ trương không cho tái lập tổ chức Hướng đạo. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, Thành ủy đã triển khai thực hiện Thông báo của Ban Bí thư TW bằng một bản Kế hoạch rất cụ thể (Văn bản số 47-KH/TU ngày 20/4/2009). Phong trào HĐVN vốn đã có dấu hiệu mất đoàn kết và phát triển tự phát vì Hội HĐVN chưa có giấy phép chính thức thì sau khi có các Thông báo của BBT/TW ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức HĐ, lại càng khiến cho tình trạng chia rẽ, tự phát trong phong trào thêm trầm trọng. Nếu coi các Thông báo của BBT/TW là nguyên nhân khách quan của vấn đề “Vì sao chưa tái lập Hội HĐVN ?” thì sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức Hướng đạo mới chính là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chủ yếu của câu hỏi đó. Trước khi đi vào phân tích, tìm hiểu các nguyên nhân chưa tái lập Hội HĐVN, tôi xin trích dẫn một đoạn thơ của huynh trưởng Thanh Tâm đã biểu lộ tâm trạng tuyệt vọng sau 35 năm mong đợi kể từ ngày thống nhất đất nước qua bài thơ “Phong trào đi về đâu ?”:
“Tám chục năm ròng đã góp công,
-45 Nghị định – thế là xong.
Hai từ Hướng đạo không còn nữa,
Tái hoạt Phong trào cũng hết mong…”
-45 Nghị định – thế là xong.
Hai từ Hướng đạo không còn nữa,
Tái hoạt Phong trào cũng hết mong…”
Trong 35 năm mong đợi Nhà nước Việt Nam giải quyết yêu cầu thống nhất Hội HĐVN, các huynh trưởng HĐVN đã phải sinh hoạt “chui” 28 năm đầu trong hoàn cảnh Đảng và Nhà nước đã không tạo điều kiện hay giúp đỡ đưa Hội HĐVN vào khuôn khổ pháp luật như các hội bình thường khác. Trong 7 năm còn lại kể từ năm 2003 khi có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội mà tất cả các huynh trưởng cứ ngỡ rằng cơ hội xin phép hoạt động chính thức của Hội đã mở ra thì các Thông báo 143 rồi Thông báo 157 của BBT/TW đã gần như dập tắt những hy vọng, những mong đợi của các Hướng đạo sinh VN. Trong 35 năm ấy, các huynh trưởng và đoàn sinh Hội HĐVN từ chỗ phải tự tìm cách tồn tại trong hoàn cảnh chưa có Nghị định chi tiết qui định về quyền lập hội; lại đi tới tình trạng sinh hoạt tự phát và chia rẽ ngày càng trầm trọng do các Thông báo của BBT/TW đã ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo.
Có thể nhận thấy những phương cách tự phát mà các nhóm HĐ đã vận dụng để tồn tại trong thời gian đó như sau:
- Có nhóm Hướng đạo chọn cách gọi là “Hướng đạo tại gia” tức là sinh hoạt tại nhà, không tham gia với một đơn vị Hướng đạo nào cả. Cách này có vẻ tiêu cực, có nhiều hạn chế so với sinh hoạt bình thường của HĐ nhưng vì mục tiêu “giữ lửa”, chờ được hợp pháp hóa nên “ẩn mình” để tránh bị làm phiền, tránh chuyện đấu đá, chỉ trích nhau như một vài nhóm khác.
- Có nhóm Hướng đạo chọn cách “ẩn danh” khi tự nhận mình chỉ là một “Gia đình” để Nhà nước không để ý, có tham gia vận động xin Nhà nước công nhận HĐ và vẫn chờ đợi ngày được tái lập hội. Danh xưng này nghe có vẻ khiêm tốn, đã tồn tại được trên 30 năm và vẫn tiếp tục sinh hoạt bằng cái vỏ bọc của một “Gia đình” nhưng có đến 500 HĐS.
- Có nhóm Hướng đạo mới hình thành 5, 6 năm nhưng có số đoàn sinh khá đông và chọn cách sinh hoạt truyền thống, bài bản như ở miền Nam VN trước 1975. Vì tự cho rằng không nhận được sự thông cảm từ phía Nhà nước như các nhóm khác nên nhóm Hướng đạo này thường trông cậy vào những Nhà thờ, dòng tu để sinh hoạt, làm đất trại – vừa tiết kiệm chi phí vừa ít bị chú ý.
- Có nhóm Hướng đạo chọn cách “có vẻ chính trị” khi may lá cờ nước trên ngực áo như một hình thức tạo niềm tin cho phía Nhà nước để sinh hoạt công khai và tham dự huấn luyện, họp bạn ở nước ngoài. Nhưng cũng có thể cho rằng đó là cách để nhóm HĐ này tạo sự an tâm cho nhóm vì thật ra tất cả các HĐS VN đều có hình quốc huy với lá cờ nước VN trên mỗi giấy Chứng minh nhân dân của mình.
- Có nhóm Hướng đạo chọn cách “hoàn toàn chính trị” và gần như công khai trong sinh hoạt và vận động Nhà nước công nhận Hướng đạo. Nhóm này có nhiều huynh trưởng là đảng viên Cộng sản và chủ trương lấy quy trình (điều lệ) đầu tiên 1946 làm căn cứ pháp lý duy nhất, không thừa nhận các quy trình đã được sửa đổi bổ sung sau năm 1946.
Vào năm 2005, các huynh trưởng là đảng viên Cộng sản cùng một vài huynh trưởng ở nhóm khác có lập “Ban vận động công nhận Hướng đạo Việt Nam”. Nhưng sau khoảng 1 năm, do có nhiều khác biệt và không nhất trí với nhau về đường hướng trong sinh hoạt và vận động nên Ban vận động này đã tự giải thể. Từ đó, sự phân hóa, mất đoàn kết càng trầm trọng hơn giữa các nhóm Hướng đạo, không ai còn nghĩ đến việc ngồi chung với nhau để cùng tập trung trí tuệ, vận động xin phép tái lập Hội HĐVN. Xin trích lời của lão huynh trưởng Sơn ca ngoài trời – Nguyễn Thúc Tuân, 99 tuổi, trong bài viết “Ngồi lại ?” (GVMG 4) như sau: “Trong dư luận thì có nhiều ý kiến: – Các ông suy yếu là vì các ông chia rẽ. – Chính các ông làm hại các ông. – Vì sao đến nỗi không có một ban huynh trưởng tối cao để giữ luật, giữ lề và thống nhất huấn luyện? – Chúng tôi thấy khó đấy, nhưng không lẽ cứ thế cho đến bao giờ? – Các ông không thấy trách nhiệm đối với phong trào hay sao? – Nhóm các ông có đại diện cho phong trào được không? – Cụ BP trước khi lìa trần bàn giao phong trào lại cho ai? – Các ông không thấy lớp trẻ không đồng tình? – Những ai đối lập đều mong cho các ông cứ tồn tại chia rẽ như thế…” Có thể coi những lời trên của lão trưởng Nguyễn Thúc Tuân không chỉ là vàng ngọc mà còn là muối mặn, ớt cay cho những huynh trưởng nào còn chưa thức tỉnh! Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc chưa tái lập Hội HĐVN sau khi có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP chính là sự mất đoàn kết của các huynh trưởng các nhóm Hướng đạo.
Thưa các huynh trưởng:
Đến đây, nếu đặt ra câu hỏi rằng một khi sự đoàn kết trong nội bộ phong trào HĐVN được tái lập thì liệu có thể sẽ tái lập được Hội HĐVN theo qui định của pháp luật hiện hành hay không ? Bằng niềm tin nội tâm và với sự hiểu biết nhất định về pháp luật, tôi cho rằng CHẮC CHẮN ĐƯỢC. Tôi xin được giải trình với các huynh trưởng về khả năng xin khôi phục quyền lập hội hợp pháp của Hội HĐVN đã bị các Thông báo của BBT/TW ngăn cản và về khả năng tiến hành các thủ tục xin tái lập Hội HĐVN dựa trên các căn cứ pháp luật hiện hành như sau:
A/ Về khả năng xin khôi phục quyền lập hội của Hội HĐVN đã bị các Thông báo của Ban Bí thư TW ngăn cản:
Trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng tuy mang danh là “Thông báo ý kiến của Ban Bí thư” nhưng về tính hiệu lực và chấp hành của các Thông báo là rất cao, có khi lại cao hơn cả các quyết định của cơ quan hành chánh Nhà nước hoặc bản án của Tòa án. Các Thông báo của BBT/TW đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm việc không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Tuy nhiên, nếu xem các Thông báo của BBT/TW có giá trị như bản án của Tòa án mà phần “hình phạt” đã được ghi rất rõ trong các Thông báo là: “Không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo”, thì phần nói về “các hành vi vi phạm” mà các Thông báo dùng làm căn cứ để xử phạt Hội HĐVN đã được các Thông báo BBT/TW nêu cụ thể ở 4 điểm sau đây:
1/ Ở miền Bắc, từ sau kháng chiến chống Pháp, tổ chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
2/ Ở miền Nam, ngoài tổ chức Hướng đạo chính thống – tức Hội HĐVN, Mỹ Ngụy xây dựng các loại Hướng đạo trong tôn giáo, quân đội, cảnh sát…
3/ Nhiều tổ chức (nhóm HĐ) có quan hệ móc nối với các phần tử phản động và số cầm đầu các nhóm Hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức Hướng đạo thế giới, với sứ quán, lãnh sự quán ở VN để tuồn thông tin, vu cáo chế độ ta, xin chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình.
4/ Các tổ chức Hướng đạo Công giáo, Cao đài, Tin lành công khai dùng phương pháp hoạt động Hướng đạo để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các Giáo hội được các Giáo xứ và Nhà nhờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần.
Muốn biết hình phạt mà Hội HĐVN nhận chịu có oan sai hay không cần phải xác định cho đúng sự thật khách quan các hành vi vi phạm hoặc là nguyên cớ mà các Thông báo BBT/TW cho là thuộc trách nhiệm của Hội HĐVN. Xin được giải trình 4 điểm nêu trên:
a/ Về việc cho rằng Hội HĐVN ở miền Bắc đã ngừng hoạt động sau khi gia nhập Hội LHTNVN vào năm 1957 là hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan như đã trình bày ở phần trên. Có đủ các căn cứ pháp lý và các chứng cứ để xác định sự thật là Hội HĐVN ở miền Bắc vẫn tồn tại hợp pháp từ 1946 cho đến 1975 dù đã gia nhập Hội LHTNVN năm 1957.
b/ Như tôi đã từng trình bày với các huynh trưởng trong một bài viết trước đây thì do hoạt động của Hội HĐVN ở miền Nam trước 1975 đã được xã hội đương thời nhìn nhận là rất tốt đẹp nên các tổ chức tôn giáo và lực lượng quân đội, cảnh sát … lúc bấy giờ cũng muốn áp dụng các hình thức và phương pháp Hướng đạo để giáo dục tín đồ và con em trong tổ chức và lực lượng của mình. Hội HĐVN ở miền Nam đương nhiên phải chấp nhận, dù muốn hay không, việc các tổ chức khác có thế lực hơn mình, bắt chước mình làm điều tốt đẹp cho xã hội. Hơn nữa, Hội HĐVN chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình và không có căn cứ pháp lý nào để buộc Hội HĐVN phải chịu trách nhiệm thay cho hành vi của các tổ chức khác.
c/ Hiện nay, pháp luật hình sự của nước CHXHCN VN rất đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội, chống mọi hành vi phạm tội. Vì vậy, tất cả những hành vi vi phạm mà các Thông báo BBT/TW kể ra ở trên – mục 3, là thuộc trách nhiệm của những cá nhân nào đã vi phạm. Hội HĐVN là một pháp nhân, không thể chịu trách nhiệm hình sự, lại càng không thể chịu trách nhiệm thay cho những cá nhân lợi dụng danh nghĩa Hướng đạo để vi phạm pháp luật hình sự. Nguyên tắc trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân.
d/ Hiện nay, Nghị định 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 (và NĐ 45/2010 thay thế) qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có qui định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, đã nói rõ là các tổ chức Giáo hội không áp dụng Nghị định này. Nếu các tổ chức Hướng đạo Công giáo, Cao đài, Tin lành… muốn hoạt động hợp pháp thì họ phải tập hợp dưới hình thức các Hội đoàn tôn giáo theo như qui định tại Khoản 6, Điều 3 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11. Vì vậy, sẽ không thể tồn tại cái gọi là tổ chức Hướng đạo tôn giáo nằm trong Hội HĐVN được tái lập theo pháp luật hiện hành như các Thông báo BBT/TW viện dẫn làm nguyên cớ.
Xác định sự thật khách quan như vậy tức là đã làm rõ sự oan sai trong các Thông báo BBT/TW khi áp dụng hình phạt cho Hội HĐVN nhưng lại căn cứ vào các hành vi của các tổ chức khác hoặc của các cá nhân khác chớ không phải của ngay chính pháp nhân Hội HĐVN. Sự oan sai của Hội HĐVN càng thấy rõ hơn khi ngay trong các Thông báo BBT/TW cũng đã đề cao các hình thức và phương pháp Hướng đạo khi chỉ đạo rằng: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp của Hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu niên…”. Tiếp theo nữa là bản Kế hoạch số 47-KH/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 20/4/2009 triển khai thực hiện các Thông báo BBT/TW trong việc tiếp thu, áp dụng các hình thức, phương pháp của Hướng đạo bằng cách “Tiếp tục xây dựng, phát huy, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Sao Bắc đẩu từ thành phố đến quận huyện”. Nếu nhìn các Câu lạc bộ Sao Bắc đẩu của Đoàn TNCS HCM và Hội LHTNVN mới thành lập gần đây sinh hoạt bên cạnh các đơn vị Hướng đạo tại công viên Tao Đàn ở TP HCM thì không ai có thể phân biệt được điểm khác nhau của hai tổ chức ngoại trừ các huynh trưởng của các em. Trên báo Thanh niên số ra ngày Chủ nhật 17/4/2011 có bài viết tựa đề “Câu lạc bộ ở công viên” của tác giả Tuyết Vân có đăng kèm một tấm hình các em đang ngồi vòng tròn sinh hoạt với nhau. Dưới tấm hình có ghi chú là: “Một buổi sinh hoạt của Tổng đoàn Sao Bắc đẩu tại công viên Tao Đàn (Q.1 Tp.HCM)”. Nhìn kỹ các em ngồi trong tấm hình, có lẽ chỉ các huynh trưởng mới nhận biết đó là hình chụp các em Hướng đạo sinh chớ không phải là các em trong Câu lạc bộ Sao Bắc đẩu như tác giả đã ghi chú. Đến một phóng viên ảnh báo Thanh niên vẫn khó phân biệt được các em Hướng đạo sinh và các em Sao Bắc đẩu đang sinh hoạt, vui chơi bên cạnh nhau trong công viên Tao Đàn. Thế sao Thông báo BBT/TW lại tuyên phạt một bên các em Hướng đạo sinh phải bị dẹp bỏ và cho phép một bên các em Câu lạc bộ Sao Bắc đẩu tiếp tục vui chơi? Sự oan sai và bất công dành cho Hội HĐVN càng tăng thêm khi Hội HĐVN phải chịu tội thay cho những tổ chức khác như tôn giáo, quân đội, cảnh sát …vì họ đã áp dụng các hình thức và phương pháp Hướng đạo để giáo dục tín đồ, con em trong tổ chức họ; nhưng lại chẳng được tuyên dương khi Đoàn Thanh niên CS HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên VN cũng áp dụng các hình thức và phương pháp Hướng đạo để giáo dục các thanh thiếu niên của Đoàn, Hội mình.
Vậy, có phương cách hợp pháp nào để tháo gỡ sự oan sai dành cho Hội HĐVN và khôi phục quyền lập hội đã bị ngăn cản, xâm phạm?
Như đã nhận định ở trên là các Thông báo của BBT/TW tuy có tính hiệu lực và chấp hành rất cao nhưng vì đây không phải là những quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước và cũng không phải là bản án của Tòa án nên không thể khởi kiện vụ án hành chánh hay áp dụng các thủ tục kháng án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm của Hội HĐVN. Tuy nhiên, Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành có qui định tại Điều 1, Khoản 2 như sau: “Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Điều 59: “Tố cáo hành vi vi phạm qui định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”. Và Điều 85, Khoản 2: “Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.
Nếu vận dụng các qui định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, các huynh trưởng HĐVN có thể làm một Bản Kiến nghị gởi đến Tổng Bí thư + Chủ tịch Quốc hội + Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình một cách toàn diện, đầy đủ vấn đề của Hội HĐVN, đề nghị các vị đứng đầu tổ chức Đảng và Quốc hội xem xét lại các Thông báo của BBT/TW để khôi phục quyền lập hội hợp pháp của Hội HĐVN đã bị xâm phạm bởi các Thông báo đó. Tinh thần trọng pháp của Hướng đạo sinh và các qui định pháp luật hiện hành của nước CHXHCNVN cho phép và đảm bảo cho các huynh trưởng thực hiện các quyền dân chủ luật định của mình.
B/ Về khả năng xin phép thành lập Hội HĐVN theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội:
Các huynh trưởng hầu hết đều đã nghiên cứu kỹ Nghị định 45/2010 (thay thế Nghị định 88/2003). Nếu không còn sự ngăn cản của các Thông báo BBT/TW thì việc tiến hành các thủ tục xin thành lập Hội HĐVN theo Nghị định 45/2010 chắc chắc sẽ không gặp khó khăn gì. Còn nếu như các Thông báo BBT/TW vẫn chưa được thu hồi thì sao? Trong trường hợp đó, sẽ có khó khăn, trở ngại xuất hiện tại 2 bước thủ tục ở Điều 6 và Điều 9 của Nghị định 45/2010 như sau:
1/ Điều 6: Ban vận động thành lập hội:
Khoản 1: “Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận”.
Khoản 5: “Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh“.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nhận hồ sơ và có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội.
2/ Điều 9: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội:
“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền qui định tại Điều 14 của Nghị định này (tức Bộ trưởng Bộ Nội vụ) khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội phải có giấy biên nhận. Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.
Nếu ban vận động thành lập Hội HĐVN gặp khó khăn tại 2 cơ quan nhà nước là Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ vì lý do các cơ quan nhà nước này phải chấp hành các Thông báo của BBT/TW thì sao? Trong cả 2 trường hợp đó, ban vận động có thể sử dụng quyền khiếu nại được qui định tại Điều 1, Khoản 1 của Luật khiếu nại, tố cáo như sau: “Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Còn nếu dự thảo Luật Tố tụng hành chính đang chờ Quốc hội thông qua sớm ban hành, thì ban vận động có thể sử dụng “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp” (Điều 4) như sau: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hơp pháp của mình theo qui định của Luật này”. Còn tại Điều 2 của dự thảo Luật TTHC này về “Giải thích từ ngữ” có ghi rõ: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo qui định của pháp luật”. Có thể nêu ví dụ là nếu như ban vận động thành lập Hội HĐVN nộp hồ sơ cho Bộ Giáo dục & Đào tạo để Bộ xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo từ chối nhận hồ sơ hoặc nhận hồ sơ mà im lặng, không giải quyết thì đó là hành vi hành chính không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo qui định của pháp luật. Ban vận động có quyền khởi kiện hành vi hành chính đó trước tòa án theo qui định của Luật tố tụng hành chính sắp được Quốc hội thông qua. Giả thiết như sẽ có một vụ án hành chính bị khởi kiện bởi ban vân động thành lập Hội HĐVN trước Tòa án vì cho rằng quyền lập hội của mình đã được qui định tại Điều 2, Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 và của Nghị định 45/2010 nhưng đã bị xâm phạm bởi hành vi hành chính của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Lúc ấy, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phải đứng trước vụ án hành chính với tư cách “người bị kiện” và như vậy liệu rằng bên trong “người bị kiện” sẽ có sự xung đột giữa việc chấp hành các Thông báo của BBT/TW và Luật quy định quyền lập hội hay không? Thật ra, không hề có sự xung đột pháp lý nào giữa các Thông báo BBT/TW với Luật về quyền lập hội cả vì vấn đề đã được qui định hết sức rõ ràng tại Điều 4 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ngày 15/4/1992 (sửa đổi bổ sung 2001): “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Với qui định của Điều 4 Hiến pháp thì Bộ Giáo dục & Đào tạo đương nhiên phải chấp hành Hiến pháp và Luật quy định quyền lập hội của Hội HĐVN để khỏi phải bị chế tài của Tòa án.
Thưa các huynh trưởng:
Qua giải trình về các khía cạnh pháp lý về khả năng xin tái lập Hội HĐVN và trách nhiệm của các huynh trưởng trước cơ hội đưa Hội trở lại hoạt động chính thức trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, tôi tin tưởng rằng các huynh trưởng đều đã nhận thức vấn đề của Hội HĐVN hết sức thấu đáo. Tôi hy vọng rằng các huynh trưởng sẽ đoàn kết, cùng nhau thành lập một ban vận động bao gồm các huynh trưởng đại diện cho các địa phương, các nhóm, có uy tín, có nhiệt tâm và sức khỏe để tiến hành những việc cần thiết theo các khả năng, các cơ hội đã mở ra cho việc tái lập một Hội HĐVN thống nhất. Xin chúc các huynh trưởng đạt được kết quả mỹ mãn.
Thân ái BTT
N.L.
5/2011
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment