Tuesday, May 24, 2011

NGƯỜI HMONG TỊ NẠN Ở BANGKOK - PHÓNG VIÊN QUỐC TẾ SẮP TỚI MƯỜNG NHÉ (BBC)

BBC
Cập nhật: 09:03 GMT - thứ ba, 24 tháng 5, 2011

Một nhóm người Hmong theo Tin Lành chạy khỏi Việt Nam đang ở Bangkok, Thái Lan, chờ xin đi tỵ nạn.

Tin cho hay vẫn còn nhiều người sắc tộc Hmong tham gia cuộc biểu tình ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, hồi đầu tháng đang tiếp tục lẩn trốn trong rừng.

Ông Thào Seo Hòa, một người Hmong đang chờ xin quy chế tỵ nạn tại Bangkok, Thái Lan, nói một số bạn bè ông cho hay họ không muốn trở về nhà vì sợ chính quyền trừng phạt và đang muốn tìm đường ra nước ngoài tuy biết con đường tỵ nạn không phải dễ dàng.
Ông Hòa là một trong nhóm người Hmong theo Tin Lành đã chạy khỏi Việt Nam từ một vài năm trước. Nguyên quán tại tỉnh Lào Cai, ông Thào Seo Hòa chạy sang Lào trước khi chuyển sang Thái Lan sau khi bị đe dọa sẽ phải hồi hương về Việt Nam.
Ông kể với BBC về cuộc sống bấp bênh khi đơn xin đã bị Cao ủy Tỵ nạn LHQ bác cứu xét.

---------------------------

BBC
Cập nhật: 05:29 GMT - thứ ba, 24 tháng 5, 2011

Các phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam sắp có chuyến công tác tới huyện Mường Nhé, Điện Biên, nơi xảy ra bất ổn hồi đầu tháng.
Một phóng viên ngoại quốc cho BBC biết chuyến đi do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức sẽ bắt đầu từ ngày thứ Tư 25/05 và kéo dài "tới cuối tuần".
Trước đây, yêu cầu của một số hãng thông tấn nước ngoài được lên thị sát tình hình khu vực xảy ra bất ổn đã bị từ chối, với lý do quan chức địa phương "bận tổ chức kỷ niệm chiến thắng Điện Biên" và điều kiện đi lại, đường xá khó khăn.
Trong khi đó, một người Hmong tỵ nạn tại Bangkok, Thái Lan, nói với BBC ông nhận được điện thoại từ bạn bè ở Điện Biên nói nhiều người tham gia vụ Mường Nhé vẫn còn lẩn trốn.
Ông Thào Seo Hòa nói bạn bè ông hiện đang trốn trong rừng, khu vực giáp ranh với Lào, cho hay đang muốn tìm cách ra nước ngoài vì lo sợ chính quyền trừng phạt.
"Thế nhưng chính quyền Việt Nam và chính quyền Lào hợp tác với nhau, cắt hết đường sang Lào, nên họ vẫn ở trong rừng."

Bất ổn sắc tộc
Cuộc bất ổn với sự tham gia của hàng nghìn người Hmong xảy ra hôm 30/04 và kéo dài khoảng một tuần.
Đây được cho là sự kiện mang yếu tố sắc tộc lớn nhất từ khi có cuộc bạo động của người dân tộc thiểu số, còn gọi là người Thượng, tại Tây Nguyên năm 2004.
Vì tiếp cận thông tin khó khăn, bức tranh toàn cảnh về sự kiện này có phần rời rạc và còn thiếu nhiều chi tiết, bên cạnh những thông tin không thể kiểm chứng do các tổ chức đặt tại hải ngoại cung cấp.
Tuy nhiên, cho tới nay, các nguồn thông tin dường như nhất quán về thời điểm xảy ra vụ việc và quy mô, con số người tham gia.
Những điều báo chí nước ngoài muốn làm rõ sẽ là diễn biến sự kiện theo con mắt của nhân chứng và con số thương vong trong vụ bất ổn tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.
Chính phủ Việt Nam sau khi cuộc bất ổn kết thúc đã tuyên bố không có người lớn thiệt mạng. Tin cho hay có ba trẻ em ốm chết vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn tại nơi tụ họp biểu tình.
Chính quyền cũng nói không sử dụng bạo lực mà chỉ thuyết phục người dân trở về nhà một cách nhân đạo.

Thông tin về Mường Nhé
Một thời gian sau khi BBC và các đài báo nước ngoài đưa tin về vụ bất ổn Mường Nhé, báo chí Việt Nam cũng bắt đầu vào cuộc.
Thông tấn xã Việt Nam đăng tải phỏng vấn với quan chức địa phương và trung ương phản bác lại các cáo buộc mà các tổ chức nước ngoài đưa ra và khẳng định Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm chính sách dân tộc.
Hãng thông tấn của chính phủ Việt Nam, trong một hành động hy hữu, cũng bác bỏ thông tin mà hãng này gọi là "sai trái" trên các kênh nước ngoài.
Những ngày gần đây, các báo trong nước đăng nhiều tin về hoạt động bầu cử cũng như tình hình phát triển xã hội-kinh tế tại Mường Nhé, một trong những địa phương thuộc loại nghèo nhất nước.
Báo Tin tức cũng thuộc TTXVN vừa chạy loạt phóng sự nhiều kỳ nói về vụ bất ổn nơi đây, trong đó có phỏng vấn một số người dân địa phương "bị kẻ xấu" lừa, lôi kéo tham gia gây rối.
Hiện còn chưa rõ chương trình cho chuyến công tác của các phóng viên nước ngoài như thế nào và liệu họ có được tác nghiệp độc lập hay không.
.
.
.

No comments: