Lucy Williamson
BBC News, Seoul
Cập nhật: 11:22 GMT - thứ tư, 4 tháng 5, 2011
Trong phòng khách của tôi tại Seoul, Kang Cheol-hwan chăm chú nhìn những bức hình chụp từ vệ tinh về nơi mà anh từng phải sống.
Được biết đến với cái tên trại cải tạo lao động 15 ở Yodok, Bắc Triều Tiên, đây có lẽ là một trong những nơi bí mật nhất thế giới.
Anh kể: “Đó là cuộc đời lao động khổ sai. 30% số tù nhân mới đến sẽ thiệt mạng. Và chúng tôi thiếu đói đến mức phải ăn chuột và giun đất để tồn tại”.
Cheol-hwan sống ở Yodok trong mười năm, vì phải trả giá cho “tội chính trị” mà gia đình anh phạm phải.
Tổ chức Ân xá Thế giới nói có các dấu hiệu cho thấy số người gửi tới các trại tù chính trị ở Bắc Hàn đang tăng lên, và những bức ảnh mới chụp từ vệ tinh cho thấy hệ thống trại tù này đang phát triển mạnh.
Tra tấn
Cheol-hwan dùng ngón tay chỉ đường đến trại lao động trên bản đồ, xuyên qua những khu làng quê miền núi của Bắc Hàn.
Có nhiều dãy nhà mới xuất hiện tại một phần của khu trại. Ảnh ghi lại cách đây một thập niên không thấy có những khu nhà này.
Anh chỉ: “Đây là khu nhà của lính canh. Khu này đang phình ra. Tôi đồ rằng đó là vì giờ đây họ cần có sự hiện diện lớn hơn của lực lượng an ninh”.
Tôi hỏi anh đã sống ở đâu, anh chỉ tới một dãy nhà hình hộp cách khu nhà canh gác chừng vài trăm mét, với một con đường nhỏ dẫn tới.
Rất hiếm khi có được tin tức từ bên trong trại. Tuy nhiên, những người từng kinh qua nơi này kể lại những câu chuyện thật kinh hoàng về việc bị tra tấn, bỏ đói và bị hành quyết.
Báo cáo mới của Ân xá Quốc tế cho biết chi tiết về việc dùng nước tra tấn, không cho tù nhân ngủ, dùng que tre chọc dưới móng tay, và biệt giam trong nhiều tháng trong những xà lim chỉ rộng chừng 1,22 mét vuông.
Cheol-hwan nhớ là trong trại của mình cũng có khu xà lim như vậy để giam những tù nhân rắc rối. Anh kể đó chính là nơi mà các vụ tra tấn và đánh đập diễn ra.
‘Không quay lại’
Cộng đồng người Bắc Hàn tại Seoul đã lan truyền tin tức về một vụ đàn áp diện rộng hơn ở quê nhà.
Người ta kể về các vụ nghe lén, xây tường rào biên giới và tình trạng gia tăng các vụ hành quyết công khai.
Kang Cheol-ho điều hành một nhà thờ cho những người Bắc Hàn bỏ trốn. Tháng nào cũng có người mới tới, và những tin tức họ kể càng tồi tệ thêm.
Ông cho biết: “Lúc nào tôi cũng nghe thấy những tin thêm phần thê thảm, rằng các vụ đàn áp tồi tệ thêm, tình hình lương thực nghiêm trọng hơn và giới chức đã nói rõ là nếu mọi người tìm cách bỏ trốn khỏi đất nước thì họ sẽ không bao giờ được cho thêm một cơ hội”.
“Điều này có nghĩa là họ sẽ bị gửi tới những trại khổ sai và có thể sẽ không bao giờ quay trở về”.
Tuy nhiên, tin tức như vậy cũng tạo ra vấn đề cho Nam Hàn: họ phải quyết định xem phải làm gì.
Nam Hàn bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là những người tin rằng cần phải xử lý hồ sơ nhân quyền của Bắc Hàn một cách trực diện, và bên kia là những người nói rằng điều đó sẽ làm cho xung đột gia tăng, gây rủi ro tới mọi thứ mà Nam Hàn từng gây dựng.
Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ như cả hai phía của cuộc tranh luận này đã giảm bớt.
Won Jae-chun mới được chính phủ đề nghị thành lập một trung tâm lưu trữ ghi lại các vụ lạm dụng nhân quyền tại Bắc Hàn.
Ông nói cách đây 10 năm, chuyện này sẽ tạo ra một cuộc tranh luận lớn. Thế nhưng giờ đây, có vẻ như người ta đã đạt được một đồng thuận mới.
Anh cho biết: “Ngày trước, người ta hoặc đưa ra cây gậy, hoặc củ cà rốt, nhưng giờ đây là cả gậy lẫn cà rốt.
“Giờ đây, chúng tôi nói về nhân quyền, nhưng đồng thời cũng vẫn giúp đỡ Bắc Hàn.
“Mọi người đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ thử mọi biện pháp khả dĩ, và theo cách nào đó, Bắc Hàn sẽ thay đổi”.
Ông cho rằng một lý do để thay đổi là lượng thông tin ngày càng nhiều từ Bắc Hàn. Hiện, ở Nam Hàn có tới 20 ngàn người Bắc Hàn đào tẩu.
Đây là điều khiến cho Bắc Hàn cũng cảm thấy lo ngại. Lo ngại cả về những thông tin mà người Bắc Hàn trong nước gửi đi, lẫn những thông điệp mà kiều dân của họ gửi về quê nhà.
--------------------------
Anh Vũ - RFI
Thứ tư 04 Tháng Năm 2011
Theo AFP, tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty Internationnal ngày hôm nay đã khẳng định rằng trong vòng mười năm trở lại đây, Bắc Triều Tiên đã mở rộng các trại lao động cải tạo tập trung về cả số lượng cũng như quy mô. Hiện tại có khoảng 200 nghìn người đang bị cầm giữ trong những điều kiện cực kỳ tồi tệ.
Dựa trên các bức ảnh chụp từ vệ tinh và các nhân chứng từng là tù nhân trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên, báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền này đã ghi nhận tình cảnh thê thảm không chỉ của bản thân những người bị bắt vào tại lao cải mà còn của cả thân nhân gia đình họ.
Theo báo cáo của Amnesty International, những cựu tù nhân ở Bắc Triều Tiên có kể lại rằng những người bị giam giữ trong các trại cải tạo tập trung phải lao động trong những điều kiện như nô lệ, thường xuyên bị tra tấn đánh đập xỉ vả làm nhục. Họ phải lao động mỗi ngày hơn 10 giờ và 2 tiếng để học tập chỉnh huấn tư tưởng. Các tù nhân ở trại Yodok trong tỉnh Hamkyong nằm ở phía nam đất nước này còn cho biết họ đã từng chứng kiến nhiều cuộc hành quyết công khai. Các tù nhân bị bỏ đói là chuyện bình thường.
So sánh với các bức ảnh chụp từ vệ tinh hồi năm 2001, bản báo cáo ghi nhận số lượng các trại cải tạo tại Bắc Triều Tiên đã tăng lên đáng kể về số lượng cũng như quy mô.
Ông Sam Zarifi, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Amnesty International cho biết có vẻ như Bắc Triều Tiên đang chuẩn cho việc Kim Jon- Un lên kế tục lãnh đạo thay cha, và tình hình đất nước đang trong tình trạng bất ổn. Đáng lo nhất là dường như các trại tập trung cải tạo đang được mở ra tràn lan.
Đáng chú ý hơn nữa là những người bị bắt đưa vào trại tập trung đều bị kết tội không rõ ràng, thậm chí có người còn không hiểu vì sao mình bị giam giữ. Có hàng ngàn người bị bắt vì tội « cấu kết với nhau » hay chỉ vì đơn giản có người thân đang ở tù.
Để quản lý các tù nhân, chính quyền còn cho lập trong trại những khi biệt giam, tra tấn tù nhân rất dã man mà trong đó nạn nhân có cả trẻ em.
Không chỉ riêng Amnesty International lo ngại về tình trạng nói trên Bắc Triều Tiên.Trong báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới 2010, bộ Ngoại giao Mỹ ước tính hiện có khoảng từ 150 đến 200 nghìn người đang bị giam giữ trong các trại cải tạo khổ sai ở Bắc Triều Tiên.
.
.
.
No comments:
Post a Comment