Wednesday, May 25, 2011

MỘT BIỂU TƯỢNG CHỈ LÀ MỘT NHÃN HIỆU (Aung San Suu Kyi)

Aung San Suu Kyi thảo luận với các đồng bào của bà trên đài phát thanh
RFI 30/3/2011.

Hiếu Tân  dịch
Ngày đăng: 23.5.2011


Trong buổi phát thanh ngày 18 tháng Ba, Aung San Suu Kyi bàn về các cuộc cách mạng hoa nhài, cảnh ngộ của những công nhân Burma di cư ở Thái Lan, và tại sao “biểu tượng dân chủ” là một nhãn hiệu hạn chế.

Câu hỏi: Trong cuộc khủng hoảng tháng Chín 2007 (cuộc cách mạng màu Hoa Nghệ) chính phủ quân đội trói các nhà sư vào cột đèn đường và đấm, đá và nhục mạ họ. Những hành vi đó chẳng phải đã lên đến mức ngược đãi và bất kính đối với tôn giáo của chúng ta, và qua đó làm hạ thấp giá trị của nó. Nếu vậy, tôi muốn biết có thể hành động như thế nào để chống lại những sự bạo ngược đó? Bất kỳ ai tin vào một tôn giáo cũng có bổn phận bảo vệ những niềm tin của mình.

Trả lời: Việc trói người vào cột đèn, dù là một người thường chứ chưa nói đến một nhà sư, và đánh đập người ta, là trái luật. Nếu có kẻ nào phạm một tội ác, dù lớn đến cỡ nào, cũng phải dựa theo pháp luật để chống lại kẻ ấy. Nếu bạn nhìn chuyện này dưới quan điểm nhân quyền, thì mọi người đều có đầy đủ quyền bảo vệ tôn giáo của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta mong muốn có một hệ thống chính phủ trong đó pháp luật chiếm ưu thế và các quyền con người được bảo đảm đầy đủ. Tất nhiên, chỉ với nguyện vọng không thôi thì không đi đến đâu, Liên minh Dân tộc vì Dân chủ [NLD] trên nguyên tắc cũng đang làm việc để đem luật pháp và trật tự và các quyền con người đến cho đất nước chúng ta.

Câu hỏi: Trong quá khứ, bà và NLD thành lập Ủy ban Đại diện Nghị viện Nhân dân, [CRPP] bao gồm nhiều dân tộc thiểu số và NLD. Chúng tôi, nhân dân, không thấy phấn chấn lắm khi nó mới được thành lập. Chúng tôi cho rằng CRPP sẽ tập hợp những người đã được bầu năm trong các cuộc bầu cử năm 1990 để hình thành một chính phủ, và rằng CRPP sẽ tiến hành nhiều việc mà lẽ ra họ phải làm. Nhưng đến nay, những cuộc bầu cử mới đã được tổ chức. Có phải CRPP vẫn có kế hoạch kêu gọi một nghị viện dựa trên các cuộc bầu cử năm 1990?

Trả lời: CCRP được thành lập với mục tiêu tiến hành càng nhiều càng tốt công việc của một nghị viện nhân dân. Với suy nghĩ như thế, CRPP ngay khi được thành lập, đòi hỏi rằng bất cứ luật nào không phù hợp với đất nước đều phải hủy bỏ. Nhưng vì những cuộc đàn áp và bắt bớ, các hoạt động của Ủy ban trở nên hết sức khó khăn, và không có hiệu quả. Nhưng từ lúc đó đến bây giờ, các thành viên của CRPP – bao gồm các dân tộc thiểu số và NLD – vẫn đang cố gắng đưa đến hòa giải dân tộc, đó là một trong những nhiệm vụ chính của Nghị viện nhân dân. Vì anh là đảng viên của NLD, anh nên thể hiện hết mọi nỗ lực có thể có để đạt đến những mục tiêu ấy, thay vì buồn bã về những sự việc không xảy ra.

Câu hỏi: Tôi đang ở Toronto, Canada. Chúng tôi, những gia đình Burma ở Canada muốn biết chúng tôi có thể đóng vai trò gì để đem lại đoàn kết dân tộc ở Burma. Chúng tôi muốn làm mọi việc chúng tôi có thể làm để cho tất cả nhân dân nước ta – kể cả những người chúng tôi ở Canada, các viên tướng đang điều hành đất nước, nhân dân Burma và các dân tộc thiểu số của nước ta – có thể làm việc trong hòa bình vì sự tiến bộ của đất nước.

Trả lời: Tôi nghĩ nếu bạn muốn thấy nhân dân Burma trở nên đoàn kết, nhân dân Burma ở Canada và ở các nước khác trước hết bản thân họ phải đoàn kết. Không phân biệt ai đang sống ở Burma hay ở nước ngoài, mọi người nên giúp đỡ nhau và cố gắng làm việc cho những dự án có thể được thực hiện trong thực tế. Bạn có thể tưởng tượng chúng tôi, những người đang sống ở Burma, đang khao khát hòa giải dân tộc đến thế nào, vì đó là điều có lợi cho tất cả chúng ta.

Câu hỏi: Tôi đang sống ở Thái Lan. Gần đây một số cuộc nổi dậy đã và đang diễn ra ở các nước A rập. Nếu một cuộc nổi dậy diễn ra ở đất nước Burma nghèo khổ, bà sẽ đem đến loại lãnh đạo nào?

Trả lời: Người ta chỉ có thể đem đến một quyền lãnh đạo nếu nhân dân muốn họ lãnh đạo. Hơn nữa, về những vấn đề như thế này, các quyết định không thể được làm bởi chỉ một người mà phải được làm và thực hiện với sự nhất trí của toàn thể tổ chức. Lại nữa, vì tình hình mỗi nước là khác nhau, và có những sự khác nhau trong vấn đề xử lý thời gian, chúng ta không thể dựa vào bất kỳ một mô hình nào được nghĩ ra từ trước.

Câu hỏi: Chúng tôi muốn rằng bà, thay vì là một “biểu tượng dân chủ”, hãy làm một biểu tượng sẽ lãnh đạo xây dựng sự Đoàn kết thống nhất của chúng ta và đem lại sự đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số, vì đó là điều mà tất cả các dân tộc thiểu số chúng tôi đang hy vọng. Nhưng có nhiều khó khăn phải vượt qua, và chúng tôi đã thấy rằng các điều kiện xã hội và phát triển đang tụt hậu quá xa ở những vùng dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ trong vấn đề này cần có sự trợ giúp cần thiết.

Trả lời: Nói thật, tôi không muốn là bất kỳ loại biểu tượng nào cả. Tôi hoan nghênh việc mà bạn vừa thẳng thắn nêu ra, nhưng là một biểu tượng thì chỉ là một nhãn hiệu. Tôi chỉ muốn là một người làm hết khả năng của mình để đem lại dân chủ và giữ cho tinh thần đoàn kết sống động và mạnh mẽ. Tôi đã nhận thấy rằng các điều kiện kinh tế xã hội trong các vùng dân tộc thiểu số chưa được phát triển đúng mức, và đó là lý do mà chúng tôi đang bắt đầu tiến hành các hoạt động nhân đạo để giúp đỡ nhân dân các vùng này.

Câu hỏi: Những người Burma nhập cư ở Thái lan hiện nay phải trả hàng trăm ngàn bath để xin được một giấy phép tạm thời để họ có thể làm việc hợp pháp ở Thái Lan trong khuôn khổ những hiệp định giữa hai chính phủ. Mặc dầu chúng tôi có những giấy phép tạm thời này, công nhân nhập cư Burma không có quyền bình đẳng với công nhân Thái Lan. Hơn nữa, chúng tôi không có an ninh hoàn toàn. Chúng tôi bị giới chủ Thái Lan bóc lột và bị bắt một cách bất công bởi chính quyền Thái. Khi những sự việc này xảy ra, chúng tôi không được bất kỳ sự bảo vệ nào từ phía đại sứ Burma, và chính phủ Thái Lan cũng không cho chúng tôi bất kỳ sự bảo vệ nào. Bà có thể nói gì đó với hai chính phủ để giúp giảm bớt đau khổ của chúng tôi không?

Trả lời: Khi tôi có dịp nói chuyện với thủ tướng Thái qua điện thoại, tôi đã nói với ông về những lo lắng của những người Burma đang ở Thái Lan. Tôi sẽ nói lại với các cấp chính quyền thích hợp chừng nào tôi có thể về những người tị nạn Burma và các công nhân nhập cư ở Thái Lan. Tôi cũng sẽ yêu cầu Tổ chức Lao động Thế giới xem họ có thể giúp đỡ được không.

Câu hỏi: Tôi đang giúp đỡ việc giáo dục những người công nhân Burma nhập cư và gia đình họ ở Thái Lan. Chúng tôi muốn biết về lâu dài chúng tôi làm thế nào có thể duy trì công việc này và làm thế nào cón thể liên hệ với các tổ chức khác đang làm cùng công việc như chúng tôi.

Trả lời: Tôi đánh giá cao và kính trọng bạn, vì tôi đã nghe qua đài phát thanh về những gì bạn đã làm cho những công nhân Burma nhập cư ở Thái Lan. Tôi đã nghĩ về việc giúp đỡ giáo dục con em của những công nhân nhập cư từ quỹ giáo dục và y tế mà tôi đã thiết lập. Nếu bạn có bất cứ đề nghị gì liên quan đến vấn đề này, bạn có thể liên lạc với chúng tôi và chuyển chúng qua đài Châu Á Tự do./.
.
.
.

No comments: