Wednesday, May 4, 2011

INDONESIA DỰNG TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TRÊN ĐẢO KUKU (Người Việt)

Ngọc Lan/Người Việt
Monday, May 02, 2011 3:33:31 PM

Carina Oanh Hoàng và chuyến đi tìm mộ lần thứ 5

WESTMINSTER (NV) - Carina Oanh Hoàng là tên người phụ nữ không còn xa lạ với những thuyền nhân Việt Nam, nhất là những người có thân nhân còn nằm lại nơi những trại tị nạn ở Indonesia trong hành trình vượt biển từ mấy mươi năm về trước.

Carina Hoàng (phải) với Nghị Sĩ Adnan Nala bên cạnh tượng đài thuyền nhân ở Kuku. Nghị Sĩ Adnan Nala từng làm việc tại trại tỵ nạn nên rành tiếng Việt. (Hình: Carina Hoàng cung cấp)

Chị Carina vừa từ Indonesia trở về sau chuyến đi thăm và tìm mộ thuyền nhân lần thứ năm, từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 4. Trong chuyến đi này, Carina Hoàng ghé thăm một tượng đài do chính phủ Indonesia dựng lên để tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên đường tìm tự do.
Phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt đã có cuộc chuyện trò cùng Carina Oanh Hoàng, một thuyền nhân cũng là tác giả quyển sách Boat People, về chuyến đi nhiều cảm xúc đó.

Ngọc Lan (NV): Trong chuyến trở về các trại tị nạn ở Indonesia vừa rồi, chị có tìm thêm được những mộ phần nào mới của người tị nạn năm xưa không?
Carina Oanh Hoàng: Có, ở Air Raya chúng tôi tìm được thêm hai ngôi mộ mà tên có thể đọc được. Ðó là mộ của bà Trần Thị Hai, sinh năm 1955, mất ngày 3 tháng 5 năm 1979, người lập mộ là chồng tên Võ Văn Ba. Một ngôi mộ nữa có tên là Hồng Bàng, sinh năm 1947, mất ngày 29 tháng 9 năm Ất Mùi.

Ðường lên núi tìm mộ tuy đã sửa sang nhưng vẫn còn cheo leo. (Hình: Carina Hoàng cung cấp)

Ðảo Air Raya ít được mọi người thăm viếng, nhất là trong nghĩa trang. Ða số mộ trên đảo Air Raya không có bia, và bị phá hủy gần hết rồi.
Trong lần này, chúng tôi cũng tìm ra được mộ của ông Nhan Nghiêm. Ông Nhan Nghiêm là ông nội của cô Nhan Thị Mộng Hà, cũng một thuyền nhân mà chúng tôi tìm thấy mộ ở đảo Kuku trong những chuyến đi trước. Theo lời gia đình Mộng Hà thì ông nội cô chết trước, chôn ở Letung. Hai năm nay, chuyến đi nào tôi cũng đi tìm nhưng lần này mới tình cờ tìm thấy.
Ngoài ra, trên đảo Kuku chúng tôi còn tìm ra một số bia mới nhưng tên người Hoa là chính, không có tên người Việt nên tôi chỉ chụp hình để lên trên website thôi.
Ở khu vực đảo Tarempa, nơi mảnh đất nhìn ra biển và gần dân làng Tarempa nhất, chúng tôi cũng tìm ra nơi chôn khoảng 8 ngôi mộ của thuyền nhân. Những ngôi mộ nơi đây chỉ là những cục đá xếp chung quanh chứ không có tên nên không biết là người nào. Nhưng tôi nghĩ là gia đình chôn họ mà tới thì có thể nhận ra được. Ðiểm đặc biệt là một vài ngôi mộ trong số 8 ngôi mộ này bị mối độn lên cao như bờ đê vậy đó. Theo ông bà nói thì mồ mả khi được đưa lên cao như vậy tức là có phước cho con cháu trong gia đình.

NV: So với những lần trước, cảnh vật nơi những người tị nạn xưa dừng bước có gì thay đổi không?
Carina Oanh Hoàng: Khác một cách ngạc nhiên luôn.
Lần này chính phủ Indonesia ở khu vực Anambas đã tổ chức một lễ đón tiếp đoàn thuyền nhân rất long trọng ngay tại bến tàu. Trong bài diễn văn được đọc bằng tiếng Indonesian, tiếng Anh, và tiếng Việt, chính quyền sở tại đã động viên việc trở lại tìm mộ cho thân nhân của các thuyền nhân.

Thống đốc khu vực Anambas đọc diễn văn tiếp đoàn người tìm mộ. (Hình: Carina Hoàng cung cấp)

Chúng tôi ai cũng cảm thấy xúc động về tâm tình mà họ dành cho những thuyền nhân. Hơn 30 năm trước, họ đã dang tay cho những người vượt biên chúng tôi tá túc, nương nhờ. Nay, họ lại chào đón mình trở về như những người khách quý.
Khi nghe báo trước trong chuyến đi có một bà cụ 87 tuổi, họ đã cho xây lại đường đi lên Letung để bà cụ đi cho dễ dàng, không phải chống gậy trèo lên một cách khó khăn như những lần trước chúng tôi đi.
Họ còn xây 2 cầu tàu ở đảo Air Raya và Kuku để tàu đến cho dễ, không phải đậu ở ngoài rồi lội nước hay đi vào bằng thuyền nhỏ như trước đây.
Ở khu vực Kuku, chính quyền sở tại cũng đã làm một bậc thang 65 bước để lên sân bay đến nghĩa trang Kuku.
Hai con suối ở đảo Kuku và Air Raya ngày trước những người trở về tìm mộ phải xắn quần lội suối, thì giờ họ cũng làm cầu cho mình qua luôn. Không chỉ vậy, họ còn mang người tới dọn dẹp cây cỏ, đốn cây đốt lá cho gọn gàng những lối đi, mình không phải băng qua cây cỏ để đi một cách khó khăn như trước nữa.
Chính quyền ở đó cũng gửi thông báo rằng họ sẽ mướn một số dân địa phương đến cắt cỏ, dọn dẹp nghĩa trang, chăm sóc và bảo quản những ngôi mộ đang nằm lại nơi đây để tránh bị hư, bị phá.

NV: Có nghe thông tin rằng chính phủ Indonesia sẽ xây dựng một tượng đài thuyền nhân để tưởng nhớ những người vượt biển. Vậy chị có nhìn thấy tượng đài này không?
Carina Oanh Hoàng: Ðây chính là điều làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên và vui mừng. Một tượng đài thuyền nhân đã được chính phủ Indonesia lập ra để tưởng nhớ những người chết trên đảo Kuku. Tượng đài này có hình dáng một chiếc thuyền lớn làm bằng xi măng, một nửa chìm xuống cát, một nửa mũi thuyền hướng ra biển. Bên trong lòng chiếc thuyền, họ dự định khắc tên tất cả những thuyền nhân đã chết trên đảo Kuku trong thời gian từ năm 1979 cho đến khi trại tị nạn này đóng cửa. Hiện tại, tượng đài này đã được hoàn tất khoảng 90%.
Một điều rất đặc biệt với tôi, là con thuyền tưởng niệm này mang số tàu VT075, đây là số tàu tôi đã vượt biên năm xưa.

Một ngôi mộ thuyền nhân tại Letung. (Hình: Carina Hoàng cung cấp)

NV: Tượng đài này sẽ khắc tên những người đã chết trên đảo. Vậy bằng cách nào họ có tên những người đó?
Carina Oanh Hoàng: Sẵn đây tôi cũng chuyển lời kêu gọi những gia đình nào có người thân chết trên đảo Kuku trong thời gian đi vượt biên đều có thể gửi tên về cho chúng tôi để chúng tôi gửi sang cho họ khắc tên lên tượng đài.
Tượng đài này cũng như tất cả những gì được sửa sang, tu bổ nơi các trại tị nạn ở Indonesia đều do chính nhà nước họ làm, không hề xin kinh phí hay yêu cầu sự đóng góp gì từ các thuyền nhân. Nhưng tôi nghĩ nếu mình đóng góp thì tốt, chứ họ không đòi hỏi.
Ngoài tượng đài ở Kuku, họ còn dự định lập một cái nữa ở Air Raya.
Nơi những đảo hoang như vậy mà có tượng đài được dựng lên để ghi lại thảm trạng thuyền nhân thì cũng rất là đặc biệt. Nói về tâm linh thì những người mất trên đảo cũng ấm lòng.

NV: Những chuyến trở lại tìm mộ người thân luôn có những câu chuyện xúc động. Chuyến đi này có câu chuyện nào khiến chị quan tâm?
Carina Oanh Hoàng: Có hai chuyện khiến tôi suy nghĩ hoài là chuyện của gia đình bà Trương, tôi xin phép không dùng tên thật của bà vì gia đình không muốn, và chuyện của chị Trâm Anh.
Bà Trương năm nay đã 87 tuổi cùng 4 người con từ miền Nam California đến Indonisia để tìm mộ chồng, mộ cha. Mười năm qua, bà Trương đã cùng các con 2 lần đi tìm mộ nhưng không thành.
Năm 1979, vợ chồng bà Trương cùng đứa cháu nội mới 5 tuổi vượt biên đến đảo Letung. Gia đình bà ở trọ nhà của một gia đình người Hoa trên đảo trong thời gian chờ được đưa đến trại tị nạn. Sau một buổi cơm tối, chồng bà lên giường ngủ và trút hơi thở cuối cùng do sự suy kiệt thiếu thốn. Phát hiện chồng chết, bà cắn răng không dám khóc vì sợ chủ nhà biết họ sẽ không cho để tử thi trong nhà. Một mình bà ngồi nắm tay người chồng đã chết chờ đến khi trời sáng.
Ai đã từng có dịp trở lại các trại tị nạn đều biết chuyến đi khó khăn như thế nào, vậy mà sau khi xây cất xong ngôi mộ cho chồng mình, bà Trương đã làm tôi ngạc nhiên khi nói, “Khi nào cô qua đây nữa nhớ cho tôi theo với. Tôi muốn trở lại thắp nhang cho chồng tôi.”
Chuyện thứ hai là chuyện chị Trâm Anh đi tìm mộ mẹ. Cả gia đình chị đi vượt biên, trước sau mất tích 7 người, không biết sống chết hay bị hải tặc bắt. Một lần tình cờ mấy anh chị em chị Trâm Anh đã nhìn ra hình mộ của người mẹ trên đảo Kuku, qua website của tôi.
Trước lúc đi đến nơi mộ mẹ của chị, chị Trâm Anh lúc nào cũng trầm lặng, buồn bã. Thế nhưng khi tìm thấy ngôi mộ, bốc lên xây lại xong thì chị như trở thành một con người khác hẳn, như trút đi được một gánh nặng. Chị vui vẻ, tham gia chuyện trò cùng với mọi người.
Những câu chuyện này khiến tôi càng cảm thấy với người Việt Nam, chuyện chôn cất, thăm viếng mồ mả người thân là quan trọng như thế nào.
Và cũng chính vì suy nghĩ này mà những mệt mỏi sau mỗi chuyến đi đều bay biến khi có một chuyến đi kế tiếp.


Danhsách tên mộ của người Việt Nam:

Chiêm Thành Kỷ. Sinh 1948 - Sóc Trăng. Từ trần 30/5/1979 - Letung
Hồ Thị Nga. Sinh 1954 - Quảng Nam. Từ trần 30/5/1979 - Letung
Huỳnh T Meo. Sinh 1950. Từ trần 17/4/1979 - Letung
Vương Kim Ngoan. Sinh 1970. Từ trần 15/5/1979 - Letung
Nhan Nghiem. Born 1906. Died July 3rd 1979 - Letung
Hoàng Thị Tuyết. 1989 - Kuku
Huỳnh Thị Tú - Kuku
Maria Bùi Thị Thu Kiều. Sinh 1966. Từ trần 1981 - Kuku
Nhan Thị Mộng Hà. Sinh 16/3/1964. Từ trần 01/11/1979 - Kuku
Nguyễn Anh Tuấn - Kuku
Nguyễn Thanh Long - Kuku
Nguyễn Thị Chính - Kuku
Nguyễn Thị Thu Sương - Kuku
Ngô Kim Oanh. Sinh 1958. Từ trần 9/6/1982 - Kuku
Phero Vu Tan Trung. Sinh 14/10/1958. Từ trần 18/5/1984. Tàu SG1222T8 - Kuku
Quách T. Mai (tự Sáu). Sinh 1951 - Bà Rịa. Từ trần 29/5/1981 - Kuku
Hoàng Nguyễn Phúc. 1979 - Kuku
Joseph Ngoc Toan - Air Raya
Ng T Hoang Mai, sinh 1948 - Air Raya
Trần T Hai, sinh 1955. Tử 3.5.1979. Chồng lập mộ - Võ V. Ba (Bảy) - Air Raya
Hong Bang, sinh 1947, tử 29.9 Ất Mùi
Vương Tuấn Minh - Air Raya
.
.
.
Monday, May 02, 2011 5:04:11 PM

WESTMINSTER (NV) - Tiếp theo các buổi lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4, những sinh hoạt liên quan đến thuyền nhân sẽ xảy ra trong tháng 5, gồm:

- Chiều Thứ Ba, ngày 3 tháng 5: Thư viện Langson Library tại đại học UCI sẽ mở cửa buổi triển lãm lúc 5 giờ để giới tìm hiểu về người tị nạn Việt Nam có dịp xem những hình ảnh có tính cách lịch sử, tranh vẽ, sách báo... của Thư khố Ðông Nam Á (Southeast Asian Archive) tại phòng 360 và 525.

Tiệc trà lúc 6 giờ. Văn nghệ phụ diễn do nhóm Refugee Nation phụ trách lúc 6 giờ 30. Từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30, tiếp tục đi thăm triển lãm tại phòng 360 và 525.

Vào cửa miễn phí nhưng ban tổ chức kêu gọi đóng góp tự nguyện cho Thư khố Ðông Nam Á. Mọi chi tiết, xin vào trang nhà tại http: //partners.lib.uci.edu/seaopenhouse. Ðiện thoại số (949) 824-6836. Chỉ dẫn về chỗ đậu xe tại http://www.parking.uci.edu/

- Tối Thứ Bảy, ngày 7 tháng 5, Viện Việt Học cho biết sẽ bảo trợ Ðêm Họp Mặt Thuyền Nhân BiDong - Malaysia. Ðêm họp mặt này do Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức từ 7:30 PM - 9:30 PM.

Liên lạc Viện Việt-Học số 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Email: info@viethoc.com. Web-site: www.viethoc.com Ðiện thoại: (714) 775-2050. (L.N.)

Hình quảng cáo nhóm Refugee Nation tại thư viện Langson, UCI. (Hình: UCI website)

.
.
.

No comments: