Wednesday, May 25, 2011

HIỂU SAI NÊN DỊCH SAI ? (Ngũ Phương)


24-05-2011

Bài viết “Đập Xayaburi và những con dế” (1) của cùng tác giả đăng trên DCVOnline đã nhận được lời phê bình của một bạn đọc tên Elle. Elle viết như sau:
Một bài viết hổ lốn bằng cách copy loạn xạ rồi chêm vào mấy câu chợ búa hạ cấp. Dịch tiếng anh thì láo toét : từ “nearly 95 percent of the Lao population eats insects” thành “thậm chí 95% người dân Lào vẫn còn phải ăn côn trùng để sống”, đế thêm từ “để sống” đúng là quá thô bỉ, thiếu trung thực, định bịp độc giả à? Thất vọng toàn tập từ DCV, bài chủ lẫn hầu hết diễn đàn viên chống cộng trình đều thấp quá, dưới mức trung bình so với dân trí các huyện nghèo ở Việt Nam.

Thành thật mà nói tôi rất thích thú với lời phê bình của bạn đọc Elle. Trước tiên vì bạn đọc này đã chịu khó vào bài “Laos takes a bug-nutri bite” để đọc thêm, sau nữa là nhờ đó tôi có cơ hội nói đôi điều về chuyện dịch thuật mà tôi sẽ trình bày bên dưới.

Xét về câu viết của tôi trong bài thì quả có không chính xác. Để không bị bắt bẻ tôi có thể viết, “Rất nhiều người Lào phải ăn côn trùng sâu bọ như nguồn thực phẩm chính”, điều này phù hợp với thực tế người Lào phải nuôi côn trùng mới có đủ cái ăn. Còn nếu dịch theo báo cáo của FAO thì có thể viết, “95% người Lào biết ăn côn trùng”. Chữ “biết” không những để chỉ việc tập được một khả năng nào đó như “biết đọc, biết viết…” mà còn dùng để chỉ việc đã ăn được một thứ khó ăn như “biết ăn sầu riêng, biết ăn mắm cá...” Âu cũng là một cơ hội giúp người viết rút kinh nghiệm để cẩn thận hơn trong tương lai.
Dịch sai nguyên tác rõ ràng là không tốt, nhưng tiếc thay, vẫn xảy ra khi này khi khác. Thường vì người dịch hiểu sai nên dịch sai.

Giai thoại về dịch sai được nhiều người biết đến nhất có lẽ là câu “Thọ Xương chicken soup” bắt nguồn từ bài thơ:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù bãi cát màn sương,
Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ.


Theo Giáo sư Vũ Quốc Thúc (2), “canh gà” nghĩa là tiếng gà gáy lúc trời hừng sáng cũng là lúc tiếng trống điểm canh năm. Nếu ta không biết câu “Trống canh năm gà vừa gáy sáng - Bừng mắt dậy trời đã rạng đông” thì sẽ khó biết “canh gà” là gì. Người dịch nếu không hiểu thế sẽ dễ suy diễn “canh gà” là nước canh nấu gà của quán Thọ Xương, và dịch ra thành “chicken soup Thọ Xương”, hay, “bouillon de poulet de Thọ Xương”. Không biết chuyện này hư thực ra sao nhưng đã trở thành một giai thoại văn chương thú vị và một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho những ai làm công việc dịch thuật.

Cách dịch “sugar me me go - sugar you you go” (đường anh anh đi - đường tôi tôi đi) nghe vui vui nhưng chỉ có thể dùng cho những chuyện tiếu lâm mà thôi, vậy mà có người vẫn áp dụng ít nhiều khi dịch sách, dịch báo. Như những bộ truyện nổi tiếng của Mỹ như Harry Potter, Twilight… ngoài bản dịch của Lý Lan (một tác giả miền Nam trước 75) thì dường như đều được dịch bằng Google Translator nhưng sau đó không được chỉnh sửa cẩn thận nên câu văn nghe không “ra” tiếng Việt, đọc chán như ăn cơm sống! Đây không phải là hiểu sai nên dịch sai mà vì làm biếng, hay muốn mau mau tung sách ra thị trường đặng thu tiền cho lẹ.

Cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã bỏ công sưu tầm nhiều giai thoại văn chương thành các tập “Giai thoại làng Nho”,“Chơi chữ”… trong đó có nhắc tới một câu dịch khá hóm hỉnh. Câu “Les soldats français tirent sur les flamboyant”, tả cảnh lính Pháp tập bắn vào các cây hoa phượng, có người đã dịch thoát ra thành “Các anh lính Tẩy bắn các me Tây”. Cây phượng còn được gọi là cây me tây vì lá phượng giống lá me nhưng to hơn (thời bấy giờ cái gì to cũng được các cụ mình cho thêm chữ “tây”, chả là người Tây vẫn cao, to hơn người Ta mà); nhưng “me Tây” cũng là tên gọi chế nhạo những phụ nữ Việt lấy chồng Pháp. Câu dịch không sai, chỉ thiếu một chữ “cây” nên tạo ra sự đồng âm dị nghĩa, và nếu nghe thoáng qua, có thể bị hiểu khác đi với nghĩa chính.


Giai thoại trên cho thấy chỉ dịch thiếu hay sai một chữ có khi làm sai hẳn ý chính, chí ít cũng làm lệch lạc hay giảm đi cái hay của nguyên tác. Tạp chí Cỏ Thơm số Xuân 2005 tại Hoa Kỳ có đăng một bài thơ chữ Hán trong đó người dịch không hiểu vì lý do gì đã dịch sai một chữ. Chỉ một chữ thôi nhưng làm nội dung của bài thơ gần như bị đổi qua hướng ngược lại. Đó là bài “Ký Hữu” của Nguyễn Trãi.

Chữ dịch sai ở đây là một chữ hết sức quen thuộc với chúng ta, chữ “không”. Chữ “không” có nhiều nghĩa khác nhau. Một nghĩa được dùng nhiều có hàm ý là sự trống rỗng, như trong các chữ không gian, không trung, không mônkhông thủ đạo, v.v… trong tiếng Việt hiện nay, hoặc trong chữ Nôm khi xưa, như “Buồng không lạnh ngắt như tờ” (Truyện Kiều).

Thế nhưng, chữ “không”
(ch Hán) KHÔNG có nghĩa là không trong tiếng Viêt để ch s ph định (như no, not, without trong tiếng Anh; hoc non, ne pas, sans trong tiếng Pháp), mà ch có nhng nghĩa rng không , tri, thông suốt”, “hão huyền” (xem Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu). Trong giai đoạn phát triển chữ Nôm của Việt Nam, tiền nhân chúng ta khi muốn chỉ sự phủ định, tuy cũng dùng chữ “không” ly t ch Hán, nhưng nghĩa ch không đây đã hoàn toàn được Vit hóa. Thí dụ: “Sống làm vợ khắp người ta, Khéo thay thác xuống làm ma không chồng”, hoặc “Bấy lâu nghe tiếng má đào, Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?” (Truyện Kiều).

Đặc biệt hơn nữa, chữ “không” Hán Việt có nghĩa hoàn toàn trái ngược với nghĩa “không có” hay “không còn”, mà lại có nghĩa là “thường”, “vẫn”, “mãi”, “còn”.

Xin mời đọc bài thơ “Ký Hữu I” của Nguyễn Trãi (xin chú ý tới chữ “không” trong bài).

半生世路嘆屯邅,
萬事惟應付老天。
寸舌但存空自信,
一寒如故亦堪憐。
光陰焂忽時難再,
客舍凄涼夜似年。
十載讀書貧到骨,
盤惟苜蓿坐無氈。


Bình sinh thế lộ thán truân chuyên,
Vạn sự duy ưng phó lão thiên.
Thốn thiệt đãn tồn không tự tín.
Nhất hàn như cố diệc kham liên.
Quang âm thúc hốt thời nan tái.
Khách xá thê lương dạ tự niên.
Thập tải độc thư bần đáo cốt,
Bàn duy mục túc, toạ vô chiên.




Bài thơ được Trần Lam Giang dịch nghĩa như sau:

Than trường đời, bình sinh ta vất vả.
Muôn việc, thôi đành phó mặc trời già.
Tấc lưỡi vẫn còn mà (nói năng) không tự tín.
Đáng thương thay (cho ta) vẫn một kiếp nghèo như cũ.
Thời gian trôi vùn vụt thời vận khó mong trở lại.
Thê lương trong quán trọ, đêm dài như năm.
Mười năm đọc sách nghèo thấu xương,
Mâm cơm không rau muống, ngồi lạnh lẽo không có chăn.


Chỉ vì ông Trần Lam Giang nghĩ “không” là “không còn” nên mới dịch “không tự tín” là “không tự tin”. Từ đó câu “Thốn thiệt đãn tồn không tự tín” được ông Lam Giang chuyển ngữ thành “Nói năng miệng lưỡi nghẹn ngào”. Cũng câu đó, ông Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch ra là “Tấc lưỡi còn nguyên nào tự tín”. Như thế người anh hùng Nguyễn Trãi qua ngòi bút của hai ông Lam Giang và Tằng Giao coi bộ cũng chỉ là một kẻ tầm thường vì trong cảnh đói rách đã trở thành rụt rè lúng túng.

Nếu “không” (HV) thực là “không còn” (V) thì nhiều câu thơ Đường sẽ trở nên rất… ngô nghê. Ví dụ câu “Bạch vân thiên tải không du du. ” (Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu) sẽ thành ra “Mây trắng trên trời hết bay rồi”. Hoặc câu “Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu” (Đằng Vương Các - Vương Bột) sẽ trở thành “Bên ngoài Trường Giang không còn chảy nữa”. Đây là hai câu thơ nổi tiếng đến mức nhiều người chúng ta dù không rành chữ Hán cũng biết, và vì thế, không thể quên những câu thơ dịch của Tản Đà: “Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”, và, “Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài”.

Câu thơ “Thốn thiệt đãn tồn không tự tín” đã từng được dịch là “Tấc lưỡi hãy còn, ăn nói được” (Đào Duy Anh), hay, “Tấc lưỡi tự tin mong giữ được” (Lê Cao Phan); với chữ “không” mang nghĩa “thường, vẫn, còn, mãi”. Xin mời đọc bài thơ “Gởi Bạn” của Nguyễn Trãi - người dịch Trúc Khê.(3)

Truân chuyên từng ngán bước đường đời,
Muôn việc đành thôi phó mặc trời.
Tấc lưỡi còn đây thường tự tín,
Thân nghèo mãi thế đáng thương thôi.
Lạnh lùng khách xá đêm dài mấy,
Vùn vụt quang âm bóng xế rồi.
Đọc sách mười năm nghèo đến tuỷ,
Ăn không rau đậu, chẳng chiên ngồi.


Tưởng cũng nên nhắc lại điển tích “Tấc lưỡi Tô Tần” để làm sáng tỏ thêm. Tô Tần là người thời Xuân Thu Chiến Quốc. Khi còn là một học trò nghèo, Tô Tần thường bị mọi người khinh khi. Một lần ông há miệng, thè lưỡi ra cho vợ coi và hỏi rằng: “Lưỡi ta còn không?” Vợ trả lời “Còn”, Tô Tần bảo “Ừ, còn là được!” Sau Tô Tần trở thành một thuyết khách nổi tiếng. Ông đi nhiều nước, đề xuất việc hợp tung liên kết các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở để chống lại nước Tần (đang do Tần Thủy Hoàng cai trị). Câu chuyện“Tấc lưỡi Tô Tần” ngụ ý nói kẻ sĩ dù trong cảnh khó vẫn không nản chí. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ cũng đang trong cảnh cùng quẫn, đến rau muống, thứ rau rẻ nhất, cũng không có mà ăn; thế nhưng, ông vẫn viết thơ nhắn với bạn rằng mình không khác Tô Tần thuở xưa, không vì thế mà ngã lòng.

Qua bài thơ “Gởi Bạn”, chúng ta thấy rõ hơn con người của Nguyễn Trãi. Tác giả Bình Ngô Đại Cáo không chỉ hùng hồn khi thắng trận, mà lúc thất thế nhất, ông vẫn tỏ ra ung dung tự tín.

Vậy chữ Hán Việt nào có nghĩa là “không có, không còn”?

Có ba chữ Hán Việt ta thường thấy nhất, đó là chữ “vô” (như trong “vô cảm”), chữ “phi” (như trong “phi pháp”) và chữ “bất” (như trong “bất bạo động”). Ngay bài thơ “Ký Hữu” cũng có chữ “vô” trong câu cuối: “Bàn duy mục túc, toạ vô chiên”. “Vô chiên” nghĩa là “không (có) chăn”.

Tức nhiên, không phải lúc nào mỗi chữ dịch sai đều làm hỏng nguyên tác đến mức trầm trọng như trên, nhưng bất kỳ ai bắt tay vào công việc dịch thuật đều phải tự bắt mình phải hết sức cẩn thận. Thế nhưng, dù ráng sức cách mấy người dịch vẫn không thể nào tránh được có lúc dịch sai vì không hiểu, vì lười biếng, hay vì lơ đãng, v.v... Từ đó nảy sinh câu hỏi: “Làm sao có thể hạn chế tối đa sự dịch sai nguyên tác?”

Theo tôi, điều này tùy thuộc rất nhiều vào cơ chế, nói đúng hơn là vào những quy định, tiêu chuẩn của tờ báo (hay nhà xuất bản) và trình độ thưởng thức của bạn đọc. Một tờ báo tốt luôn luôn đọc kỹ, so sánh bản dịch với bản gốc, sửa chữa các lỗi dịch sai, v.v... Một bạn đọc tốt là người không chấp nhận những câu văn lủng củng hay bị cắt xén, chữ dùng sai, v.v…

Một trong những quy định nghiêm ngặt của DCVOnline là bài viết phải đề rõ nguồn trích dẫn, hay, nguồn lược dịch. Làm như thế bạn đọc có ngay bản gốc để so sánh với bản dịch, hoặc để tìm hiểu thêm nếu muốn. Điều này cho thấy tờ báo có cách làm việc rất nghiêm túc. Và từ đó, trong phạm vi nhỏ bé của mình, DCVOnline đã tạo nên một cơ cấu “tam quyền phân lập”, tác giả, ban biên tập và bạn đọc. Nhờ ba bộ phận tách biệt này nên có sự phê bình, chỉnh sửa thẳng thắn để giúp nhau cùng tiến bộ.

Chúng ta đang chứng kiến sự suy đồi khủng khiếp của Việt Nam vì nguyên nhân chủ yếu là không có sự tam quyền phân lập: hành pháp, lập pháp, và tư pháp đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Trong những định chế lớn, tam quyền phân lập là bắt buộc phải có; nhưng trong những tổ chức, tập thể nhỏ, tam quyền phân lập cũng là điều cần có và nên có nếu muốn giữ sự trong sáng và bền vững.
Để có được những tác phẩm dịch thuật đúng và hay, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào khả năng và ý thức của người dịch mà tất cả chúng ta, các tờ báo, các nhà xuất bản, và nhất là bạn đọc, phải biết nói “không” với thói lười biếng, cẩu thả trong dịch thuật (“không” ở đây chỉ là “không”).

Một lần nữa, thành thật xin lỗi về lỗi dịch sai của tôi trong “Đập Xayaburi” và cám ơn tất cả những ai đã đọc bài viết này.

© DCVOnline


(1). Đập Xayaburi và những con dếNgũ Phương, DCVOnlin.net, 05/12/2011
(2). Gió đưa cành trúc la đà Vũ Quốc Thúc, cothommagazine.com - Giáo sư Vũ Quốc Thúc từng là khoa trưởng Ðại học Luật khoa Sài Gòn vào cuối thập niên 1960.
(3). Tài liệu văn học VN cuối TK 19, Ký hữu (I), Gửi bạn (I). Người dịch: Trúc Khê.

.
.
.

No comments: