Saturday, May 7, 2011

HẠ SAT BIN LADEN và NHỮNG TRANH CÃI TRÁI CHIỀU (Mạc Việt Hồng)



Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ sát hôm 1/5, chấm dứt cuộc truy lùng gắt gao với tên trùm khủng bố, chủ mưu vụ đánh bom vào hai tòa tháp đôi tại WTC năm 2001. Nước Mỹ thở phào nhẹ nhõm và lãnh đạo của nhiều quốc gia đã lên tiếng chúc mừng thắng lợi của chính quyền Obama.

Nhưng vài ngày sau chiến thắng, xảy ra một cuộc bàn cãi liên quan tới tính hợp pháp của cuộc tấn công này. Việc lãnh tụ của Al- Qaeda phải đền tội cho cái chết của hơn 3.000 thường dân ở New York và rải rác một số vụ sau đó – mà tổ chức này thừa nhận là thủ phạm- ở Madrid, Afghanistan… dư luận tiến bộ trên thế giới không thể không đồng tình. Nhưng câu hỏi mà người ta đặt ra là tính hợp pháp của cái cách mà Mỹ đã tiêu diệt Bin Laden.

Vi phạm luật pháp quốc tế?

Những ý kiến thiên về sự vi phạm luật quốc tế trong chiến dịch vừa rồi cho rằng Mỹ đã hành xử vừa trong vai cảnh sát, vừa là quan tòa và vừa đóng vai trò người thi hành án.
Tờ nhật báo Wyborcza đã đưa ra ý kiến của một số chính trị gia và luật sư quốc tế, xin tóm lược như sau:
Cựu Thủ tướng Đức, Helmut Schmidt, phát biểu trên truyền hình nước này: “Đây chắc chắn là sự vi phạm pháp luật quốc tế và chiến dịch này sẽ để lại hậu quả khôn lường với thế giới Ả Rập…”
Một chính trị gia khác của Đức, bộ trưởng bộ Nội vụ Ehrhart Koerting nói, “với quan điểm của một luật sư, tôi cho rằng tốt hơn là đưa Osama bin Laden ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).” Cùng lúc, ngoại trưởng Guido Westerwelle đưa ra ý kiến rằng, ông sẽ hài lòng hơn nếu nghe tin “Bin Laden đã bị bắt giữ” thay vì “đã bị giết”.
Theo Gert-Jan Knoopsa, Giáo sư Luật quốc tế ở Đan Mạch, sẽ tốt hơn nếu Bin Laden bị bắt và bị dẫn độ sang Mỹ. Ông cũng viện dẫn một số ví dụ, điển hình là trường hợp của cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị Tòa án Quốc tế Hague kết án về “tội ác chiến tranh” vào năm 2001.
Cựu Thủ tướng Ý Massimo D’Alema cũng có một cái nhìn tương tự rằng, không nên reo mừng trước cái chết của người khác, dù đó là ai và nếu Bin Laden bị bắt, được đưa ra trước tòa án thì thắng lợi của Mỹ sẽ toàn diện hơn. Mặt khác, Bin Laden là “kho tư liệu sống” mà nếu khai thác được sẽ cho Mỹ nhiều thông tin có thể có lợi cho cuộc chiến chống khủng bố tiếp theo.
Ủy viên EU, Malmstrom Cecilia trên blog cá nhân của mình cũng tỏ ý thất vọng về việc Mỹ thay vì bắt sống đã bắn chết Bin Laden.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Navi Pillay lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ thông báo đầy đủ cho Liên Hợp Quốc về chiến dịch này và ông nhấn mạnh “mọi hoạt động chống khủng bố phải phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Một nhà báo Italia viết trên tờ nhật báo “La Repubblica” lại đề cập tới khía cạnh văn hóa của sự việc rằng, chiến dịch tiêu diệt không phù hợp với văn hóa châu Âu, nơi từ lâu đã loại bỏ án tử hình ra khỏi đời sống xã hội, trong khi nước Mỹ vẫn cho phép tử hình.
Tiến sĩ Denis Basak, nhà tội phạm học tại Đại học Goethe ở Frankfurt am Main nói: “Các điều luật cơ bản cần phải được tôn trọng ngay cả với kẻ thù.
Patrick Baudouin, người đứng đầu Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền phát biểu trên nhật báo “Liberation”, theo ông, Mỹ đã hành động bất hợp pháp khi không có sự đồng ý của Pakistan. Pakistan có thể kiện Mỹ ra LHQ vì đã qua mặt nước này khi thực hiện chiến dịch trên lãnh thổ Pakistan mà không có sự thông báo cho chính quyền sở tại.
Báo Pháp “L’Express” nói, đội đặc nhiệm Mỹ đã đi quá giới hạn cho phép khi thi hành nhiệm vụ để bắt giữ kẻ khủng bố và đã ‘lấn sân’ sang công việc của người thi đi hành án tử hình.
Tờ chuyên trang về chính trị của Thụy Sĩ “Neue Zürcher Zeitung” bày tỏ lo ngại, liệu chiến dịch vừa rồi có tạo ra tiền lệ cho việc tiêu diệt một người từ hôm nay chỉ vì những nguy cơ mà người đó có thể gây ra trong tương lai?

Lý lẽ của Mỹ

Khác với sự chia rẽ rõ rệt của dư luận châu Âu, công chúng Mỹ ‘nhất quán’ hơn với việc hạ sát Bin Laden. Các luật sư Mỹ nói, chiến dịch của Mỹ được dựa trên những “cơ sở vững chắc của luật pháp“. Mỹ và Al- Qaeda đang ở trong “tình trạng chiến tranh” nên việc bắn bỏ Bin Laden là được phép và phù hợp với thông luật quốc tế.
Ý kiến về sự hợp pháp cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người như Ben Wittes thuộc Viện Brookings tại Washington, Eric Holder- Bộ trưởng bộ Tư pháp Mỹ.v.v.
Về việc Mỹ đã không bắt sống Bin Laden khi ông ta hoàn toàn không có vũ khí được Nhà Trắng lý giải họ lo ngại rơi vào một cái bẫy, Bin Laden có thể giấu bom mìn trong người hay cài đặt sẵn trong nhà và kích nổ nó qua ấn nút.
Một giải thích khác nói, việc Bin Laden bị bắt sống và giam giữ ở đâu đó có thể gây ra nhiều phiền toái cho các công dân Mỹ nếu họ bị bắt giữ làm con tin nhằm mục đích đổi mạng. Nó cũng có thể làm cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trở nên vô cùng phức tạp và kéo dài.
Liên quan tới sự việc ‘qua mặt’ Pakistan, Phát ngôn viên Nhà Trắng đưa ra giải thích họ quan ngại Pakistan sẽ làm lộ thông tin dẫn tới thất bại của chiến dịch đã được chuẩn bị công phu trong nhiều tháng.
Về mặt lý, Pakistan có thể khởi kiện ra LHQ, song điều đó ít có khả năng xảy ra xét về mặt “tình” khi mà viện trợ quân sự của Mỹ cho nước này tính riêng năm ngoái đã là 1,3 tỉ USD.

Chính nghĩa bị sứt mẻ?

Hai ngày sau chiến dịch, Mỹ mới thừa nhận Bin Laden không mang vũ khí khi bị tấn công. Người vợ trẻ 29 tuổi của Osama- thay vì bị chồng đẩy ra làm bia đỡ đạn như thông tin ban đầu- đã được cải chính là tự nguyện ‘nhẩy xổ’ vào lực lượng đặc nhiệm và bị bắn vào chân, còn thủ lĩnh Al.- Qaeda bị bắn vào ngực và đầu ngay sau đó. Bức ảnh xác Bin Laden ghê rợn tới mức Nhà Trắng chưa muốn công bố nó vì có thể gây sốc cho dư luận và thêm sự căm thù của lực lượng Hồi giáo cực đoan với Mỹ.
Dù nhiều người thực sự vui mừng và không băn khoăn gì trước việc Bin Laden bị giết ra sao, có vũ khí hay không, như cách tờ “USA Today” bình luậnOsama đã bị trừng phạt một cách xứng đáng và chẳng có gì khác nhau giữa việc ông ta có sở hữu vũ khí hay không” nhưng những phản hồi trái chiều cho thấy, không phải ai cũng bằng lòng với giải thích của Nhà Trắng hay lời lẽ của “USA Today”.
Một kịch bản phim về Bin Laden đang được Hollywood xây dựng và sẽ được bấm máy trong thời gian gần đây. Thông thường, các nhân vật chính nghĩa trong các bộ phim Hollywood không bao giờ bắn một người từ phía sau lưng, hay khi anh ta đã ngã xuống đất hoặc trong tình trạng hoàn toàn không có gì để tự vệ, dù anh ta có là kẻ giết người hàng loạt đi nữa. Bin Laden đã ở trong tình trạng hoàn toàn tay không khi biệt kích Mỹ đột nhập vào căn phòng mà ông ta đã sống 5 năm nay và đã bị bắn chết ngay trước mặt vợ mình cùng với sự có mặt của 8 đứa trẻ trong ngôi nhà, trong số đó có các con của Bin Laden. Kịch bản sẽ giải quyết sao đây để người xem cảm thấy thỏa lòng và không gợn lên cảm giác về sự sứt mẻ của chính nghĩa.

Những tranh cãi quanh vụ việc này cũng một lần nữa cho thấy, trong xã hội dân chủ không phải mọi thứ đều hoàn hảo mà lúc này hay lúc khác, ở nơi này hay nơi khác vẫn diễn ra những sự việc có thể đã đi quá giới hạn cho phép của một xã hội dân sự. Nhưng cái hơn hẳn – không thể chối cãi- của thể chế dân chủ là người dân có đầy đủ quyền mổ xẻ sự việc, chê trách hay lên án chính quyền và có thể sẽ phế truất nó bằng là phiếu của mình sau nhiều nhất là 5 năm.

© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: