Nguyễn Minh
Thứ Hai, 23 Tháng 5 2011 17:52
Năm 2010, GDP của Trung Quốc đạt tới 5 302 tỷ USD, một con số kỷ lục vượt qua hẳn Nhật Bản với 4.724 tỷ USD, và trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới, sau Hoa Kỳ với 14.624 tỷ USD. Trong suốt 42 năm qua, Nhật Bản đã là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, chỗ đứng này đang bị mất vào tay Trung Quốc. Bắc Kinh đã rất hãnh diện về thành tích này và không ngừng dùng nó làm bàn đạp để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia nghèo khó khác tại Châu Phi và Châu Mỹ latinh để thu mua nguyên nhiên vật liệu.
Trái với suy tưởng của nhiều người, trừ những công bộc của đảng và nhà nước và giới quan sát quốc tế, phần lớn dân chúng Trung Quốc đã gần như lãnh đạm với những thành quả kinh tế vượt bực này. Sự kiện này rất đáng chú ý vì sự tăng trưởng không ngừng của Trung Quốc đã không lôi kéo sự gắn bó của dân chúng. Đối với người dân Trung Quốc, những chỉ số này hoàn toàn mang tính chính trị, chúng được dùng để bốc thơm chế độ hơn là mang lại phúc lợi thực sự cho người dân. Phần lớn tài sản quốc gia nằm trong tay các viên chức nhà nước và giới tư bản đỏ.
Theo cơ quan đo lường sự giàu có Forbes, năm 2010 Trung Quốc có hơn 40 tỷ phú đô la và hơn một triệu triệu phú đô la. Hiện tượng này cho thấy một thiểu số cầm quyền nắm giữ tất cả phúc lợi của đất nước trong khi tuyệt đại đa số quần chúng sống trong sự nghèo khó, vùng thôn quê sống dưới mức nghèo khổ (dưới 2 USD/ngày).
Nạn nhân của sự tiếm đoạt này là giới trẻ thế hệ 1980 (viết tắt là 8x), tức thế hệ sinh ra sau giai đoạn mở cửa (1978-1979) do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Từ ba năm trở lại đây, vật giá ở Trung Quốc đột ngột tăng cao trong khi thu nhập của dân chúng Trung Quốc không những bị khựng lại mà còn có khuynh hướng giảm xuống vì các xí nghiệp xuất khẩu hàng hóa không bán được hàng, hay các chủ thầu xây cất bị vỡ nợ. Cũng nên biết, tổng thu nhập của dân chúng Trung Quốc chỉ bằng 8% GDP, trong khi đó tổng thu nhập của dân chúng Mỹ bằng 55% GDP và tổng thu nhập của dân chúng các nước Châu Phi bằng 20% GDP.
Từ 5 năm qua, hơn 250 triệu người (25% dân số lao động toàn quốc) đã không hề được tăng lương, trong khi vật giá tăng hơn 20%. Sự kiện này giải thích tại sao số hàng tồn kho ngày càng cao : tại vì mãi lực của dân chúng Trung Quốc giảm. Thêm vào đó, vì thiếu an toàn vệ sinh, thế giới đã hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc khiến nhiều xí nghiệp phải đóng cửa và công nhân bị sa thải hàng loạt. Với đồng lương thấp và bất thường, người dân chỉ mua những gì cần thiết như lương thực thực phẩm để duy trì sự sống.
Trong cuộc điều tra năm 2007 về ước mơ của giới trẻ trong lứa tuổi từ 18 đến 20, giới quan sát viên quốc tế đã rất ngạc nhiên vì không một thanh niên nào nhắc tới chính trị, tức không quan tâm gì đến sinh hoạt của đất nước. Ưu tư của tuổi trẻ hiện nay là tiền, bằng cách nào cũng được.
Sự lạnh nhạt với có lẽ một phần do chính sách một con tại Trung Quốc. Công thức 4.2.1 ngày càng đè nặng lên vai thế hệ 8x, vì tất cả đều là con một (1), nếu lập gia đình (2) họ phải) có trách nhiệm với cha mẹ của cả hai bên (4). Khi cặp vợ chồng trẻ này làm không đủ ăn, họ sẽ không đủ khả năng để lo cho cha mẹ. Ước mơ của các cô gái trẻ là tìm được một vị hôn phu nhiều tiền lắm của để được yên tâm rất là phổ biến, ít ra họ sẽ không còn bận tâm với việc trả nợ xe, nhà, ăn, mặc...
Sự lạnh nhạt có thêm một nguyên do khác là nạn "con cháu các cụ" hay "con ông cháu cha", tức những thái tử đảng. Những người này không học và không làm gì cả cũng vẫn được ăn trên ngồi trước thiên hạ. Không những thế họ còn cậy quyền cậy thế của cha mẹ để hiếp đáp những người thấp cổ bé miệng, đa số là giới công nhân xuất thân từ nông thôn.
So với các thế hệ đi trước, thế hệ 8x tuy được vào đại học dễ dàng, do đó có kiến thức cao hơn những bậc đàn anh nhưng đa số đụng phải khung cửa hẹp khi tìm việc làm. Cứ 5 sinh viên tốt nghiệp đại học, chỉ một người tìm được việc làm. Những thanh niên kém may mắn này rất bất mãn với nạn con ông cháu cha. Điều này giải thích tại sao một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc lại có số người muốn đào thoát ra nước ngoài ngày càng cao, trong khi không một người Mỹ, Châu Âu, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan nào muốn từ bỏ đất nước mình để xin tị nạn. Những người có tiền tại Trung Quốc cũng thế, không một người giàu có nào tại Trung Quốc không có ít nhất một trương mục ngân hàng ở nước ngoài, nạn tẩu tán tài sản đang phát triển mạnh.
Trước những khó khăn trong đời sống thường ngày, giới trẻ Trung Quốc phải tự tìm cách ứng xử thích hợp để tồn tại : trở thành người "cao su" (không có xương sống) để dễ luồn lách, chấp nhận kiếp sống của đàn kiến (cặm cuội làm việc ngày đêm) để sống còn, giả điếc và mù để không bị nghe tuyên truyền và thấy bất công xã hội.
Nói chung, giới trẻ Trung Quốc đang trải qua một thử thách khó khăn : chấp nhận kiếp trâu ngựa (hay con ong cái kiến) để sống qua ngày, hay làm một cuộc cách mạng đổi đời để thay đổi hướng đi lịch sử. Điều này cho thấy, xã hội Trung Quốc đang tiến vào tương lai bằng hai tốc lực : nhanh đối với những người năng động, chậm đối với những người an phận. Nguy cơ của khuynh hướng này là Trung Quốc có thể bị tách ra làm hai khối, bờ biển phát triển, lục địa chậm tiến và thực tế đang chứng minh hiện tượng này. Khi nào ? Chắc chắn là sẽ không xa. Giới trẻ đã sẵn sàng cho một cuộc đổi đời, xã hội Trung Quốc đang chờ một que diêm.
Nguyễn Minh (Tokyo)
.
.
.
No comments:
Post a Comment