Thursday, May 26, 2011

CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐI ? (Việt Hoàng, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)



Việt Hoàng
Thứ ba, 24 Tháng 5 2011 22:35

Phải chăng trên thế giới đang diễn ra làn sóng dân chủ thứ tư như ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói tới trong hai bài viết gần đây ? ("Chuẩn bị cho một làn sóng dân chủ mới" và "Làn sóng dân chủ thứ tư và những chế độ độc tài không ảo tưởng").

Ông Nguyễn Gia Kiểng đã đặt ra ba câu hỏi rất nóng hổi và ông đã trả lời cho ba câu hỏi đó :
1. Có đúng là một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư đã xuất hiện ?
2. Nếu đúng, liệu nó có tràn đến Việt Nam không ?
3. Nếu có thì bao giờ ?

Rõ ràng là các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi đang chuyển biến mạnh mẽ về dân chủ. Ben Ali và Mubarak đã ra đi, đế chế của Saleh (tổng thống Yemen) coi như cũng đã kết thúc khi ông này đồng ý từ chức và chuyển giao quyền lực trong vòng một tháng theo đề nghị của các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh. Đại tá Gaddafi thì tồn tại trong tuyệt vọng và chế độ Assad (Syria) cũng khó thoát khỏi kết cục tương tự. Đặc điểm chính của phong trào đấu tranh ở các nước Hồi giáo này là đòi tự do và lật đổ các chế độ tham nhũng. Các khẩu hiệu tôn giáo không hề xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Tự do và dân chủ là ước vọng của tất cả mọi dân tộc trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ.

Làm thế nào để phân biệt được một nước dân chủ và một nước không dân chủ một cách cụ thể và rõ ràng nhất ? Chính quyền Việt Nam cho rằng ở Việt Nam vẫn có dân chủ ! (?) Ngoài những biểu hiện của một chế độ dân chủ như đa đảng, bầu cử tự do, tam quyền phân lập, tự do báo chí và ngôn luận… thì văn hóa trong sự nhìn nhận về dân chủ và nhân quyền của chính quyền Việt Nam rất có vấn đề, do xuất phát từ di sản văn hóa của quá khứ và sự thất học của các cấp lãnh đạo cộng sản.

Lịch sử nhân loại là cuộc hành trình của con người về tự do, và vì dân chủ là phương thức tổ chức xã hội (ưu việt nhất) để thực hiện tự do, nên cũng có thể nói lịch sử thế giới là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ. Nền tảng của một nhà nước dân chủ thật sự đó là "chủ nghĩa cá nhân", tinh thần nền tảng của chủ nghĩa cá nhân là lấy cá nhân làm đối tượng phục vụ và dành cho cá nhân chỗ đứng trước hết và trên hết. Niềm tin của nó là con người tự do sáng tạo hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn, có khả năng lớn hơn và đóng góp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng xuất sắc đã viết về chủ nghĩa cá nhân rất đầy đủ qua bài "Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân". Ông khẳng định rằng "chủ nghĩa cá nhân coi mục đích của tổ chức xã hội, trong đó quan trọng nhất là chính quyền, là tạo điều kiện để mỗi cá nhân xây dựng hạnh phúc của mình. Nói cách khác, cá nhân là cứu cánh, mọi tổ chức trong xã hội kể cả nhà nước chỉ là phương tiện. Ngược lại, chủ nghĩa tập thể coi xã hội là cứu cánh, cá nhân là phương tiện".

Đứng trên quan điểm này thì Việt Nam không hề có dân chủ, và tất cả các chế độ độc tài đều không có dân chủ. Di sản văn hóa Khổng giáo và sự hạn chế về kiến thức của các cấp lãnh đạo cộng sản dẫn đến việc coi thường người dân. Quan điểm của họ là "chính quyền luôn luôn đúng", trong khi đó một nhà nước dân chủ là phải tâm niệm rằng "người dân luôn luôn đúng".

Làn sóng dân chủ sẽ tràn tới Việt Nam và Trung Quốc bởi vì những chế độ này không còn bất cứ một lư tưởng nào để thuyết phục người dân. Chủ nghĩa cộng sản đã hiện nguyên hình là một thứ vớ vẩn không thuyết phục được ai, dù rằng trong quá khứ nó đã từng là liều ma túy làm say mê nhiều người và nhiều người đã hy sinh do sự mê hoặc và ảo giác mà nó mang lại. Đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ còn là hư cấu, nó không còn là một chính đảng thật sự vì một lẽ rất đơn giản là nó không còn một tư tưởng chính trị hay một dự án chính trị nào. Khi một ý thức hệ lỗi thời (như chủ nghĩa Mác-Lênin) đã chết đi mà không có một tư tưởng mới thay thế thì mọi chính quyền độc tài đều mất đi tính chính danh để thuyết phục người dân và chỉ còn một cách duy nhất là đàn áp để kéo dài sự tồn tại.

"Một chế độ không có gì để thuyết phục mà chỉ thuần túy dựa trên đàn áp chỉ có thể đứng vững nếu chính quyền có phương tiện rất lớn trong khi quần chúng rất yếu, kể cả về mặt kinh tế, để không có sức đề kháng. Tham nhũng và bóc lột vì thế chỉ có thể gia tăng như một qui luật nằm trong bản chất của chế độ, dù có thể là những người cầm quyền không muốn". Hậu quả tiếp theo của việc một chế độ không còn lư tưởng như Việt Nam đó là "sự hình thành chung quanh lãnh tụ của một kết hợp kiểu băng đảng của một nhóm người mà quyền lợi và sự sống còn gắn liền với chế độ. Như một qui luật tự nhiên, thiểu số này phải ngày càng nhỏ lại bởi vì chỉ có như thế các phần chia mới đủ lớn để bảo đảm sự trung thành. Thiểu số này như vậy sẽ ngày càng bị nhận diện, cô lập và thù ghét. Sự thù ghét càng thêm sức mạnh nếu nó được tập trung vào một cá nhân được coi là đầu sỏ và đã cầm quyền trong một thời gian dài".

Những nhận định và phân tích này của ông Nguyễn Gia Kiểng rất thực tế với những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Trước Đại hội 11, ông Nguyễn Tấn Dũng bị "đánh tơi tả" qua vụ Vinashin, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau ông đã lấy lại vị thế lãnh tụ của mình. Không những thế, quyền lực của ông còn lấn át cả tổng bí thư lẫn ban bí thư đảng, những chức vụ đầy quyền lực nhất trong bộ máy đảng trước đây. Sức mạnh nào khiến ông Dũng hồi sinh nhanh như vậy ? Tất nhiên nó phải đến từ quân đội, công an và "một nhóm người mà quyền lợi và sự sống còn gắn liền với chế độ".

Tuy nhiên một câu hỏi khá quan trọng đặt ra là : quyền lợi có thể gắn bó và tạo ra đoàn kết trong một nhóm người cầm quyền như ở Việt Nam hay không ? Có hay không một "ông vua tập thể" ở Việt Nam ? Nếu cụm từ "ông vua tập thể" này hàm ý rằng các cấp lãnh đạo cộng sản dù không ưa nhau vẫn có tinh thần tập thể và khi phải lấy những quyết định sống còn, hoặc quan trọng, thì họ vẫn gắn bó với nhau.
Nền tảng của quan niệm này là niềm tin rằng quyền lợi dù bất chính cũng vẫn có khả năng đoàn kết những con người với nhau.
Dĩ nhiên đây là điều mọi tập đoàn bạo ngược (cũng như mọi băng đảng trộm cướp) đều mong muốn vì sự sống còn của chính họ. "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết" là châm ngôn của mọi tập thể và càng đúng với những tập thể đang bị dân chúng thù ghét. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi đoàn kết nhất trí để "vượt qua thử thách" và "giữ vững quyền lãnh đạo của đảng". Nhưng có đoàn kết được hay không là chuyện khác. Rất khác.

Các nhà tư tưởng đã khẳng định rằng "quyền lợi không những không gắn bó mà còn chia rẽ con người". Cố gắng chung hoặc thử thách chung khiến người ta gắn bó với nhau, nhưng quyền lợi khiến người ta giết nhau. Một nhà tư tưởng Pháp nói một câu bất hủ : "Hãy bắt họ xây chung một công trình rồi họ sẽ là anh em, còn nếu muốn họ giết nhau hãy liệng đồ ăn cho họ".

Niềm tin quyền lợi có khả năng gắn bó các tập đoàn độc tài sở dĩ còn dai dẳng là vì chúng ta vẫn nghĩ rằng Đảng cộng sản Việt Nam rất muốn giữ gìn sự gắn bó nội bộ và sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể làm để giữ gìn sự gắn bó đó, nhưng nó rất sai. Chưa hề có kinh nghiệm nào chứng minh điều này cả. Nếu quả thực quyền lợi bất chính đủ để gắn bó những con người thì các băng đảng tội phạm đã phát triển mạnh thay vì thanh toán lẫn nhau như người ta thấy. Cũng thế, nếu quyền lợi đủ để đoàn kết những con người thì đảng RDC của Ben Ali và  đảng NDP của Mubarak đã không sụp đổ nhanh chóng như thế.

Mọi nghiên cứu đều khẳng định rằng một chính đảng chỉ có thể xây dựng được trên một tư tưởng chính trị mà thôi và nó cũng chỉ có thể được duy trì như một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị có thể là một chủ nghĩa, hoặc một số các giá trị được hiểu thấu đáo và được coi như là không thể thỏa hiệp. Không có tư tưởng chính trị thì không thành lập được đảng. Mất tư tưởng chính trị thì không giữ được đảng. Tin rằng có thể xây dựng hoặc duy trì một tổ chức chính trị mà không cần một tư tưởng chính trị chỉ thuần túy là khờ khạo và kém hiểu biết.

Như vậy cái "ông vua tập thể" mà ông Nguyễn Vãn An nói tới với hàm ý trên là không hề có. Ý nghĩa của câu này đơn giản khẳng định rằng Việt Nam là một chế độ độc tài, một chế độ phong kiến kéo dài. Nó chỉ là một hư ảnh, hậu quả của sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi và cố gắng thực hiện và mọi người thấy là họ cố gắng. Nhưng đây là một cố gắng không thành công vì không thể thành công.

Đảng cộng sản Việt Nam vì mất đi ý thức hệ và tư tưởng chính trị nên bắt buộc phải chuyển hóa thành một chế độ "độc tài cá nhân". Những người mà quyền lợi và sinh mệnh chính trị gắn liền với chế độ đang tập hợp xung quanh ông Nguyễn Tấn Dũng và đôn ông ta lên làm "thủ lĩnh" dù, có thể, ông ta không muốn hoặc không có khả năng.

Ông Ôn Gia Bảo, đương kim thủ tướng Trung Quốc cũng liên tục lên tiếng kêu gọi cải tổ chính trị để tránh cho Trung Quốc khỏi sụp đổ, tuy nhiên tiếng kêu của ông dù là thủ tướng đương nhiệm vẫn rơi vào hư không vì cơ chế của chế độ Trung Quốc không có chỗ cho mọi sự cải cách hoặc thay đổi. Nó chỉ có thể đổ vỡ và làm lại mà thôi.
Chế độ độc tài cá nhân sẽ gây ra nhiều bất mãn và không thể kéo dài trong thời đại thông tin. Chế độ này gồm những người không có công gì đối với đất nước, nhưng lại rất giàu có trong lúc người dân rất nghèo khổ. Chế độ độc tài cá nhân sẽ gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng. Những đảng viên cộng sản lão thành, đặc biệt là những đảng viên cao cấp bị mất chức hay bị giáng chức, những thành phần bị cho ra rìa vì không cùng nhóm thân cận với "lãnh tụ" sẽ cảm thấy hụt hẫng và bất mãn.

Trong nhóm đảng viên bị cho ra rìa này sẽ phân thành hai nhánh.

Một nhánh bao gồm những người có học thức, sáng suốt và dũng cảm. Nhánh này sẽ gia nhập phong trào dân chủ và hòa mình vào dòng chảy của thời đại. Khi đủ mạnh, nhóm này sẽ xuất hiện cùng với phong trào dân chủ để làm một cuộc cách mạng chuyển hóa Việt Nam về một chế độ dân chủ.

Một nhánh khác gồm những đảng viên kỳ cựu nhưng không thức thời sẽ lợi dụng cơ hội để khôi phục lại đảng cộng sản, tức khôi phục lại quyền hành của họ. Nhóm này thuyết phục những đảng viên bị bạc đãi và mốt số dân chúng bất mãn theo họ. Họ không ngần ngại nhắc lại công lao của đảng, khôi phục lại hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh để làm chất keo gắn kết với nhau. Nhóm này sẽ không có tương lai vì họ không có gì để thuyết phục quần chúng. Họ sẽ nhanh chóng gây thất vọng vì chỉ biết ăn mày dĩ vãng trong khi mù tịt về tương lai. Họ không thể phục hồi một đảng đã từng theo một chủ nghĩa tai hại, đã mang lại nhiều thảm họa cho quốc gia và dân tộc.

Chế độ độc tài cá nhân sẽ làm gia tăng tham nhũng và sẵn sàng đàn áp để tồn tại. Vụ Vinashin làm thất thoát hàng tỉ đô la nhưng chính quyền đã quyết định là không ai bị xử lý vì…chưa đến mức phải kỷ luật. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một nhân sĩ không hề chống đối đảng, hay cựu giám đốc trường đảng huyện Hữu Lũng Vi Đức Hồi đã bị kết những bản án nặng nề đủ minh chứng cho nhận định này của ông Nguyễn Gia Kiểng. Chế độ độc tài sẽ làm cho hình ảnh đất nước xấu đi vì tham nhũng và đàn áp, kể cả những chuyện rất vô duyên như việc bắt giữ nhà thơ Bùi Chát khi ông vừa đi nhận giải quốc tế về.

Chế độ độc tài cá nhân khiến cho một thiểu số sẽ giàu hơn, vì tham nhũng, và tuyệt đại đa số sẽ nghèo đi, vì bị bần cùng hóa. Một tỉ đô la tham nhũng không phải chỉ làm quốc gia mất một tỉ mà làm mất đi hàng chục tỉ, vì nó ảnh hưởng lớn đến giáo dục, y tế, công ăn việc làm và sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh…

Như vậy rõ ràng là ưu thế đang nghiêng về phong trào dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam đang rất mong manh và rất dễ tan vỡ. Mô hình mà nó đeo đuổi là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng sẽ phải đối diện với những thách thức như vừa phân tích ở trên. Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc sẽ chấm dứt nay mai vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế thế giới hậu khủng hoảng. Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ hàng đầu của thế giới không thể tiếp tục tiêu xài mãi, bất chấp thâm hụt khổng lồ về ngân sách. Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với hậu quả của thiên tai, Châu Âu cũng đang lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, Bồ Đào Nha (tiếp sau Hy Lạp và Ai Len) vừa phải nhận gói cứu trợ của Liên Minh Châu Âu và Quĩ Tiền Tệ Thế Giới.

Tình hình đã rất chín muồi cho sự thay đổi nhưng phong trào đối lập Việt Nam có thể làm được gì và nên làm như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà câu trả lời sẽ không dễ dàng và chưa ngã ngũ.

Thời cơ dù đã rõ ràng nhưng nó chỉ đến với những ai đã có sự chuẩn bị. Dù rằng tương lai của phong trào dân chủ rất sáng sủa nhưng sự chuẩn bị của phong trào đối lập lại không tương xứng với sự mong chờ của người dân.

Đề nghị đầu tiên mà người viết muốn gửi đến các cá nhân đang tranh đấu cho dân chủ và nhân sĩ ở hải ngoại lẫn trong nước là hãy chấm dứt lối làm cách mạng theo "kiểu nhân sĩ", tức là kiểu không tham gia vào tổ chức chính trị nào. Hãy dũng cảm nhìn nhận và xác định căn cước chính trị của mình, nghiêm túc và khiêm tốn để có thể đứng vào hàng ngũ của một tổ chức chính trị đứng đắn. Đấu tranh cho dân chủ là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị chứ không phải là giữa các cá nhân với nhau. Không ai mời cá nhân hay nhân sĩ tham gia vào các cuộc đàm phán chính trị để thay đổi chế độ, từ trước đến nay và mãi mãi sẽ như vậy.

Việc tiếp theo cần phải làm là hãy (chuẩn bị để có thể) trở thành đối lập với chế độ. Phong trào dân chủ phải đứng riêng và tách rời với chế độ. Chủ trương tham gia vào chính quyền để rồi thay đổi nó từ bên trong là việc làm vô ích và không thể có kết quả. Dứt khoát từ chối việc ủng hộ nhóm muốn khôi phục chế độ cộng sản về nguyên bản như trước đây. Phải thật sự sáng suốt, rút tỉa những kinh nghiệm của quá khứ, tránh đi con đường tắt may ra phong trào dân chủ mới xây dựng được một lực lượng đối lập dân chủ vững mạnh.

Con đường bắt buộc phải đi qua và không thể thiếu được để dẫn phong trào dân chủ đến thắng lợi đó là việc xây dựng một tổ chức dân chủ đối lập hùng mạnh. Đây là điều kiện không thể thiếu trong bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng (1).

Tổ chức dân chủ này phải được xây dựng song song với cố gắng hình thành các tổ chức chính trị và phi chính trị không lệ thuộc chính quyền cộng sản, nghĩa là song song với cố gắng xây dựng xã hội dân sự.

Muốn có được tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh để làm đối trọng với đảng cộng sản và hội tụ những khát vọng thay đổi, ngoài việc nghiêm túc và khiêm tốn để có thể tham gia vào một tổ chức đối lập đứng đắn, mỗi thành viên phải nghiên cứu và học hỏi phương pháp đấu tranh dân chủ là những điểu kiện rất cần thiết và không thể thiếu. Phải học tập văn hóa chính trị, phải có tư tưởng chính trị đúng đắn để dẫn đường và chi phối mọi suy nghĩ và hành động.

Thay đổi số phận của cả một dân tộc là việc đội đá vá trời cho nên phải có phương pháp và tư tưởng dẫn đường. Suy nghĩ phải đi trước hành động. Những lời kêu gọi hành động mà không cần phương pháp và sự chuẩn bị là việc làm vô ích và thiếu trách nhiệm.

Chẳng hạn như những lời kêu gọi xuống đường tại Việt Nam sau khi cuộc cách mạng Hoa Nhài thành công ở Tunisia và Ai Cập. Bản "Tuyên ngôn của người Việt trong và ngoài nước nhân Cách Mạng Hoa Lài ở Bắc Phi và Trung Đông", do 37 tổ chức và 23 cá nhân ký tên, và lời kêu gọi xuống đường đã hoàn toàn không thu hút được sự hưởng ứng nào, và không gây ra phản ứng gì dù là thuận hay chống. Trong khối lượng trao đổi về thời cuộc, không ai nhắc tới nó. Rất ít báo giấy, báo mạng Việt ngữ có số lượng người đọc đông đảo đăng tải tuyên ngôn này. Người dân (quần chúng) rất thực tế và không lãng mạn như một số người nghĩ, họ chỉ tham gia vào một cuộc cách mạng mà họ biết rõ hoặc tin tưởng rằng nó sẽ thành công.

Nói tóm lại đây là những việc làm vớ vẩn, nhưng có một sự thật không hề vớ vẩn chút nào trong việc này là đã có nhiều nhân sĩ rất có uy tín trong cộng đồng tham gia ký tên vào bản tuyên bố này.

Tại sao những nhân sĩ này lại coi thường và phung phí uy tín của mình đến như vậy ? Hãy đọc lại bài viết của tác giả Nghiêm Văn Thạch "Xin can quí vị" trên Thông Luận. Ông Nghiêm Văn Thạch, 82 tuổi, một người tham gia hoạt động chính trị từ năm 16 tuổi đến nay là một trong những người cao tuổi được nể trọng trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông nổi tiếng là thẳng thắn, trung thực và nghiêm túc. Ông cũng là bộ nhớ, là bộ từ điển sống của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nếu các cá nhân và các tổ chức chính trị đứng đắn chú ý đến các lời cảnh báo của ông thì họ đã tránh được những tổn thất và đổ vỡ không đáng có, tránh được những cái bẫy mà chế độ Việt Nam dựng lên để đưa những người yêu nước vào tù.

Trang báo điện tử Thông Luận (thường xuyên bị đánh phá và vẫn đang bị đánh phá), với các bài viết xuất sắc của ông Nguyễn Gia Kiểng, nhà tư tưởng chính trị lớn nhất của Việt Nam hiện nay, là nơi mà những người hoạt động chính trị có thể thường xuyên ghé thăm và chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều điều. Thông Luận là cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức chính trị muốn làm tác nhân thay đổi lịch sử thay vì đơn giản là tiếng nói của lương tâm.

Ưu tiên hàng đầu của Thông Luận là trình bày những nghiên cứu và phương pháp đấu tranh để phong trào dân chủ đi đến thành công. Độc giả của Thông Luận không nhiều và đa dạng như những diễn đàn khác nhưng đó là những người thực sự ưu tư và muốn thay đổi cho Việt Nam. Đó là những con người ưu tú. Mong muốn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là thông qua những con người ưu tú này để thuyết phục quần chúng hướng về một tương lai chung, một dự án chung, một đồng thuận chung, trong đó mọi người đều có một tiếng nói và một chỗ đứng ngang nhau.

Con đường mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang đi (có thể) cô đơn như hành trình của đoàn người vượt qua sa mạc. Tuy nhiên đó là con đường bắt buộc để có thể xây dựng được một dự án chính trị nghiêm túc, xây dựng một tổ chức chính trị thực thụ và chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu được chúng tôi để cùng đồng hành với chúng tôi. Con đường chúng tôi đi tuy gian khó và lâu dài nhưng không thể có con đường tắt nào khác.

Trong suốt 30 năm qua, Tập Hợp đã đạt được một số thành quả, dù khiêm tốn nhưng đó là tất cả những gì mà một tổ chức đối lập dân chủ cần để phát triển. Đó là đồng thuận đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động để xây dựng một chế độ chính trị dân chủ đa nguyên trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Vấn đề lý thuyết và phương pháp đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ thật sự coi như đã hoàn tất, bây giờ chỉ còn công việc cuối cùng là thuyết phục mọi người, mọi tầng lớp nhân dân nhập cuộc. Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng đất nước Việt Nam như một đoàn tàu đã sẵn sàng cho việc khởi hành, tuy nhiên đầu tàu là thành phần trí thức tinh hoa vẫn còn thụ động, vẫn chưa muốn chuyển mình thật sự. Làm sao để khởi động được đầu tàu này ?

Câu trả lời của ông Nguyễn Gia Kiểng đã quá rõ ràng : "Cuộc cách mạng nào cũng phải do trí thức chủ xướng và lãnh đạo, và trí thức chỉ đảm nhiệm được vai trò của mình nếu dũng cảm và sáng suốt. Dũng cảm để dám chống lại thay vì phục tùng sự thô bạo, sáng suốt để hiểu rằng phải có tổ chức mới có sức mạnh".

Việt Hoàng

(1) Bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng :
Một là, sự vô năng của chế độ được phơi bày rõ rệt và toàn dân muốn thay đổi ;
Hai là, đảng cầm quyền ruỗng nát và phân hoá vì mất tư tưởng và chính nghĩa ;
Ba là, có đồng thuận dân tộc trên một chế độ mới và một dự án quốc gia mới ;
Sau cùng là có một tổ chức mạnh để tập trung và thực hiện những nguyện vọng đổi đời.
.
.
.

No comments: