Saturday, May 21, 2011

Giới thiệu sách: ÂM NHẠC CỦA MỘT THỜI của LÊ HỮU (Phạm Xuân Đài)

Saturday, May 21, 2011

Đây là “những câu chuyện nhạc Việt” như đã được ghi dưới nhan đề cuốn sách. Tác giả: LÊ HỮU, Giờ Ra Chơi xuất bản, 373 trang, không ghi giá bán.

Liên lạc:
- E-mail: giorachoi@live.com / lehuu123@hotmail.com
- Tel: (206) 251-9608

Buổi "Giới thiệu sách" Âm Nhạc Của Một Thời của Lê Hữu sẽ được tổ chức:

Thứ Bảy ngày 26/5/2011, lúc 6:00 PM

Tại Hilton Garden Inn, 6855 W. Sam Houston Parkway S. - Houston, TX 77072


Bài giới thiệu sau đây cũng là Lời Tựa của cuốn sách.

Phạm Xuân Đài

Viết nhận định về âm nhạc là việc khó vì dùng ngôn ngữ viết để nói về thế giới âm thanh. Những nhà viết tiểu thuyết, với ngôn ngữ nghệ thuật, thì dễ dàng hơn, có thể chuyển đạt đến người đọc những đặc tính âm thanh mà mình muốn diễn tả, ví dụ Nguyễn Du tả tiếng đàn của Kiều

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Tả như thế là tuyệt khéo, gợi được một cách sinh động sự liên tưởng và hình dung của người đọc về tiếng đàn của kẻ tài hoa. Người đọc tưởng là thưởng thức bài đàn của Kiều, kỳ thực là thưởng thức tài văn chương của Tố Như. Mỗi người hình dung câu văn theo chủ quan của mình, từ đó “nghe” tiếng đàn trổi lên một cách riêng trong tâm trí của mình. Đây là phạm vi của nghệ thuật và tài năng của nhà văn.

Khi viết quyển Âm Nhạc Của Một Thời, tác giả Lê Hữu không nhằm mô tả kiểu đó. Vì ông viết biên khảo chứ không phải tiểu thuyết. Ông có sẵn một kho tư liệu, đó là những bản nhạc Việt Nam đã được sáng tác trong “một thời”, dưới dạng ký âm và lời ca được in trên giấy và cả dạng âm thanh (có khi cả hình ảnh trình diễn) của tiếng hát và của nhạc cụ, từ các công cụ điện tử là băng, đĩa. Với vốn tư liệu sẵn có của riêng ông và chung của xã hội, ông viết về âm nhạc của một thời với giả thiết rằng người đọc ông cũng đã nghe những bản nhạc mà ông nói đến – hoặc chưa nghe mà muốn nghe thì có thể tìm một cách dễ dàng. Vì thế ông gần như bỏ qua việc diễn tả giai điệu của bài nhạc, mà chỉ chú trọng phân tích về ca từ. Và trong một số trường hợp, khảo sát kỹ lưỡng người nhạc sĩ sáng tác.

Chữ “một thời” mà tác giả dùng trong nhan đề cuốn sách không được tác giả định nghĩa là thời nào, nhưng có thể hiểu theo hai cách. Một, đó là cuộc đời của tác giả; hai, suốt lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam. Cách nào cũng được, vì thực ra lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam cũng không dài hơn tuổi đời của tác giả là bao. “Một thời” chỉ là một cách nói, hoặc từ chủ quan của tác giả, hoặc có thể từ khách quan của lịch sử, để nghiên cứu về một số nhạc sĩ và nhạc phẩm mà tác giả quan tâm.

Nền tân nhạc Việt Nam, tức là âm nhạc theo phương pháp Tây phương, khác với nền nhạc cổ truyền của dân tộc, hiện nay rất phong phú, nhưng có một lịch sử chưa dài. Nhạc sĩ Phạm Duy, năm nay ngoài 90, là một trong những người sáng tác trong thời kỳ đầu tiên, vậy tuổi nền tân nhạc của chúng ta tới bây giờ cũng chỉ mới hơn bảy mươi. Nhưng phải công nhận nó trưởng thành rất nhanh, phần lớn nhờ vào biến chuyển thời cuộc của thời gian thập niên 1940 tạo ra cảm hứng mạnh cho sáng tác lẫn nhu cầu lớn về ca hát: chiến tranh thế giới thứ hai với triển vọng vận động thoát ách nô lệ của Pháp, cách mạng tháng tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp theo là chiến tranh nam bắc khốc liệt kéo theo những biến chuyển lớn lao khác... Những biến cố lớn trong một xã hội đương nhiên tác động đến tinh thần con người, và từ đó nảy ra những tác phẩm nghệ thuật về đủ mọi loại tâm thức của thời đại. Chúng ta hãnh diện đến nay có một gia tài âm nhạc Việt Nam nói chung đồ sộ và nhiều dáng vẻ.

Nhưng Lê Hữu không viết nhạc sử. Ông chỉ viết về một số nhạc sĩ mà ông chọn lựa, ông tạo một thế giới riêng cho mỗi người theo những gì mà âm nhạc của họ gây cảm hứng hoặc suy nghĩ nơi ông. Một số ít chương ông viết về các chủ đề mà ông quan tâm. Tác giả lớn lên và trưởng thành trong khí hậu nghệ thuật của miền Nam thời đất nước chia cắt, vì thế ta không lạ trong bảy nhạc sĩ được chọn để viết chỉ có một (tuy về hình thức là hai) Đoàn Chuẩn-Từ Linh thuộc về miền Bắc, còn lại: Nguyễn Hiền, Y Vân, Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đều cư ngụ tại miền Nam. Nhưng Đoàn Chuẩn-Từ Linh tuy người thì ở Bắc, nhưng sự nghiệp tinh thần thì lại “sống” tại miền Nam, vì thời 1954 – 1975 nhạc của ông bị cấm ở miền Bắc trong khi tại miền Nam lại rất được ưa chuộng. Ngoài các chương viết về từng tác giả, có ba chương viết riêng theo chủ đề: Hình tượng người lính qua nhạc Việt, Tiếng hát của một mùa kỷ niệm, Hà Nội thoáng dư âm, và một bài phỏng vấn trong Phụ lục: Nhạc phổ thơ, thơ phổ nhạc.

Có thể nói cuốn sách này được viết dựa trên tình yêu âm nhạc. Có yêu thích mới nghe nhạc, có nghe mới cảm, và từ đó mới nhận định về nhạc sĩ này, bài hát kia. Từ cái nền tảng tình cảm ấy, tác giả phát triển các bài viết của mình tiến tới cung cách của một nhà nghiên cứu về ca khúc, vì những điều tác giả trình bày không thuần túy là duy cảm, mà đã dựa trên vô số tài liệu, từ các nhạc phẩm in trên giấy đến mỗi bản nhạc được trình bày bởi nhiều giọng hát khác nhau, từ tiểu sử của nhạc sĩ đến những chuyện bên lề - những giai thoại – trong đời sáng tác của người ấy, từ tình hình xã hội chính trị trong đó một bản nhạc ra đời cho đến những dư luận báo chí đương thời hoặc sau này về các tác giả và tác phẩm... Sự hiểu biết của tác giả về thế giới âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, rất rộng và sâu, tác giả lại là người kỹ lưỡng, sẵn sàng đặt dưới kính hiển vi soi mói một tiếng hát sai của ca sĩ, hoặc một một chữ in sai của nhà xuất bản. Những ưu điểm ấy cho chúng ta một niềm tin cậy về mặt tài liệu mà tác giả trưng dẫn trong sách, dù đó là văn bản ca từ hay cuộc đời và giai thoại của giới nghệ sĩ.

Khó khăn lớn nhất của Lê Hữu trong việc biên soạn “Âm Nhạc Của Một Thời” là chỉ dùng chữ nghĩa để diễn đạt những gì thuộc thế giới âm thanh. Nếu đây là những bài dẫn giải âm nhạc trên đài phát thanh hay truyền hình thì có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều, bởi lẽ thay vì trích dẫn các câu hát bằng chữ trên giấy, chúng ta sẽ được nghe trực tiếp âm thanh. Đó là âm nhạc. Với ngôn ngữ viết người ta có thể phần nào tạo nhạc tính trong văn thơ nhưng đó vẫn không phải là âm nhạc. Những câu hát mà tác giả trích dẫn trong suốt cuốn sách này, chỉ thực sự gây hiệu quả khi người đọc hình dung ngay trong đầu âm điệu của câu hát ấy. Nếu người đọc không biết bài hát mà tác giả đang đề cập? Thì chỉ là đọc một số câu chữ xơ cứng, văn không ra văn, thơ không ra thơ, lắm khi cũng mượt mà nhưng có khi lại quá... bình thường. Nhưng nếu biết âm điệu của nó thì lập tức một thế giới khác sẽ hiện ra trong đầu và cả tâm hồn người xem, và hiệu quả của luận cứ của tác giả sẽ đến tức thì. Dĩ nhiên đi đôi với việc trích dẫn là lời dẫn giải của tác giả, nhưng dù tài hoa cách mấy cũng không thể hoàn toàn thay thế âm nhạc đích thực cho thưởng ngoạn.

Nhưng khó khăn đó chỉ là một trở ngại tự nó không thể ngăn cản việc viết về âm nhạc. Trái lại những tác phẩm phê bình nhận định về nhạc sĩ nhạc phẩm vẫn được viết, và nhờ đó, âm nhạc vẫn được hiểu, được cảm, có khi còn ngấm sâu hơn là được dẫn giải với phương tiện âm thanh. Xem ra trong học thuật, phương tiện âm thanh, ngay cả trong lãnh vực âm nhạc, hãy còn mong manh theo ý nghĩa của câu tục ngữ ngày xưa: Nói bay, viết còn...

Mỗi một nhạc sĩ sáng tác là một thế giới mênh mông, muốn hiểu họ, cảm họ, phải lặn lội sâu vào cuộc đời và tác phẩm của họ, thậm chí phải len vào những ngõ ngách bí hiểm ít ai biết. Từ trước tới giờ, về âm nhạc Việt Nam, không mấy ai chịu khó như Lê Hữu trong công việc này. Nội một việc phải nghe hết và nghe đi nghe lại các nhạc phẩm của một tác giả thì đã là một kỳ công, vì hầu như chẳng ai khám phá được gì nếu chỉ thưởng thức hời hợt theo lối cưỡi ngựa xem hoa. Từ niềm rung cảm của chính mình do bản nhạc đem lại, tác giả mới dần dò ra từng đặc điểm của người sáng tác, rồi sắp xếp, phân loại, không những là từng bài hát, mà có khi là từng cảm hứng lẻ loi nhưng đặc thù nằm rải rác trong nhiều nhạc bản để từ đó dựng nên một chủ đề sáng tác. Không phải tự nhiên mà có được một bài “Nỗi buồn sông nước trong nhạc chiều Phạm Duy”. Trong khối nhạc phẩm đồ sộ của nhạc sĩ lớn này, Lê Hữu phải thoạt tiên nghe những bản nhạc về sông gặp rải rác đó đây, và phát giác ra những giai điệu và lời ca gây buồn khi Phạm Duy viết về sông nước. Và có lẽ phải qua một quá trình lâu dài nữa mới nhận ra vai trò của buổi chiều, và từ đó thấy ra tính chất quyết định cho cả một chủ đề: nỗi buồn – sông nước – buổi chiều. Phải viết làm sao cho người đọc cảm ứng theo mình, cũng tức là theo nhạc sĩ, cái buồn trong khung cảnh chiều rơi, bên dòng sông. Khi sáng tác, không mấy nghệ sĩ định trước chủ đề mà chỉ viết theo cảm hứng, nhưng họ trở thành lớn lao khi tạo ra một nghệ phẩm tác động sâu sắc vào trái tim của mọi người; và khi người nghiên cứu khoanh vùng được các đặc sắc của tác phẩm để đặt để cho nó một chủ đề, người ấy cũng đạt được một lớn lao không kém, với tư cách là người hiểu nhiều, cảm sâu và thông ngôn các bí ẩn của tài năng sáng tạo ấy đến người khác.

Theo cung cách như vậy, Lê Hữu đã đến với một số nhạc sĩ, và làm công việc trung gian tạo cảm thông và hiểu biết giữa giới sáng tác và người thưởng ngoạn. Một công việc đòi hỏi năng lực thẩm định nghệ thuật mẫn nhuệ, sức làm việc bền bỉ và sự thận trọng. Cũng đòi hỏi phải có thật nhiều tài liệu – bằng cả chữ viết và âm thanh. Lê Hữu đã chứng tỏ mình có đầy đủ các đức tính để làm công việc này, mà ưu điểm lớn nhất là lòng yêu nhạc ít ai bì kịp. Không có tình yêu ấy thì tất nhiên không thể có tác phẩm này.

Little Saigon 10 tháng Tư, 2011
Phạm Xuân Đài

.
.
.


No comments: