Friday, May 27, 2011

ĐÃ ĐẾN LÚC TÔI PHẢI NÓI THẬT NÓI THẲNG (Mai Đinh)


Mai Đinh
27/05/2011

(TTHN) - Bài này của một cô bé đang du học ở Melbourne từ Cần Thơ xa xôi (đi từ 07.10.2008). Đây là nhật ký của cô bé này từ ngày đầu tiên bước chân đến Melbourne, nơi tôi đang ở, cũng như tâm trạng của tôi khi bước chân đầu tiên đến Úc ngày 16.02.1975 (hơn 36 năm nay).
Melbourne với Cần Thơ và DCS bây giờ có lẽ xa lạ gấp trăm lần với tôi từ Saigon với Adelaide và VNCH. Lời văn rất thành thật, trải lòng và bản tính thì không khác gì tôi, thẳng thắn, bộc trực và không bao giờ nói láo (môi trường không cần thiết phải nói láo cũng vẫn sống khỏe).
Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy hứng thú khi đọc bài này, với đầy đủ hình ảnh tuyệt vời của La Trobe University, cùng phòng Ký Túc Xá của cô ấy, ra đường trong những ngày đầu ngỡ ngàng với 1 thành phố hoàn toàn xa lạ ./.
Châu Xuân Nguyễn
————-

Tôi là thế hệ đầu tiên của 8X nên tôi không cảm nhận được sự sinh, tử , biệt ly, niềm vui- nước mắt của 2 cuộc chiến tranh. Tôi chỉ biết qua những trang sử và không bao giờ tôi thắc mắc với Ba Mẹ tôi về những sự kiện lịch sử của Việt Nam. Tôi biết rõ về nguồn gốc gia đình của mình, tôi cũng biết rõ nhiều gia đình bạn bè tôi: nhà nào cũng kẻ Bắc – người Nam, theo Việt Nam Cộng Sản, theo Việt Nam Cộng Hòa, nhà ở Việt Nam, nhà ở nước ngoài.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong môi trường Đại học Cần Thơ, là cái nôi của văn hóa, giáo dục của miền Tây Nam Bộ và là nơi chuyển tiếp của thế hệ cách mạng sau chống Mỹ và chế độ miền Nam cũ ( người ta nói là Việt Nam Cộng Hòa). Nhà tôi ở trong khu tập thể khu 1 – môi trường mà người ta ít bàn về chiến tranh và chỉ nói về chuyện hiện tại và tương lai. Từ nhỏ tôi được học tiếng Anh và tôi mơ ước có 1 ngày tôi đi nước ngoài để khám phá về những gì tôi thấy trong sách tiếng Anh tôi học và vì tôi thích bài hát “ Que Sera Sera”. Ra trường rồi đi dạy, tôi chỉ cắm cúi đến soạn bài, đến chấm bài, tình yêu, tuổi trẻ và đến việc kiếm tiền cho cuộc sống.

Đến năm 2008 là lần đầu tiên tôi bước chân đi nước ngoài – Úc trong chương trình Học Bổng Phát triển Úc ( Australian Development Scholarship). Nhìn những gì xảy ra ở XH Úc, tôi mới thấy sao mà cuộc sống vui vẻ, ấm no yên bình, an ninh, con người được phát triển đúng nghĩa cả phần con và phần người. Tôi so sánh và mới liên hệ những điều xảy ra với gia đình tôi, bản thân tôi để hiểu người Việt Nam và những gì đã và đang xảy ra trong XH Việt Nam. Ngạn ngữ nước ngoài có câu “Death is not the most tragic loss in life. The most tragic loss is what dies inside while you are still alive” (Cái chết không phải là mất mát đau thương nhất trong cuộc đời. Sự mất mát bi thảm nhất là niềm tin chết khi bạn vẫn còn sống.) Và hôm nay tôi muốn giải tỏa tâm lý cho chính tôi – và tôi muốn nói những chính kiến của tôi trong XH Việt Nam này.

Nói đến 1 XH thì có thể thấy môi trường giáo dục là môi trường ít va chạm, bon chen nhất. Ba Mẹ tôi, những người xung quanh tôi cả đời làm cho trường Đại học Cần Thơ. Cuối cùng khi về hưu non, hưu già họ được gì ? Những cô chú, bác xung quanh tôi những người mà tôi biết từ hồi tôi mới được sinh ra được gì ? Những gì họ “được” là 1 sổ lương hưu còm cõi, những gì họ “mất” là lòng tin , sự quan tâm của người đương thời và mọi chuyện đều phải giải thích là “ tại XH nó vậy, phải biết nhìn mặt tốt để sống và cố gắng.” Đối với tôi, đó là 1 XH không nhân đạo, không có tình người và không phải chỉ có riêng gia đình tôi mà rất nhiều gia đình có chung tâm trạng như vậy.

Mẹ tôi có kiến thức y học đàng hoàng, biết cấp thuốc thế nào là đúng liều đúng lượng, ngậm đắng nuốt cay từ làm nghề y tế sang làm quản thủ thư viện, với lý do “lãng tai” không nghe được người ta nói, tằn tiện mua thiết bị trợ thính thì nhức đầu, phải đổi tới đổi lui. Đó là cô giáo dạy Văn trường cấp 3 của tôi được bao nhiêu thế hệ học trò yêu mến cũng phải về hưu, bị sốc vì lý do tương tự. Khi tôi học trong lớp Giao tiếp và giáo dục đa văn hóa ở Úc, thấy cô giáo người Úc tự tin, thao thao bất tuyệt với tai nghe được XH cấp, tôi ngồi trong lớp mà tự nhiên chảy nước mắt vì thương Mẹ tôi, thương cô giáo tôi ở nhà, đã bị trầm cảm 1 thời, chỉ có mình họ hiểu và gia đình họ cảm thông.

Đó là XH mà khi hàng xóm có 1 công ty bị ăn trộm nghiện ma túy cạy cửa, ai cũng tham sống sợ chết, trốn trong nhà, gọi điện cho nhà tôi lúc 3h sáng, Ba con tôi theo dõi, Ba tôi gan anh hùng đẩy “con gái” ra đường để rượt theo tên trộm. Cũng may cho tôi, anh đi bỏ nước đá nửa đêm đã bắt tên trộm và hỏi “ sao em là con gái mà rượt tên này”, khi việc xong thì 113 đến, Mẹ tôi nức nở khóc vì cả xóm trốn, sợ tôi đã bị chết, trách Ba tôi không tiếc mạng con.

Đó là XH mà 1 ngày sau Tết năm 2007 có 1 em sinh viên chém 5 giáo viên tiếng Anh ở trường, cả 5 gia đình, bộ môn tôi dạy đau cả về thể xác và tâm thần, công an điều tra và người xét nghiệm tương tật đều phán xét “tên này sẽ bị tù mọt gông”. Từ bộ môn được chuyển ra bệnh viện, lên Sài Gòn, tôi thấy sự mục nát của hệ thống hành chính giấy tờ, cái gì cũng tiền, coi mạng sống của con người như miếng giẻ rách, từ bệnh viện Cần Thơ đến bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới thấm thía thế nào là người bệnh là mạng sống như làn chỉ mong manh. Vết thương cả thể xác lẫn tinh thần chưa ổn nhưng cuối cùng cũng chấp nhận lệnh từ tòa án thành phố Cần Thơ ngưng án hình sự lẫn dân sự vì em sinh viên ấy có giấy tâm thần phân liệt. Đó là lúc tôi biết sự thật trắng thành đen, Ba tôi gửi đơn về những tình tiết ghi sai trong lệnh ngừng thi hành án của tòa án khi lấy khẩu cung em sinh viên, ông hiệu trưởng mời 5 giáo viên lên làm việc cứ y lệnh tòa án và trấn áp chúng tôi “cứ coi như các vị bị xui” và hãy giữ uy tín cho trường. Và mới đây tôi mới nghe nói “em sinh viên đó chẳng có giấy tờ, chẳng đi khám bệnh gì, chỉ cần ba em ấy nói 1 tiếng với “anh, em” làm ở tòa án và vì ba em ấy làm ở tòa án.

Đó là lúc mà vết thương tôi chưa lành, tôi bị ám ảnh và 1 buổi trưa, Ba tôi thấy và ngăn chọn bọn thanh niên nhân lúc người ta làm ống cống thì đem búa, kéo cắt sắt thép chân hàng rào của hàng xóm, chúng không ngưng Ba tôi nói “báo công an”, chiều thấy công an vào nói chuyện với bọn chúng như những người bạn. Tối hôm đó, 2 tên chở nhau cầm những cục đá bự chọi bể hết 4 tấm cửa kiếng nhà tôi trả thù. May mắn hôm đó Ba tôi không nằm võng ở đó, không thì không biết ra sao. Cả nhà tôi thấy mất niềm tin và xã hội, riêng tôi thì tâm thần bấn loạn, công lý đâu, pháp luật đâu, sao làm chuyện công thì gia đình mình bị hại ? Phường lại họp, khen Ba tôi có ý thức bảo vệ xóm làng, rồi hứa hẹn sẽ quyên góp đền 4 tấm kiếng. Cuối cùng nhà tôi phải tự thay kiếng vì biết lời hứa hẹn của phường là lời hẹn qua cầu gió bay.

Đó là XH mà năm 2008 khi tôi sắp đi học thì Ba tôi, luôn công nhận là mình làm cu li để nuôi gia đình, có việc gì của trường cũng góp ý, khi viết về khuyết điểm của mình “thẳng thắn nên không vừa ý lãnh đạo”, bị tai biến, nhũn não tại chỗ làm khi tức giận, cúi xuống tìm giấy tờ chứng minh người ta làm sai. Trên con đường nhà tôi có đủ người bị tai biến từng làm cho nhà nước làm bạn với Ba tôi ( từ viên chức nhà nước… đến công an bị thương khi thi hành nhiệm vụ), khi họ nằm 1 chỗ, nghỉ làm vì thương tật thì chỉ có gia đình, người cùng cảnh chăm sóc thôi.
Bây giờ tôi mới thấy, XH mà tôi đang sống là XH không nghe được ( như Mẹ tôi), không nói được ( như Ba tôi) và chết tất cả phần con và phần người ( như tôi). Và là XH mà những người xung quanh tôi khi về hưu là không ai dòm ngó, không ai nhìn họ, lại phải bươn chải, lăn lộn với dòng đời để nuôi gia đình, không tiền, không quyền là không thể xin việc làm cho con, đồng nghĩa với thất nghiệp, ăn xin, không một đồng trợ cấp XH.

Đó là XH mà ai cũng phải tranh đấu để giành chỗ đứng cho mình, lãnh đạo thì giẫm đạp, bất chấp thủ đoạn, vơ vét của nhân dân, chối bỏ những người đã từng bỏ thịt xương trong quá khứ. Người hiện tại thì cạn tình bạc nghĩa với người quá khứ, xem thường hiện tại, vơ vét và vì lợi ích gia đình, cá nhân.

Đó là XH mà cậu ruột ( em mẹ tôi) đi bộ đội thời chống Mỹ được bằng khen, huân huy chương, rồi phải dẫn dắt vợ con đi kinh tế mới ở Đắc Lắc, cuốc đất trồng cà phê, vết thương ở chân nhiễm trùng mà mất.

Đó là XH mà có bà Ba Sương – người phụ nữ anh hùng Châu Á thời kỳ đổi mới (Ba bà là ông Năm Hoằng, anh hùng chống Mỹ có công khai khẩn nông trường sông Hậu cho hàng trăm nông dân), cuối đời thân cô thế cô, không nhà không cửa, không gia đình mà bị nhà nước bỏ tù vì tội lạm dụng gây quỹ trái phép ( gần 10 tỉ đồng) để lo cho đời sống bao người nông dân và hàng trăm người nông dân nông trường ký đơn đi tù thay bà. Đó là XH mà thủ tướng chính phủ thành lập Vinashin làm ăn thua lỗ thất thoát gần 100 nghìn tỷ đồng, 10 đoàn giám sát của Chính phủ vào đều không phát hiện sai phạm, không ai bị ở tù.

Đó là XH mà vụ PMU18 chìm xuồng, bao nhiêu công trình giao thông từ Bắc chí Nam bị rút ruột, sắt thép được thay bằng ống tre và những nhà báo quả cảm XH điều tra vụ việc, viết phóng sự đều bị bỏ tù.

Đó là XH mà những công trình công cộng từ Nam chí Bắc, từ trường học đến bệnh viện, từ cầu đường đến bảo tàng lịch sử ngoài Hà Nội đều bị cưa sẻ 5 phần 8 mảnh để chia phần trăm vào túi các vị. Ở XH nào mà công trình công cộng, chỗ thì siêu vẹo, chỗ thì chưa xây xong đã thấy nứt tường sắp sập, cầu thì sập, bảo tàng thì nham nhở, chỉ cần gió mạnh, bão lớn thì tất cả cùng sập, lại chết người dân.

Đó là XH mà vụ sập cầu Cần Thơ tháng 9/ 2007, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương tắc trách, 54 đàn ông thanh niên chết oan, bao nhiêu Ba Mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng, và con đường hứa hẹn làm cho làng của họ vẫn còn dang dở mà không biết kêu ai. Không có XH nào mà khi cha mình bị chết oan mà con gái phải cầm giấy phát biểu văn bản soạn sẵn “Kính thưa quý đại biểu, Đảng lãnh đạo…” và dứt lời cuối cùng phải “cám ơn quý lãnh đạo Đảng đã quan tâm đến gia đình chúng con”.

Đó là XH mà bao nhiêu người đầu đường xó chợ, màn trời chiếu đất, không công ăn việc làm vì không tiền, không quyền, không quen biết, phụ nữ thì lâm vào tệ nạn mại dâm, đàn ông thì beer ôm, cá độ, đá gà, đánh đề… thanh niên thì nghiện game online, ma túy…sống ích kỷ chỉ biết bản thân, túng quẫn thì giết cả người trong gia đình hòng cướp đoạt tài sản.

Đó là XH mà mạng người coi rẻ như giẻ rách, phá tài nguyên, chặt rừng, đốn cây, phá môi trường, động vật nuôi, thú rừng gì cũng ăn mà coi trọng con rùa, gọi bằng “cụ” và bao nhiêu giấy mực, tiền của chi trả cho sự trợ giúp hiến kế của các bộ, ngành, nghiên cứu của các nhà khoa học, thực thi bởi quốc phòng để kéo “cụ” lên chữa bệnh mà như trò hề, đến con nít coi cũng phì cười cho trò lố lăng.

Đó là XH mà những người phụ nữ giành chồng của vợ con, phá vỡ gia đình người khác thì được đưa lên báo chí, truyền hình làm thần tượng cho giới trẻ về vẻ đẹp, sự thẳng thắn, sự thông minh… Là XH mà đàn ông thì sáng, trưa, chiều tối đều ở quán café, quán nhậu, quán beer ôm và không biết chia sẻ công việc gia đình, ỷ lại vào phụ nữ.

Đó là 1 xã hội mà giáo dục từ mẫu giáo mầm non đến đào tạo tiến sĩ trong nước xuống cấp suy đồi, học không phải để hiểu biết mà học vì tiến chức thăng quan, vun vén cho cá nhân, gia đình, họ hàng, dòng tộc. Từ mẫu giáo đến tiến sĩ đâu đâu cũng hối lộ, phong bì, bậc học càng cao thì tiền chi “ phong bì” càng nhiều:
+ Trẻ em cấp 1 thì học chương trình nhồi nhét, phản khoa học, tâm lý lứa tuổi, trẻ em không có tuổi thơ. Vào lớp 1 đã phải thi, ở các thành phố trẻ em vào lớp 1 bị buộc thi cả tiếng Anh. Từ nhỏ trẻ con không được đào tạo thành 1 em bé ngoan, vâng lời thương yêu ba mẹ, gia đình mà chỉ biết cô giáo nói là đúng, ai nói cũng sai, học tính “tranh đấu” để mình có vị trí ( trường chọn, trường điểm, thi thố giải các cấp), bệnh thành tích, thi thố để được hơn người khác, hoàn thành chỉ tiêu giáo dục phổ cập, đúng với khẩu hiệu “ thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”.
+ Nhà nhà không có việc làm vì không có quen và không có tiền, trẻ con nhà nghèo bị người lớn bắt làm công cụ lao động ngoài sức lực, ảnh hưởng tâm lý
+ Thành thị: bán vé số, lớn thì tự đi bán, nhỏ thì được ẳm ngửa trên tay; đánh giày, xin ăn, bán dạo ở khu vực công cộng, làm thuê bất cứ nghề gì, khiêng vác, xây dựng, khu chế xuất ( chủ thuê lậu)
+ Nông thôn: lên thành phố làm nghề giữ em, giúp việc, hoặc ở nhà mò cua, bắt ốc, chăn trâu, nhổ cỏ, làm công việc đồng áng, làm mướn.
+ Trẻ con chết oan, bị thương tật vĩnh viễn rất thương tâm do lỗi của người lớn, thấy sai mà vẫn để im, dư luận lên tiếng rầm rộ mới vào cuộc: đi học về đắm thuyền , ghe, đò chết, dây điện rớt xuống chết, cột điện ngã trúng chết, tai nạn giao thông do lỗi tắc trách của người lớn, đường xá chết, đi ăn nhà hàng với ba mẹ chết, bị hãm hiếp chết.
+ Từ Nam chí Bắc đều có những vụ hành hạ, tra tấn trẻ con trong trường, trẻ giúp việc và trong các trường mẫu giáo, cấp 1, học trò vẫn bị các cô giáo đánh vô tội vạ. Nhiều người nghèo cũng ráng lo tiền cho Cô giáo giữ trẻ để con mình được đối xử tốt, được để ý và vì ai cũng cho, con mình không cho sợ bị đì…
+ Những vụ việc hãm hiếp trẻ con vỡ ra thì XH căm phẫn, bức bối và lo sợ cho con cái mình: Thầy giáo hiếp học trò, ông cụ trong xóm hiếp bé gái, cha dượng hiếp con vợ, Thầy hiệu trưởng mua bán dâm học trò cho mình và quan chức, những vụ mua bán trinh trẻ em, trẻ em bị mua bán trinh theo đường dây, bác sĩ lừa, dụ dỗ bệnh nhân vị thành niên… Tùy vụ xử lý nặng nhẹ khác nhau, có vụ học trò kiện Hiệu trưởng mà đổi trắng thay đen, chỉ có gia đình có con là nạn nhân là ôm con lãnh đủ và không biết làm thế nào để giải thích cho con, làm nguôi ngoai vết thương tinh thần của con đến suốt cuộc đời
+ Học trò nữ cấp 2, 3 thì bạo lực học đường, xé áo đánh đập bạn rồi quay phim, gửi lên mạng, hết trường này đến trường khác. Học trò nam thì đứng nhìn, cổ vũ…
+ Học trò nam, nữ nhuộm tóc màu, cắt theo người mẫu nổi tiếng trong và ngoài nước, tài tử Hàn Quốc, Nhật, nam đeo khuyên tai, để tóc dài, xăm tay, lưng, chửi thề, văng tục, hỗn láo với người lớn, Thầy Cô.
Thi đại học đầu vào cũng là “tranh đấu”, nhưng đầu ra thì dễ dàng, ai vào đại học được là ra cũng được. Nhà nhà học đại học, khắp nơi mở trường đại học, sinh viên học nhiều chuyên ngành, chuyển cách dạy thành hệ thống tín chỉ như nước ngoài nhưng mọi thứ thả nổi, miễn Ban giám hiệu, bộ giáo dục có thật nhiều tiền, giáo viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên ngậm ngùi khóc.

Đó là XH mà ở tất cả các trường đại học và cao đẳng trong cả nước sinh viên phải học những môn chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Thầy Cô giảng, trò ghi ghi chép chép không hiểu trời trăng gì và đi thi thì hồi xưa học tủ, ngày nay đề mở lật tập và kết quả hên xui. Sinh viên được học quân sự cầm súng, lên đạn kéo cò, ngắm bắn như sẵn sàng 1 cuộc tập kích chiến tranh. Vậy mà khi Trung Quốc tấn công đảo Trường Sa, ngư dân Việt Nam bị bắn thì chỉ thị không cho báo chí viết là tàu Trung Quốc, phải ghi là Tàu lạ. Sinh viên không được biểu tình thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm.

Đó là XH mà cấp cao lãnh đạo giáo dục cấp bộ, cấp trường bỏ bao nhiêu tiền của đi tham quan các trường tiên tiến phương Tây thì giao tiếp không biết, cần phiên dịch, hoặc qua còn phải bập bẹ tiếng Anh thì học hỏi gì ? Thậm chí họ không biết du học sinh từ trường học đang học gì, đời sống như thế nào, không biết chương trình người ta dạy, học thế nào, toàn là lấy tiền đi tham quan, du lịch du hí và về nước lại bàn việc thăng quan tiến chức.

Một đất nước mà những người lãnh đạo cao nhất chỉ là những người tha hóa biến chất, phi học thức, phi văn hóa, phi đạo đức, chỉ biết bòn vét tiền của, công sức mồ hôi của nhân dân, nhà trường thắt cổ buộc họng, bó tiền lương của công nhân viên mà miệng lúc nào cũng khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” thì làm sao dân có “ độc lập – tự do – hạnh phúc”, “ XH công bằng, dân chủ, văn minh” được.

Là XH dân chủ mà sao những người đứng đầu không phải do dân bầu cử mà ra ? XH dân chủ mà dân thì không bầu, chưa công bố mà BBC đã biết chính xác vị nào làm chức gì.

Những người đại diện cho trường Đại học Cần Thơ để bỏ phiếu bầu cử đại biểu các cấp là những người tôi chưa từng nghe họ phát biểu, hứa hẹn gì cho trường Đại học Cần Thơ thì làm sao hứa hẹn cho cả đất nước. Tôi không phục, không theo những người quay lưng với Thầy Cô dạy ngoại ngữ của mình, gặp Thầy Cô thì không chào.

Đó là XH mà kết nạp đảng cho người ưu tú, trong sạch, đảng được coi là cha mẹ của dân, đảng viên. Nhưng khi đảng viên phạm lỗi, lầm lỡ thì kỷ luật, khai trừ khỏi đảng để kỷ luật chính quyền. Có ba mẹ nào mà con hư thì khai trừ con ? Có ba mẹ nào vì muốn gia đình mình trong sạch, vững mạnh mà không giúp con sủa lỗi, chỉ đuổi con ra khỏi nhà và để người khác trừng phạt nó ?

Tôi thường hỏi sinh viên, học trò “ vào Đoàn, vào Đảng để làm gì ?” Tất cả đều sợ chính trị nên không dám trả lời, nhưng tôi biết họ đã có câu trả lời: để đóng tiền Đoàn phí, Đảng phí, có cơ hội thăng tiến tương lai và cũng có 1 số vào Đảng vì thấy người ta vào thì mình cũng vào.

Cuối cùng, tôi xin nói thật “Chưa bao giờ tôi dám thừa nhận mọi người Tôi là người Đảng viên từ năm 2003.” vì Ba tôi bắt, tôi cảm thấy bất lực trước XH này, trong trường Đại học Cần Thơ này, và tôi chỉ còn biết dán chữ ” Số phận” (Destiny) lên trán.

@ Mai Đinh

Tham khảo: Tôi từng viết tâm sự của gia đình mình, của bản thân mình khi bị chém ở đây:
- Bài “Mất ngủ ở Melbourne” : về Ba tôi và người xung quanh trong bệnh viện
- Bài “20/11/2008”: Về 5 giáo viên bị chém trong đó có tôi

Đọc thêm :
.
.
.

No comments: