Ngọc Lan/Người Việt
Monday, May 16, 2011 4:51:35 PM
Monday, May 16, 2011 4:51:35 PM
Trẻ em Litte Saigon nghĩ về tiếng Việt
WESTMINSTER (NV) - Ðến Little Saigon, miền Nam California, có người cứ ngỡ như đang đứng trước một thành phố nào đó trên đất nước Việt Nam.
Các học sinh lớp tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Hồng Bàng cùng nhau tập viết câu tiếng Việt trên bảng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Nhiều người ví von “sống ở Little Saigon, không cần biết một 'nút' tiếng Anh vẫn cứ sống thoải mái phây phây.” Nhận xét đó dường như không hề sai.
Bước chân trên đường phố Little Saigon, đâu đâu người ta cũng bắt gặp “Việt Nam” - người Việt Nam, tiếng Việt Nam, tiệm Việt Nam,...
Tuy nhiên, trẻ em gốc Việt đang sống ở Little Saigon, lớn lên ở Little Saigon, lại không phải là những người có thể dễ dàng nói được ngôn ngữ tiếng Việt như mọi người vẫn tưởng. Không dưng mà khi nghe được những đứa bé gốc Việt mở miệng nói tiếng Việt một cách sành sõi nơi đây, người lớn lại cảm thấy có điều gì như sung sướng, hãnh diện.
Lắng nghe chia sẻ của các em về việc cố gắng nói tiếng Việt sẽ thấy có nhiều điều thú vị lẫn những điều khiến người lớn phải suy nghĩ. Và tất cả những điều này, các em nói bằng... tiếng Anh.
Tiếng Việt: Ðể ba mẹ, ông bà hiểu em
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Trinh Trương, một học sinh trường La Quinta, cho biết: “Em phải nói tiếng Việt vì bà ngọai em không biết nói tiếng Anh.”
Cô bé đang học lớp 10 này thổ lộ (bằng tiếng Anh): “Em không thật sự xuất sắc trong việc nói tiếng Việt, nhưng em cũng không hề cảm thấy mất tự nhiên khi nói chuyện bằng tiếng Việt, trừ khi ở nơi em nói có người nói tiếng Việt giỏi quá thì em mới cảm thấy 'feel bad' về vốn tiếng Việt của mình.”
Mỗi lần như vậy, Trinh lại muốn cố gắng học hỏi thêm tiếng Việt. Những lúc đó, em cứ hỏi: “Ba ơi, chữ này ba nói làm sao?”
Lớp Việt ngữ tại Thánh đường Lutheran Reformed Church, thành phố Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cũng đang là học sinh trường La Quinta, Yennhi Nguyễn, học sinh lớp 10, được bố mẹ mang sang Mỹ khi em mới 8 tháng tuổi.
Yennhi không hề có suy nghĩ là bị ba mẹ ép buộc phải nói tiếng Việt mà “chỉ đơn giản là em lớn lên trong một gia đình nói tiếng Việt, và cứ vậy mà em nói tiếng Việt.”
Thêm vào đó, “ba mẹ em không hiểu tiếng Anh.” Yennhi giải thích, cũng bằng tiếng Anh.
Ðây cũng là trường hợp của Hải Vũ, một học sinh lớp 11 ở vùng Little Saigon.
“Ba mẹ em không thể nói ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt, nên em phải nói tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng duy nhất em có thể nói để ba mẹ hiểu em.” Hải chia sẻ, dùng tiếng Anh.
Thiện Nguyễn, đang học lớp 3 ở học khu Garden Gorve, thổ lộ, cũng tiếng Anh, “Ở trường con không có nói tiếng Việt, vì con biết tiếng Việt con không giỏi, con sợ mấy bạn nhìn con một cách quái lạ. Nhưng ở nhà thì con rất thích được nói tiếng Việt vì con không sợ có ai cười con hết.”
“Em nói tiếng Việt vì em còn phải giúp những người không biết tiếng Anh,” là một lý do thêm vào chuyện Jackie Nguyễn học nói tiếng Việt. Em thừa nhận em nói tiếng Việt nhiều và nói giỏi vì em “phải nói chuyện với ông bà em. Ông em là người dạy em 'all the words.'” Tuy nói tiếng Việt rất rành, cô học trò lớp 11 trường Bolsa Grande này nói câu chuyện này cũng bằng tiếng Anh.
Qua những cuộc trắc nghiệm nhỏ tại lớp, một thầy giáo đang dạy tại trường tiểu học Willmore cho biết: “Nhiều em nói các em hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi nói tiếng Việt. Một số em thì hơi ngần ngừ, nghĩa là các em đó cảm thấy mình không giỏi khi nói tiếng Việt, nhưng các em lại hiểu tiếng Việt rất tốt. Phần lớn các em sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên khi các em ở cùng người Việt. Tuy nhiên, khi được hỏi hay yêu cầu dịch, chuyển nghĩa chính xác một chữ tiếng Anh sang tiếng Việt, các em lại thường đắn đo và đôi khi lại thấy bối rối, ngượng ngùng nữa.”
Cũng theo thầy giáo này, việc nói tiếng Việt ở nhà giúp các em có thêm sự gần gũi, cảm thông trong gia đình.
Tiếng Việt: Ðể bạn khác không biết mình đang nói gì!
Một lý do rất ngộ nghĩnh giúp các em đôi khi muốn nói tiếng Việt tại trường là vì “các em có thể nói lén hoặc nói một cách bí mật mà không sợ những bạn khác nghe được để hiểu và đi méc lại với người khác.” Một giáo viên tiểu học thuộc học khu Westminster nhận xét.
Trinh Nguyễn kể lúc em còn học ở trường middle school, em có hai người bạn Việt Nam cũng nói được chút ít tiếng Việt. Mỗi khi muốn nói với nhau “những điều bí mật mà không muốn cho đám bạn Mỹ trắng biết” thì Trinh và hai bạn của mình dùng tiếng Việt để nói.
Giờ ra chơi trong lớp Việt ngữ của Trung tâm Văn hóa Hồng Bàng, trong sân trường Bolsa Grande High School. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Jackie chia sẻ: “Em biết nhiều bạn nói tiếng Việt vì không muốn những đứa Mỹ trong trường hiểu được họ đang nói về cái gì. Mấy bạn cảm thấy thoải mái khi nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, cảm thấy thú vị hơn khi thảo luận, bàn cãi với nhau bằng tiếng mẹ đẻ hơn là bằng tiếng Anh.”
Tuy nhiên, như cảm nhận của Phan Nguyễn, một học sinh lớp 12 thuộc học khu Garden Grove, việc nói tiếng Việt trong trường cũng khiến một số học sinh gốc Việt không giỏi tiếng Việt và những học sinh không phải người Việt lấy làm “khó chịu,” “không thích” vì trong khi “một đám cứ nói tiếng Việt suốt, thì đám kia chả hiểu gì hết.”
Tiếng Việt: Ðể thấy mình thuộc về cộng đồng
Trinh Nguyễn đã có một cảm nhận rất đáng yêu khi cho biết: “Nói được tiếng Việt em cảm thấy như mình vượt lên hơn hẳn những người khác,” dù khi nói chuyện với những người Việt nói tiếng Việt “pro” em lại cảm thấy “ngượng ngùng.”
Không chút ngại ngần, Trinh trả lời rằng “Không” ngay khi được hỏi: “Em có nghĩ rằng sống ở Mỹ thì chỉ cần biết tiếng Anh là đủ, không cần phải biết tiếng Việt không?”
Cô bé sinh ra và lớn lên ở Mỹ này cho rằng em có được “niềm kiêu hãnh” khi biết thêm tiếng Việt.
Trinh nói: “Giống như khi mình đi xin việc, mình có thể được chấp nhận dễ dàng khi mình biết những ba thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Việt.”
Sang Mỹ khi chưa đầy một tuổi, Yennhi Nguyễn, đang học lớp 10 trường La Quinta, nhận xét: “Phần lớn người Mỹ gốc Việt ở đây chỉ nói tiếng Việt, điều đó khiến em nghĩ rằng tiếng Việt là quan trọng mà em cần biết để có thể giao tiếp với cộng đồng.”
“Với em nói tiếng Việt là một sự kế thừa bắt buộc bởi làm sao chúng ta có thể truyền lại ngôn ngữ này cho thế hệ sau khi mà chúng ta chỉ có nói thuần tiếng Anh?” Yennhi bộc bạch cảm nhận.
Yennhi cũng cho rằng: “Nói chuyện bằng tiếng Việt với những người không biết tiếng Anh nhằm làm cho người khác không có cảm giác bị bỏ rơi.”
Yennhi cho rằng em không tự tìm kiếm nguồn gốc Việt của mình mà “những người Việt Nam đến Mỹ đã tự mang theo nền văn hóa đó. Và tự lúc nào, em cảm thấy nền văn hóa đó là nhà của mình.”
“Ngoại trừ tiếng bấm còi xe chết tiệt suốt ngày,” Nhi nhận xét.
Trong khi có học sinh gốc Việt chỉ muốn khẳng định rằng mình sinh ra ở Mỹ, lớn lên tại Mỹ, học hành, nói năng và trưởng thành như một người Mỹ chính gốc, thì Yennhi Nguyễn lại đồng ý với vấn đề “người Việt Nam nên chấp nhận sự tồn tại của nền văn hóa chúng ta bên cạnh nền văn hóa Mỹ.”
Cô học trò trung học so sánh một cách ngộ nghĩnh: “Cần phải chấp nhận sự tồn tại của nền văn hóa chúng ta bên cạnh nền văn hóa Mỹ, trước khi người Việt Nam bị tuyệt chủng như loài khủng long vậy.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment