Tuesday, May 24, 2011

CỬ TRI VIỆT NAM THỜ Ơ TRƯỚC SỰ CỔ ĐỘNG BẦU CỬ ẦM Ĩ (Oman Daily Observer)



23-05-2011

Nguồn: Vietnamese voters unmoved by poll fanfare. Oman Daily Observer, 22 May 2011


Đường phố Hà Nội giăng đầy bích chương, biểu ngữ cổ động bầu cử, nhưng người dân không biểu lộ sự nhiệt thành mà người ta hy vọng thấy trong ngày bầu cử hôm nay. Gần 830 ứng cử viên chạy đua vào 500 ghế Quốc hội, là một “cơ quan nắm quyền lực nhà nước cao nhất” theo hiến pháp.

Những bích chương mang những khẩu hiệu đại loại như “Bầu cử Quốc hội là ngày hội của toàn dân,” hay thiết tha chẳng kém như “Đi bầu là quyền lợi và nhiệm vụ của mỗi một người dân.” Loa công cộng thỉnh thoảng phát oang oang huấn thị đi bầu, xen kẽ với những khúc quân hành quen thuộc. Nhưng ở chỗ riêng tư, chuyện trò của người dân hiếm khi nói về phạm trù chọn lựa mang tính dân chủ.

“Một cách thành thật, tôi chẳng thiết tha lắm chuyện bầu cử này vì tôi không tin cuộc bầu cử này sẽ tạo nên một sự khác biệt,” giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ở Hà Nội ông Lê Bạch Dương nói. “Mọi cái đã được sắp xếp trước. Chả có gì thay đổi bất luận ai được bầu.” Hôm nay (DCVOnline: Chủ Nhật ngày 22 tháng Năm) là ngày bầu cử Quốc hội và Ủy ban Nhân dân cho bốn năm tới. Quốc hội trên danh nghĩa làm luật và kiểm soát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế Quốc hội nhà nước Việt Nam là con bù nhìn của đảng Cộng sản Việt Nam.

Hầu hết tất cả ứng cử viên Quốc hội được viên chức nhà nước đề cử, và đều được xét duyệt bởi đảng Cộng sản trước khi sự ứng cử của họ được phê chuẩn. Trên lý thuyết, quốc hội có thể bác bỏ ứng cử viên, nhưng thực tế hiếm khi xảy ra. Cũng theo lý thuyết, những người ứng cử viên độc lập được phép ra tranh cử, và đã có 83 người đã cố ra tranh cử trong năm này. Nhưng chỉ có 15 người lọt qua được sự xét duyệt của người đại diện cho đơn vị địa phương của họ.

Một số người hoạt động cổ xúy dân chủ đã tự ra ứng cử, dù họ biết rằng chắc chắn sẽ bị loại, với một thái độ phản đối có cân nhắc thận trọng. Trong số những người này là luật sư Lê Quốc Quân, một cựu nghiên cứu sinh của National Endowment for Democracy có trụ sở ở Hoa Kỳ. Một luật sư khác, ông Cù Huy Hà Vũ, người bị kết án bảy năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước,” trong cuộc bầu cử trước đây ông Vũ cũng đã từng đứng ra ứng cử nhưng không được phép tranh cử.

Những người tự ứng cử nhưng bị loại khác trong qúa khứ bao gồm luật sư Lê Công Định, một người chỉ trích công khai việc khai thác mỏ bô-xít ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam, hiện đang bị tù vì tội hăm dọa “nền an ninh quốc gia,” và thầy giáo trung học Đỗ Việt Khoa, người đứng ra vận động bầu cử nhắm vào việc chống tham nhũng trong hệ thống giáo dục.

Cuộc bầu cử Quốc hội năm nay xảy ra cùng lúc với cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân trên toàn cả nước. 4.000 người của hội đồng nhân dân này được người dân trực tiếp bầu, và sau đó hội đồng này sẽ bổ nhiệm Ủy ban Nhân dân, là cơ quan nắm quyền lực hành chánh cho những vấn đề của địa phương.

Nhà nước đã bỏ ra 35 triệu để chi cho cuộc bầu cử này, bao gồm 91.000 cơ sở bỏ phiếu và chiến dịch tuyên truyền ồn ào, sặc sỡ. Nhưng không rõ chuyện tuyên truyền bầu phiếu này có tác động nhiều đến cử tri hay không.

“Tôi nhận thẻ đi bầu hôm Chủ Nhật tuần rồi, nhưng tôi không biết bất cứ cái tên ứng cử viên nào trong khu vực của mình,” một nhân viên của một công ty in ấn ở Hà Nội cô Nguyễn Thu Nga nói. “Bầu cử Quốc hội rất là hình thức, nặng phần trình diễn.”

“Tôi chưa quyết định là tôi có nên đi bỏ phiếu vào hôm Chủ Nhật hay không,” cô ta nói.

“Tuy nhiên, tôi vui vì công ty tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng in tờ rơi quảng cáo và bích chương,” cô nói.

Một quan sát viên ngoại quốc đồng ý. “Khi tôi thấy những bích chương vận động quảng cáo lần đầu, tôi nghĩ cuộc bầu cử rất là dân chủ,” một nhà ngoại giao Á châu đã sống ở Hà Nội ba năm qua nói. “Nhưng sau khi nói chuyện với người địa phương, tôi thấy là cảm nghĩ thoạt đầu của mình sai,” ông ta nói. “Người Việt Nam chú ý đến sự lạm phát hơn là chọn người đại diện cho họ.”


© DCVOnline

.
.
.

No comments: