Friday, May 20, 2011

CON TƯỚNG VANG PAO NÓI VỀ VỤ MƯỜNG NHÉ (Trần Đông Đức, BBC)


Trần Đông Đức
Ký giả tự do - Hoa Kỳ
Cập nhật: 10:45 GMT - thứ sáu, 20 tháng 5, 2011

Ông Neng Chu Vang, một nhà hoạt động cộng đồng của người Hmong tại Hoa Kỳ và là con trai của tướng Vàng Pao lên tiếng về vụ Mường Nhé trong khi trong cộng đồng người Hmong tại Hoa Kỳ nhận được rất nhiều thông tin của bà con đang còn trốn ở Việt Nam và yêu cầu người Hmong Hoa Kỳ giúp đỡ.

Với một tâm trạng chân thành và xây dựng, ông yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy nhẹ tay với những người Hmong đang bị bắt.
Ông Vang không có một sự thách thức nào về mặt lý tưởng với chính phủ Việt Nam và Lào mà chỉ mong thúc đẩy sự hội nhập toàn diện của người Hmong vào xã hội công dân một cách đầy đủ và hưởng cuộc sống hòa bình.
Với kinh nghiệm của một nhà hoạt động cộng đồng người Hmong ở Hoa Kỳ, ông cũng hy vọng làm nhịp cầu thông cảm sắc tộc giữa người Hmong với Lào và Việt Nam nếu có yêu cầu. Ông cho biết đây cũng là ý nguyện cuối đời của người cha quá cố.

Cũng theo lời ông, năm năm trước khi qua đời, tướng Vàng Pao đã muốn quên đi quá khứ chiến tranh đau buồn mà chú ý nhiều tới phúc lợi cho cộng đồng và sự tồn tại của người Hmong hội nhập vào xã hội công dân.
Khi được hỏi về vụ tướng Vàng Pao cách đây vài năm bị chính phủ Hoa Kỳ bắt về tội buôn vũ khí, ông xác định rằng đó là sự ngộ nhận trầm trọng.
Vào thời điểm đó, khi Thái Lan quyết định trả mấy ngàn người Hmong từ Thái về Lào, một số thân cận của tướng Vàng Pao quyết định giúp đỡ người Hmong về vật lực trong đó có khoản vật dụng súng trường như dụng cụ phòng thân cho cuộc sống bản làng.
Người Hmong vẫn dùng súng để săn bắn. Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ, không có khả năng thực hiện nhưng bị diễn giải sai lệch dẫn đến sự bắt giữ tạm thời.
Tướng Vàng Pao đã được minh oan, sau đó được trả tự do và vừa qua đời vào năm ngoái. Vào ngày 12/5/11 tướng Vàng Pao còn được vinh danh với đầy đủ nghi thức danh dự tại nghĩa trang Arlington, Hoa Kỳ.
Đây là một nghĩa cử đặc biệt coi như để đáp lại yêu cầu của Hmong mong được được chôn cất tướng Vàng Pao tại nghĩa trang quốc gia Arlington, là điạ điểm thích hợp và thuận lợi cho việng hành hương thăm viếng.
Tuy tướng Vàng Pao không được chôn vào nghĩa trang danh dự do thủ tục và nghi thức quân đội Hoa Kỳ nhưng ông vẫn luôn là người đáng được tôn kính về sự dũng cảm của một chiến binh và trách nhiệm với đồng bào, đồng đội trong hòa bình.
Ông Chu Vang rất nhã nhặn trong vị trí của một nhà lãnh đạo sắc dân thiểu số.
Ông cũng gởi lời nhắn nhủ tới cộng đồng người Hmong không nên làm điều gì để thách thức Việt Nam về mặt chủ quyền mà hãy làm theo địa vị và trách nhiệm của công dân Việt Nam.

Kiến nghị với Việt Nam
Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị với chính phủ Việt Nam hãy có một giải pháp tốt đẹp và chân tình để giúp cộng đồng Hmong phát triển, ít ra cũng theo chính sách hội nhập như người Hmong ở Thái Lan, đừng để khoảng cách đói nghèo quá lớn.
Ông cho biết khu vực Mường Nhé là nơi có sự giao lưu sâu rộng giữa cộng đồng thị tộc người Hmong tại biên giới Việt Lào.
Một số người Hmong ở Lào và Việt Nam đều qua lại từ nhiều năm cho nên những lời kêu cứu về sự kiện này đang lan rộng trong cộng đồng Hmong ở Hoa Kỳ.

Ông Chu Vang nói người Hmong hội nhập tốt vào xã hội Hoa Kỳ

Ông Chu Vang nói rằng người Hmong ở Mỹ hội nhập tốt đẹp vào xã hội mới và trở thành những công dân hữu ích. Nếu có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm này, ông sẵn sàng có sứ mệnh hòa bình để làm giảm thiểu căng thẳng.
Ông cũng hy vọng qua sứ mệnh hòa bình này, các sắc dân khác ở Việt Nam và các dân tộc chủ thể đa số có sự hiểu biết về tâm nguyện của nhau và cùng phát triển để cùng tồn tại.
Ông nhấn mạnh ý tưởng cho dù có sự mâu thuẫn tới mức nào cũng có thể hàn gắn và chấp nhận nhau, không nên phỉ báng và tìm cách triệt tiêu nhau như trong quá khứ.

Khác với những tin đồn về tướng Vàng Pao, ông Chu Vang khẳng định tướng Vàng Pao không hề sáng lập ra đạo Vàng Chứ nào cả.
Suốt đời tướng Vàng Pao theo đạo Shaman, tôn giáo truyền thống của người Hmong. Bản thân ông Chu Vang theo đạo Phật.
"Vàng Chứ" phát theo chính âm trong tiếng Việt là Vương Chúa hoặc Vương Chủ, (họ Vàng trong tiếng Hmong tương đương với họ Vương trong tiếng Việt), tương tự như từ đạo Thiên Chúa trong tiếng Việt không mang tính chất mê tín hay giáo phái nào cả.
Ông cũng phủ nhận việc người Hmong đòi thành lập vương quốc nào đó ở Việt Nam và quả quyết rằng người Hmong thực sự không có viễn kiến và giấc mơ như thế này.

Trong số con trai của tướng Vàng Pao, ông Chu Vang có uy tín đặc biệt trong cộng đồng người Hmong nhưng là một nhân vật thận trọng kín đáo, làm việc tận tuỵ trong việc dàn hòa các mâu thuẫn thị tộc.
.

Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại Philadelphia, Hoa Kỳ.

---------------------------------

NGƯỜI H’MONG  (TÀI LIỆU của BBC)

TTXVN 'bác bỏ tin sai' về Mường Nhé  -    06:12 GMT - thứ năm, 19 tháng 5, 2011
Tổ chức HRW kêu gọi điều tra vụ Mường Nhé  -   04:37 GMT - thứ ba, 17 tháng 5, 2011
Dân Mường Nhé 'đã về nhà'   -   05:50 GMT - thứ ba, 10 tháng 5, 2011
Vụ Mường Nhé: hàng trăm người còn lẩn trốn   -  10:11 GMT - thứ năm, 12 tháng 5, 2011
Phó Thủ tướng Việt Nam thăm Mường Nhé   -   Cập nhật: 07:24 GMT - thứ hai, 9 tháng 5, 2011
Biên phòng Online  -   Cập nhật: 09/05/2011 00:51
Sứ quán Mỹ điều tra tin bạo động Mường Nhé  -  10:46 GMT - thứ sáu, 6 tháng 5, 2011
Thăm người Hmong ở Wisconsin   -   Trần Đông Đức   11:38 GMT - thứ sáu, 6 tháng 5, 2011
Bất ổn ở Mường Nhé: Nhiễu loạn thông tin  -   Nguyễn Hùng   -   15:16 GMT - thứ sáu, 6 tháng 5, 2011
Tin trái chiều về vụ bạo động Mường Nhé  -    12:59 GMT - thứ năm, 5 tháng 5, 2011
Người Hmong Tây Bắc trong mắt tôi   -   16:06 GMT - thứ năm, 5 tháng 5, 2011
Nhân vụ Mường Nhé nói tới người Hmong   -   14:05 GMT - thứ năm, 5 tháng 5, 2011
Người Hmong ở Mường Nhé 'bạo động'    -     10:31 GMT - thứ tư, 4 tháng 5, 2011
Người Hmong ở Guyane (phần 2)   -   18h08 GMT -  18 Tháng 3 2004








Đọc thêm

.
.
.

No comments: