Sun, 05/22/2011 - 05:59
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp Việt Nam, từ 1995 đến 2010, đã có khoảng 257.555 người Việt Nam lấy người nước ngoài, trong số này hơn 80% là phụ nữ. Thống kê này cũng cho thấy Việt Nam đã “kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc chiếm 11%, Ðài Loan 30%, Mỹ gần 14%, Hàn Quốc gần 13%…”.
Tôi có đứa em đi dạy tiếng Việt ở Hàn Quốc, nhưng không phải dạy cho người Hàn, mà là dạy cho cô dâu Việt. Họ cần học để biết tiếng, biết nấu ăn và các nét văn hóa cơ bản của Hàn Quốc. Cũng theo thống kê vừa nêu, có hơn 120.000 người Việt đã lấy chồng hoặc vợ Ðài Loan và hơn 40.000 người Việt đã lấy chồng hoặc vợ Hàn Quốc.
Tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam “một số chị em thuộc dạng quá lứa, không lấy được chồng tại Việt Nam, hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn… nên sang Trung Quốc sống chung như vợ chồng với đàn ông nước này, không đăng ký kết hôn. Riêng tỉnh Hải Dương có 4.600 trường hợp, tỉnh Thái Bình có 4.200, Lạng Sơn gần 4.800 người…”, thống kê vừa nêu cho biết.
Sở Tư pháp Cần Thơ cho thấy 79% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc xuất thân từ những gia đình khó khăn, số còn lại do… sở thích.
Vấn đề đặt ra ở đây, với riêng các cô dâu Việt, ai là người lấy họ?
Chắc không phải là những đàn ông thành đạt, giỏi dang ở Đài Loan, Hàn Quốc… bởi nếu đã thành công, họ đã lấy được vợ bản xứ rồi. Tất nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ lấy vợ Việt là vì chọn lựa hoặc sở thích riêng.
Mà khi đã không thành đạt, giỏi dang, có trình độ… thì chắc văn hóa nền cũng ở mức bình thường, sức ảnh hưởng về văn hóa [nếu cố tâm] lên các cô dâu Việt cũng sẽ mờ nhạt. Nếu các cô dâu Việt được nhắc nhở về bản sắc từ đầu, các giáo viên dạy tiếng người Việt có ý thức, thì “tiếng mẹ đẻ” sẽ ảnh hưởng đến đứa con lai, nó sẽ được thụ hưởng cả hai nền văn hóa, dù ở mức độ thấp. Có còn hơn không!
Bi quan thì chúng ta thấy xót cho hơn 200 ngàn cô dâu phải lênh đênh, vất vả ở xứ người. Nhưng nếu có chiến lược tốt, thì bình quân, chúng ta sẽ có 200 ngàn đứa con lai Việt, mà phần lớn sẽ là con trai, vì đó là sự chọn lựa và kì thị của những nước Á Đông này.
Khoảng 15 năm mà chúng ta đã có ít nhất 200 ngàn đứa con lai, với đà lấy chồng như hiện nay, thì 1 triệu đứa con lai không phải là con số khó khăn.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Việt Nam có rất nhiều con lai thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử gần đây là Phó Thủ tướng Đức, ông Philipp Rösler - một người Đức gốc Việt.
Dù không có liên hệ gì nhiều, hoặc thậm chí quên bẵng Việt Nam, thì nghe đến những vấn đề của người Việt, những người con lai có quyền lực này vẫn có những lưu tâm, ưu ái, điều đã thuộc về bản năng.
Khoan hãy nói chuyện khi mấy trăm ngàn cô gái lấy chồng nước ngoài, thì mấy trăm ngàn đàn ông Việt lúc ấy ở đâu? Vấn đề là phải xem xét bao nhiêu phần trăm lấy chồng là bị ngược đãi, bao nhiêu gặp nơi “dễ thở” hơn nếu so với việc lấy chồng Việt. Và quan trọng hơn, như đã nói ở trên, nếu được “dặn dò” và khích lệ về lòng tự trọng văn hóa, thì “chân rết” của con lai Việt trong tương lai là điều không đến nỗi bi quan, hay tuyệt vọng.
Trong vô vàn câu trả lời cho câu hỏi tại sao thời này lại cô nhiều cô gái Việt đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… như thế. Có lẽ, vấn đề về đời sống sa sút, tương lai mịt mù… của một xã hội mà quyền lực và đồng tiền chỉ thuộc về một đảng phái, một nhóm người là một căn nguyên khó phủ nhận.
.
.
.
No comments:
Post a Comment