Friday, May 6, 2011

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI PHIÊN BẢN 3.0 Ở TRUNG QUỐC (Peter Martin & David Cohe)

The Diplomate  -  Ngày 25 tháng 4 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 05/05/2011

Danh tiếng chính trị của Bạc Hy Lai [Bo Xilai] đang nổi lên như cồn không thua kém gì một ngôi sao nhạc rock. Nhưng liệu các chính sách “Văn hóa Đỏ” của ông tại Trùng Khánh có đưa ra một mô hình khả thi cho Trung Quốc?

Trong lúc Trung Quốc đang đến gần thời điểm chuyển giao quyền lực vào năm 2012 thì các chính trị gia và học giả cũng đua nhau đi tìm đề tài chủ đạo sẽ xác định phương hướng của đất nước trong tám năm tới. Những khuynh hướng của Tập Cận Bình [Xi Jinping], “hoàng thái tử” sẽ kế vị chức chủ tịch nước, hiện vẫn chưa chắc chắn, nhưng chuyến thăm gần đây của ông tới Trùng Khánh khiến người ta có suy nghĩ rằng ông đặc biệt quan tâm tới các chính sách “Văn hóa Đỏ” của Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Ông Lai là đảng viên cao cấp nhất ở Trùng Khánh, một khu vực hành chính rộng gấp bốn lần tiểu bang New Jersey của Mỹ. Trùng Khánh bao gồm một thành phố 10 triệu dân và một vùng nông thôn rộng lớn nằm sâu trong đất liền với hơn 1200 thị trấn và làng mạc. Trong vài năm gần đây ông Lai đã gây được sự chú ý của các phương tiện truyền thông nhờ những sáng kiến gây chú ý như chiến dịch “nhạc đỏ” và lệnh cấm quảng cáo trên truyền hình của Trùng Khánh.
Nhưng việc làm nói trên của Trùng Khánh mang ý nghĩa sâu xa hơn nhiều chứ không đơn thuần là mẹo quảng cáo cho chủ nghĩa xã hội – ông Lai đang thử viết lại khế ước xã hội của Trùng Khánh bằng cách tấn công vào sự bất bình đẳng về kinh tế, mở rộng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và những biện pháp chính trị được lấy thẳng từ Mao tuyển.
Người dân ở Trung Quốc thường hay nói rằng chính trị thì đứng yên trong khi kinh tế thì phi nhanh về phía trước. Nhưng cái vẻ bề ngoài bình lặng của chế độ độc đảng đang che giấu sự tranh cãi dữ dội về tương lai của Trung Quốc. Chính sách được đem ra làm thử ở cấp địa phương đáng để đưa ra tranh luận nhằm quyết định mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc trong nhiệm kỳ của chính phủ sắp tới và tiếp tục sau đó nữa. Cuộc chuyển giao vào năm 2012 đang đến gần đã khuyến khích những “ngôi sao” như ông Lai, hiện đang là ủy viên Bộ chính trị và có khả năng sẽ là ứng cử viên cho chức vụ ở bậc thang cao nhất trong Thường vụ Bộ chính trị, khéo léo dùng những chính sách mới mẻ gây ấn tượng để thu hút sự chú ý của những lãnh đạo cấp cao nhất.
Cuộc tranh luận nói trên không phải bao giờ cũng diễn ra theo những phương hướng đi tới sự tự do hóa. “Tân cánh Tả” tại Trung Quốc đã chộp lấy những sáng kiến của ông Lai để đưa ra lý lẽ ủng hộ một sự từ bỏ triệt để những chính sách hướng tới thị trường của giai đoạn Cải cách và Mở cửa và họ viện dẫn Trùng Khánh như là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể kết hợp tăng trưởng với bình đẳng về kinh tế trong một tầm nhìn về chủ nghĩa xã hội toan tính quay lại một quá khứ độc quyền nhà nước.
Những người thuộc Tân cánh Tả đề xuất rằng kinh nghiệm của Trùng Khánh là sự bắt đầu một con đường để Trung Quốc cắt đứt triệt để với những cải cách theo đường lối tư bản chủ nghĩa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Họ hi vọng khôi phục lại nhà nước như là trung tâm của hệ thống kinh tế của Trung Quốc với tiêu điểm là giảm nghèo và làm hồi sinh những phương pháp chính trị của Mao. Họ khẳng định rằng làm được như thế tức là đã xây dựng được một kế hoạch cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử Trung Quốc.

Chủ nghĩa xã hội phiên bản 3.0
Ở một hệ thống chính trị mà cái quan trọng là khẩu hiệu thì việc tạo ra một khẩu hiệu mới mẻ để nó trở thành quen thuộc là một công việc đòi hỏi sự tinh tế và ông Lai đã biết cách gắn cá nhân ông với lịch sử của Đảng Cộng sản. “Có người nói rằng “Văn hóa Đỏ” là một bước rẽ về phía bên trái”, ông Lai đã nói như vậy tại một cuộc họp của đảng hồi năm 2009. “Thực ra bước đi này chỉ đơn giản là để phục vụ nhân dân. Đó là lý do vì sao Đảng Cộng sản đã được thành lập”.
Song, những thành viên lãnh đạo của Tân cánh Tả ở Trung Quốc đang bắt đầu nhìn vượt ra ngoài phạm vi của cái đề tài chủ đạo từng quyết định nền chính trị của Trung Quốc trong 30 năm qua.
Vương Thiệu Quang [Wang Shaoguang], một giáo sư sinh ra tại Trung Hoa lục địa và hiện đang dạy môn khoa học chính trị tại trường đại học Trung hoa ở Hồng Kông, trong một bài báo viết về Trùng Khánh nhưng không xuất bản đã đặt tên cho giai đoạn nói trên là “Chủ nghĩa xã hội phiên bản 3.0” và ông coi chủ nghĩa xã hội phiên bản 3.0 như là sự kế thừa chủ nghĩa quân bình của Mao và chính sách cải cách và cởi mở của Đặng.
Phan Vĩ, nhà nghiên cứu chính trị gây nhiều tranh cãi ở Đại học Bắc Kinh, lại coi Trùng Khánh như là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang bước vào một “kỷ nguyên hậu cải cách và mở cửa”, đang quay trở lại với điểm trọng tâm của chủ nghĩa xã hội truyền thống ấy là sự bình đẳng. Với lý lẽ đưa ra rằng các chính sách tập trung vào tăng trưởng của những thập kỷ gần đây đã tạo ra khoảng cách không thể chấp nhận được giữa người giàu và người nghèo, ông cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại triệt để nền chính trị của Trung Quốc – song ông không chắc chắn đã đến lúc để nói ra công khai như vậy hay chưa.
Nhưng mặc dù Trùng Khánh của ông Lai đã trở thành một thủ đô của Tân cánh Tả của Trung Quốc, nhưng Trùng Khánh không phải là mô hình duy nhất đang cạnh tranh để gây sự chú ý của những lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Những người ủng hộ nền kinh tế thị trường cạnh tranh và những người có đầu óc tân tiến hướng tới toàn cầu đều tìm thấy sự khích lệ ở những chính quyền địa phương, nhất là những chính sách cải cách của chính quyền Thẩm Quyến và Quảng Đông.
Thành phố Thẩm Quyến, nơi đã thử nghiệm những cải cách chính trị theo mô hình phương Tây để từng bước tiến tới tam quyền phân lập, là nơi Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong bài nói chuyện gây tranh cãi hồi tháng 8 năm ngoái đã ủng hộ mạnh mẽ sự thay đổi chính trị, trong khi đó Vương Dương [Wang Yang], chủ tịch tỉnh Quảng Đông và là đối thủ của ông Lai cho một ghế trong Thường vụ Bộ chính trị, lại tập trung vào đề tài dễ gây hấp dẫn ấy là “Quảng Đông Hạnh Phúc”, ông kêu gọi vì sự tăng trưởng có chừng mực kết hợp với “Chỉ số Hạnh phúc”.

Nền kinh tế hậu cải cách
Vậy chính xác thì các nhà tư tưởng của Tân cánh Tả tin rằng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc trong giai đoạn tới sẽ có diện mạo ra sao?
Điểm đầu tiên đó là họ cho rằng chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sắp tới sẽ bớt đi rất nhiều chủ nghĩa tư bản. Họ kêu gọi tái khôi phục lại vai trò quan trọng của nhà nước trong nền kinh tế và họ chỉ ra Trùng Khánh như là bằng chứng cho thấy rằng một khu vực “công” quy mô rộng vẫn có thể cùng tồn tại với một thị trường năng động. Trong vòng vài năm qua khi Trùng Khánh trở thành một nới đến ưa thích để di chuyển những nhà máy ở các tỉnh duyên hải phát triển hơn ở đó lương và chi phí đang ngày càng tăng cao thì GDP của Trùng Khánh đã tăng khoảng 14 phần trăm một năm – nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước – điều này đáng để cho những học giả cánh tả coi Trùng Khánh như là một mô hình cho phát triển.
Các nhà khoa học chính trị của Tân cánh Tả đang sử dụng Trùng Khánh, là nơi đã khuyến khích sự mở rộng các doanh nghiệp nhà nước, để đáp lại những luận cứ được nhiều kinh tế gia Trung Quốc theo đường lối thị trường đồng tình cho rằng đầu tư của nhà nước đã “đẩy” các doanh nghiệp tư nhân ra rìa (guo jin min tui – nhà nước tiến, tư nhân lùi)
Nhưng, Thôi Chi Nguyên [Cui Zhiyuan], một giáo sư của Đại học Thanh Hoa [Qinghua University] hầu như cả năm ngoái đã thực hiện nghiên cứu thực địa ở Trung Khánh lại cho rằng ở Trùng Khánh “Không phải nhà nước đang gạt doanh nghiệp tư nhân ra rìa … Trên thực tế, nhà nước và thị trường cùng nhau phát triển (guo jin min ye jin – nhà nước và tư nhân cùng tiến).
Ông Vương Thiệu Quang cũng đồng ý như vậy, ông dẫn chứng sự phát triển của hoạt động tư nhân ở thành phố này đã đi nhanh hơn đầu tư của nhà nước. Thực tế là ông đã bác bỏ quan niệm cho rằng nhà nước gạt tư nhân ra rìa, ông viết: “Quan niệm này không những tuyệt đối vô căn cứ về lý luận mà nó còn tỏ ra là phi lý nếu lấy thực tế của Trùng Khánh để chứng minh … Ở Trùng Khánh, khi vai trò tuyệt đối của nhà nước trong nền kinh tế được giảm bớt đi thì tương quan nhà nước trong nền kinh tế đã giảm đi.”
Tuy nhiên, trong mô hình Trùng Khánh thì mọi thứ đều gắn với những vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng và chính quyền Trùng Khánh đã sử dụng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước cho những dự án theo truyền thống xã hội chủ nghĩa, dùng nguồn thu của thành phố để tài trợ cho việc xây dựng nhà ở cho những người có thu nhập thấp và hạ tầng giao thông. Vì thế có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi chính sách thành công lớn nhất của ông Lai chính là sáng kiến xây nhà ở cho những người nghèo nhất của thành phố. Chương trình xây dựng khổng lồ này có mục đích cung cấp những căn hộ giá rẻ cho một phần ba của 30 triệu cư dân của thành phố này, một chương trình đã thu hút được sự chú ý của cả nước và rõ ràng đã gây ấn tượng cho trung ương là nơi cũng đang triển khai đại trà một kế hoạch tương tự trên quy mô toàn quốc như một phần của Kế hoạch 5 Năm lần thứ 12.
Ông Lai cố gắng đưa ra chương trình nói trên của ông như là một bước vượt qua sự chỉ tập trung vào GDP là đặc điểm của chính sách của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình. “Vấn đề không phải là chúng ta có bao nhiều tòa nhà cao tầng, vấn đề là chúng ta hạnh phúc như thế nào”, ông đã lập luận như vậy trong một diễn văn hồi năm 2009 trước Đảng bộ Trùng Khánh.
Câu nói trên [của Trùng Khánh] về bản chất cũng giống với cách nói “Quảng Đông Hạnh Phúc”, song những chính sách kiểm soát của nhà nước [tại Trùng Khánh] lại tương phản rõ rệt với những đề xuất của thành phố đối thủ [Quảng Đông]. Những cải cách gần đây của tỉnh lấy xuất khẩu làm trọng điểm [Quảng Đông] đã bắt đầu nhìn xuống dưới chân mình, điều này hoàn toàn phù hợp với những tranh luận hiện nay về cải thiện chất lượng sống đô thị giữa các nhà hoạch định chính sách có đầu óc Phương Tây.
Nhưng phát biểu của ông Lai còn khiến cho người nghe thấy ông tách ra khỏi văn hóa chạy theo của cải của các thành phố duyên hải lớn như Thượng Hải và Quảng Đông, những thành phố niềm tự hào của thời kỳ cải cách và mở cửa chấp nhận sự bất bình đẳng đáng kể như là cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế.

Chính trị vì quần chúng
Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng của Phương Tây có khuynh hướng tập trung những cải cách chính trị mà Ôn Gia Bảo theo đuổi đang thách thức những đồng sự của ông, song những người ủng hộ mô hình Trùng Khánh lại tin rằng họ đang có câu trả lời mà chẳng phải chịu ơn gì những mô hình dân chủ cả. Thay vì thế, họ đang dựa vào tư tưởng chính trị của Mao.
Họ cho rằng sự giàu có của giai đoạn cải cách và mở cửa đã đưa cán bộ đến chỗ đánh mất sự gần gũi với nhân dân và ông Lai đã thách thức giới lãnh đạo Đảng khi ông dựa trên khái niệm Mao-ít “đường lối quần chúng” (Lý luận của Mao nói rằng cán bộ phải sống cùng nhân dân và họ phải chia sẻ quan điểm của quần chúng).
Ghi nhớ điều này trong đầu, ông Lai đã yêu cầu đảng viên ở địa phương phải “nối lại mối gắn bó” với người dân nghèo ở các huyện của họ, bao gồm cả việc ban hành quy định cụ thể rằng bí thư thôn phải gặp dân ít nhất một lần một tuần trong ít nhất nửa ngày. Tại những cuộc họp như vậy, các đảng viên phải giải thích về công việc của chính quyền và kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe ý kiến của dân. Lãnh đạo xã, phường, cũng phải đi về các vùng nông thôn ít nhất một lần một tháng để mở ra những kênh tiếp nhận khiếu kiện của người dân
Nhưng sự “thức tỉnh” đạo đức như vậy không chỉ là dành cho cán bộ và quan chức. Trùng Khánh của ông Lai còn tập trung vào “sức khỏe tinh thần” của nhân dân, xúc tiến văn hóa đỏ như là một câu trả lời cho những vấn đề từ tham nhũng cho tới chơi cờ bạc và tha hóa trong quan hệ xã hội. Trùng Khánh đã vận động tất cả người dân tham gia chiến dịch nói trên với những hoạt động được quảng cáo rầm rộ chẳng hạn như đăng cai tổ chức một cuộc thi nhạc đỏ và viết những tư tưởng của Mao rồi nhắn tin với một người thuê bao nào đó trong số 17 triệu thuê bao điện thoại di động của thành phố.
Văn hóa xã hội chủ nghĩa quả thực đã song hành với việc quảng bá truyền thống Trung Quốc, bất chấp sự thù hận của Mao đối với những “tập tục phong kiến”. Người dân được khuyến khích đọc những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và tham dự những buổi kể chuyện theo kiểu truyền thống – nhưng hiển nhiên trò giải trí truyền thống bằng mạt chược của ngườiTứ Xuyên thì dứt khoát không được khuyến khích.
Mô hình Trùng Khánh đã được các nhà tư tưởng của Tân cánh Tả chào đón như là một ví dụ chân thật của cải cách chính trị “cây nhà lá vườn” – là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể cải tổ chính phủ của mình mà không cần sao chép những mô hình của nước ngoài. Nhưng ông Lai, con trai của nhà cách mạng lão thành Bạc Nhất Ba [Bo Yibo], không chắc đã là một người Mao-ít. Ông đã ngồi tù trong gần suốt cuộc Cách mạng Văn Hóa khi cha của ông bị thất sủng và hiện nay ông nổi tiếng vì có lối sống hoang phí, ông đã gửi con trai của mình là Bạc Dụ Thụ [Bo Guagua] sang học tại trường Harrow dành riêng cho con cái nhà giàu và Đại học Oxford.
Suy nghĩ về điều này, Joseph Cheng Yu-Shek, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về giới lãnh đạo Trung Quốc, đã cho rằng ông Lai ngại bị dán cái nhãn là con trai được hưởng đặc quyền vì cha là một lãnh tụ lớn của Đảng. “Ông Lai là một ông vua con rất điển hình vậy mà bây giờ ông ấy lại chọn những chính sách phần nào bình dân và Mao-ít,” ông nói.
Trong Đen ngoài Đỏ hay sao?
Hiển nhiên không thể biết chắc chắn cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc nhìn nhận như thế nào chiến dịch của ông Lai. Nhưng rõ ràng là ông Lai đang gây được sự chú ý của họ – ông Tập Cận Bình đã tới thăm thành phố [Trùng Khánh] hồi tháng 12 và trong một bài diễn văn đã ca ngợi sản phẩm của ông là “chính sách phù hợp đạo đức” và còn nói rằng những sáng kiến “văn hóa đỏa” đã “đi sâu vào lòng nhân dân”.
Ông Lai đã thành công trong việc châm ngòi cho cuộc tranh luận về tương lai của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Còn về câu hỏi liệu điều này có giúp cho ông có được một ghế trong Thường vụ Bộ chính trị hay không thì chúng ta còn phải đợi đến tháng 10 tới đây để có câu trả lời.

(Peter Martin làm việc cho một hãng tư vấn chính sách tại Bắc Kinh. David Cohen là một nhà báo tự do).

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: