Thursday, May 5, 2011

CÁI CHUNG và CÁI RIÊNG (Huỳnh Trọng Hiếu)



Đà nẵng là một thành phố tuyệt đẹp nằm ven biển miền Trung, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây, sông núi và biển như hòa thành một thể thống nhất, tạo cho nơi này một địa thế vừa thuận lợi vừa hiểm trở, có vị trí chiến lược về mặt quân sự và kinh tế.

Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến Sơn Trà (với bờ biển xanh ngắt màu mây) đến đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn và Sông Hàn.

Sơn Trà là dãy núi khá cao, lấn sâu ra biển án ngữ trước mặt Thành phố Đà Nẵng như để che chắn và bảo bọc cho thành phố này và Cảng Tiên Sa trước những cơn bão lớn từ Đông Hải tràn vào. Trước đây bán đảo Sơn Trà gồm 3 ngọn núi nhô cao là: Hòn Nghê, Mỏ Diều, Cổ Ngựa; qua thời gian, dòng nước biển bồi đắp tạo thành một dải đất dài chạy từ đất liền ra biển xa tít. Dòng sông Hàn trong xanh hợp lưu từ nhiều nhánh sông khác từ phương Nam bôn ba đổ về phía Bắc. Con sông lượn lờ quanh thành phố một cách kiêu dũng trước khi đổ về vịnh Đà Nẵng. Phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ nên hàng năm thu hút một số lượng lớn khách ngoại quốc đến đây tham quan du lịch. Đà nẵng không chỉ đẹp mà còn là một thành phố năng động, là một trong 3 trung tâm kinh tế văn hóa lớn của cả nước nên các công ty lớn tranh nhau đặt các văn phòng đại diện, mở khu công nghiệp, các khu vui chơi giải trí, khách sạn để phục vụ cho các doanh nhân nước ngoài.

Thời gian gần đây, các công ty du lịch đang ồ ạt đầu tư vào Đà Nẵng. Bờ biển Sơn Trà là một nơi lý tưởng để xây dựng các khu resort, khách sạn cao cấp và sòng bạc. Với tiềm lực hiện có và sự ưu đãi của thiên nhiên, chỉ một thời gian ngắn, diện mạo Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi. Giá địa ốc tăng cao vùn vụt song hành với đà phát triển đô thị.

Trước những thế mạnh trong việc kinh doanh, đất đai đang trở thành vàng. Tấc đất là tấc vàng, đất là tiền bạc, đất là tương lai… là hạnh phúc. Sở hữu một lô đất tại Đà Nẵng là bạn đang sở hữu một tài sản lớn. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để các chàng trai thời đại kinh tế thị trường “định hướng XHCN” tự hào vỗ ngực khoe mẽ với bạn gái rằng: “Em hãy lấy anh đi, lấy anh rồi sẽ có một đời sống ổn định, một tương lai vững chắc, có nhà cao cửa rộng… tiền bạc với anh không thành vấn đề, vấn đề là em phải ngoan”. Người dân Đà Nẵng có người giàu lên vì địa ốc và cũng có lắm người sống dở chết dở vì địa ốc! Những người có tiền tranh nhau mua những lô đất tốt nhất; những người có quyền thì dùng thủ đoạn, quyền lực để tước đoạt đất đai từ tay người dân hòng đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình. Vì vậy đã xảy ra rất nhiều những bi kịch, những câu chuyện thương tâm.

Cồn Dầu là một điển hình.
Cồn Dầu là một khu đất rộng gần 500 hecta nằm gần trung tâm TP Đà Nẵng. Nơi đây được cộng đồng giáo dân Công giáo đến khai phá và thành lập giáo xứ cách đây hơn 135 năm. Cuộc sống nơi đây yên bình qua bao thay đổi của lịch sử. Giáo dân Cồn Dầu sống hiền hòa trong tinh thần đạo pháp. Năm 2008, với kế hoạch “chỉnh trang đô thị” do ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư thành ủy Đà Nẵng khởi xướng, cùng với chính quyền Thành phố ĐN thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, đã giải tỏa trắng hàng trăm hecta đất bao gồm khu nghĩa địa của giáo xứ và một phần khu dân cư ở đây. Chuyện giải tỏa đền bù không thỏa đáng và chương trình tái định cư bất hợp lý của chính quyền địa phương đã đẩy người dân Cồn Dầu vào chỗ tiến thoái lưỡng nan, vào một tương lai bất định. Nơi đây (Cồn Dầu: mảnh đất của niềm tin tôn giáo thiêng liêng) đã xảy ra những cuộc đấu tranh đòi công lý giữa dân chúng với nhà cầm quyền, nhưng vì món lợi quá lớn, chính quyền ĐN bất chấp luật pháp, bất chập công luận ra lệnh cho công an, dân phòng và cả bọn xã hội đen đàn áp, đánh đập thẳng tay cư dân giáo xứ Cồn Dầu làm cho nhiều người bị trọng thương và một người chết: anh Nguyễn thành Năm, hòng dập tắt ý chí bảo vệ công lý và tài sản của giáo dân.

Tọa lạc tại một vị trí vô cùng quan trọng, với diện tích rộng lớn… một khi dự án được triển khai và hoàn thành, các công ty nước ngoài đổ vốn vào đầu tư thì các ông quan lớn sẽ có cơ hội để chia nhau một số tiền vô cùng lớn. Món hời như vậy, làm sao các “đồng chí” không thèm thuồng cho được!?

Đường Bạch Đằng – một con đường thơ mộng nằm dọc theo tả ngạn sông Hàn. Tôi đã nhiều lần đến đây và lúc nào cũng có cảm giác nhẹ nhàng khó tả. Ven đường Bạch Đằng người ta trồng rất nhiều cây xanh, có những cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi, tỏa bóng mát rượi. Khi xâm chiếm VN, thực dân Pháp đã xây dựng trên con đường này rất nhiều cơ sở công quyền theo lối kiến trúc Pháp, bây giờ vẫn còn một số ngôi nhà còn sót lại qua thời kỳ “xóa bỏ Văn hóa Tư bản”. Tại đây chúng ta bắt gặp sự xen lẫn giữa cái mới và cái cũ: những tòa cao ốc được làm bằng kính sáng lấp lánh, những khách sạn sang trọng, tiện nghi hiện đại bao quanh những dãy nhà có nét cổ xưa thời Pháp thuộc với màu sơn trên tường vàng như mật ong, được tô điểm bởi những chiếc ô cửa số trắng phau nhỏ nhắn, làm cho nó quyến rũ,quý phái vô cùng. Một trong số những ngôi nhà cổ đó được lấy làm trụ sở UBND Thành phố Đà Nẵng. Mỗi lần đứng trước ngôi nhà này, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trước một thời quá khứ xa xưa đẹp và lãng mạn!
Vậy mà ở đây vừa mới xảy ra một bi kịch hãi hùng.

Đọc thông tin trên Facebook, tôi bàng hoàng khi xem video có một vụ tự thiêu trước UBND Thành Phố Đà Nẵng. Khi tìm hiểu thông tin rõ hơn mới biết anh thanh niên này là một cư dân hiện sinh sống tại quận Sơn Trà, là kỹ sư CNTT của một công ty cao su Đà Nẵng. Anh đến đây là để khiếu nại về việc chính quyền đền bù không thỏa đáng trong kế hoạch di dời dân cư. Cũng với chiêu bài “chỉnh trang đô thị”, chính quyền thành phố ĐN thực thi kế hoạch giải tỏa mặt bằng để phục vụ dự án Cầu Rồng. Theo nhiều nguồn tin cho biết, anh Phan Thanh Sơn đã đi khiếu nại rất nhiều lần với chính quyền nhưng lần nào cũng bị từ chối không giải quyết… cho đến trưa ngày 17/02/2011, anh đến lần cuối cùng và sau đó đứng trước UBND thành phố ĐN tự thiêu để phản đối và lên án sự bất công mà gia đình anh phải chịu đựng trước công luận trong và ngoài nước. Xem xong tôi thấy xót xa và bất bình: Tình hình cướp đất, tham nhũng, lạm quyền trên toàn cõi VN đã trở nên điên cuồng mà điển hình là Đà Nẵng .

Sau vụ tự thiêu của anh, để bưng bít thông tin, chính quyền Đà Nẵng cố tình lấp liếm, tung ra những bài báo để che đậy tội ác của mình, chuyển hướng dư luận: Nào là nổ bình xăng hi hữu, rồi vu cáo anh là một bệnh nhân tâm thần. Thái độ coi thường dân chúng và công luận của nhà cầm quyền thể hiện một não trạng cường quyền và bất nhân.

Thời gian sẽ trôi qua, có lẽ nào cái chết của anh rồi cũng chìm vào quên lãng? Tôi thông cảm cho hoàn cảnh của anh nhưng việc làm tuyệt mệnh của anh là một hành động nông cạn, thiếu suy nghĩ. Sau cái chết đó, những người trong gia đình anh như ba mẹ, vợ con, anh em sẽ sống ra sao? Mất tài sản là một sự đau khổ, giờ đây họ mất thêm một người thân nữa – chẳng phải nỗi đau càng nhân lên gấp bội sao và có gì để bù đắp được?

Ở đất nước này, cảnh bất công khốn cùng đâu phải chỉ một mình anh gánh chịu. Thân thể là do cha mẹ ban cho, làm thân con người là vô cùng quý giá, không thể tùy tiện hủy hoại. Tôi liên tưởng và ngưỡng mộ hai vị lãnh đạo tôn giáo, đó là Hòa thượng Thích Quảng Độ – lãnh đạo Giáo hội PGVN Thống nhất và cụ Lê Quang Liêm – lãnh đạo GH PG Hòa Hảo truyền thống. Hai ngài đã từng hết lời ngăn cản việc tự thiêu của các tín đồ chống lại sự đàn áp của bạo quyền nhằm bảo vệ đạo pháp. Sự hy sinh để bảo vệ và chấn hưng đạo pháp là một hành động tích cực, cao quý. Việc tự thiêu này sẽ đánh động lương tri nhân loại và là một việc làm có ý nghĩa trọng đại. Hy sinh cho đạo pháp là nghĩa cử cao đẹp vì đó là hành động “tử vì đạo”. Tuy vậy những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng can gián huống chi việc tự thiêu của anh Phạm Thanh Sơn chỉ là hành động đấu tranh để bảo vệ tài sản và công lý cho riêng mình mà bỏ đi thân thể qúy giá. Việc làm đó có đáng không, có là một chọn lựa, một giải pháp tốt nhất ? Theo tôi hy sinh vì sự nghiệp chung của dân tộc có ý nghĩa lớn lao, cao cả; còn cái chết vì mục tiêu cá nhân thì đó là một hành động tạo sự thông cảm nhưng không hiệu quả

Các nhà lãnh đạo tôn giáo, những nhà đối kháng tại quốc nội bị công an và chính quyền tìm mọi lý do, phương tiện để bắt bớ, đàn áp, sách nhiễu nhưng họ vẫn sống, vẫn trực diện đối đầu với chế độ, kiên trì vận động cho công cuộc dân chủ hóa đất nước. Họ biết rằng: Một khi đất nước được tự do dân chủ thì đạo pháp được cởi trói, lợi ích cộng đồng được giải quyết thì quyền lợi cá nhân được tính đến… Lợi ích cá nhân phải được lồng vào lợi ích chung của đất nước, đấu tranh vì quyền lợi cá nhân phải đồng hành cùng công cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc. Khi đại cuộc thành công, thì công việc của mỗi cá nhân nhờ đó được thỏa mãn. Nếu đại cuộc chưa thành thì cái chết sẽ được lịch sử ghi nhận, được quốc gia dân tộc suy tôn. Giá mà anh Phạm Thành Sơn cũng có những suy nghĩ như vậy mà dấn thân cho đại cuộc của dân tộc thì tốt biết bao!

Hòa thượng Thích Quảng Độ dạy rằng: “Muốn giải trừ Pháp nạn phải giải trừ Quốc nạn”…. Muốn đòi quyền lợi cho cá nhân mình thì phải đòi quyền lợi cho cả dân tộc trước.
Xin đốt một nén hương lòng cầu nguyện cho vong linh anh Pham Thành Sơn được an nghỉ.
Chúng tôi, những người trẻ như anh sẽ tiếp tục đấu tranh để thiết lập một chế độ tự do, dân chủ, nhân quyền hầu mang lại công lý cho dân tộc này, trong đó có anh.

© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: