Lê Hoàng
Tuesday, May 24, 2011 2:31:30 PM
Tuesday, May 24, 2011 2:31:30 PM
Ngày lễ Mẹ vừa qua trên đất Hoa Kỳ đã trở thành ngày của Mẹ thật dễ thương và trìu mến của người Việt chúng ta đang sống trên đất người!
Dễ thương làm sao, quý mến làm sao, hiếu thảo làm sao khi chúng ta bỗng dưng có một ngày trong năm để cụ thể, để thật tình nghĩ đến Mẹ - Người đã mang nặng đẻ đau, sinh ra chúng ta trên cõi đời này. Dĩ nhiêu chúng ta không thể khẳng định với con số ngày tháng chính xác như ông bà ta đã nói: Chín tháng mười ngày, mà có thể cao hơn và ít hơn số ngày tháng đó? Như những năm qua, trong ngày lễ Mẹ khi đi loanh quanh trong những khu người Việt mình sinh sống, tôi vẫn nghe loáng thoáng bài hát Lòng MẸ “...Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào”... Thế là lòng tôi trào dâng lên niềm thương nhớ vô bờ về mẹ tôi, mặc dù mẹ tôi đã bỏ tôi ra đi từ khi tôi còn tuổi niên thiếu! Quả thật bài ‘Lòng Mẹ’ là một trong những bài hát đã đi vào lòng tôi, trí óc tôi nhất là khi tôi may mắn được ở gần, quen biết và thân thuộc với chính tác giả của nó: Nhạc sĩ Y Vân.
Tôi nhớ rất rõ khi gia đình tôi từ Huế dọn vào Sài Gòn để chữa bệnh cho mẹ tôi là vào khoảng đầu năm 1959 thì mẹ tôi mua một căn nhà nho nhỏ ngay trong xóm chợ Vườn Xoài, nằm phía gần cổng xe lửa số 6 thuộc đường Trương minh Giảng, quân ba thành phố Sài Gòn. Khu này chính là Khu mà người dân Miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Geneve 1954 sinh sống nhiều nhất,lúc bây giờ người ta vẫn nói đó là Khu Bắc Kỳ di cư. Trong số người Bắc đó có gia đình anh Y Vân, nhưng thật ra anh Y Vân là gốc người Thanh Hóa, mẹ anh Y Vân là bác Tiến Hưng, người mà sau đó tôi đã nghe chính miệng anh Y Vân nói là bài Lòng Mẹ anh đã viết theo ý của bác Tiến Hưng và chính bác Tiến Hưng đã sửa lời cho bài hát hoàn chỉnh.
Tôi không được sinh ra từ miền Bắc: gia đình tôi chỉ là Bắc Kỳ lai, nhưng Thầy tôi - Cha tôi đã từng làm quan Tổng đốc Thanh Hóa, dì ruột của tôi là bà Phán Trần Nhật Cẩm - tức là Mẹ của nhạc sĩ Trần Nhật Ngân, bác của gia đình nhạc sĩ Nhật Bằng, Nhật Phượng, ca sĩ Thể Tần Hồng Hảo ngày nào của đài phát thanh Sài Gòn, cùng là dân Thanh Hoa nên tất cả gia đình này đều quen biết thân thiết với nhau. Còn lớp con cháu là chúng tôi cũng chơi với nhau rất thân tình, nhất là anh em tôi và anh em anh Y Vân. Sự thân tình cho đến nỗi sau đó, chính người em ruột của tôi là nhạc sĩ Hoàng Huy - người trước 1975 đã nổi tiếng là người kẻ nhạc đẹp nhất Sải gòn trong ngành in nhạc; Huy còn là làm quản lý cho Trung tâm sản xuất dĩa nhạc bậc nhất Sài Gòn lúc đó là ASIA, nằm trên đường Phạm ngũ Lão. Huy đã cùng với nhạc sĩ Huỳnh Anh thực hiện ban nhạc và đàn cho nhà hàng khiêu vũ trường Văn Cảnh ở đường Ký Con Sài Gòn, hàng mấy chục năm cho đến ngày mất miền Nam tháng 4/1975 - Chính em tôi và anh Y Vân sau cùng đã trở thành anh em cột chèo với nhau, khi anh Y Vân lấy người chị còn em tôi lấy người em.
Trở về với anh Y Vân, tên thật là Trần Tấn Hậu, anh chỉ có hai người em, một gái tên là Hương sau này lấy anh Tường Tuấn đã có một thời cùng làm việc chung với tôi tại Thông tấn xã Tin Việt của anh Anh Phan trên đường Hồng Thập Tự; còn người em trai, đó chính là nhạc sĩ Y Vũ - Trần Gia Hội hiện đang còn ở Việt Nam.
Anh Y Vân, nếu kể về vai vế trong làng âm nhạc Việt Nam là ngang ngửa và cùng thời với các nhạc sĩ như Nhật Bằng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Minh Kỳ-Lê Dinh, Anh Bằng, Tuấn Khanh... Mỗi người đều đã có những bản nhạc bất hủ để đời.
Tôi không biết chính xác là anh Y Vân đã để lại cho đời bao nhiêu bản nhạc, nhưng tôi biết anh đã sáng tác đủ các thể loại nhạc, từ slow, cha cha cha, rumba, tango cho đến Twist... tuyệt vời đến độ ít nhạc sĩ nào đã có, như bài Ðêm đô thị, 60 năm cuộc đời; Lính đa tình... còn dịu dàng, tình tứ hay thắm thiết như Ngăn cách; Xa vắng; U Hoài; Như giọt sương khuya; Tôi sẽ đưa em về; Ðêm giã từ; Ðêm tái ngộ; Ðừng lừa dối nhau; Những bước chân âm thầm... Ðặc biệt nhất là bài Lòng Mẹ mà theo tôi, chắc trong làng tân nhạc Việt Nam chúng ta chưa có bài nào nói về người mẹ sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa và phổ biến rộng rãi cho bằng!
Tôi tự cảm thấy buồn và thương anh ấy thật nhiều! Chỉ với tư cách là người đã từng yêu mến nhạc và con người anh Y Vân, tôi xin ghi lại những dòng này - Có còn hơn không. Với tài năng của Y Vân, thời gian không còn cần thiết nữa bởi vì một số bản nhạc của Y Vân đã trở thành bất tử rồi! Tôi nghĩ viết được là nên viết, nhắc được là nên nhắc dù ít dù nhiều, dù ngắn hay dài, cho người nhạc sĩ tài hoa kia thì đều nên làm cả!
Hình ảnh anh Y Vân vẫn ghi nhớ trong tôi: Một người nghệ sĩ lúc nào trên môi cũng ngậm điếu thuốc Bastos - điếu này qua điếu khác. Một người có khuôn mặt khắc khổ nhưng hiền hòa mà một thời chúng tôi đặt tên cho anh là Nhạc sĩ Fernandel vì anh có khuôn mặt dài như tài tử mặt ngựa Fernandel của điện ảnh Pháp những năm giữa thập niên 1950.
Xin gởi mấy lời tưởng niệm này đến những người đã từng yêu mến dòng nhạc của nhạc sĩ Y Vân.
Mùa lễ Mother Day 2011 ở California,
*Lê Hoàng (Hoàng Q. Tru)
.
.
.
No comments:
Post a Comment