Friday, May 13, 2011

20 NHÀ VĂN MIỀN NAM TRONG "HỌP MẶT" CHÓT NGÀY 15-4-1975 (Viên Linh)

Viên Linh
Wednesday, April 27, 2011 1:36:56 PM

Thị Trấn Giữa Ðàng, 27.3.2007 - Hôm nay, trong một hộp thư tại Midway City, có một chiếc phong bì xa lạ, từ khuôn khổ đến sắc màu, có dấu bưu chính Việt Nam, nhưng dán tem Mỹ đè lên trên, gửi cho tôi một tài liệu cũ,

Bìa tạp chí Thời Tập phát hành ngày 15 tháng 4, 1975 tại miền Nam.

Tạp chí Thời Tập số 23, ra ngày 15.4.1975, chủ đề “Văn chương trước tình thế mới, Tâm hồn và Ðất nước Tây nguyên - Trung Việt” số báo thực hiện ngay sau ngày 11 tháng 3 là ngày Ban Mê Thuột thất thủ. Ðó là số báo cuối cùng mà tôi thực hiện tại Việt Nam trước 75, và có lẽ là tờ tạp chí văn học cuối cùng của miền Nam xuất bản nửa tháng trước khi tất cả sụp đổ.
Ở trang 86, là trang chót có ghi: “Giấy phép xuất bản số 346 / BDVCH / PBCXB / ALP / TP ra ngày 27-3-1975... 3000 số.” Như thế tờ báo và chủ đề này đã thực hiện, in ấn xong trong vòng mười sáu ngày, [để phát hành đúng ngày 15.4.1975 như đã in trên bìa sau,] và tôi chỉ cầm lại nó trên tay ba mươi hai năm sau, không sai một ngày.
Gỡ phong bì, lật tờ báo xem ngày tháng phát hành, trong tôi có cái bồi hồi của một tái hợp, lẫn với cái xúc động của sự xa lạ: Tờ báo ra hàng tháng, số đầu tiên xuất bản trong năm 1973, số cuối cùng nó chết cùng cái chết của miền Nam.*  

Ba chục năm nay nhờ bạn bè có dịp về Việt Nam mua cho sách báo cũ giai đoạn 54-75, chưa bao giờ tờ Thời Tập hiện lên. Ðời sống của một nguyệt san là một tháng, nó ra đời mới được một nửa hạn kỳ thì Ðất Nước đổi chủ, đường phố ào ào lang sói người ngợm, còn gì là chữ nghĩa. Nó sống được đúng mười lăm ngày, kể từ ngày phát hành chính thức in trên mặt bìa sau, cho đến nửa tháng sau là 30 tháng 4 đen. Nếu không từng sống ở đó, không rõ tôi có làm số báo “Tâm hồn và Ðất nước Tây Nguyên - Trung Việt không?” Tôi tin là có. Ngay ở trang đầu của số ra mắt hơn hai năm trước, tờ báo đã phi lộ: “Thời Tập dấn mình vào sinh hoạt, quan niệm tất cả những gì không va chạm đều ẻo lả, thụ động, có tồn tại cũng không hơn vai trò một tấm gương, phận sự là đẩy trả lại trước mặt thủy tất cả những ảnh và hình, sự việc sống hay chết, không ý kiến, không phát biểu thuận hay nghịch. Vai trò đó là vai trò một tuyển tập, không phải vai trò Thời Tập muốn đóng, cho dù một tuyển tập là có chọn lựa, nhưng là chọn lựa những giá trị đã thành, không chọn lựa chủ động tìm kiếm. Bởi thế, đây là một tập san đưa sự trao đổi lên hàng thứ nhất: Ðặt thành vấn đề thảo luận các sự việc và tác phẩm bất cứ khi nào được và cũng bởi thế, việc phê bình bút chiến tất phải xảy ra trên tập san này, kể từ những số tới.”

Ngay khi quyết định làm một tờ Tạp chí Văn học, cái tên gần như thành hình rồi vì chủ trương đã ở trong đầu: Nhà văn phải viết trong thời đại mình, viết về thời đại mình, viết về dân tộc mình, viết về đất nước mình, viết thật, viết cho đúng, và viết cho đẹp. Muốn thế trước hết phải theo dõi sinh hoạt, sống trong đời sống, nghe ngóng trào lưu và thẩm định tin tức. Vì báo không phải là tuyển tập hay đặc san. Thời Tập có những mục như Nơi Tôi Ðang Sống, Một nghìn cửa sổ, Tay Ðôi... Bởi thế không phải vì đã sống ở Ban Mê Thuột mà tôi làm số báo chủ đề Ban Mê Thuột thất thủ; nó còn là một biến động thời thế nhà văn phải lên tiếng. Bìa số báo đó đọc thấy hơn hai mươi tác giả. Những tác giả khác có bài ở trong mà không có tên trên bìa còn: Kim Tuấn, Thư Trung (Trần Phong Giao), Ðặng Phú Phong, Viễn Di, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Ðình Huy, Huy Uyên, Nguyễn Hàn Thư.

Làm sao trong một thời gian ngắn, BMT thất thủ hôm 11.3, Thời Tập đã đem báo lên kiểm duyệt và có giấy phép hôm 27 tháng 3 - hơn hai mươi người đã viết cho chủ đề? Các tác giả và bài tham dự chủ đề như sau, thứ tự theo số trang:
-Viên Linh: Văn chương trước mỗi tình thế, tr.3.
-Mặc Ðỗ, Trần Thị Tuệ Mai, Nguyễn Mộng Giác, Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Bình Nguyên Lộc, Trúc Sĩ, Võ Phiến, Lê Tràng Kiều, Lệ Hằng, Xuân Vũ, trả lời phỏng vấn của Viên Linh vai trò của người cầm bút trước tình thế Ðất Nước, trang 8.
-Thích Ðức Nhuận: Giai phẩm Thời đại, tr.22.
-Trần Hoài Thư: Thị trấn Cà phê hoa, tr. 27.
-Kim Tuấn: Kontum Kontum, 46.
-Trần Quang Thiếu: Chuyến xe cao nguyên, tr.47.
-Ðặng Phú Phong: Bài học cho các em khi di tản, tr.54.
-Nguyễn Hàn Thư: Pleiku, mọi sự hầu như nhỏ, tr.60.
-Nguyễn Kim Phượng: Chư HơDron và Plei-Lasơn, tr.63.
-Trần Văn Nghĩa: Cho những cơn mưa chiều Blao, tr.76.
-Dương Nghiễm Mậu: Một lời, tr. 77. Tác giả viết về chủ đề là hai mươi người. Cho tới hôm nay, trong số trên, chúng ta đã thấy vắng khuất.
-Trần Thị Tuệ Mai, nhà thơ, (1928-1983), tác phẩm đầu tay Thơ Tuệ Mai, 1962. (Bà là con gái nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải.)
-Thạch Trung Giả, giáo sư Ðại học Vạn Hạnh, nhà biên khảo, thi sĩ, tác phẩm lớn Văn học Phân tích Toàn thư dầy 700 trang. Nghe nói tự tử sau khi CS làm chủ Ðất nước.
-Bình Nguyên Lộc, (1914-1987), từ trần tại San Jose.
-Trúc Sĩ, trong nhóm Thế Kỷ, Hà Nội, vào Nam 1954, mất tại Hoa Kỳ. Tác phẩm nổi tiếng Kẽm Trống.
-Lê Tràng Kiều, có tiếng từ thời Tiền chiến.
-Xuân Vũ (1930-2004).
-Thích Ðức Nhuận, (Nam Ðịnh - Sài Gòn, 2004 [?]...),hòa thượng, nhà thơ, nhà luận thuyết.
Tác phẩm Sáng Một Niềm Tin, thơ, 2000.
-Kim Tuấn (1940-2003), có chỗ ghi sinh 1937. Nhà thơ, tác phẩm hay: Tạ Tình Phương Nam.

Như thế ít nhất tám người đã khuất bóng; bốn người chúng tôi không rõ hiện nay ra sao là Nguyễn Kim Phượng, Trần Văn Nghĩa, Hàn Thư và Trần Quang Thiếu.

Dưới đây chúng tôi trích đăng lại cuộc phỏng vấn để bạn đọc có một cái nhìn chung, và có sự thẩm định riêng về mỗi người. Với người thực hiện cuộc phỏng vấn, đây không chỉ là một kỷ niệm đến muộn ba mươi hai năm, đây còn là một thể hiện nghề nghiệp, nghề làm báo văn học, mà người viết không ngừng thực hiện, không ngừng ý thức rõ ràng công việc mình theo đuổi.

Câu hỏi: Anh chị có từng phải tự hỏi vai trò của người cầm bút là mình trước những biến động của đất nước như trong những ngày qua hay không?

Sau đây là một số trích dẫn các câu trả lời dẫn:

Nhà văn Mặc Ðỗ: Là dân một nước tất nhiên phải sống với mọi biến cố và lắm phen muốn làm một cái gì. Chẳng phải đợi có biến cố mới có vấn đề vai trò của người cầm bút. Người ta vẫn cho rằng những người làm văn học nghệ thuật có giác quan tinh mẫn hơn số đông, như vậy cảm ứng phải thường xuyên được ghi nhận và biểu tỏ. Ðó là nói về cạnh khía “nghề nghiệp” của người cầm bút, còn một cạnh khía công dân nữa, là dân một nước tất nhiên phải sống với mọi biến cố và lắm phen muốn làm một cái gì. Nhưng ở Việt Nam chúng ta làm một cái gì là độc quyền, ở miền Bắc của đảng Lao Ðộng, ở miền Nam của các ông quân nhân, cho nên trước tình thế những người cầm bút chỉ biết lo sợ và thụ động. Ðừng ai huênh hoang nói phét, bây giờ có thể nói phét được, nhưng vài chục năm sau sử gia có những phương tiện truy tầm và phân tích rất khoa học để phơi ra hết những sự thật. Khi đó những người nói phét đã mồ yên mả đẹp rồi, nhưng ở dưới mồ tất cũng sốt ruột cựa mình và con cháu thì rất hân hạnh có ông bố, bà mẹ đó, ông nội bà nội đó! Bó tay và không dám nói phét cũng khổ lắm chứ.

Nhà thơ Trần Thị Tuệ Mai: Có trách nhiệm ghi nhận và phản ảnh mọi khát vọng thâm sâu của đời sống. Theo tôi (một người làm thơ) thì thơ chính là kết tinh giữa những mối thâm cảm phản ảnh đời sống, nói một cách khác, thơ là đời sống. Dù rằng đời sống có hiện bầy dưới những cách nhìn, dưới những mức độ khác nhau, nhưng những biểu hiện đó cũng vẫn là mảnh mún đời sống. Cho nên, một người cầm bút trong xứ sở đầy biến động kinh hoàng nối tiếp xảy ra suốt phần tư thế kỷ này, không những là có trách nhiệm ghi nhận và phản ảnh mọi khát vọng thâm sâu của những trạng huống đời sống, mà tâm khảm còn chịu đựng sự quằn quại thôi thúc của ý hướng nhận rõ, mở rộng, nâng cao Tình Tự Dân Tộc. Tất nhiên vậy. Ðể, trước hết thắp sáng chính tâm hồn mình: Một điểm sáng nhỏ, nhưng cần thiết, không thể không có ở nay, cho mai...

Nhà văn Bình Nguyên Lộc: Tôi nghĩ đến những điều ấy ngay cả trong thời bình. Có, tôi có nghĩ đến những điều ấy, ngay cả trong thời bình. Nghĩ xong, tôi thấy được bổn phận của tôi. Nhưng rồi tôi đau ốm và tôi đã phải chọn một bổn phận ít dấn thân hơn, loại bổn phận dấn thân chỉ thích hợp với người không đau ốm. Tôi làm văn hóa một cách trầm lặng, nhưng không phải là vô ích.

Nhà văn Trúc Sĩ: Tôi viết, lấy căn bản lương tri làm hướng đi cho mình. Thưa anh không, từ ngày cầm bút viết văn hay làm thơ, [*LTS: trước 1950 ở Hà Nội, nhất là trên báo Thế Kỷ] dù được in trên báo chí hay xuất bản, chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi về vai trò của người cầm bút cả. Nghĩa là tôi viết theo cảm xúc và nhận định của riêng tôi lấy căn bản lương tri của con người làm hướng đi một cách hầu như tất nhiên và tự nhiên vậy. Cũng bởi thế, cái ý niệm nhân bản nhiều khi quá khích đến phi liêm nghĩa là tôi thông cảm và chấp thuận nhiều trường hợp phá lề của bất cứ một nền luân lý nào. Cụ thể như đối với những hành động có thể coi như bất chính, như ăn trộm ăn cắp, làm đĩ, đánh bạc, tham ô, tôi cũng thông qua luôn, bởi đời là cảnh khổ, con người trước tiên phải có bổn phận với chính bản thân họ, pháp luật cứ làm nhiệm vụ của pháp luật, nhưng không có cái gì đẹp bằng những hành động phi luân vì hoàn cảnh, để đấu tranh cho cha mẹ vợ con được sống còn, trong nước mắt và sự vinh nhục của mình. Do thế, câu hỏi của anh hoàn toàn ở ngoài tư tưởng của tôi, mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Chỗ này, tôi nghĩ rằng nên nhắc lại một câu nói của một nhà văn Liên Xô, là văn hào Tvardovski trong nhóm Thời Mới (Novy Mir) mà tôi đã được đọc trên tờ Paris-Match cách đây khoảng 8, 9 năm, nói như sau:
- Là người cầm bút chân chính, chúng ta phải đấu tranh cho những kẻ yếu hèn, đau khổ, chứ không phải phụ họa vào cường quyền mà đàn áp nó.
Tôi nghĩ rằng, đây là câu nói bất hủ, mà có lẽ tôi đã có sẵn trong máu, nên chẳng bao giờ phải suy nghĩ nữa, có thể là như vậy.

Nhà văn Võ Phiến: Chúng ta còn quá ít thì giờ để làm nghệ thuật. Ðối với tình thế hiện nay, nghệ sĩ cũng như mọi người khác hãy cứ phản ứng trong tư cách làm dân, làm người.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư: Khi người là con sâu tất cả là chiếc kén.
Bao lâu tôi tự hỏi / Cầm bút viết gì đây / Chẳng lẽ những thảm cảnh / Che bởi làn tóc mây / Trò đu bay ngôn ngữ / Trên đau thương dẫy đầy / Làm đẹp? Hay nói dối? / Nhơ nhuốc đen rừng cây.
Bao lâu tôi thầm hỏi / Làm chi làm chi đây / Bài thơ không nuôi nổi / Ngàn năm cái thân gầy. / Tim người mất niềm tin / Thi ca thành trơ trẽn / Óc người xanh dây bìm / Tư tưởng đành tắc nghẽn. / Khi người là con sâu / Tất cả là chiếc kén / Vai trò cầm bút ư / Nghĩ ra càng tự thẹn.

Nhà văn Lê Tràng Kiều: Nhà văn phải cảm thông với vận mệnh dân tộc.
.
.
.

No comments: