Tuesday, January 25, 2011

WIKIPEDIA, CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM (Đinh Yên Thảo)

Đinh Yên Thảo
Jan 25th, 2011

Kỷ niệm 10 năm thành lập hồi cuối tuần qua, Wikipedia-một trang mạng có tính năng như bộ đại bách khoa tự điển đã thu hút nhiều người sử dụng khắp thế giới. 400 triệu lượt người sử dụng hàng ngày các thông tin viết bằng hơn 270 ngôn ngữ, Wikipedia trở thành trang mạng internet đông người hàng thứ 5 hiện nay. Có những mục tiêu lý tưởng hoá, sự thông dụng và hữu hiệu của một nguồn sưu tra, Wikipedia cũng đồng thời còn nhiều giới hạn trong việc thực hiện mục tiêu này.

Trong những năm đầu hoạt động, Wikipedia chỉ là trang mạng được những người trong giới tra cứu và truyền thông sử dụng như một nguồn thông tin tham khảo, nhưng vài năm qua, Wikipedia đã trở thành một thứ “bảo bối” thông dụng của bất cứ người sử dụng internet nào. Nó trở thành một trong những trang mạng nằm trong bảng xếp hạng “Top 10″ có lượt người ghé vào. Quả không quá lời khi bảo rằng cả Google và Wikipedia là hai trang mạng quen thuộc và hữu hiệu nhất hiện nay dành cho bất cứ ai cần tra tìm thông tin.

Ra đời ngày 15 tháng 1 năm 2001, Wikipedia là một trang mạng lưu trữ và cung cấp thông tin có tính năng như một cuốn bách khoa toàn thư đa ngôn ngữ miễn phí và mở rộng cho mọi người đóng góp, chỉnh sửa và cập nhật các tài liệu đăng tải. Wikipedia được sáng lập bởi tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia Foundation, mà sáng lập viên là những nhà hoạt động internet và truyền thông là Jimmy Wales và Larry Sanger. Ngân quỹ hoạt động dựa trên hoạt động thiện nguyện và các khoản tiền quyên góp. Nó được ghép từ wiki, theo tiếng Hawaii là “nhanh” và encyclopedia, tức bộ bách khoa tự điển, cái tên trở thành thông dụng như Wikileaks đã nhái lại. Wikipedia đang có khoảng 17 triệu bài viết, trong đó viết bằng Anh ngữ là 3.5 triệu bài, được đóng góp từ hàng triệu thiện nguyện viên khắp thế giới. Đa phần là nam giới và một số lượng khá lớn, ở độ tuổi chỉ ngoài 20.

Mục tiêu tiên khởi của Wikipedia là dành riêng cho các nhà học thuật và chuyên gia trong các lãnh vực hay đề tài chuyên môn, có quan điểm và nội dung trung lập, được đăng bài và chỉnh sửa. Nhưng tham vọng tạo nên “bộ bách khoa” mang tính học thuật và khả tín, chính xác này xem ra khó thực hiện vì sự giới hạn đề tài cũng như việc cập nhật trở nên chậm chạp, nên nó đã mở rộng ra cho bất cứ thành viên nào tham gia trang mạng này cũng có thể tham gia các hoạt động này. Chính vì tính chất này nên Wikipedia không mang tính học thuật và chính xác hoàn toàn như nhiều người sử dụng lầm tưởng. Thậm chí một số bài viết trên trang mạng này đã “lọt sổ” để từng bị coi là sai trái hay bịa đặt, “tin vịt” (hoax). Một số bài viết hay sự kiện được đưa lên mang tính thành kiến, sai lệch, có dụng ý hay vô tình. Hầu hết các đề tài chính trên Wikipedia là các đề tài nhân văn, như văn hoá, nghệ thuật, chính trị, xã hội, lịch sử…, những đề tài bị ảnh hưởng rất nhiều từ cảm quan và thiên kiến của tác giả. Các ngành như khoa học, kỹ thuật, toán học, tôn giáo hay triết học…, đòi hỏi chuyên môn cao, chỉ chiếm phần nhỏ trên Wikipedia.
Chỉ trích lớn nhất nhắm vào wikipedia là khi đặt tên là một “bách khoa tự điển”, nó đã tiêm nhiễm vào người sử dụng thông thường một suy nghĩ rằng, đây là một bộ tự điển học thuật mang tính khoa học và chính xác. Những thông tin sử dụng trong bài viết đôi khi chỉ là trích dẫn lại từ một nguồn khác mà kém sự khả tín, tức mức độ tin cậy bị giảm đi nhiều lần. Những vấn đề văn hóa, lịch sử, chính trị cần sự khảo cứu, so sánh công phu và khoa học, thay vì xen kẻ những ngày tháng, số liệu chính xác lẫn lộn với vài thông tin mang tính truyền miệng, dân gian. Tại Mỹ, nhiều trường đại học không cho phép sử dụng Wikipedia như nguồn tham khảo trong các tra cứu hay luận văn. Một số ký giả đã bị “bắt giò” khi trích dẫn thông tin sai có xuất xứ từ Wikipedia. Chỉ nhìn riêng về Wikipedia tiếng Việt hiện nay, khá nhiều sai sót đã lẫn lộn trong các bài viết về lịch sử, thi ca, chính trị… hoặc sử dụng những điều truyền miệng, giả định để coi là nguồn gốc. Nhưng nguy hiểm hơn, khi nó lan truyền những thông tin này cho một số người xem Wikipedia là “nguồn thông tin” duy nhất của mình. Wikipedia tiếng Việt vừa đạt đến con số 150,000 bài viết hồi đầu năm 2011 này, với phần lớn được thực hiện từ trong nước, nơi những thông tin và tư tưởng chịu sự kiểm soát, các bài viết bị thiên kiến và thiếu sự chính xác, nhất là các vấn đề liên quan đến chính trị và lịch sử.
Tuy nhiên nhóm thực hiện và quản trị trang Wikipedia này hoàn toàn thấu hiểu tính chất này, nên Wikipedia bảo rằng “không bảo đảm hoàn toàn về mức độ khả tín của thông tin”. Trên nhiều bài viết, có ghi rõ rằng có những nội dung và thông tin cần thêm nguồn kiểm chứng hoặc có những câu trong bài viết rằng “được cho (hay tin) rằng…”, thay vì là sự chắc chắn như tính chất của các tự điển học thuật. Giám đốc điều hành của Wikimedia Foundation là bà Sue Gardner phát biểu nhân 10 năm thành lập wikipedia rằng “Wikipedia khiêm cung thôi. Nó còn vụng về và còn nhiều bài viết vụng về. Nhưng nó gắn bó và ảnh hưởng sâu đậm với nhiều người”. Nhưng bà Gardner cũng nói thêm rằng, tham vọng của tổ chức là làm sao trở thành một “kho tàng” trữ liệu cho chính mỗi nền văn hoá, được viết bằng chính ngôn ngữ của mình.

Có những những giới hạn và khiếm khuyết của Wikipedia như nói trên, nhưng không thể phủ nhận được tính phổ quát và tiện lợi cho người sử dụng thông thuờng. Chúng không chính xác hoàn toàn để coi là “mẫu mực” duy nhất khi tham khảo và trích dẫn, nhưng nguồn thông tin phong phú cộng với nhiều đường dẫn sang các nguồn trích dẫn khác, nó cho người sử dụng thông thường có thể tìm hiểu kỹ hơn về các đề tài hay sự kiện liên quan. Các sử gia cho rằng họ ngạc nhiên khi Wikipedia đã rất chính xác về thời gian của các sự kiện lịch sử. Sự cập nhật của các thông tin trên trang mạng này khá nhanh. Chân dung, tiểu sử của một nhân vật nổi tiếng đương thời có thể được thêm vào lập tức trong ngày , nếu một sự kiện trọng đại gì đó như nhận tặng thưởng cao quý, thành hôn, qua đời… xảy ra. Trong mục đích thông tin đại chúng, Wikipedia có thể xem là nguồn khá chi tiết và đầy đủ để tìm kiếm hầu hết các đề tài, sự kiện, nhân vật, địa danh thông thường. Nó là chỗ đầu tiên cho người sử dụng có qua những khái niệm, nội dung, thời gian và thuật ngữ… về đề tài muốn có, và từ đó họ có thể sưu tra từ thư viện và những nguồn thông tin có mức độ khả tín khác. Theo số liệu từ Pew Research Center, có khoảng 37% người sử dụng internet đã sử dụng Wikipedia và trên 50% những người tốt nghiệp đại học đều đang sử dụng Wikipedia. Wikipedia đã có số người sử dụng tăng vọt từ khi Google trở thành một công cụ tra tìm phổ biến trên internet và giới thiệu đường truyền sang Wikipedia, mỗi khi người sử dụng tra tìm điều gì đó.

Như internet, Wikipedia trở thành một nguồn sưu tra khá tiện dụng và phổ biến cho đa số người sử dụng. Nhưng tùy theo từng mục đích sử dụng và không thể coi là nguồn tín cẩn duy nhất để trích dẫn. Hiểu được đặc tính này của Wikipedia sẽ cho người sử dụng một khái niệm và phương pháp để tra tìm so sánh và những thông tin chính xác nhất.

ĐYT
.
.
.

No comments: