Tuesday, January 25, 2011

ĐỊCH BÌNH YÊN - QUÂN TA VÔ SỰ ? (Nguyễn Xuân Nghĩa)

Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài
Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, January 24, 2011

Xoay chuyển của Hoa Kỳ trong năm 2011

Mở đầu năm mới thì xin nói chuyện dự báo thay vì cứ phải vuốt đuôi thời sự.
Tối 25 tháng 1, Tổng Thống Barack Obama đọc bài diễn văn về “Tình Hình Liên Bang” trước lưỡng viện Quốc Hội. Ðây là văn kiện quan trọng nhất năm của lãnh đạo Hành pháp trước quốc dân và Quốc Hội. Còn long trọng hơn thông lệ hàng năm vì nó không chỉ nói đến chủ trương hành động của tổng thống trong năm 2011 - sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái - mà còn có thể trình bày triết lý chính trị của ông Obama cho việc tái tranh cử năm 2012.
Chuyện ấy, người ta sẽ còn cơ hội tham khảo, phân tách và bình luận suốt năm nay, một năm khởi đầu cho thập niên thứ nhì của thiên niên kỷ.
Ông Obama chuẩn bị văn kiện chiến lược này sau khi đón tiếp thành công Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc vào tuần trước. Cùng lúc đó thì ban tham mưu bước vào thông báo, rằng phi trường quốc tế Domodedovo của Liên Bang Nga tại Moscow đã bị khủng bố tự sát tấn công khiến 31 người tử nạn và hơn 130 người bị thương.

Chuyện quốc tế tiếp tục dội vào các hồ sơ kinh tế và chính trị của tổng thống

Vì vậy, mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” sẽ nói về Hoa Kỳ trước các biến động quốc tế. Biến động ấy không chỉ ảnh hưởng tới nội chính của nước Mỹ hay hy vọng tái đắc cử của ông Obama - mà còn chi phối thế giới do phản ứng của chính trường Hoa Kỳ.
Bài này sẽ chú ý đến “Thiên Triều” và “Thánh Chiến”.

***

Thiên triều Trung Quốc

Xin hãy nói về Trung Quốc đã.
Chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Ðào là chiến dịch tuyên truyền khá thành công của Trung Quốc.
Một số dư luận Mỹ đã nhân cơ hội đề cao sức mạnh và ưu thế của hệ thống chính trị Trung Quốc khiến Bắc Kinh ứng phó với vụ Tổng suy trầm (Global Recession) 2008-2009 thành công hơn nước Mỹ và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Trên cột báo này, người viết xin miễn bình luận về sự sai lầm ấy mà chỉ nhắc tới sự lạc quan hồ hởi của trí thức thiên tả Tây phương về bất cứ những gì xuất phát từ Trung Quốc - như đã thấy trong thế kỷ 18, rồi 20.

Một số người quan tâm đến kinh tế thì cho rằng Tổng Thống Obama cũng đạt thắng lợi khi Trung Quốc có vẻ nhượng bộ, còn chấp nhận một loạt hợp đồng trị giá 45 tỷ Mỹ kim - như chính ông Obama thông báo - sẽ tạo ra hơn 240 ngàn việc làm cho dân Mỹ. Ðấy là một cách nhìn, nhưng thiếu chính xác. Ông Obama có giật lấy thành quả chính trị này và nên làm như vậy cho nhu cầu tranh cử của mình.
Nhưng, ông hiển nhiên biết rằng sự thật không hẳn là như vậy.

Trên đại thể, xin hãy làm con tính nhẩm. Hoa Kỳ nhập cảng chừng 300 tỷ Mỹ kim hàng hóa của Trung Quốc và bán ra 80 tỷ, mỗi năm bị nhập siêu chừng 220 tỷ - là ít. Với các hợp đồng trị giá 45 tỷ - trong nhiều năm, xin nhắc lại như vậy - việc thu hẹp mức khiến hụt ngoại thương giữa hai nước sẽ không thể giải quyết nhờ một chuyến đi. Mâu thuẫn quyền lợi giữa hai xứ đang có nhu cầu phải bán hàng mạnh hơn và lại... bán cho nhau, sẽ còn gây nhiễu xạ vào quan hệ Mỹ-Hoa.
Chưa kể là trong số 45 tỷ này, có 19 tỷ là để mua của hãng Boeing 185 phi cơ loại 737 và 15 phi cơ loại 777 trong nhiều năm tới. Dự án 19 tỷ được thương thảo từ lâu và được Bắc Kinh chấp thuận từ trước - dù có chuyến Mỹ du của ông Hồ Cẩm Ðào hay không! Khéo tuyên truyền là ở đó, cho cả hai lãnh tụ!

Còn lại, khoảng 20 tỷ là thuộc về 70 hợp đồng trải rộng trên 12 tiểu bang Mỹ thì cũng đã thương thuyết trước và nay mới được thông báo. Nghĩa là Bắc Kinh nhả ra vài chục tỷ để tranh thủ một số doanh nghiệp Mỹ, như GE, Caterpillar, Cummins, v.v... các tổ hợp này hài lòng thông báo kết quả và tạo ra ấn tượng tốt đẹp cho cổ đông lẫn dư luận Mỹ về vai trò tích cực của Trung Quốc.

Nếu lại kể thêm sự kiện Trung Quốc cũng quyết định sẽ trực tiếp đầu tư vào Hoa Kỳ và góp phần tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ thì đúng là “tân xuân đại cát”. Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào xông đất đầu năm coi bộ khấm khá cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự kiện ấy xác nhận lập luận lạc quan của các học giả hay bình luận gia Hoa Kỳ về mô hình Trung Quốc.
Nhưng sự thật lại chưa được như vậy.

Cho tới nay, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chưa lên tới 800 triệu đô la - dưới một tỷ. Có nhân gấp... 400 trăm lần thì mới bằng tổng số đầu tư của các đại gia Á Châu khác, như Nhật Bản (264 tỷ), Úc (46), Singapore (23), Nam Hàn (12), Ấn Ðộ và Ðài Loan - mỗi quốc gia hơn bốn tỷ... Sẽ còn rất lâu ta mới thấy doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ tuyển dụng công nhân Mỹ ráp xe hơi hay thiết bị cao điệu để bán cho dân Mỹ. Ngược lại, hàng Made in China thì vẫn tiếp tục xuất hiện, với chừng 60% là do các doanh nghiệp Mỹ làm đầu mối sản xuất và phân phối.

Cho nên, xin được nhắc lại, mâu thuẫn mậu dịch chưa hề giảm giữa hai nước và trong năm nay, vấn đề còn là gai góc, chưa nói gì đến các hồ sơ về an ninh, quân sự. Việc thương thảo sáu phe (P5+1) với Iran vừa tan vỡ tại Turkey là một nhắc nhở... Sự kiện chiến đấu cơ tàng hình Thành Ðô J-20 (“Tiêm - Nhị Thập”) của Trung Quốc có khi chỉ là một ăn cắp vụng về của chiếc F-117 - máy bay tàng hình bị lỗi thời của Mỹ - cũng là một nhắc nhở khác về thực lực Trung Quốc.

“Ðịch bình yên, quân ta vẫn vô sự” là một sự kiện khách quan. Chữ viết của cựu Tổng Thống Toàn Ðẩu Hoan (Chun Doo-Hwan) tại khu Phi quân sự Nam-Bắc Hàn khi còn là Tư lệnh quân đội Nam Hàn tại khu vực DMZ này là một nhắc nhở lâu dài: “Cư an Tư nguy!”
Chúng ta xin để các đấng con trời ở đó để nhìn qua chuyện Thánh Chiến.

***

Thánh Chiến... nội hóa

Dưới con mắt của Hoa Kỳ, việc phi trường Moscow bị tấn công dẫn ta về... Paris.

Ngày 21 tuần qua, trùm khủng bố Al-Qaeda (xin viết tắt là AQ) là Osama bin Laden lại lên tiếng. Thông điệp nhắm vào mắt xích yếu nhất của hệ thống NATO tại Afghanistan - A Phú Hãn - là Pháp: Pháp phải rút quân khỏi A Phú Hãn, nếu không thì các con tin của Pháp trong tay AQ sẽ bị xử tử. Chính quyền của Tổng Thống Nicolas Sarkyzy lập tức trả lời: “Còn lâu!”
Pháp không hành xử như Tây Ban Nha sau vụ thủ đô Madrid bị AQ tấn công ngay trước ngày bầu cử năm 2004 khiến cánh tả thắng lớn và lật đật rút quân. Nhưng chi tiết ly kỳ không ở đó.
Tháng 9 vừa qua, năm người Pháp bị lực lượng AQ tại khu vực Maghreb Hồi Giáo (AQIM) bắt cóc. Khu vực này nằm tại Bắc Phi và các con tin bị bắt tại xứ Niger giáp giới với bốn nước là Algérie, Chad, Nigeria và Mali. Chuyện ly kỳ nằm ở chỗ không phải là lực lượng khủng bố AQIM lên tiếng hăm dọa, mà là bin Laden đang ẩn núp đâu đó giữa A Phú Hãn và Pakistan.

Thật ra, Osama bin Laden mắc bệnh... “sợ đời quên”, lâu lâu phải lên tiếng trước sự thờ ơ của thiên hạ!
Số là sau chiến công lẫy lừng năm 2001, lực lượng AQ của bin Laden bị truy lùng ráo riết và dần dần bị tê liệt hóa. Bộ phận đầu não chỉ còn cái loa, lâu lâu lên tiếng ra cái điều là ta vẫn còn đây. Trong khi ấy, phong trào khủng bố xưng danh “Thánh Chiến” - Jihad - đã hóa thân, biến dạng và biến chất.
Hãy nhớ lại chuyện đó.

Với đa số người theo đạo Hồi - và dư luận bên ngoài - “Thánh Chiến” ngày nay là phong trào cực đoan của nhiều nhóm Hồi Giáo quá khích. Họ muốn dùng phương pháp khủng bố để lật đổ các chế độ ôn hòa hay thế quyền và tiến tới hệ thống cai trị bằng Giáo luật Shariat, diễn giải một cách khắt khe nhất. Trong phong trào Jihad đó, lực lượng AQ của Osama bin Laden hay Ayman al-Zawahiri là mạnh nhất, đã kiên trì ra đòn từ nhiều năm trước nhằm lập ra một vương quốc Hồi Giáo toàn cầu, cho đến vụ 9-11 năm 2001 làm cả Hoa Kỳ và thế giới đều rúng động.

Trên đà thắng lợi vẻ vang ấy, AQ trở thành... thương hiệu ăn khách nhờ bành trướng từ A Phú Hãn ra ngoài, qua việc huấn luyện nhiều tay khủng bố từ A Phú Hãn tung ra khắp nơi. Nhưng, Hoa Kỳ và các đồng minh đã dần dần tê liệt hóa bộ máy đầu não của bin Laden và al-Zawahiri, và còn triệt hạ cả tay chân của AQ tại Iraq.
Ngày nay, Hoa Kỳ và thế giới vẫn còn phải đối phó với phong trào AQ, nhưng là một phong trào khác. “AQ Ðầu não” thì đã hết thời và vô dụng mà chỉ còn cái tiếng.

Ở vòng ngoài, có các tổ chức “AQ địa phương”, những “Phiêu cục Khủng bố” tại Bán đảo Á Rập (AQAM), tại khu vực Maghreb (AQIM), hay các nhóm “AQ Nội hóa” như Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), Lashkar-e-Taiba (LeT) hay Harkat-ul-Jihad e-Islami (HUJI) tại Pakistan... Ðặc công của các tổ chức này có thể đã từng được “AQ Ðầu não” huấn luyện trước đây - mà ít dần. Nhưng gây giờ, họ tiến hành hoạt động cho mục tiêu cục bộ của địa phương và dùng “thương hiệu AQ” để lấy thanh thế chứ không còn liên lạc hay nhận chỉ thị từ “AQ Ðầu não”.
Cho nên, đối phó với các nhóm “AQ Ðịa phương” hay “Nội hóa” là vấn đề của các quốc gia liên hệ, có ít nhiều quan hệ với Hoa Kỳ.

Ở vòng ngoài nữa là các nhóm “Khủng bố tự phát”, được khích động bởi tinh thần Thánh Chiến năm xưa của Al Qaeda và cũng có thể liên lạc với hoặc xưng danh AQ nhưng có trình độ nghiệp vụ thấp và khả năng tàn sát không thể bằng AQ năm 2001. Hoa Kỳ và nhiều nước Âu Châu lẫn Á Châu đều có thể đã bị loại khủng bố tự phát này tấn công. Nhưng các vụ tấn công này đều thất bại tại Mỹ, và ở các xứ khác thì chưa gây thành tích như “Al Qaeda Ðầu não”.
Ðối phó với hình thức khủng bố vừa nội hóa vừa tự phát này là nhiệm vụ của nhà chức trách, của các cơ quan an ninh tại từng quốc gia.
Họ có liên lạc với nhau để cùng trao đổi thông tin về tình báo và Hoa Kỳ là một trung tâm thu thập và phổ biến loại tin tức này cho các đồng minh. Kể cả cho một đối thủ là Liên bang Nga, vừa bị một nhóm khủng bố nội hóa và tự phát tấn công.
Khác với Hoa Kỳ, Liên bang Nga còn có nhiều ung nhọt khủng bố ngay trong lãnh thổ - các khu vực Hồi Giáo đòi tự trị, Chechnya hay Dagestan là hai trường hợp nổi cộm trong khu vực Caucasu - và thường xuyên bị đe dọa... Trung Quốc cũng sợ những chuyện tương tự, từ khu vực Tân Cương của mình.

***

Hoa Kỳ tính sao?

Bây giờ, nhìn từ Hoa Kỳ thì sự thể sẽ ra sao?
Nhu cầu truy lùng và tiêu diệt khủng bố Al-Qaeda của Hoa Kỳ đã biến dạng và thực tế hết là một đòi hỏi sinh tử hay chiến lược của nước Mỹ. Tại Iraq, thành quả của Hoa Kỳ đã đạt kết quả địa dư chiến lược là xây dựng được một chế độ chưa thân Mỹ thì cũng hết chống Mỹ. Vấn đề còn lại là... Iran và cách ứng xử của chính quyền Obama với Tehran.
Người viết dự đoán là ông Obama sẽ lấy thành tích tại Iraq làm thành tích của mình, khi dư luận Mỹ hết băn khoăn về tổn thất của chiến binh Mỹ. Sau đó, trên đà thắng lợi, chính quyền Obama sẽ đảo ngược quyết định của mình: Không rút khỏi Iraq như đã hứa hẹn hoặc như thỏa thuận của chính quyền Bush với Baghdad. Hoa Kỳ sẽ rút mà không ra khỏi Iraq, y như tại Nam Hàn sau chiến tranh Cao Ly. Mỹ vẫn còn giữ lại một số đơn vị đồn trú trong các căn cứ được bảo vệ kỹ càng để bảo đảm sự ổn định cho toàn cõi Trung Ðông, trong đó có cả các nước đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, Iraq, Jordan, Israel, v.v... Lính Mỹ không bị đánh bom giữa chợ thì dân Mỹ hết sốt ruột.
Tại A Phú Hãn, tình hình cũng sẽ xoay chuyển theo kiểu tương tự.
Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán - và để chính quyền Kabul đàm phán - với các lãnh tụ Taliban hầu giảm dần giao tranh và tổn thất cho dư luận ở nhà khỏi nổi điên. Sau năm 2011 và thậm chí sau 2014, Hoa Kỳ cũng sẽ “rút mà không ra”: Một số đơn vị bảo an sẽ thủ rất kỹ trong các căn cứ. Còn lại là nhiệm vụ của A Phú Hãn, Pakistan, Ấn Ðộ, Turkey, v.v... để Al Qaeda không thể tấn công Hoa Kỳ được nữa. Vì nhu cầu riêng, ngần ấy quốc gia cũng sẽ cùng hợp tác với Mỹ!

Chúng ta nên nhìn lại sự kiện này trong một bối cảnh dài.
Hoa Kỳ là hải đảo cần can thiệp ở mọi nơi để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong lãnh thổ và tỏa rộng trên thế giới. Nhu cầu ấy khiến nước Mỹ bắt cá... trăm tay, hợp tác hoặc vận dụng mọi quốc gia khá để họ kềm hãm nhau và quốc gia nào cũng cần tới Mỹ. Sau gần mười năm ra đòn, nhu cầu chống khủng bố AQ của Hoa Kỳ đã hòa nhập vào nhu cầu chiến lược truyền thống là khai thác mâu thuẫn của thiên hạ để trở thành thế lực mà xứ nào cũng cần, hoặc cũng sợ.
Khi mà “Thánh Chiến” của AQ hết là mối lo sinh tử cho nước Mỹ, nhu cầu địa dư chiến lược thực tế - Realpolitics - đang vượt lên trên. Và Hoa Kỳ sẽ nhìn vào Trung Quốc hay Liên bang Nga với con mắt đó. Với cái nhìn mà Bắc Kinh rất ngại.

Năm xưa, Mao Trạch Ðông đã yểm trợ đồng chí Cộng Sản Việt Nam với con mắt ý thức hệ: Dùng một tên dễ bảo để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản kiểu Hoa và làm sáng danh Bắc Kinh. Nhưng, họ Mao cũng vận dụng Việt Nam cho một mục tiêu địa dư chiến lược khác: Khai thác mâu thuẫn giữa Liên Xô và Hoa Kỳ để Trung Quốc vươn thành thế lực thứ ba trong một thế giới tam phân.

Richard Nixon tính không khác: Hy sinh miền Nam để bắt tay Trung Quốc mà phá vỡ thế liên kết Nga-Hoa. Lý tưởng dân chủ của “Thế giới Tự do” chỉ là... lý tưởng. Y như lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong đầu Mao Trạch Ðông.
Tựu trung thì các cường quốc đều là những sinh vật quái lạ: Hoàn toàn vận hành bằng quyền lợi. Sau mười năm đánh cuồng, Hoa Kỳ đang trở lại trật tự đó, chẳng khác gì các Ðế quốc Trung Hoa, Anh, Pháp, Nga... trong lịch sử.

Năm 2011 này là năm bản lề, khi Hoa Kỳ trở về lề thói cũ.
Các xứ nhược tiểu mà lầm thì cứ ráng chịu!

-------------------------------
Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này của Người Việt, viết xen kẽ giữa hai chủ điểm riêng biệt. Về quốc tế là “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” và về kinh tế là “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị”. Quan điểm của người viết không nhất thiết là quan điểm của nhật báo Người Việt. Từ đầu năm 2011, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa cũng thực hiện một blog riêng: www.dainamax.org để giới thiệu các bài viết từ nhiều nguồn gốc cho quý độc giả gần xa cùng tham khảo, và phê bình.
.
.
.

No comments: