Monday, January 10, 2011

VIỆT NAM ĐỐI DIỆN VỚI VŨNG LẦY KINH TẾ (New York Times)

Thomas Fuller -   New York Times
Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Ba, 11/01/2011

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Cờ đỏ búa liềm đang bay trên thành phố Hồ Chí Minh, pháo đài dường như không thể dập tắt của chủ nghĩa tư bản Việt Nam, đánh dấu sự bắt đầu vào hôm thứ Ba tới của đại hội toàn quốc của Đảng Cộng Sản Việt Nam, một sự kiện được tổ chức năm năm một lần để lên đường hướng cho quốc gia đã chứng kiến một phép lạ kinh tế trong những thập niên gần đây.

Nhưng lần này, mọi thứ sẽ khác. Trong một khu vực mà các chính phủ đang bị sưng lên với dự trữ ngoại hối và lạm phát vẫn còn tương đối nhẹ nhàng, thì Việt Nam là một hòn đảo của sự bất ổn kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 7 phần trăm một năm, nhưng lạm phát hai con số đối với mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đang trừng phạt tầng lớp lao động, và góp phần dẫn đến quyết định hạ mức xếp hạng vay nợ nước ngoài (sovereign debt) của một cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới dành cho Việt Nam. Tiền nội tệ của Việt Nam liên tục nằm dưới mức giá hối đoái chính thức, tạo ra một thị trường chợ đen phát triển mạnh cho vàng và đô la.

Và một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất của quốc gia này đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, với các khoản nợ tương đương với hơn 4 phần trăm tổng sản lượng của đất nước.
"Chúng tôi đang ở mép vực; không còn nhiều chỗ cho những sai lầm", ông Lê Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu tại Dragon Capital, một công ty đầu tư ở Việt Nam. "Câu chuyện Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào việc chính phủ hiểu đến đâu nguồn gốc của vấn đề để có thể sửa chữa nó."

Những vấn đề, theo như nhiều doanh nhân và nhà kinh tế, bắt nguồn từ sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù quốc gia này đã mở cửa nhiều hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, thành phần kinh tế mà đã mở rộng nhanh chóng và đem lại nhiều lợi nhuận.

Trong nhiều năm, chính phủ coi đội tiên phong của nền kinh tế chính là mạng lưới rộng lớn các công ty nhà nước, các tập đoàn lớn mà Đảng Cộng sản có thể sử dụng để lèo lái quốc gia đến thịnh vượng.
Cánh tay vươn dài của các doanh nghiệp nhà nước, ngay cả sau khi làn sóng tư nhân hóa đã diễn ra hàng loạt, vẫn rất ấn tượng. Người tiêu dùng ở Việt Nam dễ dàng dành cả ngày làm kinh doanh với chính phủ: trả một hóa đơn điện thoại di động, gửi séc tại ngân hàng, mua sắm tại một siêu thị địa phương, đổ xăng xe và ăn trưa tại một khách sạn ưa thích.

Nhưng vấn đề dường như rất khó chữa ở Vinashin, công ty nhà nước đang mắc nợ sâu, đã làm nổi bật những thiếu sót của việc dựa quá nhiều vào doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Từ nhiệm vụ cốt lõi là đóng tàu, Vinashin đã mở rộng ra khoảng 450 doanh nghiệp mà không làm ra lợi nhuận và không phù hợp để quản lý, bao gồm spa, lắp ráp xe máy và bất động sản. Trên bờ vực phá sản với các khoản nợ tổng cộng 4,5 tỷ USD, công ty này hiện đang coi như đang được sự giải cứu của chính phủ: nó đã được miễn nộp thuế trong năm nay và sẽ được vay vốn không có lãi suất, theo báo cáo của báo chí Việt Nam.

Như một thước đo cho sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty quốc doanh ở Việt Nam sử dụng 40 phần trăm vốn đầu tư trong nước nhưng chỉ sản xuất 25 phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội.

Các nhà kinh tế nói một cách lờ mờ rằng cách mà chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng Vinashin và sự thiếu nhất quán giữa các quan chức kinh tế hàng đầu đã làm niềm tin vào đồng nội tệ và vào thị trường nói chung bị xói mòn. Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong số những thị trường [kinh doanh] tồi tệ nhất Châu Á trong ba năm qua.

Các nhà kinh tế và doanh nhân ở Việt Nam đang quan sát đại hội Đảng để xem liệu các công ty nhà nước sẽ tiếp tục được nuông chiều hay sẽ phải tuân thủ luật chơi của kinh tế thị trường: Không bơi được thì mời anh chìm!

"Cho đến nay chúng ta chưa thấy nhiều trường hợp mà chính phủ để cho họ chết," bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc của Tổng công ty Ree, một công ty kỹ thuật lớn chuyên về điều hòa không khí. "Đôi khi bạn phải tạo ra một ví dụ."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang tìm kiếm sự ủng hộ tại đại hội để ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, đã được các báo Việt Nam trích lời rằng việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh là "một tiêu chí quan trọng cho một nền kinh tế thị trường." Các nhà phân tích nói rằng những nỗ lực cải cách có thể sẽ phức tạp bởi nó liên quan đến các quan chức chính phủ và thân nhân của họ trong các doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư nói họ cũng đang quan sát để xem liệu chính phủ có thực hiện kế hoạch đã được thảo luận từ lâu về việc giảm bớt mạng lưới các quy định và hạn chế ngặt nghèo.

Fred Burke, giám đốc quản lý các văn phòng Baker & McKenzie tại Việt Nam, một công ty luật quốc tế, cung cấp ví dụ: lái một chiếc xe tải có vẽ quảng cáo qua thành phố Hồ Chí Minh cần tới 17 giấy tờ có sự phê duyệt của chính quyền riêng biệt.

Các công ty muốn gọi một cuộc họp báo hoặc thông báo cần phải có sự cho phép của chính phủ.
Năm ngoái, trong một nỗ lực kiểm soát lạm phát mà các công ty đánh giá là lạc hướng, chính phủ đã thông qua quy định yêu cầu công ty phải nộp giá của tất cả các thành phần của họ trong một số sản phẩm tiêu dùng.

Ông Burke, người nằm trong ban tư vấn của chính phủ nhằm giảm nạn quan liêu, nói rằng đã có "những bước thụt lùi về cải cách" trong những năm gần đây, và mô tả việc quản lý tiền tệ ở Việt Nam là "rối loạn". Nhưng ông cũng thấy dấu hiệu rằng chính quyền đang cố gắng để giảm bớt thủ tục giấy tờ. Ông cũng chứng kiến các nhà sản xuất cao cấp đi vào đầu tư tại quốc gia này.

"Việc kinh doanh của chúng tôi chưa bao giờ được tốt hơn, xét về chất lượng đầu tư trong nước", ông Burke nói.

Thật vậy, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 7 phần trăm một năm trong vòng năm năm qua và đã phát triển nhanh chóng ở tốc độ tương tự từ những năm 1980.

Sự tăng trưởng đó đã giúp cho đời sống người dân Việt Nam được cải thiện chưa từng có: Công nhân với thu nhập tối thiểu cũng có xe máy, tivi, nồi cơm điện và điện thoại di động. Nhưng lạm phát, đang ở mức 12 phần trăm / năm, đã trở thành một mối bận tâm lớn, đặc biệt là của người nghèo.

"Làm thế nào người dân có thể được hạnh phúc?" Phạm Thị Ngọc, một người bán trái cây ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi. "Tiền đang mất dần giá trị của nó."

Những lo lắng đã vươn ra khỏi biên giới Việt Nam. Công ty Moody's, một công ty đánh giá tín dụng, đã hạ xếp hạng mức vay nợ nước ngoài của Việt Nam vào tháng trước vì cái mà họ miêu tả là "bất cập trong chính sách kinh tế", bao gồm một không có khả năng giải quyết vấn đề lạm phát. Hậu quả của sự hạ mức xếp hạng này là vay nợ đã trở nên đắt hơn. PetroVietnam, công ty quốc doanh sản xuất xăng dầu, công bố tuần trước rằng họ sẽ hoãn một bán 1 tỷ USD trái phiếu dự kiến do điều kiện thị trường "bất lợi".
Các công ty Việt Nam ngại ngần đi vay ngân hàng vì lãi suất lên tới 18 phần trăm.

"Công ty nhỏ bây giờ có thể làm gì?" Nguyễn Lâm Viên, một cựu nhân viên tại một trang trại nhà nước hiện là chủ tịch của Công ty Vinamit, một công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu trái cây sấy khô và các sản phẩm khác, đặt câu hỏi. "Viễn cảnh tài chính tại Việt Nam là xấu, và chính phủ chỉ đáp ứng bằng thuốc giảm đau."

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói rằng họ đang đặt cược vào khả năng lao động huyền thoại, cũng như truyền thống khắc phục khó khăn của Việt Nam, sẽ giúp quốc gia này vượt qua những khó khăn mới nhất.

"Không có cách nào bạn có thể hiểu Việt Nam, trừ khi bạn có thể tận mắt chứng kiến các hoạt động điên cuồng và hạnh phúc ở đây", ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, một công ty đầu tư. "Đó là một trong những lý do khiến chính phủ Việt Nam không phải trả giá cho sự bất tài của nó. Sau 100 năm chiến tranh và nạn đói, người dân không bao giờ nghĩ rằng cuộc sống sẽ có lúc tốt đẹp như thế này."
.
.
.

No comments: