Monday, January 10, 2011

VIỆT NAM : KINH TẾ RỐI REN và TU SĨ QUẤY RỐI (Foreign Policy)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Hai mẩu tin xảy ra ở Việt Nam trong vài ngày qua cho thấy những thử thách đáng kể mà quốc gia nhiều hứa hẹn này đang phải đối đầu. Những câu chuyện này thoạt nhìn thì chẳng có vẻ liên quan gì đến nhau.

Câu chuyện thứ nhất, từ tờ Washington Post, liên quan đến một sự kiện kinh khủng khi công an côn đồ Việt Nam tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ khi ông đang tìm cách thăm viếng vị linh mục Công giáo và nhà bất đồng chính kiến, Cha Nguyễn Văn Lý, hiện đang bị quản thúc tại gia.
Câu chuyện thứ hai, từ tờ New York Times, tường thuật sự bất ổn kinh tế đang ám ảnh Việt Nam khi những công ty nhà nước và đồng nội tệ bất ổn của quốc gia này đang đối diện với sự kiểm soát thực tế đầy khắt nghiệt của giới tài chính và thị trường thế giới.
Nối liền hai câu chuyện trên là một đề tài chung: Hệ quả của cơ chế độc đảng của Đảng Cộng sản và chính sách độc quyền già cỗi của nó.

Đa số những tranh luận phổ biến là về mô hình chủ nghĩa tư bản độc tài của Trung Quốc (và người anh em họ Nga) đã che phủ thực tế rằng những quốc gia khác như Việt Nam, đang tìm cách đi theo con đường tương tự. Đây là một kết quả không đồng nhất. Kể từ khi Bộ Chính trị tiến hành chương trình "đổi mới" giải phóng kinh tế vào năm 1986, đất nước đã có được mức tăng trưởng lâu dài ở mức 7% hằng năm. Đằng sau những con số đầy ấn tượng là vô số người dân Việt Nam với đời sống đã được cải thiện đáng kể trong hai thập niên qua.

Tuy nhiên, như nhà kinh tế học quá cố Herb Stein từng tuyên bố trong qui luật mang tên của ông: "nếu điều gì không thể tiếp tục mãi mãi, nó sẽ dừng lại." Đây chính là trường hợp của việc hy vọng tăng trưởng kéo dài trong một hệ thống mỏng manh như Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản đề ra hầu hết các hoạt động kinh tế rồi cố gắng một cách vô hiệu để cô lập các công ty nhà nước ra khỏi sự kỷ luật của thị trường. Câu chuyện của tờ Times bao gồm một thống kê trong đó nhấn mạnh tính thiếu hiệu quả của các công ty nhà nước Việt Nam: chúng ngốn đến 40% tổng số vốn đầu tư trong nước những chỉ sản xuất được 25% tổng giá trị sản lượng nội địa. Việc phân phối nguồn vốn một cách sai lạc này đã dẫn đến những hậu quả độc hại như lạm phát, bị giảm điểm đánh giá tín dụng, mức lãi tăng, và thị trường chứng khoán trì trệ.

Sự kiện của Cha Lý đã tạo ra một bộ mặt màu sắc hơn là những chỉ số kinh tế đối với những căn bệnh của Việt Nam độc đảng. Cùng với nhà sư Phật giáo Thích Quảng Độ (người đã bị quản thúc tại chùa -- vâng, quản thúc tại chùa -- trong nhiều năm), Cha Lý là một trong những nhà phản kháng tôn giáo và nhân quyền nổi tiếng nhất trong nước. Vị tu sĩ can trường này đã bị cầm tù và trả tự do (thường là do áp lực quốc tế) nhiều lần trong những năm qua, và sự chỉ trích chính quyền một cách mạnh bạo của ông đã tiếp tục khiến Đảng Cộng sản biểu lộ những đặc điểm nhơ nhuốc nhất của mình. Ví dụ như sự kiện đầy kinh khủng vừa qua, khi các nhân viên an ninh Việt Nam tấn công viên chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ là Christian Marchant, đơn giản chỉ vì ông đang tìm cách thăm viếng nhà Cha Lý. Có phải các công an côn đồ này đang thừa lệnh của một thành viên Bộ Chính trị nào đấy đang đùng đùng nổi giận và than vãn theo kiểu Henry đệ Nhị "ai sẽ giúp ta tống khứ tên tu sĩ quấy rầy này?" Hay có phải những hành động này là của, theo như những trả lời được soạn sẵn, "những cán bộ địa phương quá năng nổ?" Dù là gì đi nữa, việc tấn công một nhà ngoại giao Mỹ là bản cáo trạng đối với Chính quyền Việt Nam.

Một điều cay đắng là hai bước lùi cả về nhân quyền và tăng trưởng kinh tế đã xảy ra trong giai đoạn lẽ ra là thời điểm kết hợp chiến lược ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Quan hệ ngày càng cải thiện này được bắt đầu dưới thời chính quyền Clinton và tiếp tục duới thời chính quyền Bush và Obama, đang là một chiều hướng được đón nhận và tiếp diễn như môt phần của chiến lược lớn của Hoa Kỳ tại châu Á. Tuy nhiên mỗi chính sách địa chính trị khôn ngoan bao trùm toà bộ khía cạnh của mối quan hệ. Cụ thể như chính quyền Bush đã chứng tỏ rằng việc áp lực mạnh vào Việt Nam về tiến triển nhân quyền trong khi vẫn củng cố quan hệ song phương chung là một điều khôn ngoan và có thể. Như thế, qua thời gian một Việt Nam tôn trọng quyền tự do kinh tế, chính trị, và tôn giáo của người dân mình sẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy hơn với Hoa Kỳ và thậm chí có thể trở thành một chương thành công trong cuốn sách tự do của châu Á.

Bài báo của tời Times đóng lại với nhận xét lạc quan rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thử thách kinh tế hiện nay vì tính kiên cường, năng động và hy sinh của người dân. Bất cứ ai từng thăm viếng hoặc sống ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng công nhận rằng người Việt thật sự tuyệt vời: dễ gần, cần cù, lạc quan. Đấy là tại sao Việt Nam sẽ không bao giờ vươn đến đỉnh tiềm năng dưới một chính quyền vô trách nhiệm đang tìm cách bịt miệng những công dân sáng tạo và can đảm nhất như Cha Lý.
.
.
.

No comments: