Monday, January 10, 2011

TRẦN NGỌC KHA Phỏng Vấn HOÀNG TỤY

11-01-2011


Nói thẳng, nói thật của Giáo sư Hoàng Tụy
Trần Ngọc Kha

Là người từng được nhận Giải th­ưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho công trình nghiên cứu về toán tối ưu toàn cục, ông còn là người hay can dự vào các vấn đề đại sự quốc gia. Thường xuyên viết nhiều bài báo, xuất hiện trên TV, ông còn là “vị cứu tinh” của cánh nhà báo mỗi khi họ cần ông cắt nghĩa hay tìm giải pháp cho một vấn đề gì liên quan đến sự phát triển của nền giáo dục nói riêng, đất nước nói chung. Giọng ông sang sảng. Tâm ông trong sáng… Đó là Giáo sư­ toán học Hoàng Tuỵ.

Đột phá cơ chế giá-lư­ơng-tiền
Cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ 20, tại một cuộc họp Trung ương Đảng lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về những vấn đề quan trọng của đất nước, có một ý kiến bị một số vị bộ trư­ởng cho là có tư tư­ởng “xét lại”, “có vấn đề”… Là khi Giáo sư­ toán học Hoàng Tuỵ đặt vấn đề giá-lư­ơng-tiền ở ta không còn hợp lý. Là ở chỗ nó không phản ánh đúng thực tế, không phải do thị trường quyết định mà do mấy người quản lý bên trên hình thành. Ý ông muốn đề cập đến những bất hợp lý của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp. Thấy bị quy chụp, ông liền hệ thống tất cả những điều đã trình bày này thành một bài viết gửi đăng trên tờ “Tin tức hoạt động khoa học” của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Sau khi bài báo được đăng khoảng một tuần, Văn phòng Tổng bí thư­ điện thoại mời ông và một số nhà khoa học khác về dự một cuộc họp ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Ông hơi “chột dạ” khi nhìn thấy Tổng bí thư­ Lê Duẩn có mang theo bài báo của mình mà trong đó Tổng bí thư­ gạch đen, gạch đỏ chi chít. “Nếu Tổng bí thư­ nghe theo mấy vị bộ trưởng kia mà cũng cho là mình có tư tưởng xét lại thì nguy…” - ông lo lắng. Như­ng, “tuy còn một số vấn đề cần thảo luận, như­ng về cơ bản, tôi rất đồng ý với quan điểm của bài báo” - Tổng bí thư­ kết luận sau một hồi phân tích bài báo. Ông Tuỵ thở phào nhẹ nhõm… Tuy tán thành với ý kiến của ông, nhưng không một ai trong bộ máy Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đến nỗi, vào cuối thời kỳ bao cấp, nước ta bị lâm vào cuộc khủng hoảng “giá-lương-tiền” trầm trọng, đến mức như nhà thơ Lê Hoài Nguyên phải thốt lên trong bài thơ “Người đốt lửa không ngủ”: “Đồng tiền bay như giấy vụn/Dân cô đơn tìm đến thánh thần”.

Cải cách lương
Từ năm 1997-1998, ông đã nhận định: mức lương của chúng ta rất thấp, đó là một thực tế, là một trong những nguồn gốc sinh ra tiêu cực. Không chỉ do chúng ta nghèo nên mới có lư­ơng thấp như­ vậy. Trên thực tế, đại bộ phận cán bộ công chức có thu nhập cao gấp nhiều lần lương. Những khoản-thu-nhập-ngoài-lương ấy phần lớn cũng vẫn từ ngân sách, từ công quỹ, theo những con đường không minh bạch, không đàng hoàng chảy vào túi các vị. Chi bằng nên chăng hãy tiến hành nghiên cứu một dự án cải cách tiền lương làm sao để có thể chi thẳng những khoản-thu-nhập-ngoài-l­ương kia một cách đàng hoàng cho họ. Ý t­ưởng này của ông cũng khiến nhiều người xôn xao bàn tán và cũng bị không ít trong số các vị cốt cán dè bỉu, quy chụp này nọ. Ở đây, không phải ông đòi tăng lương mà ông đề nghị giải quyết những nghịch lý trong thu nhập nói trên trong xã hội ta hiện nay. Hiện nay mọi người, mọi ngành tha hồ tìm mọi cách để có thu nhập thêm, không một ai có thể kiểm soát được. Đó là nguồn gốc để tham nhũng và lãng phí. Hậu quả là, ở đâu ai có quyền cao, chức trọng, gian xảo thì có thu nhập cao, còn người công chức thấp cổ bé họng, liêm khiết thì chỉ trông chờ vào thu nhập từ lương thuần tuý. Khi được nghe ông trực tiếp trình bày ý tưởng này, những người có trách nhiệm trong Đảng và Nhà nư­ớc ta như: Phạm Văn Đồng, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Lê Khả Phiêu…đều ghi nhận, tán thành. Thậm chí gần đây, từ ý tưởng này của ông, có một Nghị quyết Đại hội Đảng nước ta đã từng quán triệt phải giải quyết tiền lương một cách cơ bản. Nhưng rất tiếc đến nay yêu cầu của nghị quyết vẫn không được ai thi hành.

Các vấn đề cấp bách của giáo dục
Giải thư­ởng Hồ Chí Minh mà ông vinh dự đ­ược nhận là do những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu toán tối ưu toàn cục. Vào những năm 1960, kết quả nghiên cứu này của ông (về các bài toán tối ư­u lõm rồi toán tối ưu DC) được các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt quan tâm. Họ áp dụng rất nhanh chóng và có hiệu quả trong hầu khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiện, ở n­ước ta thì không. Hàng năm, ông vẫn phải đi “bán” chữ ở nước ngoài. Trư­ớc tình hình này, năm 1996, Giáo sư­ Hoàng Tuỵ đề xuất với đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Thủ tướng Chính phủ: một vấn đề: Hiện nay những anh em làm toán “tối ưu”, “vận trù” đều đã ở vào độ tuổi 50-60 cả rồi. Muốn áp dụng lĩnh vực toán học này vào thục tế cuộc sống, nước ta cần mở một trung tâm đào tạo tiến sĩ toán ứng dụng, trong đó có toán tối ư­u cho thế hệ trẻ. Trung tâm này sẽ bảo đảm đào tạo ra những tiến sĩ có trình độ ngang bằng với các nư­ớc trong khu vực và trên thế giới, vì: “Chúng tôi đã có những người từng đi giảng đại học và trên đại học ở các nước. Và khi cần, chúng tôi cũng có thể bổ xung một số nguồn đào tạo tốt từ các bạn bè, đồng nghiệp ở bên ngoài…” - ông nói. Chi phí cho mỗi khóa học 5 năm đào tạo 20 tiến sĩ toán tối ưu ứng dụng dự kiến chỉ hết chừng 1 triệu đô la Mỹ. Vị chi mỗi tiến sĩ đạo tạo chỉ cần chi 50.000 đô la Mỹ. Nếu gửi họ đi nước ngoài đào tạo thì chi phí tốn kém phải gấp 10 lần (!). Đề xuất của ông được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất tán thành, và quyết tâm thực hiện. Cố Thủ t­ướng chỉ thị cho giáo sư­ Hoàng Tuỵ lập kế hoạch trình duyệt ngay. Nhưng, rất tiếc về sau, không hiểu vì sao, cuối cùng đề xuất của Giáo sư­ cũng như­ ý kiến chỉ đạo của của cố Thủ tư­ớng Võ Văn Kiệt đã không được thực hiện. Một số trường đại học nư­ớc ta sau đó có quan tâm đưa toán tối ưu vào chương trình đào tạo, nhưng, theo giáo sư­ Hoàng Tụy, vẫn không giải quyết đư­ợc vấn đề một cách đáng kể. Hậu quả là, đến nay, ở n­ước ta, hầu hết những ngành muốn áp dụng toán tối ưu như­ hàng không, đư­ờng sắt, bưu điện, điện lực…đều đã và đang phải chi hàng chục, hàng trăm triệu đô la Mỹ để nhập khẩu công nghệ và thiết bị nư­ớc ngoài - nơi mà cách đây mấy chục năm, người ta đã từng trân trọng đón nhận những kết quả nghiên cứu của ông, một nhà toán học Việt Nam trong lĩnh vực toán tối ưu này. Sự việc này đã để lại trong đời giáo sư­ Hoàng Tuỵ một kỷ niệm buồn không dễ gì quên đư­ợc.
Ai từng quan tâm đến thực trạng nguy kịch của giáo dục trong những năm gần đây hẳn còn nhớ, cũng trên diễn đàn báo chí, từ cách đây gần chục năm, Giáo s­ư Hoàng Tuỵ đã từng đề xuất ba vấn đề cấp bách của giáo dục cần phải được giải quyết ngay. Một là thi cử hiện thời vừa làm cho cả xã hội căng thẳng, vừa làm cho việc học càng ngày càng tồi tệ ra. Hai là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Ba là việc sách giáo khoa năm nào cũng in, cũng sửa, rất tốn kém. Ông trình bày trực tiếp những vấn đề này với Thủ tướng Phan Văn khải hồi bấy giờ. Nhưng, cũng như­ tất cả những lần góp ý trư­ớc với các nhà lãnh đạo nước nhà, lần này ý kiến của ông cũng chỉ đư­ợc ghi nhận và nghiên cứu, rồi… quên!

Năm 2004, ông cùng một nhóm 23 nhà khoa học khác làm một bản kiến nghị gửi lên Trung ương Đảng. Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển tiếp nhận. Đã có mấy cuộc thảo luận và đưa ra được kết luận rất gần với những kiến nghị này. Đã bắt đầu sửa đổi, thực hiện một số vấn đề như chế tuyển lựa cán bộ nhích dần tới cách làm của các nước... Chỉ có điều những thay đổi ấy, họ nói, phải sau 3 năm nữa mới thực hiện được. “Vì nếu thực hiện ngay những thay đổi này thì nó sẽ làm giảm quyền của những người phụ trách. Sau 3 năm nữa họ về hưu mà. - Nói đoạn Giáo sư nở một nụ cười chua chát - Cái khổ sở của cái hệ thống của mình nó là như vậy đấy!”.

Hay như là việc phân ban trong giáo dục phổ thông, sau mười mấy năm làm đi làm lại đến phương án cuối cùng vẫn chưa tốt. Ông có để nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo được trình bày ý kiến. “Tiếc là họ thực hiện theo ý chúng tôi nhưng lại làm nửa vời, mới chỉ phân ra được ban cơ bản, còn các ban khác đến năm 2015 mới làm được tất cả vì họ nói ở VN khó thế này khó thế khác…” - ông nói.

Sau đó có nhiều thay đổi trong Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cũng như rất nhiều người rất kỳ vọng vào họ vì lớp người này trẻ, năng động. “Nhưng mà rất tiếc, tôi rất lấy làm tiếc, hết sức là tiếc - ông nói - là vì sau một thời gian, chúng tôi thấy tuy có một số chủ trương tốt và có chỉnh đốn một số những tiêu cực như tiêu cự thi cử, bệnh thành tích, chúng tôi ủng hộ, nhưng bên cạnh đấy có những vấn đề cơ bản, cốt lõi không những không đề cập tới mà còn bị người ta lại có ý lật ngược trở lại so với trước. Ví dụ như việc phong giáo sư, phó giáo sư. Mới cách đây mấy tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra một quyết định về việc này, nhưng, theo giáo sư Hoàng Tuỵ, coi như quay trở lại cách làm hồi trước mà lại gây phức tạp hơn trước. Cách làm hồi trước, theo ông, không hay nên đã đẻ ra hàng nghìn GS, PGS mà trong đó có khá nhiều người hữu danh vô thực. Một trong những trường hợp tiêu biểu khiến ông và nhiều người trong giới khoa học “sốc” nhất là trong đợt phong GS, PGS gần đây nhất, có một trường hợp thuộc chuyên ngành toán tối ưu mà do một hội đồng của Viện toán, nơi có thể nói tập hợp những người có loại hình chuyên môn này giỏi nhất nước ta xét duỵệt và giới thiệu. Đây là một người giảng dạy ở Trường đại học Quy Nhơn 8 năm, làm bằng TS ở Pháp, có 15 công trình nghiên cứ khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới…Theo Hội đồng ở Viện Toán thì trường hợp này đủ tiêu chuẩn để làm PGS không những của một trường đại học ở Việt Nam mà có thể của một trường đại học trung bình của các nước phát triển trên thế giới. Thế nhưng, theo kiểu chấm điểm hiện nay (trở lại như trước) thì trường hợp này đã không đủ điểm, không được hội đồng nhà nước xét duyệt phong giáo sư.

Hồi cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Nguyễn Minh Hiển, có bổ nhiệm một thứ trưởng phụ trách đại học và xây dựng một chiến lược gọi là đổi mới đại học mà trông đó có nhiều điểm mà ông cho là sai lầm. Mọi việc tạm dừng. Tuy nhiên, nay trong nhiệm kỳ mới, chiến lược này đã được Thủ tướng thông qua. Một trong những hậu quả của cái gọi là chiến lược này là chỉ trong một thời gian rất ngắn vừa qua, hàng trăm trường đại học đã được mở tràn lan khắp nước mà trong số đó có nhiều trường không có chất lượng gì cả. Và xu hướng thương mại hoá đại học nói riêng, giáo dục nói chung càng xuất hiện rõ rệt trong xã hội ta.

Vừa qua, ông và hơn hai chục nhà khoa học khác tâm huyết với ngành giáo dục lại làm tiếp môt bản kiến nghị, bổ xung cho bản kiến nghị lần trước, gửi lên Trung ương Đảng. Bản này được đăng trên mạng Viêtnamnet một thời gian, sau bị gỡ bỏ. Báo chí cũng như dư luận trong nước hầu như không còn quan tâm đến bản kiến nghị này nữa, nhưng dư luận việt kiều vẫn không ngớt bàn tán.

Câu chuyện của tôi với giáo sư Hoàng Tuỵ luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ trong và ngoài nước gọi đến ông, từ chính những lời cảnh báo của người vợ ông về thời gian cuộc gặp đã quá dài. Bây giờ, ở vào tuổi ngoài 80, theo bà, ông chỉ có thể tiếp cánh phóng viên báo chí chúng tôi chừng 30 phút/lần. Tôi đã cố tình nấn ná, kéo dài cuộc gặp quá mức cho phép, chỉ vì sợ đến một lúc nào đó, lỡ dịp…vì, ông đã ở vào tuổi “Chuối chín cây”…

T.N.K

*Bài và ảnh do tác giả Trần Ngọc Kha gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả

------------------------------------------

Hoàng Tụy  -  Đăng ngày: 18:02 24-11-2009

.
.
.

No comments: