Monday, January 10, 2011

TS NGUYỄN QUANG A : THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ CŨNG PHẢI THAY ĐỔI THEO THỜI CUỘC

Trần Ngọc Kha thực hiện
Đăng ngày: 01:50 08-02-2009

Một định hướng phát triển kinh tế xã hội tối ưu bao giờ cũng là trăn trở hàng đầu của các nguyên thủ quốc gia cũng như các nhà cầm quyền, các chính khách, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. TS Nguyễn Quang A chia sẻ với chúng ta về vấn đề này như sau:

Thực tế sau hai năm gia nhập WTO, có nên đặt vấn đề chúng ta được, mất gì không, thưa ông? Tại sao?
TS Nguyễn Quang A: Tư duy theo kiểu ta được gì và mất gì là kiểu tư duy sai, không hợp thời. Được gì hay mất gì là hoàn toàn tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta có thể tận dụng được những cơ hội song cũng có thể biến cơ hội thành thách thức. Chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội song cũng có thể để cho thách thức lôi chúng ta đi. Xuất khẩu tăng, đầu tư nước ngoài tăng đấy là tận dụng được cơ hội. Nhưng, ngay cả đầu tư nước ngoài do hám số lượng nên vào quá nhiều và không có chọn lọc nên cái thành tích tận dụng được cơ hội đó có thể biến thành nguy cơ lớn cho tương lai (ô nhiễm môi trường, chèn ép công nghiệp trong nước, phân cấp cho địa phương và sự ganh đua của các địa phương dẫn đến có quá nhiều dự án công nghiệp nặng cùng loại không theo quy hoạch phát triển chung, v.v.). Nói cách khác vấn đề phức tạp, có nhiều mặt, nhiều khía cạnh, nên đặt vấn đề được gì, mất gì một cách chung chung là vô nghĩa. 

Thế còn định hướng XHCN? Theo ông có cần đặt lại vấn đề này khi gia nhập WTO?
TS Nguyễn Quang A: Vấn đề là ở chỗ cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” ấy là gì? Nếu hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là làm sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh thì rất là đúng hướng, rất chuẩn. Và như vậy bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào làm trái với định hướng đó thì phải thay đổi. Và những việc làm theo hướng đó là đúng hướng và ngược lại là trệch hướng.  Rất tiếc nói thì hay nhưng việc thực hiện thì không theo định hướng đó. Chỉ nêu 1 thí dụ, các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều nguồn lực, hoạt động không hiệu quả cho nên việc coi chúng có vai trò chủ đạo, ưu ái chúng là làm ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa nếu hiểu như trên và cần cải tổ triệt để. Đây là vấn đề có tranh cãi, theo tôi nên công khai số liệu, tranh luận văn minh để xem ai trệch hướng, rất có thể những người luôn lớn tiếng la người khác trệch hướng lại là những người trệch hướng nhất. Hãy nói thật rõ ràng định hướng xã hội chủ nghĩa đó là gì?

Vậy ta nên xử sự với các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước này như thế nào trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương coi đó là thành phần kinh tế chủ đạo?
TS Nguyễn Quang A: Tôi không ghét bỏ các doanh nghiệp nhà nước, song vì mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh thì phải rất sòng phẳng với chúng. Xem chúng sử dụng bao nhiêu nguồn lực của đất nước (vốn, đất, tài nguyên, quyền kinh doanh) và làm ra những gì (tạo ra bao việc làm, đóng góp bao nhiêu vào GDP, vào xuất khẩu, tạo ra bao nhiêu sản lượng,…), tức là hiệu quả của chúng thế nào. Nếu doanh nghiệp nào hiệu quả thì nên ủng hộ, doanh nghiệp nào không hiệu quả thì nên cải tổ. Đáng tiếc các số liệu sơ bộ mà tôi có được thì nhìn chung chúng không hiệu quả, chúng là nguyên nhân của các bất ổn kinh tế vĩ mô, của lạm phát chứ chứng không phải là giải pháp. Chúng tạo cơ hội cho tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Có người có ý kiến ngược với tôi, tôi mong họ đưa số liệu ra tranh luận một cách công khai và văn minh. Nguyên nhân chính của sự kém hiệu quả của chúng là chúng có ràng buộc ngân sách mềm và không chịu sức ép của cạnh tranh. Cứng hóa ràng buộc ngân sách của chúng (không tạo ra môi trường để chúng nghĩ là chúng được ưu ái, dễ kiếm tín dụng, lỗ lã hay khó khăn thì được cứu) và buộc chúng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là cách để ép chúng hoạt động hiệu quả. Cổ phần hóa triệt để (nhà nước không nắm cổ phần chi phối) là một cách.

Thực tế ở nước ta, ngày càng phân hoá sâu sắc giầu nghèo giữa các tầng lớp người, giữa các vùng miền mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng để xoá đói, giảm nghèo. Ông có nghĩ đây là hệ luỵ của định hưóng phát triển kinh tế này?
TS Nguyễn Quang A: Các chính sách dẫn đến việc khoảng cách giầu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và các vùng niềm ngày càng gia tăng nhất thiết không phù hợp với dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh tức là trệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải cải thiện các chính sách phát triển, chính sách đầu tư nhất là đầu tư cho giáo dục, y tế để làm sao cho mọi trẻ em đều có cơ hội được học hành, mọi người đều có thể tiếp cận được tới dịch vụ y tế, có cơ hội đến việc làm. Sẽ luôn có chênh lệch giàu nghèo và không thể lấy của người giàu, của người tài, người chăm chỉ chia cho người lười biếng, nhưng phải tạo mọi cơ hội cho tất cả mọi người có khả năng làm giàu.

Có những vấn đề thuộc về nguyên tắc bất di bất dịch, ít nhất là ở chế độ ta hiện nay. Thực tế những điều này ít nhiều hạn chế sự cạnh tranh quyền lực theo nghĩa tích cực của nhà cầm quyền. Trong bối cảnh này, ông có cao kiến gì?
TS Nguyễn Quang A: Chỉ có các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền là bất di bất dịch (thực ra cũng thay đổi nhưng khá ổn định trong thời gian ngàn năm); chỉ có quyền lợi của nhân dân, của dân tộc là bất di bất dịch (cũng thay đổi nhưng khá ổn định ở tầm hàng trăm năm), tất cả những thứ khác luôn thay đổi. Hiến pháp Việt Nam cho đến 1976 làm gì có cái điều 4 bất di bất dich ấy đâu. Người ta sao chép của Liên Xô, một thực thể đã tan rã 20 năm rồi. Nhất thiết phải bỏ, không sớm thì muộn, không tự nguyện thì nhân dân cũng sẽ bỏ. Ổn định xã hội là rất quan trọng, song thể chế kinh tế đã có thay đổi nhiều thì thể chế chính trị cũng phải thay đổi theo thời cuộc.

Ở Singapore, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng rất tự hào nói bộ máy lãnh đạo của đất nước này được chọn lọc rất kỹ lưỡng, là những người ưu tú nhất trong xã hội. Và không dễ gì nếu ai đó muốn bác bỏ ý kiến này. ở Mỹ, tân Tổng thống B. Obama vừa lựa chọn xong một nội các mà theo dư luận cho hay là rất xuất sắc. Trông người ông có ngẫm đến ta?
TS Nguyễn Quang A: Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Một chính phủ sạch, gồm những người ưu tú, đưa ra được các chính sách tốt là một nhân tố quyết định đến sự phát triển của đất nước. Các quan chức được chọn lọc từ những người ưu tú theo tiêu chuẩn thành tích và công trạng. Chính phủ đó làm cho đất nước phát triển, dân được học hành, khỏe mạnh và giàu lên nên đóng thuế nhiều hơn, nhà nước có khả năng công khai minh bạch trả lương cho quan chức một cách hậu hĩnh, khiến họ đỡ tham nhũng và liêm khiết hơn, tận tụy hơn. Người ta tự hào vì làm cho nhà nước, kích thích đội ngũ ưu tú phát triển với số lượng lớn hơn làm cho khả năng lựa chọn quan chức phong phú hơn và sự lựa chọn tốt hơn. Vòng xoáy này tạo thành một vòng thiện về chính phủ, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Ngược lại, một chính phủ tham nhũng, gồm những người chỉ vì lợi ích của mình hay nhóm của mình, được lựa chọn theo kiểu cánh hẩu hay theo sự trung thành với một ý thức hệ cứng nhắc, chứ không dựa trên thành tích và công trạng sẽ đưa ra những chính sách tồi, cản trở sự phát triển của đất nước. Nhân danh phục vụ dân và trả lương cho quan chức không đủ sống, buộc họ phải kiếm chác thêm mà nhiều khi bằng con đường tham nhũng. Niềm tin của người dân và chính quyền ngày càng yếu đi. Cách lựa chọn, đánh giá thành tích, cất nhắc không dựa vào thành tích tạo ra những khuyến khích sai về nhân sự mà điển hình là nạn mua quan bán chức. Các quan chức mới như thế khó có thể trong sạch và không có năng lực, nên chính sách đưa ra thường là chính sách tồi, cản trở sự phát triển. Tham nhũng trở thành tham nhũng đại trà. Đấy là cái vòng luẩn quẩn mà các nhà kinh tế học gọi là cái bẫy chính phủ. Tất cả các nước chậm phát triển và không thể bứt phá được đều mắc cái bẫy chính phủ này. Muốn phát triển bền vững phải phá cái bẫy chính phủ. Tìm ra các khâu chủ yếu trong cái vòng đó và cắt chúng đi, đưa ra các chính sách, thiết lập các thể chế để tạo dựng cái vòng thiện về chính phủ được nêu ở trên. Có quyết tâm chính trị, thực sự vì dân, vì nước, thì làm cũng không khó. Để cái bẫy quá sâu, gây tai họa thì dân không thể chịu nổi phải phá bỏ cái bẫy đó đi (và các nhà cầm quyền mới lại rất dễ sa vào cái bẫy mới) nhưng đấy là kịch bản của diễn biến không hòa bình có thể rất nguy hiểm. Tốt hơn hết là những người nói vì dân hãy thực sự vì dân và phá cái bẫy chính phủ đó đi, thiết lập các thể chế để cho vòng thiện chính phủ nêu trên phát triển.
Tôi chỉ nói lý thuyết chung như thế, bạn đọc hãy tự ngẫm đến người và đến ta.

Cảm ơn ông!

Trần Ngọc Kha thực hiện
.
.
.

No comments: