Monday, January 10, 2011

ĐBQH NGUYỄN MINH THUYẾT : "NHIỀU NGƯỜI SUY NGHĨ NHƯ TÔI, NHƯNG CÓ THỂ VƯỚNG VÍU NHIỀU CHUYỆN. . ."

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết :
Trần Ngọc Kha thực hiện
Đăng ngày: 05:41 30-12-2010

Phản biện tại Quốc hội vẫn là một khái niệm dường như chỉ của một số ít, rất ít đại biểu nhân dân.  Không ngại đụng chạm, không ngại phiền phức, họ thường dám đi thẳng vào những vấn đề, vụ việc nhạy cảm nhất. Một trong số đó là ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), người từng đăng đàn tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XII về Vinashin, yêu cầu xem xét trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ông nhận trả lời phỏng vấn tôi ngay sau khi vừa kết thúc một chuyến đi tiếp xúc cử tri…

PV: Về gặp lại cử tri, ông được bà con đón tiếp thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nhìn chung, nhiều cử tri rất hào hứng với kỳ họp Quốc hội này, bà con cũng rất tán thành với những ý kiến mà chúng tôi phát biểu hoặc chất vấn.

PV: Những ý kiến ông đã đăng đàn tại Quốc hội về vấn đề Vinashin hay yêu cầu xem xét trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong vụ này, theo như ông nói, là ông truyền đạt lại ý kiến của cử tri. Lần tiếp xúc cử tri này ông có gặp lại  họ không? Họ bày tỏ thái độ thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Lạng sơn có 226 xã phường, một thành phố và 10 huyện. Đoàn muốn chúng tôi đi hết được khắp nơi trên địa bàn nên thường lúc đi mình lấy ý kiến ở chỗ này nhưng khi quay trở về báo cáo cử tri thì lại ở chỗ khác.

PV: Trực tiếp hay gián tiếp, người ta có phản hồi lại cho ông về thái độ cũng như quan điểm của họ về cách mà Quốc hội xử lý những thông tin, những ý kiến đăng đàn của ông không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Cũng có ý kiến tỏ ra thất vọng khi Quốc hội không chấp nhận ý kiến tôi đề nghị thành lập Ủy ban lâm của Quốc hội theo điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội để điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin, trên cơ sở đó đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Có ý kiến trông đợi vào sự chỉ đạo giải quyết của Trung ương trong thời gian tới. Có ý kiến động viên tôi đừng có nản... Tôi có nản đâu (cười). Tôi nghĩ những kiến nghị của tôi không phải rơi vào thinh không, cũng có tác dụng nhất định.

PV: Khi phát biểu về vấn đề Vinashin, ông có dẫn ra số liệu Vinashin nợ không dưới 100 nghìn tỷ đồng và làm ăn thua lỗ. Ông có thể cho biết nó được lấy từ nguồn nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Số liệu này tôi đều lấy từ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương rồi qua phân tích, tính toán mà ra chứ không lấy từ bên ngoài.

PV: Ông nghĩ sao về những ý kiến phản bác lại ông?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra những ý kiến này không nhiều và không có lý, không thuyết phục. Ví dụ như nói rằng Vinashin vay rồi sẽ trả được nợ. Hay là Vinashin hiện đang đóng rất nhiều tầu mới và sắp tới sẽ “bán” trả được nợ. Số vốn trên sổ sách tài sản còn đến 104 nghìn tỷ đồng… thì tôi cho là lý luận này không đúng. Thứ nhất, nếu vay nợ bình thường thì không nói làm gì. Nhật Bản người ta hiện nay có số nợ là 200% GDP. Nhưng làm ăn có hiệu quả thì người ta trả được ngay. Còn ở đây đã phải nói đến mức ở bên bờ vực phá sản thì ngay cả gốc đều không có khả năng trả nợ rồi. Dù có “chia đàn sẻ nghé” gạt một số tài sản và nợ cho Vinaline thì có thể nói đó là một sự thất bại trong điều hành. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và trong báo cáo của thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kết luận. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là Vinashin luôn luôn báo cáo không trung thực, lỗ lớn vẫn báo cáo lãi. Chưa qua kiểm toán mà lại dựa vào HĐQT của Vinashin mà nói còn 104 ngìn tỷ đồng tiền vốn thì không thể tin được. Vả lại nếu chúng ta phân tích xem nếu đó là con số đúng thì nó gồm những gì? Nếu nó gồm đất đai mà Nhà nước cho không như bên Phà Rừng mà Phần Lan người ta xây cho mình một cái cảng rất tốt ở đấy thì Chinh phủ giao là giao không. Có thể tính đó là tài sản chứ sao lại coi là vốn? Thế thì bây giờ bán làm sao được để trả nợ? Còn về chuyện làm ăn của Vinashin liệu có gỡ được nợ không thì tôi chỉ xin nhắc lại ý kiến của đại biểu Phạm Thị Loan nếu tính lãi ngân hàng thì hàng năm Vinashin phải trả tối thiểu là 15 nghìn tỷ đồng. Thế còn đơn vị này làm ra được bao nhiêu thì Phó thủ tướng thường trực Nguyễn sinh Hùng đã nói năm nay Vinashin có thể làm ra được 13-14 nghìn tỷ đồng (không đủ trả lãi ngân hàng). Như vậy thì không thể nào cân đối được nợ.

PV: Theo ông, nguyên nhân chính của thực trạng này ở Vinashin là gì?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Thứ nhất là do Nhà nước ưu ái cho Vinashin quá mức cần thiết, từ đó tạo ra chủ quan, hoạt động không đúng các nguyên tắc quản lý kinh tế. Đồng thời quản lý bị buông lỏng. Bao nhiêu lần kiểm tra, thanh tra không phát hiện được gì, hoặc có phát hiện có đề xuất nhưng vẫn không được cấp nào quan tâm. Kiểm toán Nhà nước chưa bao giờ vào. Thứ hai là về tổ chức, quyền lực tập trung tất cả về một Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình, lại kiêm Bí thư Đảng ủy nữa. Mà luật thì không cho phép làm như vậy. Đã vậy lại không một ai dám can gián. Thứ ba, cách kinh doanh ở Vinashin có sự bốc đồng. Sau khi có thương hiệu thì kết nạp thêm quá nhiều các công ty con, công ty cháu vào, tăng thêm những gánh nặng mới. Kinh doanh thì vay vốn đi mua những con tầu cũ, hy vọng về nó sẽ làm được cái nọ, cái kia… cuối cùng thực chất không làm được gì cả. Đặc biệt phương hướng kinh doanh sai lầm như đóng con tầu kéo xà lan con đã không bán được cho ai còn đóng tiếp con tàu kéo khổng lồ, vốn hàng trăm tỷ đồng, phi kinh tế. Thứ tư, không ngoại trừ ở đây có tham nhũng. Bởi vì tất cả những con tầu mà Vinashin mua đều bị mua với những cái giá quá cao so với giá thực tế. Điểm này chắc cơ quan điều tra người ta phải làm rõ.

PV: Theo ông, người được phép lựa chon ông Phạm Thanh Bình rồi để ông ta giữ chừng ấy chức một lúc là ai?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Chắc chắn đó là Chính phủ rồi.

PV: Cụ thể là ai?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Hình như theo báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cũng đã qua nhiều đời thủ tướng. Đầu tiên là thủ tướng Võ Văn Kiệt…

PV: Xin được căt ngang lời ông để giới hạn khoảng thời gian lựa chọn ông này từ khi bắt đầu gây ra sự khủng hoảng của Vinashin.
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi chỉ biết từ năm 2006, năm Vinashin trở thành tập đoàn, đến nay là do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin. Thế còn thời điểm làm ăn theo kiểu bốc đồng của Vinashin là từ khi Nhà nước bắt đầu bảo lãnh cho Vinashin phát hành trái phiếu ở Niu-oc và bắt đầu cho tập đoàn này vay 700 triệu đô la.

PV: Thường vụ Quốc hội  thấy chưa cần thiết chấp thuận đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời như đã nói ở trên, ông có cho là thỏa đáng không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy mình cũng có thể thống nhất được phần lớn với họ. Bởi vì sau ý kiến của tôi, theo các báo cáo của Thủ tướng và Phó thủ tướng, Bộ Chính trị đã ủy quyền cho UBKT Trung ương mở rộng điều tra về trách nhiệm của các thành viên chính phủ trong vụ này. Chỉ có điều vướng về luật. Tức là, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất về mặt Nhà nước, là cơ quan bầu ra Thủ tướng, Phó thủ tướng, phê chuẩn các Bộ trưởng. Tóm lại là bầu và phê chuẩn các thành viên Chính phủ. Chính phủ nếu có khuyết điểm thì phải kiểm điểm trước Quốc hội và nhận kỷ luật trước Quốc hội. Đó là về lý, đúng không? Nhưng mà ta cũng biết Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 có quy định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội.

PV: Ông có nghĩ rằng trong việc này, cơ chế Đảng lãnh đạo có vẻ không hợp lý?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng tôi cho rằng Đảng cần nhạy cảm hơn. Một người dân bình thường hay một đại biểu quốc hội mà đặt ra những vấn đề như thế này tôi cũng phải suy nghĩ lắm chứ. Đây là trách nhiệm của đại biểu trước những người dân. Quốc hôi mà cho qua những vấn đề như thế này thì chắc chắn người dân không thể bằng lòng được.

PV: Ông có đề cập đến Điều 4 của Hiến pháp thì… Hình như  Đảng lãnh đạo nhưng không có nghĩa là làm thay Nhà nước?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: (cười). Đúng rồi!

PV: Và trong việc này hình như Đảng đã làm thay Nhà nước?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Ở nước ta, công tác tổ chức cán bộ luôn luôn là công tác của Đảng. Đảng phải xem xét trước rồi mới có thể đưa ra Quốc hội bàn được. Trong việc này lẽ ra Đảng phải làm như vậy hoặc ủy quyền cho Quốc hội quyết. Vụ biểu quyết thông qua đề án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Chính trị không thông qua mà giao cho Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội để đi đến kết luận.

PV: Ông có nghĩ rằng nếu kiến nghị này của ông không được xem xét một cách thấu đáo thì sẽ dẫn đến một tiền lệ không tốt trong Đảng không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho đúng là cũng có thể tạo ra một tiền lệ mà ta không mong muốn. Điều này phụ thuộc vào kết quả làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sắp tới.

PV: Mà những đại biểu dám nói thẳng nói thật như ông trong Quốc hội hình như vẫn còn rất hiếm. Ông có hiểu vì sao không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Vâng! Có thể có nhiều người cùng suy nghĩ như tôi nhưng nói được lên thì đúng là còn hiếm. Ra đến bên ngoài hội trường nói chuyện thì có rất nhiều đồng chí, kể cả những đồng chí lãnh đạo cũng tán thành ý kiến của tôi. Chỉ có điều là các vị vướng víu nhiều chuyện mà không dám nói. Cuối cùng chỉ còn mấy ông đại biểu chuyên trách ở trung ương là còn có thể nói được một cách mạnh mẽ hơn.

PV: Nếu ông không là đại biểu chuyên trách thì...
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ nhận thức thì không khác vì tôi vẫn chỉ là một con người, nhưng hành động có khi sẽ khác...

PV: Từ chuyện này ông có suy nghĩ có cần phải thay đổi gì về lựa chọn Đại biểu Quốc hội?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Đây đúng là có vấn đề. Trước hết nên hạn chế đến mức thấp nhất những thành viên Quốc hội là những người tham gia bộ máy chính quyền. Thứ hai, cơ cấu đại biểu cũng phải tính toán làm sao họ phải đại diện cho các tầng lớp dân cư khác nhau nhưng họ phải dám đảm nhận những nhiệm vụ mà các cử tri giao cho.

PV: Hiện nay không có điều luật nào quy định không cho phép  Thủ tướng hay Bộ trưởng nào được làm Đại biểu Quốc hội..., phải không, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Đúng vậy! Đó cũng là điều cần phải xem xét. Nhưng khi hiệp thương thì UBMTTQ đã có hạn chế. Và cũng cần phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng.

PV: Cảm ơn ông!

Trần Ngọc Kha thực hiện
Bài viết đã được sử dụng tại báo Người cao tuổi số Tết dương lịch, ra ngày 1.1.2011.

---------------------------------

BẢN LĨNH NGUYỄN MINH THUYẾT    -  Lê Nhung - Vietnamnet


.
.
.
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2011/01/ban-linh-nguyen-minh-thuyet-bai-1.html

No comments: