Sunday, January 2, 2011

TRẠI CỔNG TRỜI (Trần Nhu)

Tác giả: Trần Nhu
 Chủ nhật 02.01.2011

LỜI BẠT
Trước khi xem truyện  Cổng Trời, tác giả muốn bạn đọc biết qua về địa danh của trại giam nổi tiếng này, và dù muốn hay không nó sẽ đi vào lịch sử.
Trung tuần tháng 12-2010 Đài Á Châu Tự Do có loạt bài phóng sự về trại Cổng Trời. Do anh  Mặc Lâm thực hiện. Tôi nhận thấy thiếu yếu tố không gian, nếu chỉ nói chung chung sự việc xảy ra trên vùng núi cao tỉnh Hà Giang, thì người đọc, và cả người viết sử sau này không biết trại Cổng Trời nằm ở đâu ?.
Vậy tôi nói qua về địa danh trại:
“Cổng Trời” nằm trong địa phận huyện Đồng Văn là một trong số 10 huyện của tỉnh Hà Giang gồm: Huyện Bắc Mế, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quảng Bạ, Quảng Bình, Vị Xuyên, Xin Mần, Yên Minh.
Về địa lý thì tỉnh Hà Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam . Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp Châu tự trị dân tộc Choang và Miêu, Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây nước Tầu.
     Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Sơn lĩnh cao (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti cao (2402m) cao nhất. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến “ Cổng Trời Đồng Văn” Bởi Lũng Cú là nóc nhà của Việt Nam. Nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”.
Về thực vật Hà Giang có nhiều khu rừng (nguyên sinh), nhiều gỗ quý và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, báo lợn rừng, gấu, công, trĩ, tê tê và nhiều thứ chim khác…
 ồng Văn “ Cổng Trời” là vùng núi cao phía bắc nằm sát chí tuyến  biên giới, có độ   cao khoảng trên 1.000m (3.000ft) so với mặt biển, địa hình chỉ thấy núi đá, có độ dốc khá lớn, thung lũng và lòng suối hẹp. Tất cả tài liệu địa lý đều khẳng định: Cao nguyên Đồng Văn, mênh mông rợn ngợp cao nhất Việt Nam . Núi đá hùng vĩ và khắc nghiệt nhất.
Huyện Đồng Văn có diện tích khoảng 446.66 km gồm 17 xã trong đó có 9 xã có biên giới với Trung Quốc.  huyện lỵ cách thị trấn Hà Giang khoảng 146 km, Đường giao thông vô cùng khó khăn.(1)
 Mùa đông nhiệt độ xuống đến 10 c,mùa hè nóng nhất chỉ vào khoảng 240 c. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù. Nên dân ở đây có câu: “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “đất không ba tấc bằng, trời không ba ngày nắng.”Cũng nên biết rằng, trong tỉnh Hà Giang có nhiều trại giam như Quyết Tiến, Xuân Giang, Hoàng Su Phì …Người tù bị đưa lên Hà Giang,khó mà xác định được mình ở địa phận nào thuôc tỉnh Hà Giang, cho đến nay nhiều nhân chúng còn sống xót họ vẫn chưa xác định được minh bị nhốt ở địa phận nào trong tỉnh Hà Giang.Chinh bản thân tôi ở Hà Giang nhiều năm đến khi trên đường chuyển về trại Phú Lu, Lào Cai mới biết đây là vùng Cổng Trời, thuộc huyện Đồng Văn.
Tôi viết truyện Cổng Trời tính cho đến nay đã gần 30 năm. Khi ấy còn” nạng mùi” tù lắm mới có thể viết được, còn bây giờ có thần thánh độ cũng không sao viết nổi.
Tác giả định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, năm 1985 có cuộc họp báo quốc tế do Ủy ban Bảo Vệ Quyền Làm Người tổi chức ở Freedom house, New York. Để trình bầy về hệ thống trại giam Bắc Việt, trong đó có trại Cổng Trời, gần 40 tờ báo Quốc tế đến tham dự, như tờ Le Monde, Le Point, Tribune De Geneve, New York City Tribune v.v… Cô Ỷ Lan phóng viên của Đài Á Châu Tự Do thông dịch buổi họp báo vào ngày 29-4- 1985)
                          
“CỔNG TRỜI”
Có những đám mây đổ xiên xuống phủ kín những thung lũng, gió bấc lùa qua khe núi như đọng lại ở một chỗ trũng. Hình như nó cố tình làm cho sự sống tắt thở. Vào những buổi chiều, từ các khe núi đá của rừng sâu, phổ ra những bản hòa tấu của một vai loài chim lạ, dường như chúng có bổn phận phải hót.Với âm  điệu ảo não, buồn bã thảm hại, âm đó vang vọng trong sự chết. Nó não nề dòn dập, những điệu kéo dai và qua lại liên tục:
Còn khổ…Còn khổ…Còn! Còn khổ…Còn! Còn khổ….Còn!
Với khoảng cách chờ đợi, để bên kia đâu đó họa theo:
Đếch về…Đếch về…Đếch! Đếch về…Đếch! Đếch về…Đếch!
Thỉnh thoảng lại có tiếng mõ điểm:
Chết chưa?..Chêt chưa?..Chết!  Chết chưa? Chết! Chêt chưa? Chưa chết…Chết!
Theo nhịp ba với đầy đủ tiết điệu…
Nhũng âm đó bay vút lên, rồi lại rơi tõm vào lòng thung lũng. Nó bì bõm trong nỗi buồn chua xót, uất hận và tuyệt vọng của người tù. Đôi khi tâm tư họ hướng về phía mịt mù xa xăm và họ thầm cất tiếng cầu nguyện, nhưng không hy vọng lời cầu lọt ra ngoài. Bởi khung trời đã đóng lại rồi;
Trên là tấm màn đen phủ kín, dưới xung quanh là rừng già vây bọc. Nó vây bọc một cách yên ổn hoàn toàn thinh lặng đuổi tới cái chết thê lương. Chết không dễ dàng, làm cho lòng người tù cảm nhận thấy tất cả nỗi đau khổ mà họ đã phải chịu đựng dai dẳng.
Ở ngoài đời! Trong đám tù, còn ai đó, đang héo mòn cô quả nơi thôn dã, hay đô thành lủi thủi sớm qua chiều. Ngày hôm nay khác gì ngày hôm trước. Năm tháng này khác gì năm tháng trước. Trong chốn lao tù chồng hay cha? Hoặc bạn bè bằng hữu đang thoi thóp lê đi trong lối mòn bạo lực.
Có ai hiểu những nỗi buồn tê lạnh: Có ai thấy những vẻ mặt ngẩn ngơ, có ai biết sẽ đi về đâu trong đêm dài thế kỷ?
Trời Hà Giang u ám quanh năm. Nơi uẩn khúc của những hiểm ác dai dẳng nhất. Dành cho những khách “cải tạo xấu”, đi vào lòng đất lạnh. Nơi kẻ chết không bình an buông xuôi hai tay. Nơi hận thù giai cấp trút xuống trong những nấm mồ hoang thăm thẳm. Nơi rên rỉ tiếng tù kêu, gầm gừ tiếng thú dữ, lẻng xẻng tiếng xích xiềng.
Nơi núi rừng vẫn giữ thói quen câm lặng và thinh lặng, rừng hoang thăm thẳm, không thấy có một đêm trăng sáng, không có một ngày trọn ánh nắng mặt trời. Nơi thiếu ánh sáng nhất địa cầu.
Sự thiếu ánh sáng mặt trời kinh niên của vùng Hà Giang, cho đến cảnh hoang vu man dại của sự vật, như được xếp đặt có trật tự, nằm sâu trong những thung lũng hun hút. Bao quanh là những dẫy núi đá cao sừng sững toát ra hơi lạnh, quyện với sương lạnh âm u. Khi màn đêm buông xuống, rừng hoang như một giải đen bạc rộng không bờ, không khí lạnh tanh ngự trị. Thỉnh thoảng một tiếng kêu, một tiếng gầm gừ của hổ báo, một tiếng chân chạy của nai, hay hoãng, tiếng gẫy của một cành cây khô khốc. Rồi tiếng cú rót vào trong thung lũng, con này theo con kia rúc mãi không thôi. Đáp lại tiếng cú rúc, trong thung lũng phát ra những tiếng rú nghẹn ngào thảm thiết ớn lạnh và tiếng rên xiết hòa với gió, lẫn với tiếng loảng xoảng của xích xiềng, tiếng quen biết thì thào, chào mời của thần chết, và tiếng xào xạc của lá rừng, tiếng ngao du của một vài loài thú lạ. Những tiếng đó không thoát ra khỏi rừng sâu, núi cao hiểm trở. Tiếng đó tách ra khỏi thế giới ngoài đời. Tiếng chết chóc vắng ngắt ngắt. Tất cả chúng thì thầm nói với đời sống ở đây: Không về!
Tô điểm nỗi quạnh hiu có rừng núi vẫn giữ vẻ âm thầm, yên lạng đầy y nghĩa.
Phân trại E, Hoàng Xu Phì, Cổng Trời nằm ở hướng đông bắc tỉnh Hà Giang. Được chia làm ba khu vực riêng biệt, ngăn cách bởi hàng rào nứa vầu, chạy song song, giữa để một khoảng trống làm lối đi riêng cho tiện việc tuần tra của cảnh vệ, và nó còn có tác dụng ngăn ngừa sự liên lạc giữa tù khu này với khu kia.
Khu A nhốt tù hình sự, khu B tù biệt lập chính trị, khu C nhốt tù kiên giam, gồm cả người Việt lẫn người Lào, người Khờ Me.
Người Khờ Me, người Lào có cả những cán bộ tập kết, sau hiệp định Geneve năm 1954, còn phần lớn là viên chức của chính phủ Hoàng Gia Lào, và một số tù nhân các quốc gia khác, như Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan. Những tù nhân quốc gia trên, họ toàn là những ngư phủ, bị tầu hải quân Bắc Việt bắt, hoặc họ bị những trận bão cuốn vào bờ biển miền Bắc. Tất cả đều bị coi là gián điệp nên bị tra tấn hết sức dã man. Họ chỉ còn một nỗi nhớ thương vợ con và quê hương trong tuyệt vọng! Bởi họ hiểu ở đây không có luật lệ quốc tế nào đến với họ cả. Cũng không ai biết được nguyên cớ của tấn bi kịch rùng rợn đã xẩy ra đối với họ, mà họ có thể làm gì được? Họ phải chịu đựng những cái đau đớn dai dẳng, và những cái chết khủng khiếp với người Việt lẫn lộn ở các khu của trại.
Tuy trại phân chia ra từng khu như vậy, nhưng tù giữa các khu có thể chuyển qua lại là thường. Trong mỗi khu có nhiều dẫy nhà giam, để phân loại, xếp hạng tù. Nhà giam làm đơn giản bằng tre, nứa, vầu, chát vách đất. Bên trong là hai dẫy sàn tre, nứa, chạy dài từ đầu đến cuối nhà, giữa để một khoảng trống chừng hơn một mét làm lối đi lại. Đêm tối có ba ngọn đèn dầu, đặt ở hai đầu, và chính giữa nhà giam. Mỗi nhà giam nhốt trên dưới hai trăm tù nhân, các dẫy biệt giam và kiên giam được ngăn chia làm nhiều ô nhỏ, mỗi ô nhốt từ tám tù nhân đến hai mươi tù nhân, không nhất định mà tùy theo số tù trại nhập hàng tháng và số tù rơi rụng hàng ngày.
Cách xa dẫy nhà giam khoảng chửng ba chục mét là dẫy nhà đan nát, khâu nón, đóng bàn ghế, giường tủ, làm cùm xích, cuốc xẻng vv… Gọi là nhà thủ công nghệ, kế tiếp là nhà bếp. Sau bếp áp sát hàng rào, có một con suối nhỏ chạy dài cũng được phân chia bằng hàng rào, cho các khu ăn uống, tắm rửa. Ở ngay góc tay mặt hàng rào, nơi giáp ranh giữa khu A và khu B là hai gian nhà chứa xác chết, làm bán mái, rất thấp, thấp lắm. Có cổng nhỏ ra phía ngoài “cổng hậu”, như vậy địa điểm nhà chứa xác được chọn quá khéo. Thật thuận tiện cho các khu kéo xác tới, cũng như việc lôi xác ra ngoài bìa rừng. Lại một lựa chọn khôn ngoan hơn nữa, là nó đối diện với nhà “giáo dục”. Cách đó không xa lắm, căn nhà này hình chữ nhật chiều dài ước chừng 14m, rộng 7m, khoảng ấy được ngăn ra làm hai. Ngăn ngoài có đặt một chiếc bàn gỗ mộc và một ghế tựa chắc nịch. Ở chính giữa, đối diện với chiếc ghế đẩu thấp, đặt ở sát chân tường. Phòng này có hai cửa sổ tương đối lớn, nhưng rất ít khi mở, và một cửa nhỏ thông sang phòng bên. Ở phía trên khung cửa có một quốc huy hình tròn, in hình sao vàng năm cánh nền đỏ, ghim xuống bằng que tre. Ngoài ra không có một thứ gì trang trí cho gian phòng, sang phòng kế, trong phòng cũng có một bàn gỗ, hình chữ nhật khá lớn và chắc chắn, được đặt sát vào vách tường, trên bàn bày ngổn ngang những dụng cụ tra tấn như kìm, búa, dùi sắt, dùi tre, mũ gò bằng tôn sắt, loại tôn dầy, vài cuộn dây rừng v.v… trên trần nhà có một xà ngang, được đóng hai móc sắt ở khoảng giữa, chiếu xuống đúng cái phản gỗ. Trông cái phản giống hệt phản hàng thịt ở chợ. Nhưng được làm bằng loại gỗ rất tốt, tấm phản có khoan khá nhiều lỗ thủng, dùng để xỏ dây trói tù, bốn chân phản chôn chặt xuống đất. Về mùa nóng cũng như mùa lạnh, phòng này vẫn có một lò than, dùng để nung dùi và mũ sắt. Mũ này được người tù ở trai gọi là mũ “Mũ Cụ Hồ”, mũ gò bằng tôn sắt, giống như chiếc mũ cối của bộ đội, mũ được nung đỏ rồi trói tù lại chụp lên đầu, làm cho người tù kêu rú rống không còn gì cảm giác rùng rợn hơn. Rồi số phận nạn nhân sẽ ra sao? Điên loạn đau đớn đến mức độ nào? Hãy tưởng tượng hình dung sẽ thấy…
Nhân loại hỡi! Chẳng lẽ toàn bộ bản thể cao thượng và chân thành để giáo dục con Người lại thế ư? Bởi “cải tạo” nghĩa là nền giáo duc tốt đẹp nhân đạo, mà chính nhân loại phải tiếp tục… Nhưng bằng cách nào đây? Có phải những thứ dụng cụ tra tấn trên sẽ mang lại sự tốt đẹp chăng?
Những thứ dụng cụ này, hoàn toàn do toán thủ công của trại sản xuất, theo sự hướng dẫn của Ban Giám thị trại, nên có vẻ thô kệch, nhưng chắc chắn và tốt. Nó cũng phù hợp với kiến thức và sở trường của giai cấp vô sản vùng Đông Á, nghèo thiếu nhưng đầy tinh thần sáng tạo.
Ở căn phòng giáo dục này, mặc dù có loại tù tiến bộ được chiếu cố… làm vệ sinh, lau dọn thường xuyên, vẫn không hết mùi tanh tưởi của máu thịt tù đã ngấm ứa trong đất, cả những vật dụng trong phòng, và cứ mỗi khi cửa hậu mở ra ngoài nhà xác, đã thấy lũ chuột rừng thập thò… Có con đứng ngây ra giữa lối đi, đôi khi bị cán bộ nạt yêu… nó lại thụt vào, rồi chạy qua lại tíu tít, như bên giao bên đón, món hàng còn tươi. Sở dĩ chúng biêt trước được là khi bị  tra tấn, người tù thường kêu thét lên những âm thanh thảm thiết rùng rợn, vang lên bên trong thung lũng, và vọng dội vào rừng thành một luồng tín hiệu báo cho lũ chuột rừng biết sắp có món mồi tươi. Chúng rất nhạy bén với những tín hiệu đã quen, chúng đến từng đoàn nhớn nhác quanh quẩn đâu đó, có săn đón chầu chực từ cửa phòng nhà “giáo dục” của trại giam, xuống tới khu nhà chứa xác. Chúng tự do đi lại trong khu vực này, vì không có tù nào dám bén mảng đến gần hàng rào, và chòi canh. Mặc dù tù rất thèm thịt chuột, nhưng đây là vương quốc của chuột, lũ chúng béo mâp và được tự do, no ấm là nhờ sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của bác đảng có hợp đồng tác chiến… ba mũi giáp công…
Đó là địa danh phía bên trong khu phân trại E. Còn bên ngoài, ở ngay đỉnh dốc dựng đứng phía cổng tiền của trại giam, có một mặt bằng rộng chừng hơn một mẫu ta, là dẫy nhà cán bộ công an võ trang, như một thành lũy ngăn trước khe thung lũng.
Cán bộ công an võ trang, nhiệm vụ của họ ở đây có phần giản dị. Đảng chỉ cần họ có hai điều: Tin tưởng và phục tùng, ngược lại họ đối với tù nhân cũng vô cùng giản dị. Họ coi tù như những con vật kém tiến bộ, nên cũng chỉ cần hiểu biết vài ba từ ngữ đơn sơ, và chỉ có bổn phận nói một số câu cần thiết, cho nên ngôn ngữ, hành động, đều xa lạ với thế giới ngoài đời.
Hàng ngày họ trao đổi với nhau, cũng như nghe chỉ thị của cán bộ, bắt buộc tư tưởng và ngôn ngữ phải được cụ thể hóa trong bảng nội quy của trại gồm trên dưới hai trăm chữ, trong đó có bốn tiêu chuẩn cải tạo, và ngót chục điều lệ tựa như khuôn mẫu đúc, được ngắm nghía, và cắt gọt bằng cùm xích, đòn vọt thường xuyên, nên lúc nào cũng có vẻ đúng kích thước.
Vì thế, đầu óc không cần dùng đến nữa, sẽ bị tê liệt. Nhưng chính những phần mãnh liệt, tinh tế nhất của đời sống, lại bị chôn chặt nơi đây và tất cả ước mơ, tất cả những ý tưởng tốt đẹp bị xóa trong khu rừng già hoang dã này!
Rừng, chỉ nói đến rừng, đã khiến người ta sợ phát khiếp. Rừng ở đây, không phải chỉ là gỗ, những bãi mây, song, cọ, gồi những con thú như gấu, hổ, báo, rắn độc, lợn lòi… Những con sinh ra ở chốn rừng già, có những con thú dữ tợn, có nanh vuốt sắc có thể xé vụn người ra từng mảnh, nhai ngấu nghiến trong cơn đói cồn cào của chúng. Những con thú say mồi dữ tợn đó, đối với tù tất cả đều không đáng sợ, chúng không còn là nỗi nguy hiểm của họ nữa, họ không sợ những con thú dữ tấn công, mà là những con thú khác kia. Đó là loại thú biết nói tiếng người. Những con thú này trong bao nhiêu năm dài đằng đẵng, loài người chưa nghe tiếng chúng nói, chưa thấy việc chúng làm, hình dáng nó ra sao? Chúng nó mặc áo ka-ki vàng, mang giầy vải Tầu và mũ cối, được huấn luyện kỹ lưỡng và hướng dẫn điều khiển từ trung ương đảng. Không ai ngoài thế giới được nhìn tận mắt những con thú này. Người ta chỉ bình luận về sự “giản dị”, đức khiêm nhường của một ông thánh sống Hồ chí Minh. Mà không ai ngờ, cái ông thánh giả dị, khiêm nhường ấy lại là tác giả của những con quái vật có đủ khả năng quản trị hàng triệu nạn nhân trong các thung lũng, khăp vùng rừng núi Băc bộ. Những nạn nhân có thân hình gầy guộc, xấu xí, méo mó dị dạng,họ sống im lặng trong các thung lũng, mà phần nhiều những nạn nhân khốn khổ ở đây đều mất trí khôn. Bởi họ bị hành hạ tàn nhẫn hơn bất cứ ở đâu.
Trại tù cộng sản là một thế giới lạnh tanh bưng kín, với sự trừng phạt tàn khốc, cực kỳ man rợ, mà con người không có sự che chở, hoàn toàn không có sự che chở, và sự thương hại ở bất cứ đâu cũng không thể đến được. Chỉ có sự câu thúc hoàn toàn tai hại. Đói, rét và tra tấn tàn bạo không ngừng lại, hàng triệu nạn nhân trong các trai tập trung Bắc Việt đã phải chịu đựng mọi khổ nhục hình man rợ nhất trong lịch sử Đông, Tây, kim cổ của nhân loại. Bởi nguyên bản chất “chuyên chính vô sản” cũng đã tàn bạo, phi nhân rồi, nó lại ở một xứ nghèo nàn, lạc hậu, có thừa tính hung bạo. Nó lại được tôi luyện kỹ lưỡng trong các lò căm thù ở các trại tù thực dân đế quốc. Bởi một lẽ nữa, là hết thẩy các tay  tranh đấu chính trị của đảng cộng sản đều ở tù, từ Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan, Bùi Công Trừng, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng vv… Đều trải qua các nhà tù Côn Lôn, Lai Châu, Hà Giang v.v… Nên họ có quá nhiều kinh nghiệm để trừng phạt, và hành hạ những kẻ bị coi là kẻ thù của họ. Cũng không có chi phải ngạc nhiên về những nỗi khổ đau, những câu chuyện đầy máu và nước mắt, đã gây ấn tượng kinh khiếp hãi hùng cho những  nạn nhân còn sống sót trong các trại tù Bắc Việt. Khi biết rằng những tay tổ chức hệ thống trai giam, đã rất sành sỏi mọi ngã ngách, những yếu huyệt của con người, và hội đủ các mánh lới, cắt đặt, dò xét, rình rập, tra tấn mà họ đã trải qua, để hoàn chỉnh sự đau khổ của kẻ khác.
Ngày ấy, vào một buổi chiều cuối Hạ, năm 1956, tốp tù chúng tôi bẩy mươi người, chuyển từ trại Xuân Giang đến trại này. Tôi cùng với ba tù nhân khác được phân bổ vào buồng D, trong buồng giam số tù cũ, cả Việt lẫn Lào, khoảng trên một trăm, theo nguyên tắc. Tù mới được nghỉ một ngày để học tập nội quy của trại, dưới sự hướng dẫn của cán bộ “giáo dục”. Chúng tôi hoàn tất thủ tục đó một cách rất êm xuôi.
Rồi khi cơm chiều vừa xong, nghe hồi kẻng đổ ròn rã, như thúc dục tù chuẩn bị xếp hàng điểm danh, chợt tôi nhận thấy cảnh vệ và hai tù nhân trong Ban trật tự của trại, nhưng họ bên hình sự, lôi kéo xền xệt trên mặt đất, một người gầy nhom, bẩn thỉu, tanh tưởi, vào cửa buồng giao cho buồng trưởng.
Người tù bò như con vật bốn chân, quần để tuột xuống hẳn ống cẳng chân, làm cả khoảng bụng, đít trần truồng, manh áo nhuộm máu đã khô, che không kín lưng, phía dưới để hở rõ bộ xương sườn xám đét khô, đầu trơ sọ trắng loát xuống tận cổ, hai tai bị cắt cụt, đôi mắt trũng sâu như lỗ đáo, dòi bọ bò lêu nghêu khắp thân thể. Tự nhiên một cảm giác ớn lạnh luồn vào cơ thể chạy suốt đến chân. Tôi rùng mình lo sợ, pha lẫn sự xúc động, mặc dù trái tim tôi không dễ dàng xúc động trước cuộc đời vốn ngắn ngủi mong manh, đã quá quen với nhiều biến động hãi hùng.
Tôi nhìn người tù, không còn ra hình dáng con người nữa, nó méo mó biến dạng một cách khủng khiếp!
Người tù cố gắng ra hiệu bằng hai bàn tay, khều khào, vụng về khó nhọc… Nhưng thật lạ, người tù tỏ vẻ bình thản, tưởng như không có chuyện đau đớn thể xác, không rên xiết, hoàn toàn không, và dường như ông cảm giác được hết mọi chuyện… có cái gì mang vẻ huyền bí, phải chăng có một niềm tin tuyệt vời nào đó trong ông? Rồi những ngày sống tiếp, cũng không nghe thấy một tiếng rên xiết, tuyệt nhiên không. Người tù lẳng lặng ngồi như hành giả thiền. Tôi lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi một ngưòi bạn tù cũ, tôi phải nhắm một người già, mong tránh những tai ương trong lối sống của tù, thường có những cạm bẫy bất ngờ chụp xuống, dễ mất mạng như chơi.
Người tù già, dường như không còn đủ hơi sức để thuật lại những gì đã xẩy ra…
Hai bàn tay lão run run, víu chặt vào kẽ hở của sàn tre, rồi lại buông ra, ôm lấy mặt, im lặng một lúc lâu, lại buông ra, víu vào sàn tre. Lão nhìn tôi, năm phút qua, mười phút qua, mà im lặng vẫn hoàn toàn im  lặng. Cứ thế mãi lặng đi, lão mới bắt đầu bằng một giọng thều thào như nghẹt ở cuống họng. Lão nói được một câu dừng lại khá lâu, thành thử câu chuyện lão kể bị đứt đoạn và những câu nghe được cũng khó hiểu.
“Sư khừ khừ…bị a…khừ khừ…a…kỷ luật a…vì a..khừ khừ…nghỉ ngày a…khừ khừ…a Phật Đản a…Rồi a…khừ khừ…Ban giám thị a…khừ khừ…a…cắt tai…khừ khừ a…sư…bằng mảnh trai a…khừ khừ…dùi nung đỏ a…khừ khừ…sư…a sư …”
Câu chuyện lão kể kéo dài, nguy hiểm, mà chẳng đi đến đâu! Nhưng làm tôi suy ngẫm nhiều đêm về nhà sư, phải chăng có một sự thiêng liêng màu nhiệm nào đó tiềm tàng ngấm ngầm trong cơ thể tàn tạ, rách nát kia? Và ở bộ xương biết cử động ấy, dường như có một ánh sáng, toát ra một phong độ kiên hùng, vững trãi.
Rồi tự dưng như có gì mách bảo trong tâm trí, đang sôi động, và nỗi đau củng cố thêm tinh thần. Tôi đến gần nhà sư, ngắm nhìn. Những vết rạch ngang dọc trên đầu, trên mặt, cổ và ngực. Tất cả hiện ra một thế giới xấu, một sự man rợ, tàn bạo mà con người đang phải chịu đựng ở cõi đời ô trọc này.
Nhưng tôi tự hỏi: Điều gì đã xẩy ra trong tâm hồn nhà sư? Trước đòn thù giai cấp khủng khiếp mà tuyệt nhiên không để lộ nỗi sợ hãi, không kêu la rên xiết, cũng chẳng mang vẻ hận thù giận giữ, con mắt sâu vẫn trong suốt, như ánh thép rọi phóng vào đêm tối lạnh lẽo của rừng sâu, đạp lên bất nhân và tàn bạo, tưới mát cho hận thù. Nâng con Ngưòi lên cao đẹp và thanh sạch. Dù tai sư không còn nghe rõ, miệng không còn tụng kinh, niệm Phật, thân thể không còn nguyên vẹn như xưa, bị lột cả áo Cà-sa, con người trần trụi. Nhưng dòng nối tiếp tâm linh không gián đoạn. Tâm đang hưóng về cõi vô biên, nơi phát ánh sáng rực rỡ ngàn đời. Tâm không trói cột oán thù, tâm vẫn bình thản vẳng lặng xả bỏ mọi sầu hận, dứt phiền não, vượt qua bể trầm luân đầy nhớp nhúa, nhập Niêt Bàn vĩnh cửu.
Phải chăng máu trong sạch, lòng từ tâm nâng đỡ, phải chăng hạt châu hiền nơi thánh thiện, đưa hương linh nhẹ nhàng siêu thoát, trong đêm giá lạnh nhuộm màu đen, vẻ bình thản lãnh đạm mà vẫn tàng ẩn những ngọn lửa ngầm trong lòng người tù, cùng với niềm xúc động vượt ra ngoài những kẻ cầm giữ nó.
Bỗng trong đêm tối mênh mông, lòng bất chợt thổn thức. Tôi đốt nén hương trong tâm linh, khởi vọng về miền quê mẹ, nơi chôn dấu những niềm đau, nơi có những ngôi chùa bị tàn phá. Để dựng lên những nhà tù, để nuôi những căm thù, để những tên cướp thạo vạch mặt chủ nhà tố tội. Bao nhiêu năm tháng rồi, tôi tưởng không còn gì nữa, bởi tiếng chuông chùa làng quê đã tắt hẳn, chỉ còn tiếng súng nổ vào đau khổ, tiếng hò hét chiến đấu, tiếng băm vằm bốp chát trên sọ người của đoàn quân du kích, và tiếng tuyệt vọng tràn ngập trong lạnh lẽo của xích xiềng dai dẳng, âm ỉ mãi, không còn những làng mạc yên tĩnh, và những bãi xanh mền dịu, những con suối chầm chậm chảy, không còn những địa danh, chỉ còn những tên của những nấm mồ cỏ mọc hoang dã. Nhưng vào lúc này, ở trong rừng sâu, núi cao ngất trời, dưới thung lũng có sương mù, quanh năm nô nức xây thành bao phủ. Bên cạnh xác nhà sư già có xích xiềng thường trực.Tôi tự hỏi: Vì sao lòng người ôm ấp mãi? Phải chăng chỉ có sự nhân từ, thánh thiện mới để lại lòng người vĩnh cửu. Rồi lòng thức tỉnh sự nhiệm màu của niềm tin tôn giáo, cùng với lòng hoài cảm nhà sư già, mà chẳng biết tông tích của Ngài ở đâu, mãi sau này tôi mới biết: Sư là TT tọa Tuệ Ninh, quê Thiện Hóa, thuộc xứ Thanh, ngài xuất gia đấu cửa Phật tuổi mười lăm, với thiền sư Trí Hải, Tố Liên và Thái Hòa, trụ trì tại chùa Thiên Phúc, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh lập chùa từ triều Lý ở tỉnh Sơn Tây, bên dòng sông Đáy. Nơi ngót ngàn năm nghi ngút khói hương thờ, nơi trần gian muôn kiếp ghi nỗi nhớ, nơi cánh cửa tâm linh rộng mở, nơi trăng sáng như bạc, trăng dát vàng xung quanh. Trời mênh mông cao vời vợi. Chùa lồng trong bóng cây cổ thụ, xen lẫn cánh quỳnh mỏng manh và mềm mại, nhị vàng thoảng hương thanh khiết, tắm trong ánh bạc. Đêm tĩnh mịch, tiếng mõ gõ đều đều. Khi trời sáng, chim hót và hoa nở, quanh chùa, quanh cốc, quanh am.
“Bánh xe Phật pháp xoay vần trên khắp quốc độ Việt Nam hơn hai ngàn năm. Nhân tâm, phong hóa, chính trị, văn hóa trong nước đều chịu ảnh hưởng rất sâu đậm tư tưởng Phật Giáo. Tăng, Ni, Phật tử từ Bắc vào Nam một lòng quy ngưỡng Đức Phật Thích Ca Màu Ni. Mặc dù khi hưng thịnh, lúc suy vi, song bánh xe chính pháp vẫn không ngừng xoay vần trên dải đất hình chữ S. Nhưng từ sau hiệp định Geneve năm 1954, bánh xe Phật pháp đã ngừng xoay từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, nơi có một truyền thống lâu dài hơn ở miền Trung và miền Nam. Bao nhiêu vị Bồ tát độ sinh ở đây, bao nhiêu vị danh tăng đã quy tụ trên mảnh đất này, bao nhiêu di sản văn hóa trên đất này? Bao nhiêu cuộc tranh đấu giành độc lập cho dân tộc cũng đều diễn ra trên đất này.
Thế mà dưới chế độ Hồ chí Minh, chỉ trong thời gian ngắn. Phật giáo đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước phân đôi. Khi chính phủ kháng chiến do Hồ chí Minh lãnh đạo về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Việc đầu tiên họ làm là giải giới hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt. Các thiền sư Trí Hải, Tố Liên, Vĩnh Tường, Tuệ Đăng v.v… và nhiều vị cột trụ của Phật Giáo miền Bắc bị đưa về địa phương quản thúc, hoạt đi cải tạo. Tại chùa Quán Sứ ở thủ đô Hà Nội, các vị chư tăng bị trục xuất về địa phương, hoặc bị bắt. Những cơ sở như Phật học đường Quán Sứ, trường trung học Khuông Việt, trường trung học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Đuốc Tuệ, Tạp chí Bồ Đề, tạp chí Phương Tiện, Cô Nhi Viện Phật Giáo Việt Nam…lập tức bị tịch thu, từ thủ đô Hà Nội đến khắp các làng bản toàn miền Bắc. Tất cả tài sản ruộng đất của nhà chùa bị tịch thu (họ ép chư tăng phải tự làm đơn hiến dâng cho nhà nước) Giáo Hội không còn tài sản nào để làm cơ sở hành đạo, sư tăng bị buộc phải hoàn tục hoặc đi tù. Chùa chiền ở nông thôn miền Bắc hoàn toàn bị phá hủy. Nhiều cuộc tuyệt thưc đã diễn ra, nhưng bị bưng bít. Thiền sư Vĩnh Trung, Trì chùa Thần Quang ở Hà Nội, ngưòi đã thực hiện pho tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam đã tự thiêu tại chùa Nghĩa Xá Hà Nội để phản đối, nhưng trong bức màn sắt không gây được tiếng vang nào. Tuệ Đăng và nhiều vị tăng đã chết trong các trại cải tạo. Tuy vậy, còn cần tô điểm cho bộ  mặt xã hội để gây thêm thiện cảm với thế giới hòng tuyên truyền, tranh thủ dư luận quốc tế, và lừa dối đồng bào miền Nam, Hồ Chí Minh vẫn để một vài vị như Thích Trí Độ làm bình phong với mác Đại biểu quốc hội, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một danh tăng khác vẫn mang danh Đại biểu quốc hội là Thích Mật Thể, trong khi bị quản thúc ở một làng hẻo lánh tỉnh Nghệ An, và cuối cùng là cái chết đầy bí ẩn ở tuổi 49, Ngài là một vị danh sư nổi tiếng tham gia kháng chiến. Một khuôn mặt cư sĩ vĩ đại khác là bác sĩ Lê Đình Thám, tuy là cư sĩ, nhưng ông là thày của nhiều vị hòa thượng như Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Thủ v.v… Ông tham gia kháng chiến rồi ra Bắc, bị quản thúc ở ngoại thành Hà Nội cho đến chết.
Ngày cứ qua đi, tháng cứ qua đi, năm cứ qua đi. Vận nước thịnh suy trải qua bao triều đại, đến thời kỳ Pháp thuộc trăm năm, chùa vẫn nguyên vẹn trong bao nhiêu thế kỷ. Bỗng hỡi ôi! Mây đen kéo đến đen kịt bầu trời. Cách mạng tràn về, tất cả chư tăng buộc phải hoàn tục, hoặc đi tù.
Cách mạng năm 1954, sư Tuệ Minh tham gia phong trào Phật Tử Yêu Nước, theo truyền thống của tiền nhân, hòa nhập với tâm hồn dân tộc. Ngài trong Đoàn Đại Biểu tỉnh Sơn Tây, tham dự buổi lễ mừng ngày tuyên ngôn độc lập ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945.
Ngày ấy, sư mang ý niệm tôn kính cụ Hồ như bậc vĩ nhân yêu mến loài người, khi cụ nói:
Mọi người đều được “bình đẳng” trong đó có quyền được hưởng tự do, quyền tín ngưỡng và dĩ nhiên là không sót một thứ quyền nào cả.
Với lời lẽ trịnh trọng như một Washington , cụ hỏi:
Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
Tất cả xúc động đồng thanh:
Thưa cụ, rõ:
Nhưng lời hứa chỉ là lời hứa.
Còn phải có thời gian… Rồi thời gian trôi đi mười năm sau. Đốt kinh, phá chùa vẫn ông cụ ấy, thằng trọ trẹ ấy! Bá ngọ thằng cuội xứ Nghệ.
---------------------------------------
Ghi Chú:
(1) cộng sản huy động thanh Niên Sung phong 6 tinh và cả tù làm đường Hà Giang,Đồng Văn từ năm 1959 đến năm 1965 mới xong,thời kỳ tôi đến trại phải đi bộ một ngày nhớ có roi mây và  súng của lính cụ Hồ, mới đến đích).

Ghi chú: Truyện ngắn  “Sự tàng bí của rừng già” nay là “Cổng Trời” đã in trong “Địa Ngục Sình Lầy” xuất bản năm 1990

-------------------------------------

Trại Giam Cổng Trời

Trại Giam Cổng Trời
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-28
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-28
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-28
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-28
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-27
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-27
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-27
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-26
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -  2010-12-25
Mặc Lâm, biên tập viên RFA  -   2010-12-24
.
.
.
.

No comments: