Tuesday, January 18, 2011

TÔI TRỞ THÀNH CÔNG DÂN MỸ (Ngọc Lan - Người Việt)

Ngọc Lan/Người Việt (ghi)
Monday, January 17, 2011

Tôi trở thành công dân Mỹ vào một ngày gần cuối năm 2010, sau 5 năm đặt chân đến mảnh đất này.

Niềm vui của hai người bạn sang Mỹ cùng thời điểm, học cùng trường, và trở thành công dân Mỹ cùng một ngày. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tôi không biết diễn tả như thế nào cảm xúc của mình khi lần đầu tiên được đặt tay lên ngực một cách “hợp pháp” để nghe bài quốc ca Hoa Kỳ. Xúc động? Vui mừng? Hay một sự pha trộn nhiều xúc cảm?
Tôi chỉ biết khi đó, mắt tôi cay.
5 năm ở Mỹ, thời gian tưởng chừng như rất lâu, nhưng lại có lúc thoáng qua như gió.
Tôi nhìn lại hành trình trở thành một công dân Mỹ của mình với lòng biết ơn những điều mà tôi đã có được, may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những câu chuyện đời mà tôi đã nghe, đã biết.

***
Tôi nhớ ngày đầu đặt chân đến Mỹ, một ngày hè tháng 7 của năm 2005, bỏ lại phía sau một công việc ổn định, một ngôi nhà ghi dấu tiếng khóc chào đời của hai đứa con tôi, một xóm nhỏ lanh canh tiếng dọn hàng rong những sớm tinh mai, một con đường luôn kẹt đặc xe giờ cao điểm, và lầy lội nước mỗi khi trời trút mưa.
Và hơn hết, tôi chấp nhận bỏ lại phía sau những kỷ niệm chất ngất suốt cả ba mươi năm trời, những con đường, những ngôi trường, những thầy cô, bè bạn, và cả những lứa học trò đã khiến tôi cảm thấy cuộc đời không có nhiều chuyện phải ưu phiền.
Tôi đến Mỹ, lập tức trở thành một thường trú nhân của thành phố Westmister, ngay tại Little Saigon khi những hàng dương, những hàng đào vừa được trồng xuống dọc theo con đường Bolsa.
Ba tôi đã cầm máy ảnh, chụp cả gia đình tôi cho biết ngày chúng tôi đến. Hàng dương này bao nhiêu tuổi, là chúng tôi đã ở Mỹ được bấy nhiêu năm.

Nhìn tấm bằng quốc tịch Mỹ, nhìn lại hành trình trở thành một công dân Mỹ để cảm thấy biết ơn những điều đã có được trên mảnh đất tự do này. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chị dâu chở chúng tôi đi làm những giấy tờ cần thiết ban đầu cho một gia đình di dân. “Quan trọng nhất là phải xin cho được cái medicare và food tamps,” những người thân trong gia đình nhắc nhở.
Từ một đời sống trung lưu, bỗng trở thành một người nghèo đến mức phải xin trợ cấp thực phẩm. Vui vì mình được cho free tất cả, nhưng tự trong sâu thẳm, một cái gì đó nghẹn ứ.

***
Ba tuần sau khi đến Mỹ, tôi tìm được công việc làm tại một công ty điện thoại viễn liên. Tình cảm của tôi đối với những người xa lạ nơi đây có lẽ xuất phát từ thời điểm này. Những người tôi không hề biết mặt, chỉ nghe qua giọng nói, nhưng đã cho tôi cảm giác ấm áp và thân thiện buổi đầu.
Tôi nhớ cặp vợ chồng một bác người Việt đã 80 tuổi ở New York mà do trí nhớ kém tôi đã quên tên. Ngày đầu chập chững đi làm, tôi cứ bị trục trặc hoài chuyện “verify” cuộc đàm thoại. Vậy mà họ không bực bội, cố gắng giúp tôi làm đi làm lại. Sau cùng là một lời chúc “thành công trên đất Mỹ.”
Tôi nhớ tôi đã có một người khách đặc biệt từ một tiểu bang xa. Ðó là một cô gái, độ chừng trạc tuổi tôi. Cô nói cô không muốn vào đường đây diện thoại đường dài nhưng lại “năn nỉ,” “Chị nói chuyện thêm với em chút nữa được không? Ở đây lâu lắm rồi em không nghe người Việt nói chuyện.”

Hai tháng sau khi làm ở công ty điện thoại, tôi chuyển qua làm full-time cho một trung tâm người già.
Tôi nhớ chị Trinh, cô Ba, chị Thủy, chị Anh, cùng nhiều cô bác nơi đó. Họ là những người đã khuyên tôi nên trở lại tiếp tục chuyện học hành. Ngày tôi nghỉ việc sau gần một năm gắn bó, tôi vẫn nhớ có người nhắn tôi đến để “cho tiền đóng tiền đi học.” Những ân tình đó, lấy gì đánh đổi?
Tình cảm con người đầy ắp, nhưng cuộc sống sao tránh khỏi những đắng cay.
Tôi nhớ lần tôi lùi xe khi chở con đi làm răng, vô tình trúng nhẹ vào cửa chiếc xe đậu trước một văn phòng luật sư. Chiếc xe trầy một ít.
Vợ chồng chủ xe, những người làm trong văn phòng luật đó, khuyên tôi nên theo họ đến tiệm sửa xe quen để làm mới lại vì đó là xe của họ “mượn.” Tôi đi theo.
”$400 tiền công,” người chủ tiệm sửa xe phỏng đoán.
“Trời!” tôi kêu lên thất thanh, “Sao nhiều dữ vậy?”
Chưa hết, tiệm sẽ giữ xe lại khoảng 5 ngày để làm, mỗi ngày tôi phải trả $50 cho vợ chồng kia mướn xe khác.
Tôi về nhà, khóc như chưa bao giờ được khóc. $650 cho một vết trầy bé tí, cái giá phải trả cho một chút bất cẩn của tôi.
Một cái gì vừa nghẹn vừa ức, vừa tủi nhục cứ trào ra theo nước mắt. Ðó là số tiền bằng 2/3 tháng lương tôi đang làm khi đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc, “Tại sao một vết trầy bé tí trên xe phải mất đến 5 ngày để sửa nhỉ?”

Lá cờ Mỹ và thư chúc mừng của Tổng Thống Barack Obama nhân ngày trở thành công dân Hoa Kỳ. Ở Mỹ, hầu hết mọi thứ đều gia công từ những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Riêng lá quốc kỳ Hoa Kỳ mà mọi công dân nhận được trong ngày tuyên thệ là “Made in USA.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

4 năm sau, một người phụ nữ trung niên khi lùi xe trong khu parking đã “hit” vào sau xe tôi. Tôi bước xuống, người phụ nữ xin lỗi, và cho tôi số phone của bà. Trước mắt tôi hiện ra cảnh tôi đền tiền ngày nào. Tôi xé bỏ số điện thoại, và xem như một vết trầy may rủi cho chiếc xe của mình.

***

Rồi tôi đi học nail.
Ðó là ngày tháng tếu nhất trong thời gian 5 năm tôi ở Mỹ. Trường nail là nơi gom góp đủ mọi anh hào, đa phần là người Việt mới sang, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Ðó là nơi những người chân ướt chân ráo tập tành, học hỏi làm quen với nếp sống xứ người.
Tôi nhớ ai đó dặn, “Ở Mỹ, khi ra đường thấy người té xỉu, trượt ngã đừng có mà chạy lại giúp kẻo mang họa vào thân.”
Bài học đó, tôi chứng kiến người ta thực hiện triệt để tại lớp học nail. Một cô lớn tuổi đang học bổng xây xẩm trúng gió, nhiều người dìu cô lên nằm trên chiếc ghế làm facial. Trong lúc một số xúm quanh xem có cần đánh gió, hay gọi cho người nhà, hay gọi cấp cứu, thì nhiều người khác ngồi thản nhiên như không, và khều tai nhau, “nè, đừng có mà dây vô. Không phải chuyện mình.”
Tôi bối rối.
Tôi nhớ lại, khi tôi ra đường xe bị hư, tôi lúng túng chưa biết xoay trở thế nào thì những người đến hỏi giúp đỡ tôi chưa bao giờ là người Việt, dù nơi tôi đang sống được xem là thủ phủ của người Việt.
Khi tôi loay hoay chưa thể nhấc được chiếc va li nặng trịch của mình để lên khoang hành lý phía trên chỗ ngồi trên máy bay, người lên tiếng giúp trước tiên cũng chưa bao giờ là một người đàn ông Châu Á.
Có những ngại ngần gì trong cách ứng xử giao tế của người Việt chăng?

Ðến Mỹ, tôi lại học thêm bài học về văn hóa giao tiếp. Không hỏi tuổi, không hỏi tiền lương, không hỏi tôn giáo,...
Một người bạn vô lớp kể, “Dì mình từ Việt Nam qua chơi, bả cứ hỏi lương làm được bao nhiêu một tháng. Mình nói, ‘dì ơi ở đây không được hỏi lương người ta.’ Một lần, bạn mình tới nhà chơi, cô nàng đó khá đẫy đà. Dì nhìn rồi lên tiếng, ‘Ui, sao lâu ngày gặp lại con mập quá vậy?’ Mình lại nói, ‘dì ơi, dì không được nói người ta mập.’ Vài chuyện tương tự, dì phát sùng, ‘Cái gì cũng không được hỏi, không được nói. Tụi mày bây giờ là dân văn minh rồi, khó khăn quá!’”
Dì bỏ về, mang theo “cái thói học làm dân Mỹ” của bạn tôi về kể đầy cho người nhà nghe.
Tôi cũng bối rối. Tiếp thu và thực hiện những điều như thế nên như thế nào cho đúng lối?
Ðây có phải cái người ta gọi là “sốc văn hóa Mỹ”?

Theo thời gian, có được cái bằng “waxing,” tôi bắt đầu công việc của người thợ “nhổ” và “giũa.”
Có lẽ tôi sinh vào cung “may mắn” nên dù cho có bao lời đồn thổi về sự cạnh tranh khốc liệt nơi tiệm nail, tôi vẫn cảm thấy tôi yêu thích công việc mình làm, và nhận được những tình cảm dễ thương nơi đồng nghiệp.
Tôi vẫn nhớ hoài cách chị Liên chủ tiệm chỉ tôi làm sao sơn móng cho đẹp. Tôi nhớ cảnh cô Nga giả vờ leo lên chiếc ghế spa bên cạnh nói phone nhưng thực ra là đang hướng dẫn đứa thợ mới (là tôi) cách thực hiện từng bước trên chân khách.
Những điều đó, với tôi chẳng bao giờ là điều nhỏ nhặt để có thể quên đi.

***
Hơn 5 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi đặt những bước chân đầu tiên đến Mỹ.

Từ một thường trú nhân, trở thành một công dân Hoa Kỳ, có gì khác lắm không trong tâm tư một con người?
Tôi đã đi qua những ngỡ ngàng, lạ lẫm của một nền văn hóa mới, để giờ đây có thể trở thành một công dân Hoa Kỳ, với đầy đủ bổn phận, trách nhiệm bên cạnh những quyền lợi.
Dẫu biết rằng, cuộc đời phía trước vẫn còn nhiều lắm những điều không quen, vẫn còn nhiều lắm những thứ mới mẻ, để có lúc mình vẫn phải rơi vào kiểu “sốc văn hóa,” nhưng không biết từ lúc nào, nỗi nhớ cồn cào về một xóm nhỏ lanh canh tiếng dọn hàng rong những sớm tinh mai, một con đường luôn kẹt đặc xe giờ cao điểm, và lầy lội nước mỗi khi trời trút mưa, nỗi nhớ những khuôn mặt thân quen ở Sài Gòn đã nhường chỗ cho nỗi nhớ con đường Bolsa tôi đi về mỗi ngày, nhớ tiếng chim hót bình an những sớm mai bên ngoài cửa, nhớ những nụ cười, những ánh mắt của những người chung quanh, và hơn hết, nhớ một không khí rất riêng của Little Saigon, mỗi khi tôi phải đi xa...

Nhiều người có thói quen hay hỏi, “Nếu được quay lại từ đầu, tôi có đi con đường như mình đã chọn?”

Biết là giả định, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng, tôi cũng lại sẽ chọn con đường như tôi đã chọn, để cảm thấy mình thực sự xúc động khi nghe bài hát “God Bless America “ .
.
.

No comments: