Saturday, January 1, 2011

TỐ HỮU (Phan Thế Hải)

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 10:38 30-12-2010

Thời học trò, Chủ tịch từng mê thơ Tố Hữu. Những Việt Bắc, Hoan hô chiến sỹ Điện biên, Bầm ơi… đều là những bài thơ hay. Đáng chú ý nhất là bài “Mưa rơi”. Bài này được Trần Hoàn phổ nhạc, Anh Thơ hát, nghe hay đến nao lòng:
“Mưa rơi dầm lá cọ
mái tóc em ướt rồi
đôi má em bừng đỏ
muốn hôn quá mà thôi.
Mưa rơi dầm lá cọ
sợ em mình xấu hổ
cầm hai bàn tay nhỏ
xa nhau chẳng muốn rời.”

Người Việt Nam, hầu như ai cũng biết đến Tố Hữu. Đơn giản là, đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều được đọc một vài bài thơ của ông. Thơ ông được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học không chỉ ở cấp phổ thông mà còn ở bậc đại học, chuyên ngành văn chương. Một người tự so sánh mình với Tố Như, trong bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du” ông có viết
“Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”
kể ra thì cũng không hẳn đã là vô lý.

Tuy nhiên, bao nhiêu người yêu thơ ông thì dường như cũng có bấy nhiêu người ghét ông. Thậm chí là thù hận, coi ông như là một tên đồ tể. Ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1958) với tư cách là người thay mặt Tiệc (Party) CS Việt Nam phụ trách văn nghệ. Nhiều ý kiến coi ông là tác giả chính của vụ án văn nghệ-chính trị này. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ đã bị vùi dập không thương tiếc không ngóc đầu lên được cho đến thân tàn ma dại.

Tuy nhiên, vụ này chưa phải là cái hoạ lớn nhất mà ông là tác giả chính. Còn cái hoạ khác là thời kỳ ông làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách giá lương tiền. Đây được coi là thời kỳ đen tối nhất của đất nước. Hàng hoá khan hiếm, lạm phát phi mã, trộm cắp, đĩ điếm nhiều như quân Nguyên. Lạy trời, cũng nhờ có ông xúm tay đẩy đất nước đến tận bùn đen thì Tiệc mới tỉnh ngộ, tiến hành công cuộc đổi mới.

Thằng Quân bạn Chủ tịch thường kể chuyện nguồn gốc của bài thơ “Đi đi em” mà Tố Hữu viết năm 1938. Thực chất câu chuyện của em Phước trong bài thơ là một em bé bị bỏ rơi, sống ăn xin vất vưởng ở chợ, được một gia đình khá giả mang về nuôi cho ăn học rồi trở thành người giúp việc cho chủ.

Khi Tố Hữu hoạt động cách mạng đã đến vận động em, giải thích cho em nguồn gốc của nỗi khổ nhục là do em bị bóc lột, rằng, nhà kia chỉ là người lợi dụng em, cần phải làm cuộc cách mạng lật đổ. Rằng, tất cả bọn nhà giàu đều do bọc lột, đều là kẻ thù của giai cấp vô sản. Từ sự tuyên truyền của Tố Hữu, em đã cãi lại chủ nhà, đòi lật đổ họ và bị chủ đuổi đi.

Và đây là một số câu thơ trong bài ấy:
“Anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm uất hận của lòng ta
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!”

Một bài thơ khác của Tố Hữu cũng được thằng Vinh bạn Chủ tịch hay đọc là bài “Đời đời nhớ ông” Bài này Tố Hữu viết năm 1953 để khóc khi Stalin qua đời. Cứ như những lời lẽ trong bài thơ thì lãnh tụ độc tài của Liên Xô đang là vị cứu tinh không chỉ là của người Nga mà còn của cả Việt Nam và nhân loại. Sau đây là một số câu trong bài đó:
“Sta -lin! Sta-lin!/Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hoà bình trắng trong”

Những câu này vừa điêu lại vừa không thực mà chỉ có kẻ gian nịnh mới có thể nghĩ ra!
“Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!
Hỡi ơi Ông mất, đất trời biết không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu...”
Còn đây là những câu mang nặng bản sắc của một nhà tuyên giáo thời Thiên đường:
“Ơn này, nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác, một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé, trọn đời nhớ Ông"

Một người sùng tín Stalin một cách mê muội như vậy đã từng làm Hiệu trưởng Học viện Chính trị Quốc gia, Trưởng Ban Tuyên huấn TW, Trưởng Ban Khoa giáo TW một thời gian dài. Điều này giải thích tại sao Tiệc ta lại cứ mãi loay hoay trong cái bụi rậm Mạc Lê và theo đó, cả một dân tộc bị nhốt trong cái chuồng mang tên XHCN.
.
.
.

No comments: