Nguyễn Ngọc Già
Chủ Nhật, 09/01/2011
I. Những sự kiện nóng
Sự kiện Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị truy tố theo điểm c khoản 1 điều 88 Luật hình sự đang lên đến cao trào của một kịch bản gần đạt đến nút mở bằng việc Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà nhận lời ủy quyền của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ để mời Đài VoA, Đài RFA, PV. Trâm Oanh, trang báo Dân Luận tham gia vụ án với tư cách "Bên có quyền và nghĩa vụ liên quan" được mổ xẻ phân tích ở nhiều góc độ pháp lý, đạo lý và cả những ứng phó theo nhiều tình huống có thể xảy ra. Câu chuyện thật sự rất nóng trong những ngày qua và hứa hẹn nhiều tình huống mới mà trước đây chưa bao giờ có.
Trong một diễn biến nóng không kém là vụ Ông Christian Marchant, tùy viên chính trị thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bị công an hành hung, cản trở khi ông đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung, Tổng Giáo Phận Huế làm dấy lên một không khí bức xúc của dư luận báo chí và xã hội trong và ngoài nước.
Theo Hãng tin AP thông qua trang BBC, người ta cho biết:
... một quan chức giấu tên ở Washington hé lộ chi tiết mới, là ông Marchant đã bị "đập cánh cửa xe hơi vào chân nhiều lần" trước khi bị chở đi. Tuy nhiên, ông không bị thương và "sẽ sớm hồi phục hoàn toàn".
Trước đó, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói trong một cuộc họp báo đầu năm rằng nhà chức trách đang xem xét "vụ việc liên quan đến hành vi của một viên chức ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ (tại Hà Nội) ở Huế ngày 05/01 vừa qua".
Song song đó, ông Michael Michalak - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết chính phủ Mỹ tại Washington cũng như tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã trao văn bản phản đối Việt Nam về vụ này, hôm thứ năm mùng 6 tháng 1 tại Hà Nội. Trong cuộc họp báo giã từ vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông Michael Michalak cho biết thêm: "Chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối Việt Nam về sự đối xử với một nhà ngoại giao Mỹ thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam".
Sự việc hành hung diễn ra vào hôm thứ tư 05/01/2011, tức chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong lễ khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 66 ở Hà Nội vào chiều thứ Ba 04/01/2011 về một số "nhiệm vụ trọng yếu" của công an, trong đó đi đầu là việc công an phải "làm nòng cốt dẹp bỏ ngay các âm mưu diễn biến hòa bình", "lực lượng công an phải nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ" và "kiên quyết không để xảy ra khủng bố, gây rối, bạo loạn, lật đổ và hình thành các tổ chức đối lập"; sự việc hành hung cũng xảy ra sau 4 hôm kể từ 01/01/2011 thời điểm mà Linh mục Nguyễn Văn Lý phát đi lời kêu gọi đem lại đa đảng dân chủ cho Việt Nam. Quả là ngẫu nhiên(?!)
Không kém phần sôi động bên cạnh các sự kiện trên là Dân biểu Ed Royce hôm mùng 5 tháng 1 giới thiệu dự luận cấm vận dành cho Việt Nam do những vi phạm về nhân quyền với tên gọi Dự luật “Chế tài Nhân quyền Việt Nam”, theo đó dân biểu Ed Royce cho biết:
Dự luật này nhắm vào quan chức chính phủ, công an, hay bất cứ ai tham gia vào việc vi phạm quyền con người đối với những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Cách thức là cấm những người này không được vào Mỹ và cả cấm vận về tài chính. Dự luật này yêu cầu Tổng thống phải đưa ra một danh sách những người vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và họ sẽ bị từ chối vào Mỹ và không được tham gia làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào.
Chúng tôi chuẩn bị vào kỳ họp Quốc hội và chúng tôi chuẩn bị thông qua dự luật này lần nữa tại Quốc hội và đưa ra Thượng viện. Vì dự luật này đã được đưa ra vào hồi cuối năm ngoái khi dân biểu Joseph Cao giới thiệu dự luật lần đầu. Điều đáng chú ý là khi tôi giới thiệu dự luật này thì vào cùng ngày, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bị ngăn cản và tống giam bởi công an Việt Nam. Nguyên nhân là vì ông ta đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý. Cho nên điều mà chúng ta có đó là việc một nhân viên ngoại giao Hoa kỳ bị tấn công trực tiếp trong cùng ngày dự luật được đưa ra. Tôi cho đây là điều quan trọng vì nó nhắc nhở mọi người trên toàn thế giới chú ý đến vấn đề tự do tôn giáo và quyền con người ở Việt Nam.”
Người ta cũng biết, Đại hội ĐCSVN bắt đầu tiến hành vào ngày 11/01/2011 tới đây theo thông lệ bầu ra một Ban chấp hành mới cho ĐCSVN để tiếp tục lèo lái "con thuyền Việt Nam" trong bối cảnh hội nhập WTO.
Chưa hết, theo trang doithoai mà Dân Luận dẫn về vừa mới đây có tựa đề thật tò mò đáng để đọc và nghĩ, với nội dung quả là ngoạn mục, hào hứng của một khí thế chính trị sôi động hơn bao giờ hết trong mấy chục năm qua, khi các nhân vật tên tuổi lẫy lừng như: Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nguyễn Đức Bình, Đồng Sĩ Nguyên... lên tiếng về nhân sự cho Đại hội XI cùng với những suy nghĩ đa chiều, kể cả những ý kiến không đồng thuận và kêu gọi cảnh giác cao độ với những phát biểu của Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gần đây.
II. Thấy gì qua những sự kiện nóng nêu trên?
Một không khí chính trị quả là khẩn trương, nóng sốt như thế này mang lại cho người dân trong và ngoài nước luồng sinh khí đầy nhiệt huyết và hào hứng theo hướng dân chủ đang phát triển thuận lợi hơn bao giờ hết để thay cho những phân tích dường như bi quan, yếm thế dù vô tình hay hữu ý để kéo người dân đi ngược lại nhằm phô bày hình ảnh phong trào dân chủ thoái trào chỉ tập hợp toàn "những kẻ non nớt, háo danh, hám lợi, hợm hĩnh" để "ảo tưởng ngồi mơ" về một ngày tươi sáng cho đất nước Việt Nam. Thật tiếc khi cũng chính bầu không khí này lại làm cho nhiều kẻ thất vọng không kém và cố tìm mọi cách để lý giải "ngược, xuôi, ngang, dọc" trong mớ hỗn độn "đầu cua tai nheo" như hình ảnh chú hề lùng nhùng trong bộ quần áo thùng thình khó xoay trở và té dập đầu trên sân khấu khi vấp phải chính cái thứ mà chúng khoác trên người!
Kèm theo đó, khó thể chối cãi một tâm thức rõ ràng mười mươi như mặt trời mọc, và ngày càng thuyết phục nhân dân Việt Nam, đó là tâm thức hoang mang lộ rõ từ phía ĐCSVN. Đi kèm với hoang mang là lo sợ, "bóng ma diễn biến hòa bình" đã không còn "nhát" được nhiều người như những ngày đầu khi khái niệm này được nói đến để thay vào đó là một sự rung chuyển rần rật của một "bức tường mục nát" đang rệu rã và sụm dần với những cơn sóng ngầm đang xói mòn ngày một ngày hai của chế độ cai trị bằng bạo lực và lòng tham cá nhân cùng tính ích kỷ cục bộ.
Bây giờ "người ta" lại nói chuyện chỉ trích "chính đồng chí của người ta" mà chẳng nhẹ nhàng gì cho lắm! Đây:
- Đồng chí Nguyễn Văn An muốn đi theo con đường đa nguyên, đa đảng để thực hiện cái gọi là sửa lỗi hệ thống
- Đồng chí Nguyễn Văn An lại chế giễu và muốn bỏ tên của nước ta, Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đề cao thuyết tam quyền phân lập.
- Đồng chí Nguyễn Văn An đã nói một cách lập lờ về "tư hữu" để đòi xóa bỏ chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu. Thực chất đồng chí Nguyễn Văn An muốn chuyển chế độ ta theo chế độ tư bản.
- Đồng chí Nguyễn Văn An cho sai lầm của Vinashin là sai lầm có hệ thống của kinh tế Nhà nước, là sai lầm của chủ nghĩa xã hội, cố ý không hiểu rằng sai lầm của Vinashin là sai lầm của việc không làm đúng các quan điểm xã hội chủ nghĩa trong quản lý kinh tế của đảng hiện nay.
...
Trên thực tế đồng chí Nguyễn Văn An đã từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa
...
Điều này thật khó hiểu trong khi cán bộ, đảng viên rất phẫn uất về tài liệu của đồng chí Nguyễn Văn An
Chưa bao giờ, người dân Việt Nam (trong ít nhất 35 năm qua), thấy "các đồng chí của ta" chỉ trích, khép tội nặng nề và công khai như thế, "người ta" cũng kéo "quý ngài" Đỗ Mười vào "cuộc chiến" để làm hậu thuẫn và bình phong trong "cuộc đánh nhau chí tử về lý tưởng"!
Không chỉ hoang mang mà dường như đúng như từ ngữ mà chế độ Việt Nam hiện tại đang dùng, chúng ta cũng khiêm tốn để xin phép được sử dụng cụm từ "hoang mang cao độ" dành cho ĐCSVN.
Thử ngẫm mà xem, nếu không "hoang mang cao độ", nếu không "lo sợ thật sự" thì tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong Đại hội lần thứ 66 về việc: "lực lượng công an phải nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ"?
Phải chăng "công an nhân dân" trong thời gian qua "đã bị động", "đã bất ngờ", "đã không nắm chắc tình hình"? Có thể lắm! Hơn cả điều đó, công an nhân dân đã chẳng làm gì được ngoài việc quanh quẩn "canh me" hết ông này đến bà nọ; "mời" về cơ quan an ninh để hạch hỏi, quát tháo, đôi co lời ăn tiếng nói như đã hành xử với cô Tạ Phong Tần hay "nhẹ nhàng mời" cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để "thăm hỏi" và "thắc mắc" sao không thấy những việc làm tốt đẹp của công an mà cứ nhăm nhăm vào cái sai, cái xấu của giới công an? Quả là buồn cười! Thử hỏi ai đã tạo ra cái khẩu hiệu vong bản, phi pháp "Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình" để cho những kẻ "phản động" "lợi dụng", "xuyên tạc", "nói xấu", "phỉ báng", "gây hoang mang trong nhân dân" ??? Thêm vào đó, dường như người ta quên béng đi lá thư kêu cứu của bà Dương Thị Tân [người đã từng là vợ của Blogger Điếu Cày - bị bắt lại ngay lập tức sau khi mãn hạn tù vì "tội trốn thuế"(!)] đã gởi khắp nơi về việc bản thân bà và các con bị "công an nhân dân" ngược đãi trong một vụ khám xét nhà của người chưa từng một lần bước chân về ngồi nhà đó trong gần ba năm qua để tìm cái gọi là "tài liệu chống chính quyền"(?!)... và còn bao điều khác về Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Lê Nguyên Sang...
Sự kiện hành hung viên tùy quán Hoa Kỳ là một hành động rất tồi tệ và kém văn hóa của một chính thể cứ luôn nói về việc "Việt Nam muốn làm bạn với thế giới"(!). Người ta thắc mắc vậy sao "công an nhân dân" không cắm chình ình ngay trước Nhà Chung một bảng báo có nội dung đại loại là: "Khu vực cấm tụ tập, lai vãng" hay "ngôi nhà chứa kẻ chống Nhà nước CHXHCNVN" để người dân và cả viên tùy quán Hoa Kỳ biết mà tránh cho xa(?!) tức là sẽ không có cảnh xấu xí xảy ra như vừa qua để Hoa Kỳ phải triệu tập ông Lê Công Phụng phản đối, để báo Thanh niên ngày 07/01/2011 không chạy tít "Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ gây rối trật tự", (mà BBC) trích nguồn tin của báo kể về sự cố xảy ra trên đường Phan Đình Phùng, Huế, rằng:
"một người đàn ông ngoại quốc, tay xách cặp tự xưng là nhân viên ngoại giao tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội quát tháo ầm ĩ bằng cả tiếng Mỹ và tiếng Việt."
"Một nhân viên Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhẹ nhàng khuyên giải nhưng người đàn ông ngoại quốc vẫn hùng hổ nói ông ta là nhân viên ngoại giao có thể đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà không cần phải xin phép. Tiếp đó, ông này còn gạt người nhân viên ngã dúi dụi, sau đó đấm vào mặt một người dân đứng gần đó, xô đẩy cả một số người đang đứng xem..", báo Thanh Niên viết.
(trích từ BBC)
Thật "hổ thẹn" cho ông Tùy viên chính trị của Hoa Kỳ khi gặp một "nhân viên Sở ngoại vụ" "rất văn hóa" để "nhẹ nhàng khuyên giải" mà ông không nghe lại còn "đấm vào mặt người dân"(!) thật không khỏi thắc mắc, "người dân" nào ngu đến mức đứng đó cho ông ta đấm thế nhỉ?!
Thật là "xui tận mạng" cho chính thể này, khi sự việc hành hung cùng với bộ luật chế tài diễn ra cùng ngày mà nếu được thông qua thì: "Dự luật này yêu cầu Tổng thống phải đưa ra một danh sách những người vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và họ sẽ bị từ chối vào Mỹ và không được tham gia làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào".
Hay! Khi người Mỹ tỏ ra thực tế, không để dân Việt Nam "gánh họa lây".
Người ta còn nhớ "vụ án Đại lộ Đông - Tây", một số người đã cố tình dây dưa, lươn lẹo đến nỗi làm cho Nhật Bản nổi giận bằng việc đòi cắt hết mọi viện trợ đầu tư cho đến khi vụ án tham nhũng này được điều tra tận gốc và có hình phạt thích đáng, rồi cuối cùng bằng bản án chung thân dành cho Huỳnh Ngọc Sĩ và ông ta vẫn đang tiếp tục kêu oan(?!)
"Danh bất hư truyền" về cái thói "cà cuống" của CSVN là điều mà ai cũng thấy cho đến khi có những hình phạt động đến "nồi cơm" của họ.
Vậy thì Thượng viện Hoa Kỳ còn chần chờ gì nữa!
Người Việt chúng ta có câu :
"Sống chết mặc bây, tiền thày bỏ túi"
để lên án những loại người sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết vơ vét đầy túi tham cá nhân mà không quan tâm đến sống chết người khác.
Người giỏi tiếng Việt tại Mỹ không thiếu, người gốc Việt làm việc cho Nhà nước Hoa Kỳ cũng không ít, họ sẽ chuyển tải nội dung ý nghĩa này đến lưỡng viện Hoa Kỳ trước một bộ luật hoàn toàn khả thi và thích đáng dành cho ĐCSVN.
Người Mỹ còn chờ gì nữa?
III. Kết
Khởi đầu môt năm mới - 2011 - Tân Mão, quả có nhiều chuyện đáng mừng và vui cho nhân dân Việt Nam, cả những chuyện đáng buồn và lo cho ĐCSVN.
Đảng cộng sản Việt Nam!
"Quay đầu là bờ" trước khi quá muộn!
Nguyễn Ngọc Già
Tham khảo:
.
.
.
No comments:
Post a Comment